Bót Hàng Keo ngày nay tại số 4 Phan Đăng Lưu, quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh đứng nhìn từ ngã ba N' Trang Long sang Phan Đăng Lưu - Hình từ Google Earth
Khu B chỉ có 2 buồng giam B1 và B2. Một buồng dành cho nam và một cho nữ bị can. Thường thì khu này là khu ưu tiên. Buồng giam được ngăn cách với nhà cầu và nhà tắm riêng, có vòi sen, cửa buồng để trống cho ánh sáng và gió luồn vào nên mát mẻ. Khu B cho các loại bị can sau:
1. Bị can về kinh tế lớn là cán bộ nhà nước. Ví dụ như ông Nguyễn Văn Khỏe cựu chủ tịch huyện Hóc Môn, thành phố Hồ Chí Minh bị tạm giam ở buồng B1 trong thời gian còn điều tra, hoặc Phạm Công Danh … lắm tiền nhiều của phải lo lót tiền để ở và đưa tivi vào xem, điện thoại vào gọi…
2. Nữ bị can chính trị có quốc tịch ở các cường quốc tư bản chủ nghĩa. Ví dụ như bà Phan Thị Đào – Angel Phan - ở buồng B2 ngay từ đầu cho đến khi ra tòa và sau đó. Khi tôi bị tạm giam tròn 1 năm thì đến ngày 03/11/2017 được chuyển sang buồng giam B1 ở được 3 tuần trước khi bị chuyển sang khu chung thân tử hình của ngục Chí Hòa, mới biết bà Đào đã ở buồng B2 từ trước. Nam bị can chính trị đưa vào đây như một ân huệ trước khi bị nhục hình như tôi. Sẽ nói rõ ở phần sau.
Khu C, nếu nhìn từ không ảnh thì nó giống như chiếc quan tài dùng để chôn người chết. Nó gồm 3 dãy nhà giam: C1, C2 và C3 nằm song song cách nhau 1 lối đi. C1 và C2 nằm ngoài, C3 nằm giữa, nhưng C3 mái cao hơn vài tấc (1 tấc = 1dm = 10cm). C1 và C2 là những buồng giam lớn khoảng 40 mét vuông (rộng 5m dài 8m). Mỗi dãy C1 và C2 có 4 buồng giam lớn được đánh số chẵn ở đầu tên mỗi buồng là: 2C1, 4C1, 6C1, 8C1 và 2C2, 4C2, 6C2 và 8C2. Vị chi 2 dãy C1 và C2 có 8 buồng giam lớn. Mặc dù buồng giam lớn, nhưng rất nóng, vì mái tôn, không có trần ngăn nhiệt và không được có cửa sổ đối lưu không khí ra vào.
Ngày đầu tiên vào tù tôi ở buồng giam 2C1, bên trái và cạnh khu trực của cai ngục và phòng trực của BS trại giam.
Dãy buồng giam C3 gồm 2 dãy chung vách, đôi lưng lại với nhau, một nhìn đối diện dãy C1, một dãy nhìn đối diện dãy C2. Dãy C3 gồm những buồng giam nhỏ diện tích 2,2m x 1,8m kể cả bồn cầu và sàn nước để tắm, rửa, giặt đồ chiếm 60cm x 1,8m, nhưng có 2 bị can bị nhốt chung, rất nóng và rất chật chội. Tôi được “vinh hạnh” vào buồng giam 17C3 trong một giờ đồng hồ, nên hiểu, sẽ kể sau. Mỗi dãy C3 có 11 buồng giam. Trong đó có 1 buồng kỷ luật cùm bị can vi phạm nội quy, rất bẩn thỉu, đầy phân gián và chuột. Mười buồng còn lại là để giam bị can cần ép cung, không bệnh mạn tính như cao huyết áp, tim mạch … Các buồng giam ở dãy C3 được đánh số lẻ ở đầu tên mỗi buồng, nhưng dãy đối diện với dãy C1 thì gọi là C1, cụ thể: 1C1, 3C1, 5C1 … 21C1. Dãy đối diện với C2 của dãy C3 cũng vậy: 1C2, 3C2, 5C2 … 21C2. Như vậy sẽ không trùng tên buồng, nếu như đánh 1C3 dãy đối diện C1 thì cũng có 1C3 ở dãy đối diện C2 khi đặt tên buồng cho 2 dãy C3 chung lưng với nhau mà khác buồng.
Trước 30/4/1975, mỗi dãy buồng giam C3 có 21 buồng giam, 20 buồng giam ép cung và 1 buồng giam kỷ luật và chỉ giam 1 người với diện tích 90cm x 1,8m. Nhưng sau 30/4/1975, cơ quan an ninh điều tra gộp 2 buồng giam nhỏ ở mỗi dãy thành 1 buồng 1,8m x 2,2m, nhằm giam chung 2 người mỗi buồng để cài cắm ăn ten ở chung với anh em bị can chính trị, để moi thông tin, báo cáo cho cơ quan điều tra.
Người Pháp xây dựng Bót Hàng Keo quả thật là họ đã tính toán về phong thủy rất kỹ. Gió không thể lọt vào, mặc dù ngoài trời gió mưa ào ạt. Cai ngục đi bên ngoài phải mặc áo lạnh, nhưng trong buồng giam lớn phải ở trần, còn buồng giam nhỏ thì không thể tả xiết. Thậm chí các bị can giang hồ cướp giật ở truồng vì quá nóng dù ở buồng lớn. Cái nóng khủng khiếp nó làm mồ hôi cứ tuôn ướt sủng cả chiếc chiếu, mỗi lần nằm nghe người trong buồng giam lăn qua phát ra tiếng kêu nhóp nhép như ai đó nhai thức ăn, vì mồ hôi sủng nước chiếc chiếu đang nằm. Nhưng dù sao, Bót Hàng Keo vẫn được mệnh danh là “Thiên đường” của ngục tạm giam từ những bị can kinh tế đã từng đi những ngục tạm giam từ Bắc vào Nam. Ví dụ như, Phạm Việt Thép là chung nhóm tội kinh tế với Phạm Công Danh ở chung với tôi bảo rằng ở Bót Hàng Keo còn được ăn sáng, mua đồ căn tin giá tốt, không phải bị cai ngục bắt buộc mua thức ăn của gia đình cai ngục làm với giá cắt cổ … Sẽ nói rõ ở phần sau.
Vì Bót Hàng Keo được xây dựng từ năm 1936 và hoàn thành năm 1938, trải qua 78 năm không tu bổ nền móng cho nên nền buồng giam lỗ chỗ và lún, nứt nằm rất đau lưng như nằm trên một mặt đất cứng lồi lõm. Ngay cả đi lại không dép nếu không cẩn thận, những người không lao động chân tay như tôi, có thể bị tróc da gang bàn chân là chuyện đã xảy ra.
Nếu mới nhìn khu C cứ tưởng rằng nó quá sơ sài và đơn giản, dễ dàng liên lạc giữa các buồng giam với nhau, hoặc trốn trại, vì tôi đã nghe một phạm nhân giết người, từng vào tù ra khám, bị bắt vào quận Bình Thạnh gửi sang Bót Hàng Keo bảo rằng, ở đây rất dễ trốn trại, nên chỉ dành cho bị can chính trị hiền hòa, không có ý đồ trốn trại. Nhưng khi vào ở khu C của Bót Hàng Keo khoảng vài hôm tất cả bị can sẽ hiểu rằng như mình bị đưa xuống một huyệt mộ, rồi đậy nắp quan tài, lấp đất, chỉ đưa vào quan tài 5 chiếc ống: một ống để thở, một ống để ăn uống, một ống để tiêu và ống để tiểu tiện, chấm hết.
Ở Bót Hàng Keo chỉ dung để giam giữ bị can chính trị và an ninh quốc gia, nhưng khi tôi bị bắt thì ngục Bình Thạnh đang sửa chữa, hơn nữa, lúc này số bị can chính trị chỉ có tôi, nên cơ quan an ninh điều tra liên kết với công an quận Bình Thạnh để nhận tạm thời những bị can hình sự - mà chúng tôi nói với nhau rằng “đám cặn bã xã hội” - để có thêm thu nhập và cũng có người tù để mà canh gác. Ngoài ra, sử dụng nhóm phạm nhân hình sự để làm ăn ten. Cho nên, trong 1 năm và 3 tuần tôi ở Bót Hàng Keo thì luôn luôn có ở chung với phạm nhân hình sự.
Những phạm nhân hình sự đa phần ở Bót Hàng Keo từ 2 tuần đến 1 tháng là xong hồ sơ điều tra, sau đó, họ được chuyển sang khu BC khám Chí Hòa chờ ngày xét xử. Chỉ có những bị can kinh tế hoặc ma túy đặc biệt lớn thì ở Bót Hàng Keo dài hạn cho đến khi ra tòa, ví dụ như vụ Văn Kính Dương - Trần Ngọc Hiếu hoặc vụ Phạm Công Danh. Ngược lại, những bị can chính trị thì công việc điều tra, chứng minh bằng chứng thường mất cả năm mới đem ra xét xử.
Riêng tôi, đúng 10 tháng mới có kết luận kiểm định của Sở văn hóa thông tin thành phố Hồ Chí Minh, 1 năm và 2 tuần mới có kết luận điều tra, một năm và 20 ngày mới có cáo trạng của Viện giám sát, và bị đem ra xét xử lúc 08h ngày 01/02/2018, nhằm ngày 15 tháng Chạp năm 2018 âm lịch – sau 1 năm và 2 tháng tạm giam, điều tra, kết luận và cáo trạng. Chính quyền Việt cộng xét xử tôi khi mà mọi người lo ăn tết, và họ chỉ thông báo cho gia đình tôi biết vào chiều hôm trước vào lúc 16h ngày 31/01/2018. Hơn nữa, ngay từ đầu tôi và gia đình tôi không muốn bất kỳ ai quan tâm, làm to chuyện của cá nhân tôi. Nên những ai quan tâm đến tôi chỉ biết được kết quả xử án sau khi báo chí đưa tin chuyện đã rồi.
Như vậy, tôi ở ngục Bót Hàng Keo đúng 1 năm và 3 tuần. Trong đó, ở buồng giam 2C1 từ ngày 02/11/2016 đến ngày 08/02/2017 chuyển sang ở buồng giam 6C2, vị chi ở buồng 2C1 trong 3 tháng 6 ngày. Tôi bị giam ở buồng 6C2 từ ngày 08/02/2017 đến ngày 18/10/2017 – 8 tháng 10 ngày. Đến ngày 18/10/2017 tội lại bị chuyển sang buồng 4C1, ở đây được 16 ngày đến ngày 03/11/2017 thì bị chuyển sang buồng 1B. Tôi ở buồng 1B được 21 ngày, từ 03/11/2017 đến ngày 24/11/2017 thì bị chuyển đến Chí Hòa.
06h sáng ngày thứ Sáu, 24/11/2017, nhằm giờ Mão, ngày Ất Mão, tháng Tân Hợi, năm Đinh Dậu, ngày mùng 7 tháng 10 âm lịch, khi tôi đang chuẩn bị ăn sáng thì cai ngục cũng tên Hải, thiếu úy vào thông báo tôi dọn đồ.
Ở trại tạm giam hay trại giam thi hành án khi thông báo dọn đồ bất ngờ là biết
mình sẽ chuyển nơi khác, có thể sướng hơn hoặc khổ hơn là chuyện thường tình, cũng có thể là xong án về nhà. Khi ra ngoài, tôi mới biết mình bị chuyển sang Khám
Chí Hòa để chuẩn bị ra tòa. Hầu như tất cả các buồng giam tôi đã đi qua đều để lại dấu tích của mình.
Sài Gòn, 20:30 Saturday, 02nd September 2023
0 Nhận xét