Trại giam Chí Hòa nhìn từ vệ tinh. Ảnh: Google maps
Tôi được chuyển đến khám Chí Hòa vào ngày 24/11/2017 cùng với Từ Công Nghĩa cùng vụ án 5 người "âm mưu lật đổ chính quyền" với nhóm trưởng là Lưu Văn Vịnh. Tôi về phòng 22AB còn Nghĩa về phòng 31AB khu tầng 3 khu tử tù Chí Hòa. Sau hơn 2 tháng thì Nghĩa lại bị chuyển trở lại PA92 vì ra tòa thì tòa yêu cầu điều tra lại. Hai chú cháu – tôi và Nghĩa - từ PA92 sang đến Chí Hòa khoảng 8:00 sáng ngày 24/11/2017, nhưng ngồi chờ thủ tục nhập trại mãi đến 13:50 chiều mới vào buồng giam.
Tôi ở nguyên vị phòng 22AB khu tử tù 8 tháng 22 ngày đến ngày 15/8/2018 tôi được chuyển một mình ra trại trung chuyển Bố Lá ở Bình Dương.
Theo các nguồn khác nhau thì thời điểm bắt đầu việc xây dựng nhà ngục Chí Hòa có khác nhau. Có nguồn ghi nhận Khám Chí Hòa bắt đầu năm 1939, lại có nguồn là 1943. Nhưng qua tìm hiểu, tôi thấy năm 1943 là đúng hơn, bởi vì, kiến trúc Chí Hòa theo bản vẽ của Nhật – đồ hình Bác Quái – mà người Nhật vào Việt Nam thay chân Pháp vào năm 1940. Khám Chí Hòa xây dựng và hoàn thành năm 1953 mới bắt đầu hoạt động, như vậy được xây dựng trong 10 năm.
Nói Khám Chí Hòa là một trận đồ bác quái không bao giờ ngoa. Vào đây, nếu bị can không được cai ngục dẫn đi thì ắt sẽ lạc đường. Tôi thuộc lòng nó vì trong 8 tháng 22 ngày ở đây, tôi được cán bộ cho đi khám bệnh khoảng hơn 10 lần, vì tôi bị nha chu khi ở trong bóng tối thiếu ánh sáng mặt trời, phần vì ngày xưa ở ngoài hút thuốc lá nhiều răng hư, phần nữa là đồ ăn từ nhà gửi vào dễ bị lên men khi ở PA92 nóng bức. Ngoài ra, tôi còn được 8 lần ra lồng thăm nuôi để gặp người thân mỗi tháng, mỗi lần 30 phút. Khi chuẩn bị được thăm nuôi lần thứ 9 thì bị chuyển ra trại giam Bố Lá.
Với diện tích 7 hecta, Khám Chí Hòa cao 3 tầng lầu và một tầng trệt, 238 phòng. Trong đó có hai dãy nhà dành cho phạm nhân nữ. Nơi đây từng giam tù chính trị chống lại thực dân Pháp, chống chế độ Việt Nam Cộng Hòa. Ngày nay, nơi này được Công an TP HCM dành cho các bị can trong các vụ án trên địa bàn.
Khám Chí Hòa do một kiến trúc sư người Nhật thiết kế và xây dựng theo thuyết ngũ hành, bát quái được đánh giá là một công trình kiến trúc đặc biệt. Vừa hòa hợp những đặc trưng cơ bản của kiến trúc Pháp: kiên cố, kín đáo, mát mẻ, vừa mang nét huyền bí âm dương ngũ hành của phương Đông.
Khám có hình bát giác với 8 cạnh đều nhau, 8 góc tượng trưng cho 8 quẻ: Càn, Khôn, Chấn, Tốn, Cẩn, Khảm, Đoài, Ly trong Kinh Dịch. Khám có 8 khu giam phạm nhân, xây hình bát giác vuông. Một vài tài liệu nghiên cứu lại cho rằng, Khám Chí Hòa được xây dựng dựa trên bát quái trận đồ của Khổng Minh Gia Cát Lượng thời Tam Quốc. 8 quẻ tương ứng với 8 cửa trận là: Hưu - Sinh - Thương - Đỗ - Cảnh - Tử - Kinh - Khai. Với cửa sinh là cửa nhìn ra đường Lê Văn Duyệt ngày xưa bây giờ là đường Cách Mạng Tháng Tám.
Dân ở khu tử tù AB gọi cửa này cũng là cửa sinh mà cũng là cửa tử khi chuyển trai giam thi hành án hoặc chuyển đi Bố Lá để tử hình bằng thuốc, sau khi chuyển cách tử hình bằng súng sang thuốc theo Nghị định 82/2011/NĐ-CP, Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 27/6/2013. thuốc tiêm để sử dụng cho thi hành án tử hình bao gồm:
Thuốc dùng để gây mê (Sodium thiopental); thuốc dùng để làm liệt hệ thần kinh và cơ bắp (Pancuronium bromide); thuốc dùng để ngừng hoạt động của tim (Potassium chloride).
Mỗi cạnh của bát quái trận đồ là một khu, lưng xây bịt kín ở phía ngoài còn phía trong toàn song sắt to sản xuất từ Pháp mang sang tới 22mm đường kính có khắc dấu tên công ty Pháp trên mỗi thanh thép, tới bây giờ vẫn còn nguyên không hề rỉ theo thời gian. Mỗi khu có 2 cánh giam phải và trái so với cửa đi vào, mỗi cánh chia ra 10 buồng giam hoặc 4 buồng, hoặc 20 buồng rộng 8x16m hay 3,6x3,6m hay 1,8x22m tùy theo khu vực. Chí Hòa chỉ có một cửa vào nên người ta gọi đó là "cửa tử". Qua cửa này là hệ thống đường hầm thiết kế theo cung vị nếu không được hướng dẫn, người đi vào sẽ bị mất phương hướng, giống như lọt vào một mê cung, không thể tự tìm đường ra được.
Giữa Khám Chí Hòa là khoảng sân rộng cũng hình bát giác chia thành 8 khu tam giác nhỏ, với rất nhiều cây, bãi cỏ sạch sẽ và thoáng mát. Ở giữa là một vọng gác cao hơn 20m, trên có bể chứa nước phình to như một cây kiếm cắm thẳng xuống. Đứng tại đây, lính canh có thể dễ dàng quan sát tất cả các phòng giam.
Với kiến trúc trận đồ bát quái của Chí Hòa, phạm nhân khi đã vào đây thì khó mà vượt ngục. Lịch sử cho đến nay chỉ có 3 lần vượt ngục thành công. Trường hợp thứ nhất là các người yêu nước chống Pháp vào thời điểm Nhật đảo chính Pháp năm 1945 nên hay tin và đập phá buồng giam trốn tù, thứ 2 là tướng cướp Điền Khắc Kim vào năm 1972 mà trước 1975 ở miền Nam có tuồng cải lương Tướng cướp Bạch Hải Đường do danh ca Hùng Cường và Ngọc Giàu đóng vai chính, phụ nói về ông và người thứ ba là tử tù khét tiếng Phước "Tám Ngón" năm 1995.
Từ lâu, Khám Chí Hòa đã gắn với những giai thoại kỳ bí. Người ta đồn rằng, vọng gác chính giữa khám chính là thanh kiếm trấn. Những bị can dù có xảo quyệt đến đâu thì khi ở đây mọi thủ đoạn của họ cũng bị thanh kiếm "linh" này hoá giải. Thanh kiếm này chính là "trái tim" của của toà nhà, nếu nó bị nhổ lên thì toàn bộ "trận đồ" sẽ tự vỡ. Nhưng thực sự thanh kiếm này là cái bồn nước trên cao dành cho sinh hoạt toàn khám Chí Hòa, mỗi lần bơm thiếu nước thì cả trại la làng rất vui, nó nằm cạnh phía Tây bệnh viện Chí Hòa dùng cho khám bệnh bị can khoảng hơn 6.000 người. Lúc tôi ở, số bị can tại khám Chí Hòa nằm trong khoảng 3.200 đến 3.600.
Một câu chuyện ly kỳ khác vẫn được người ta truyền miệng là do có nhiều người chết trong Khám Chí Hòa nên âm khí ở đây rất nặng nề. Vì thế, trời thường xuyên làm sấm sét đánh bể một góc để khai một cửa Sanh, cho oán khí được thoát ra, người chết được siêu thoát. Tôi sẽ viết những trải nghiệm kỳ bí của chính mình theo cách của khoa học ở khu tử tù Chí Hòa trong một chương khác.
Từng có thông tin cho rằng, chính quyền Việt Nam Cộng Hòa đã rước một thầy địa lý rất cao tay về nhằm hoá giải một phần "trận đồ" này. Thực tế, một trong 8 nóc nhà của hình bát giác đã được san bằng, phá vỡ tính hoàn hảo của "bát quái", thuận theo thiên ý mở một cửa Sanh cho các linh hồn được bay đi. Trong khi đó, một số nhà khoa học thì cho rằng bên dưới của tòa nhà có thể là mỏ quặng khiến sét hay đánh trúng Khám Chí Hòa.
Trong khuôn viên Khám Chí Hòa còn có một nhà thờ (ngày nay được sử dụng làm Hội trường của Trại) được Pháp xây dựng làm nơi "rửa tội" cho những tù nhân trước khi bị xử tử. Tức không còn việc rửa tội trước khi ra pháp trường hành quyết sau 30/4/1975. Ông Ngô Đình Cẩn được rửa tội ở đây trước khi đem ra trường bắn cũng nằm trong khuôn viên khám Chí Hòa vào ngày 09/5/1964, sau cuộc chính biến 01/11/1963.
Ngoài ra, để giải thoát "âm khí", năm 1954, cai ngục Khám Chí Hòa cho xây bên ngoài "bát quái trận" (nhưng vẫn nằm trong khuôn viên khám) ngôi chùa đặt tượng Phật. Sau này ngôi chùa không còn, bức tượng Phật hiện nằm trên một hồ nước nhỏ bên cạnh bệnh viện Chí Hòa.
Khám có 8 khu để nhốt phạm nhân, xây hình bát giác, gồm các khu: AH, AB, BC, ED, F, I, KG, G. Sẽ viết tiếp phần 2.
Sài Gòn, 11:51' Sunday, 03rd September 2023
0 Nhận xét