Đó là năm cuối Y khoa của khóa chúng tôi. Một năm đầy sống động, nhiều sự kiện trong nước và thế giới - năm 1989.
Quốc tế có đại hội quốc tế cộng sản cuối cùng ở Đông Bá Linh, Gorbachev tuyên bố tùy nghi di tản. Đông Âu và Liên Xô bắt đầu sụp đổ. Họ bỏ rơi đàn em cộng sản quốc tế, trong đó có Việt Nam. Từ việc ngoại giao đơn phương chỉ với Liên Xô, Đông Âu, bị Mỹ bao vây cấm vận, Trung Quốc gây chiến tranh phía Bắc, xúi giục Polpot đánh Tây Nam. Trung Quốc có Thiên An Môn đẫm máu. Trước đó, Trung Quốc chiếm Trường Sa của Việt Nam.
Việt Nam tứ bề thọ địch, buộc lòng Việt Nam phải tính phương cách cho riêng mình. Ban giao lại với Mỹ và bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc bằng rút quân Cambodia và Hiệp Định Thành Đô 1990, ngoại gia đa phương dần được áp dụng. Và đàm phán xóa cấm vận với Mỹ.
Nếu Trung Quốc có Thiên An Môn ngày 04/6/1989, thì Việt Nam có cuộc biểu tình suốt ngày đêm 07-09/7/1989 vì vụ chó cắn Hồ Kỳ Hòa 2 ở Sài Gòn.
Trong nước có cuộc nói chuyện của ông Trần Xuân Bách với Đại học Xá Minh Mạng tức Ký Túc Xá 230 Ngô Gia Tự về Perostroika và Democrative của ông Gorbachev. Rồi ông bị quản thúc đến cuối đời.
Về báo chí trong nước còn có báo "Truyền Thống Những Người Kháng Chiến Cũ" của 2 ông Trần Độ và Nguyễn Hộ làm Tổng Biên Tập đưa ra ánh sáng nhiều điều tham nhũng, bất cập mà 59 năm sau 1930 bị giấu kín. Báo ra được 9 kỳ như Nhân Văn Giai Phẩm thời đấu tố văn hóa 195x, rồi chết. Hai ông cuối cùng cũng bị quản thúc đến cuối đời.
Bà Kim Hạnh có những bài báo trên trang nhất Tuổi Trẻ về cụ Hồ, về Bình Nhưỡng. Bà bị mất chức Tổng Biên Tập báo Tuổi Trẻ.
Về văn chương nghệ thuật có sự nổi lên của 2 con người. Điện ảnh có đạo diễn Trần Văn Thủy với "Hà Nội trong mắt ai?" và "Chuyện Tử Tế" ông cũng bị lên bờ xuống ruộng, song cũng giống nhà văn Nguyễn Huy Thiệp với "Tướng Về Hưu", "Kiếm Sắt", "Vàng Lửa"...
Ngày ấy với tôi, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp có một phong thái khác với những nhà văn Việt từ thời Tự Lực Văn Đoàn đến 198x là ông không lý luận, dẫn dắt người đọc kiểu suy diễn tâm lý nhân vật như Nam Cao, Ngô Tất Tố, Nguyên Hồng, Nguyễn Tuân, v.v... mà ông viết tả chân, ai đọc tự hiểu. Người học nhiều hiểu kiểu có kiến thức và suy diễn của họ, người ít học hiểu theo sự thật trần trụi, người có vốn sống hiểu kiểu của người từng trải, v.v... Một phong thái văn chương hiện thực phê phán phương Tây đến đắng lòng.
Chúng tôi đọc "Tướng Về Hưu" trong cái đói thời bao cấp, quằn quại trong suy nghĩ về cái ác đang lên ngôi. Riêng tôi, bắt đầu hút thuốc từ đó, đến bây giờ không bỏ được.
Sau khi ra một loạt tiểu thuyết, truyện ngắn như một hiện tượng sôi nổi trên văn đàng Việt suốt hơn 5 năm, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp im hơi lặng tiếng trở về với việc kinh doanh nhà hàng ăn uống, tôi không nhớ chính xác ông mở nhà hàng gì ở ngoại ô Hà Nội.
Mấy hôm nay nghe tin ông mất ở tuổi 71, nhưng quá bận chưa viết về ông. Với tôi, dấu ấn ông để lại là một dòng văn học hiện thực phê phán kiểu "Viên Mỡ Bò" của Guy De Maupassant của Việt Nam. Đắng nghét như uống Diệp Hạ Châu(cây chó đẻ), quặn thắt như cơn đau bụng do ngộ độc thức ăn, vật vã như người ăn nhầm bã chuột khi đọc văn ông. Rất thực, tàn nhẫn với chính ông và chính đọc giả của ông. Văn ông xơ xác như cái hình hài bụi bặm của nông dân ngàn đời của ông. Không trau chuốt, không khoa trương mỹ miều kiểu văn hàn lâm ủy mỵ, mà khô khốc nham nháp như miếng giấy nhám mà rát như sát muối vào vết thương lòng một cách trần trụi.
Có thể ai đó trách tôi quá khắc khe trong đánh giá, nhưng tóm gọn, dòng văn chương của thời đại này, không tính những nhà văn của thời Việt Nam Cộng Hòa, không tính thế hệ 194x về trước mà được chính quyền công nhận, thì từ năm 1945 đến nay về văn xuôi chỉ có vài người, thế hệ 195x chỉ có ông Nguyễn Huy Thiệp, thế hệ 197x chỉ có Nguyễn Ngọc Tư. Chấm hết! 🌹❤🤔
Hồ Huỳnh Gia Trang, 22:33' Wednesday, 24th March, 2021
0 Nhận xét