CHUYỆN ĐÔNG, CHUYỆN TÂY VÀ CHUYỆN NƯỚC VIỆT

Bài viết trên bshohai.blogspot.com bị quản trị bởi an ninh sau khi tôi bị đi tù, khi phục hồi lại blog này đã không còn. Nay, tìm lại trên google cache.


Đứng trên phương diện triết học Đông phương, trái đất là đại vũ trụ, con người là tiểu vũ trụ. Sự vận động đất trời và con người luôn mật thiết với nhau. Câu chuyện dời đô và đổi tên nước của Miến Điện đã làm thay đổi nhiều điều mới mẻ. Nhìn Đông, Tây và nhìn lại nước Việt để tiên đoán một tương lai là một việc cần làm.

Kinh tế Việt khoảng 5 năm nay đang đi vào thời kỳ suy thoái nặng nề. Chính trị Việt cũng đang trong cơn giông bão. Nhưng gần 2 năm nay trời đất Việt lại bình yên trước những biến động của thiên nhiên. Những cơn bão đến gần bờ đều trở thành áp thấp nhiệt đới và tan biến. Dù chúng có làm mất mác con người và của cải, nhưng có phần nhẹ nhàng hơn cách đây 2 năm trở về trước.

Trên đây những thực tế khách quan chung nhất mà ai cũng thấy một sự biến chuyển ngược chiều giữa nhân định và thiên định. Những gì thiên định đều dự báo trước cho cái nhân định phải đi đến. Dù nhân định hôm nay u ám, nhưng thiên định cho ta thấy một tương lai gần tốt đẹp. Nên hôm nay xin trải lòng với nhân định để nhìn đến cái thiên định tương lai.

Liệu tương lai gần ở nước Việt sẽ có ai đóng vai trò như Thein Sein hoặc Putin hoặc Bạc Hy Lai để có một sự thay da đổi thịt cho nước Việt? Ta hãy cùng nhìn vấn đề bằng tư duy khách quan về ba nhân vật này để soi sáng nước Việt trong thời kỳ mới - thời kỳ mà những dịch chuyển toàn cầu sẽ rất quan trọng đối với nước Việt và khu vực.

--------------------------------

Hãy bắt đầu từ Trung Hoa

Hãy bắt đầu bằng Bạc Hy Lai - người mà chỉ gần đây thôi, Trung Hoa ca ngất trời - nhưng hiện là tội đồ của đảng cộng sản Trung Hoa. Có rất nhiều thông tin xấu về họ Bạc từ Trung Hoa và từ Đông sang Tây. Nhưng có một điều chắc chắn là, hễ đến thời điểm trao quyền lực cho một thế hệ mới thì Trung Hoa luôn có một cuộc thanh trừng phe nhóm.

Thời Mao chuyển sang cho Đặng phải có tứ nhân bang phải vào nhà tù và ra đi trong quang lạnh.

Sau khi Liên Xô sụp đổ, và một Thiên An Môn đẩm máu. Đặng đã xây dựng một tư bản nhà nước đơn nguyên mang màu sắc Trung Hoa để bảo vệ đảng và giai cấp cầm quyền. Thời Đặng chuyển cho thế hệ thứ ba là Giang cũng phải có sự ra đi của Hồ Diệu Bang và Triệu Tử Dương.

Đến thời Giang chuyển quyền lực cho Hồ Cẩm Đào hiện nay cũng có sự ra đi của Trần Hy Đồng. Và bây giờ, sự ra đi của họ Bạc không ngoài thanh trừng cá nhân vì tranh giành quyền lực.

Nhưng đứng trên cái nhìn của duy vật luận thì, tất cả chỉ là hiện tượng, đằng sau những sự kiện ấy là bản chất của vấn đề: để bảo vệ đảng cộng sản Trung Hoa vẫn nắm quyền binh và phục vụ quyền lợi cho tập thể những hoàng tộc đang cầm quyền ở Trung Hoa. Mọi sự nguy hiểm đến với tập thể các hoàng thân quốc thích của đảng cộng sản Trung Hoa đang cầm quyền đều bị tập thể còn lại trùm mền tiêu diệt - Họ Bạc hiện nay không ngoài hậu quả này.

Nhưng với tình hình nguy ngập từ nhiều phía ở cả 3 lĩnh vực: địa lợi, nhân hoà và thiên thời, nên gần đây câu chuyện Trung Hoa đã bắt đầu kêu gọi cải cách chính trị sai lầm, mặc dù với hình thái kinh tế chính trị tư bản nhà nước đã giúp Trung Hoa phát triển thần kỳ bằng cách vặt sức dân và bán tài nguyên môi trường trong 30 năm qua, để thành cường quốc thứ hai về kinh tế thế giới.

------------------------------

Ta thử nhìn sang Nga

Putin lại xuất hiện ở nước Nga trong một hoàn cảnh khác hoàn toàn với bối cảnh lịch sử và văn hoá của Trung Hoa, tuy ông cũng xuất thân từ một đảng viên cộng sản và là cựu nhân viên tình báo KGB. Văn hóa duy lý của phương Tây đã làm xuất hiện một Gorbachev, ông cải tổ với kinh tế, nhưng không đủ khả năng quản lý đã làm thay đổi chính trị Liên Xô.

Bối cảnh lúc ấy ra đời một Elsin để đẩy nền kinh tế nước Nga đến tận đáy. Nhưng với con mắt tinh tường của Elsin đã tìm ra một Putin đủ quyết đoán và thủ đoạn chính trường để gầy dựng một nước Nga trở lại hùng cường. Dù thế giới vẫn cho rằng Putin độc tài, nhưng nước Nga hiện nay đang cần một Putin và đó là giải pháp tốt nhất cho Gấu Nga sau một chấn thương trầm trọng. Và nước Nga hiện nay đang dần đi vào đúng những quy luật xã hội của loài người, khi hình thái chính trị xã hội Nga từ đơn nguyên chuyển sang đa nguyên, và diễn biến của cuộc bầu cử tổng thống tháng 3/2012 vừa qua cho thấy một nước Nga dân chủ hơn, giàu mạnh hơn trong tương lai.

----------------------------------

Bây giờ đến Miến Điện để nhìn sang Việt Nam

Hai cường quốc trên đã từng và hiện vẫn còn một là nước đã đi theo chủ thuyết đơn nguyên dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản. Khác hoàn toàn với Miến Điện và Việt Nam ở lịch sử, văn hóa và tầm vóc. Miến Điện, đất nước từng là thuộc địa của Vương Quốc Anh, được trả độc lập sau chiến tranh thế giới II - 1948. Miến Điện có biên giới chung với Trung Hoa cũng như Việt Nam và Lào. Miến Điện so với Trung Hoa thì nhỏ, song với Việt Nam và Lào thì không nhỏ. Họ đã có một thời gian oai hùng với một lứa trí thức dựng nước hùng cường ở thập niên 1960s và 1970s.

Trong trào lưu giải phóng dân tộc của các nước thuộc địa vào thập niên 1970s, mà đứng đầu là Việt Nam ở khu vực Đông Á. Đông Dương rơi vào tay Trung Hoa qua học thuyết Nixon. Bối cảnh lịch sử buộc Miến Điện phải biết tự bảo vệ mình, chờ thời để phát triển. Trước khi làn sóng cộng sản tràn xuống Đông Dương, tầng lớp tinh hoa bị xem là độc tài quân phiệt Miến Điện đã kịp đổi tên từ Liên Bang Myanmar thành Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Liên Bang Myanmar, nhưng vẫn giữ hình thái chính trị đa nguyên vào năm 1974, để đối phó với sự bành trướng của Trung Hoa.

Sau những biến chuyển của toàn cầu do suy thoái kinh tế 2008, và những dấu hiệu bất ổn trong nội bộ Trung Hoa, cũng như hậu quả của cấm vận đã buộc Miến Điện cần một sự thay đổi. Đã có Than Shwe và Thein Sein. Phải thấy một đóng góp dũng cảm và tiên phong của Than Shwe. Vì nếu không có cái tiên phong cải cách chính trị đa nguyên của ông Than Shwe vào năm 1990, thông qua cuộc bầu cử đa nguyên đầu tiên ở Miến Điện sau 30 năm cai trị độc tài của quân sự, thì không có cải tổ kinh tế chính trị của ông Thein Sein hôm nay.

Chỉ trong vòng 3 năm sau khi được phong làm thủ tướng, ông Thein Sein đã thuyết phục hội đồng an ninh của nhà nước quân phiệt Miến Điện đổi tên nước thành Cộng Hoà Liên Bang Miến Điện. Và chỉ sau 1 năm làm tổng thống kiêm thủ tướng Miến Điện kể từ ngày 03/3/2011 đến nay ông đã biến một nước Miến Điện đa nguyên của người tiền nhiệm Than Shwe từ năm 1990, thay đổi thần kỳ.

Cũng giống như Việt Nam, hơn 20 năm chuyển đổi. Nhưng Miến Điện bắt đầu từ một chuyển đổi chính trị từ độc tài sang đa nguyên, và thả tù chính trị, để đi đến bầu cử đa nguyên có mặt của chính đảng đối lập của bà Aung Kyi. Và đến nay, dưới thời Thein Sein một cuộc chuyển hướng kinh tế và chính trị mạnh mẽ đi đúng quy luật xã hội học của nhân loại. Một Nam Phi kiểu mới ở Châu Á. Một triển vọng ở Đông Á có quá khứ là nơi đã sản sinh ra những, thủ tướng U Nu đưa Miến Điện thành một cường quốc ở Đông Á và U Thant đã là người đầu tiên ngoài phương tây nắm quyền ở Liên Hiệp Quốc suốt 1 thập niên từ 1961 đến 1971.

Ngược lại với Miến Điện, Việt nam cũng bắt đầu con đường đổi mới từ 1990, sau Liên Xô sụp đổ, cũng giống cách mà Đặng cải tổ Trung Hoa, Việt Nam cỡi trói kinh tế để tự cứu đảng, cứu giai cấp cầm quyền. Nhưng con đường đi của Việt Nam thì ngược lại với Miến Điện. Cỡi trói kinh tế trong khi vẫn giữ hình thái chính trị đơn nguyên.

Bộ phim The Lady nói về cuộc đời và sự nghiệp của chính trị gia Aung Kyi thông qua cuộc tình của bà và chồng bà trong vận mệnh thăng trầm của đất nước Miến Điện(Vì phim đầy đủ bị chặn bởi nhà nước Việt Nam, nên tôi phục hồi bằng bản quảng cáo)

Hai mươi hai năm củng cố chính trị vững chắc để cỡi trói kinh tế bắt đầu ở Miến Điện. Cũng ngần ấy thời gian cỡi trói kinh tế để đang sa lầy vào suy thoái và mục ruỗng chính trị của Việt nam đang buộc nền chính trị Việt phải có bộ đôi Than Shwe, Thein Sein và một chính khách như Bà Aung Kyi.

Nhưng đòi hỏi như một Aung Kyi thì nước Việt chưa và khó có thể có một con người ở thế hệ 1940s có đủ tầm học thức có bằng cấp kinh tế chính trị và triết học ở University of Oxford, cũng như xuất thân từ dòng dõi quý tộc, một lòng vì dân vì nước như Bà, đủ tầm để thấy công lao của Than Shwe cải tổ chính trị, nên yêu cầu không truy tố tội tham nhũng, độc tài của ông.

Song, Việt Nam có thể có một bộ đôi Than Shwe và Thein Sein như Miến Điện để nuôi dưỡng những thế hệ trẻ được đào tạo từ phương Tây và Mỹ đang được nuôi dưỡng và ươm mầm trong hệ thống hiện nay, để đưa một nước Việt đi đến hùng cường, đúng quy luật xã hội học.

Tất cả mọi con đường đều đến La Mã. Dù đi ngược dòng chuyển đổi như Miến Điện - chính trị đi trước kinh tế theo sau. Hay đi xuôi dòng như Trung Hoa và Việt Nam, thì kinh tế vẫn là yếu tố quyết định chính trị. và ngược lại chính trị là yếu tố ảnh hưởng làm kềm hãm hoặc thúc đẩy kinh tế. Dù sớm có kinh tế tốt hơn như Trung Hoa và Việt Nam, nhưng sự phát triển vững bền và nhân bản thì chắc chắn Miến Điện sẽ tốt hơn, nếu Trung Hoa và Việt Nam không cải tổ chính trị đúng quy luật xã hội học.

Nếu trong cải tổ chính trị ở Miến Điện có một Than Shwe, thì cải tổ kinh tế ở Việt Nam có một Võ Văn Kiệt. Than Shwe đã tạo ra nền tảng cho Thein Sein hôm nay vững bước. Nhưng bao giờ cũng vậy, chính trị luôn ù lỳ và bảo thủ hơn kinh tế. Mọi cải tổ chính trị luôn đòi hỏi người tiên phong không những có tầm, có lực lượng và cả cái dũng với một sự quyết đoán đúng thời cơ chín mùi.

Một mệnh lệnh thay đổi đã ra đời 22 năm qua và đã được thực tế hoá. Bây giờ là hiện thực hóa vấn đề phải thay đổi một cách đồng bộ và khoa học giữa kinh tế và chính trị. Liệu thời và vận có đưa Việt nam đi đến hùng cường như thiên định thời tiết của nước Việt trong gần 2 năm qua? Câu hỏi này còn chờ ở phía trước vì Việt nam đang cần có một nhân vật có cái dũng của Than Shwe và cái dung và dụng của Thein Sein, mà không thể là Putin do sự khác nhau văn hoá và tầm vóc. Việt Nam lại càng không cần đến một kiểu thanh trừng kiểu Trung Hoa như họ Bạc.

Vậy một Than Shwe của Việt Nam sẽ là ai, để có một Việt Nam có được thiên thời, địa lợi và nhân hòa? Thiên thời mưa thuận gió hòa trong vài năm qua và sự thay đổi chiến lược toàn cầu của các cường quốc đến Đông Á đã quá rõ. Địa lợi cũng đã được chứng minh khi 3 cường quốc phân tranh đang hội tụ về biển Đông và Việt Nam. Vấn đề nhân hòa vẫn đang chờ một nhân vật khác, có cả sự cải tổ chính trị của Than Shwe, và biết hòa hợp hòa giải dân tộc như Thein Sein.

Kết

Dù đơn nguyên hay đa nguyên thì Quy luật mâu thuẫn luôn diễn ra mạnh mẽ. Đã là quy luật thì hoặc chống lại nó để thụt lùi, tăm tối, hoặc thuận theo nó để tiến lên và tươi sáng đó là đức hy sinh, sự hiểu biết của lãnh tụ các quốc gia; dân trí và dân khí dân tộc; địa chính trị và tư tưởng văn hóa dân tộc hình thành qua lịch sử là 4 thành tố cần phải nghiên cứu và đúc kết một con đường đi riêng của mỗi hoàn cảnh cụ thể của đất nước, dân tộc cụ thể, không và đừng bao giờ sao chép lại của người khác để biến đất nước, dân tộc mình thành lai căng, bạc tình, chẳng giống ai.

Không ai hẹp hòi niềm tin cho chính mình để làm nên những ước mơ. Song để biến ước mơ thành hiện thực là điều không dễ. Tuy vậy, tôi vẫn tin vì đã thấy thấp thoáng một con người ở nước Việt trong thế hệ 1940s hội đủ tố chất của Than Shwe, để đặt nền tảng cải tổ chính trị. Nếu làm được như Than Shwe thì con người ấy sẽ là nhân vật gạch nối giữa 2 thời đại: Hồ Chí Minh và con người ấy. Lịch sử sẽ ghi công lao hay tội đồ là việc của hậu thế. Nếu không, thì quả là dân tộc và đất nước này mang nặng một lời nguyền muôn thuở của cuộc tàn sát chủng tộc khác trong cuộc Nam tiến: nhân quả, vay trả.

Asia Clinic lúc 09:35' Thursday, 30th August, 2012 

Đăng nhận xét

3 Nhận xét

  1. Sau khi đánh tan đám yêu ma, vị đại thần kia bước xuống khỏi lưng voi, chỉ một tay đã xé tan cấm trận của Đại pháp sư rồi bước đến trước trướng mà ngồi phịch xuống đất, con voi khổng lồ thì phủ phục bên cạnh.
    Chúa Nguyễn Phúc Chu lúc ấy biết người này vừa cứu nguy, hẳn không có ác ý nên cũng bước ra trước trướng chắp tay bái tạ, cụ cố lúc đấy cũng theo sát sau Chúa để bảo vệ nên nhìn rất rõ, người này tuy ngồi nhưng đã cao hơn trượng, mặt đen mắt đỏ lại có mũi chim ưng, mình mặc giáp vàng lấp lánh, khí thế lẫm liệt trấn áp tứ phương khiến người xung quanh cảm thấy khó thở, riêng con voi bên cạnh thì to lớn dị thường, miệng có đến 6 ngà, đúng là thần vật. Chúa lúc đấy tiến lên cất giọng mà rằng:
    _ Bổn nhân nay vì chiến sự mà đi ngang chốn này lại lọt vào hiểm cảnh bị ma quỷ ám hại, may sao trời cao ban ơn mà được đại thần ra tay cứu giúp, xin không dám quên, há chăng dám hỏi thần vị là gì để lệnh con dân lập miếu phụng thờ, hương khói.
    Chúa vừa dứt lời thì vị kia bổng quắc mắt, cất giọng vang rền mà quát:

    _ Không cần....!!! Bổn Tọa vốn là một trong Thập Đại Quỷ Thần của Chăm Pa, được thờ cúng cung phụng đã ngàn năm, luôn cai quản trời đất, núi rừng và sinh linh. Mấy trăm năm trước, khi cái tên Trần Kính (tức vua Trần Duệ Tông) đưa quân Đại Việt các ngươi sang đánh Chăm Pa, lúc đấy ta biết ý trời đã định, vận số nước Chiêm đã tận rồi, không thể cứu được nữa. Nhưng các Quỷ Thần khác không cam tâm, họ quyết cùng nhau nghịch thiên, chống lại đến cùng, mong một lần vá trời lấp đất vậy. Lúc đấy cũng có các Minh Thần, Dạ Thần bên phía Đại Việt ứng chiến, số lượng lên đến hàng trăm vị nhưng cũng chỉ đánh ngang tay với 10 người bọn ta mà thôi. Trận chiến của loài người cuốn theo trận đại chiến của chư thần kéo dài hơn 10 ngày đêm khiến thiên địa quay cuồng, nghiêng trời lật biển. Cuối cùng, Đại thần núi Tản Viên cũng đích thân tham chiến, vì ngài ấy là Tổ Thần sức mạnh vô song nên chúng ta đại bại, 9 Đại Quỷ Thần đều bị tru diệt chỉ còn mình ta sống sót. Từ đấy ta lui về ẩn mình, không màn chuyện trong trời đất nữa.
    Nói đến đây, Quỷ Thần bùi ngùi, đưa mắt nhìn ra xa xăm như hồi tưởng lại một thời huy hoàng của nước Chiêm đã qua rồi tiếp:
    _ Nay ta cứu ngươi, cũng không cần ngươi thờ phụng hay hương khói gì cả, vứt cả đi. Ta chỉ mong ngươi một điều, về sau chiến sự có sảy ra, ngươi và hậu nhân ngươi hãy niệm tình ta hôm nay mà đừng tàn sát, tận diệt con cháu Chăm Pa của ta, hãy tha cho chúng một con đường sống, Quỷ Thần Đồ Bàn ta nguyện không quên ơn.
    Nói rồi Quỷ Thần cắm gươm xuống đất, cuối đầu trước chúa Nguyễn. Chúa Nguyễn Phúc Nguyên lúc đấy cũng cảm động, vội rút bội đao, cắt tay lấy máu rồi lập thệ rằng sẽ không bao giờ tàn sát, tận diệt người Chăm. Lúc đấy lập lời thề ông nào đâu ngờ rằng chỉ hơn trăm năm sau, cháu ông là vua Minh Mạng đã thẳng tay tàn sát dân tộc Chăm Pa không thương tiếc, chính sách chặt 2 cái đầu người Chăm đổi lấy một quan tiền đã gần như đẩy chủng tộc Chăm Pa oai hùng một thời vào con đường tận diệt. Chắc vì thế mà thời gian sau nhà Nguyễn cũng bị Pháp đô hộ, rồi chính thức sụp đổ năm 45 dưới triều Hoàng đế cuối cùng là Bảo Đại, e cũng là nhân quả vậy.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Xin hỏi đây là chuyện gì vậy bạn, cho mình xin bản đầy đủ được không?

      Xóa
  2. Chỉ khi nào VIỆT NAM có được một nhân Vật Như LÝ QUANG DIEU5 còn không thì....đúng như lời Bs .dân tộc và đất nước này mang nặng một lời nguyền muôn thuở của cuộc tàn sát chủng tộc khác trong cuộc Nam tiến: nhân quả, vay trả.

    Trả lờiXóa