KHAI BÚT ĐẦU XUÂN: TÌNH YÊU, HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH

 

5

Mẫu đề tài này phải thai nghén hơn 60 năm cuộc đời, trải qua bao nhiêu biến cố của thời cuộc, gia đình và bản thân hôm nay mới khai bút đầu xuân Ất Tỵ 2025 xem như một tổng kết cuộc đời, để lại cho thế hệ mai hậu có cái nhìn tổng quan về tình yêu, hôn nhân và gia đình. Mong nó có giá trị với mọi người.

Một số khái niệm

Linh khí là gì? Theo tự điển Hán Nôm thì 靈氣 linh khí là khí thiêng ngàn năm tụ lại ở vạn vật. Tiếng Nhật “Reiki” có nghĩa là năng lượng sống của vũ trụ. Linh khí tồn tại trong vạn vật, linh là tràn trề vô bờ bến, khí là năng lượng lưu thông trong vật thể; vật thể càng lâu năm, càng tích tụ nhiều linh khí. Linh khí là một ngôn ngữ học thuật được sử dụng để mô tả sức mạnh và năng lượng dương tích cực tồn tại trong vạn vật, đặc biệt ở loài cây cổ thụ hàng trăm năm. Nó hình thành, tích lũy theo năm tháng, từ quá trình hấp thụ ánh sáng mặt trời và quang hợp để tạo ra oxy cho môi trường xung quanh cây cối.

Trong động vật nói chung, con người nói riêng, giống cái mang thiên chức duy trì sản sinh nòi giống. Cho nên đối với con người, phụ nữ được xem là linh khí của giống nòi. Vì suy cho cùng Phật, Chúa hay thánh Ala cũng được sinh ra từ phụ nữ. Sự thiêng liêng của phụ nữ đáng được trân trọng và ngưỡng mộ không thể chối cãi. Linh khí hấp thụ từ ngoài vào, mang tính hướng nội, thể hiện sự tích cực của âm tính, bao dung, chịu đựng và vị tha ôm trọn và hòa mình vào vũ trụ.

Hãy nhìn lịch sử nước Việt hơn ngàn năm nô lệ giặc Tàu, người Tàu vào xâm chiếm nước ta, họ chủ trương tiệt chủng và đồng hóa giống nòi bằng cách chỉ đàn ông Tàu lấy phụ nữ Việt, và phụ nữ Tàu chỉ được lấy đàn ông Tàu, không được lấy chồng là đàn ông Việt, nhằm thế hệ sau mang họ của người Tàu, không còn tộc họ Việt. Tộc người Kinh không có chữ viết, phải vay chữ Hán để làm phương tiện cho mọi hoạt động xã hội hơn ngàn năm, chúng ta chỉ có chữ viết gọi là chữ Quốc ngữ hiện nay kể từ đầu thế kỷ XVII - cụ thể là khoảng 1618 đến 1625. Nhưng nhờ linh khí của phụ nữ Việt mới giữ được tộc Kinh không bị đồng hóa và tiệt chủng.

Chí khí là gì? Theo tự điển Hán Nôm, 志氣: chí khí là tấm lòng mong muốn sự cao cả và nghị lực mạnh mẽ. Theo tự điển tiếng Việt thì Chí lớn và sự khảng khái, không chịu khuất phục trước sức mạnh hoặc trở ngại. Chí khi đại diện cho sức mạnh tinh thần còn hàm ý cả thể chất. Ở loài người, đàn ông được xem như chí khí. Chí khí từ trong tỏa ra, mang tính hướng ngoại, thể hiện sự tích cực của dương tính, mạnh mẽ bên ngoài, nhưng đầy khí chất bên trong, vị kỷ, chịu đựng kém hơn linh khí.

Tình yêu

“Tình yêu là một tình cảm tự nhiên của con người. Nó có thể là một sự trực cảm từ trái tim đến trái tim; hoặc có khi nó thông qua sự soi sáng của lý trí .Tình cảm đó là mạnh mẽ, thiêng liêng, bất diệt và huyền nhiệm. Nó là cội nguồn, là động lực của tất cả mọi thứ trên trên đời. Và chỉ khi nào bạn nhận ra rằng trên đời này không còn gì quý hơn nó thì đó chính là lúc bạn đã cảm nhận được thế nào là tình yêu” theo Lê Văn Hùng.

Tình yêu, ái tình hay gọi ngắn là tình (Tiếng Anh: love) là một loạt các cảm xúc, trạng thái tâm lý và thái độ khác nhau dao động từ tình cảm cá nhân đến niềm vui sướng. Tình yêu thường là một cảm xúc thu hút mạnh mẽ và nhu cầu muốn được ràng buộc gắn bó, hy sinh, sẻ chia.

Tình yêu cũng được coi là một đức tính đại diện cho lòng tốt, lòng trắc ẩn và tình cảm của con người, như "mối quan tâm trung thành và nhân từ không ích kỷ vì lợi ích của người khác". Tình yêu cũng có thể mô tả các hành động từ bi và tình cảm đối với người khác, bản thân hoặc động vật.

Người Hy Lạp cổ đại xác định bốn hình thức của tình yêu: Quan hệ gần gũi của họ hàng hay người thân (trong tiếng Hy Lạp, storge), tình bạn (philia), ham muốn tình dục và/hoặc cảm xúc lãng mạn (eros), và xúc cảm dành cho các giá trị tôn giáo (agape). Các tác giả hiện đại đã phân biệt các biến thể chi tiết hơn nữa của tình yêu lãng mạn, cá nhân và phi cá nhân. Ở đây chỉ nói tình yêu nam nữ.

Hay nói cách khác, tình yêu là sự rung động và hòa hợp giữa linh khí và chí khí, hướng nội và hướng ngoại, sức mạnh tinh thần và thể chất, âm tính và dương tính hòa hợp với nhau. Nhưng thực tế, tình yêu chỉ có ở tuổi dậy thì đến thời còn đi học, rất mộng mơ, không yêu "vì" cái này, cái kia, mà yêu do linh khí và chí khí gặp nhau, hòa quyện với nhau, say mê không thể thiếu vắng nhau. 

Sóng gió trong tình yêu là thử thách để linh khí và chí khí có đủ phúc phận đến với nhau bền chặt không, chứ không phải vì những điều khác. Cũng có thể nói là sóng gió như phép thử cho linh khí và chí khí có cùng nhau đi hết cuộc đời được không?

Hôn nhân và gia đình

Hôn nhân là kết quả của tình yêu. Có người cho rằng hôn nhân là nấm mồ chôn tình yêu, nhưng như vậy là khiêng cưỡng. 

Khi đã thành vợ chồng tình yêu được nâng lên một cung bậc khác. Ngoài sự đam mê, thu hút và cảm xúc không thể thiếu nhau giữa linh khí và chí khí, thì hôn nhân còn sự ràng buộc trách nhiệm của nhau. Sự ràng buộc ấy thiêng liêng và đáng trân trọng để bước sang một lĩnh vực và giai đoạn khác là Đạo nghĩa vợ chồng, cùng chung nhau xây dựng một mái ấm gia đình, một tế bào của xã hội, hòa nhập cái riêng của gia đình vào cái chung của quốc gia, dân tộc và cả nhân quần.

Trong cuộc sống sau hôn nhân là trách nhiệm với nhau, mọi sóng gió của gia đình chỉ là thử thách để xem giữa linh khí của phụ nữ và chí khí của đàn ông có còn phù hợp nhau không? Còn phù hợp đến cuối đời thì sống nhau đến đầu bạc, răng long. Ngược lại, không phù hợp nhau thì tan đàn xẻ nghé, chứ không phải vì sai lầm của mỗi bên mà đi đến hận thù.

Linh khí luôn bao dung và sức chịu đựng lớn hơn chí khí, vì linh khí thuộc âm nhu và bao la của vạn vật tụ về, trong khi chí khí là sự hun đúc của mỗi cá thể toát ra cương dương từ bên trong, nên hẹp hòi và ít độ lượng hơn linh khí. Cho nên một người nam mà sống nội tâm thì có cả linh khí và chí khí, một người nữ mà cương trực thì cũng vậy, họ là những người đáng được tôn trọng.

Một gia đình tan vỡ không phải là việc xấu của gia đình và cho cả người đàn ông và người phụ nữ, mà là lúc đó linh khí của phụ nữ và chí khí của người đàn ông đó không còn phù hợp nhau nữa. Cả 2 bên đều có lỗi, không ai đúng, ai sai. Lỗi ở đây là linh khí của người phụ nữ và chí khí của người đàn ông không còn phù hợp, dung hòa và hòa quyện với nhau nữa như khi còn trong giai đoạn tình yêu.

Đã là gia đình thì phải biết đoàn kết, thương yêu, chia sẻ và thấu hiểu. Một dòng tộc lớn mạnh là nhờ có những gia đình trong dòng tộc biết đoàn kết, yêu thương, thấu hiểu và chia sẻ để cùng nhau vững tiến.

Chính vì thế tục ngữ Việt có câu: "Nồi nào úp vung nấy!" Chỉ cần nhìn vợ hoặc chồng là hiểu được gia người còn lại và gia đình ấy thuộc đẳng cấp nào trong xã hội.

Đạo đức và đạo nghĩa vợ chồng

Đạo đức là một từ Hán-Việt, được dùng từ xa xưa để chỉ một yếu tố trong tính cách và giá trị của mỗi con người. Là hệ thống các thuần phong mỹ tục, quy tắc về chuẩn mực của cộng đồng và xã hội. Đạo là con đường, đức là tính tốt hoặc những công trạng tạo nên. Khi nói một người có đạo đức là ý nói người đó có sự rèn luyện thực hành các lời răn dạy về đạo đức, sống chuẩn mực và có nét đẹp trong đời sống và tâm hồn. Và người có đạo đức rất biết quan tâm người khác.

Mỗi gia đình dòng tộc có sự giáo dục và văn hóa sống khác nhau, nhưng khi 2 người yêu nhau đến hôn nhân thì hãy bỏ qua sự khác biệt về giáo dục và văn hóa riêng của gia đình và dòng tộc  mình để linh khí của vợ trùng hợp với chí khí của chồng và ngược lại. Ấy mới là một gia đình bền chặt.

Đạo nghĩa vợ chồng là con đường của bổn phận trách nhiệm đúng đắn, hợp lẽ phải có bổn phận thực hiện giữa người với người của 2 người yêu nhau thành đôi vợ chồng sống với nhau. "Đạo vợ nghĩa chồng" là câu tục ngữ nhắc nhở về trách nhiệm và bổn phận làm vợ làm chồng. Vợ chồng cần phải biết yêu thương, tôn trọng, thấu hiểu, cảm thông và chia sẻ với nhau.

Người vợ là linh khí, là hậu phương vững chắc, có bổn phận chăm sóc gia đình, con cái, tôn trọng chồng, sống thủy chung. Người chồng trách nhiệm làm mái ấm gia đình, người bảo vệ, che chở cho vợ con, thủy chungn là tấm gương sáng cho con cái noi theo.

Thực tế Việt Nam

Ở nền văn hóa phương Đông âm tính và hướng nội khác với văn hóa phương Tây dương tính và hướng ngoại nên tình yêu, hôn nhân và gia đình có khác nhau rất rõ. Ở đây chủ về nói văn hóa phương Đông.

Linh khí cổ điển của phương Đông chịu ảnh hưởng của Nho giáo nên sức chịu đựng, cảm thông và bao dung to lớn. Chí khí ở phương Đông được xem là trụ cột chính mà linh khí phải tuân theo. Người phụ nữ ở phương Đông thời ấy bị xem là nô lệ của đàn ông. "Trai năm thê bảy thiếp. Gái chính chuyên một chồng!" mà Nho giáo quy định đã làm phụ nữ phương Đông có nhiều bi kịch. Song theo thời gian người phụ nữ phương Đông được cỡi trói, nhờ vào sự xâm thực của văn hóa phương Tây.

Ngày nay, người phụ nữ phương Đông nói chung, Việt Nam nói riêng có nữ quyền. Họ biết sống cho mình, sẵn sàng bức phá khỏi một gia đình bất hạnh, có nghĩa là khi linh khí của họ không còn đủ sức bao dung và vị tha cho chí khí của người đàn ông hẹp hòi, họ sẵn sàng trở thành Mẹ đơn thân nuôi dạy con cái. Và từ đó, số người phụ nữ cổ điển không còn nhiều ở nơi phố thị kể cả thôn quê. Đạo vợ nghĩa chồng không còn giá trị để níu kéo, chia sẻ, thấu hiểu nhau nữa.

Một gia đình là nơi đó linh khí của phụ nữ thu hút chí khí của đàn ông, và chí khi đàn ông phải tương đồng với linh khí của phụ nữ, như cái gọi là cùng đẳng cấp với nhau mới bền chặt. Có những cặp vợ chồng sống với nhau thời gian dài linh khí của vợ và chí khí của chồng ngày càng cách xa nhau, không hòa hợp được, đẳng cấp không cùng nhau nữa, ắt phải chia tay. Nó như 2 đạo của linh khí và chí khí thành 2 con đường không trùng nhau, mà tách xa nhau hoặc song song không gặp nhau nữa.

Kết

Tất cả đều tương đối, không có đúng sai khi hai linh khí và chí khí của một gia đình tụ và tán, mà là 2 mặt của một vấn đề lớn bao gồm: xã hội học, văn hóa học và giáo dục gia đình. Không có cái đúng, cái sai mà là tính thời đại. Nhưng dù sao, linh khí vẫn là rường cột của gia đình và xã hội, còn chí khí là sức mạnh bên ngoài, mái nhà của gia đình và xã hội. Có như thế một số quốc gia như Việt Nam mới trường tồn và phát triển bên cạnh một đế chế Trung Hoa hung hãn và thâm độc.

Sài Gòn, 0:15' Wed, 29th Jan 2025 nhằm mùng 1 tét Nguyên Đán Ất Tỵ 2025

Đăng nhận xét

0 Nhận xét