Đây là tấm hình cuối cùng trước khi Ba trở lại đơn vị vào ngày mùng 5 tết Mậu Thân 1968 tức ngày 02/02/1968 Tây lịch. Nó được chụp ngày mùng 3 tết Mậu Thân tức ngày 31/01/1968 Tây Lịch tại tiệm chụp hình Bác Ái, Quy Nhơn, như một định mệnh, lời gửi gắm đến gia đình dòng tộc, vì chuyến đi ấy Ba ra đi mãi mãi.
Ngày mai, mùng 7 tết Tân Sửu, 2021, là ngày giỗ thứ 54 của Ba, ngày mốt là ngày mùng 8 tết Mậu Thân 1968, tức ngày 05/02/1968 tây lịch, Ba ra đi vĩnh viễn vì 1 phát đạn của chính người cùng làng theo Việt cộng, ông ấy vẫn còn sống ở Thôn Vinh Quang, Xã Phước Sơn, Huyện Tuy Phước, Tỉnh Bình Định. Người giết Ba chính là bạn thời tắm truồng với Ba.
Chúng con đã về thăm ông ấy, ông ấy kể: "Khi thằng Nhờ - tên thường gọi của Ba - đi qua thôn Lục Trung, tao đang nấp trong một cái hầm của nhà bà Liễn, thấy cả đoàn đi qua. Tao nói với tổ 3/3 là để tao giết nó. Thế là tao bóp cò cây B40, và 3 đứa mất cả thân người!". Khi kể, mặt ông ráo hoảnh, không một xúc cảm trong lời ông kể. Chúng con cũng mặt lạnh như băng giá trong lòng, mà thương cho ông, những con vật trong phòng thí nghiệm bị hôn mê sau liều thuốc gây mê để chuẩn bị làm vật giảo nghiệm. Âu cũng chỉ là định mệnh chung của một dân tộc khi còn u mê.
Viết ra những dòng này để biết rằng, trong mỗi chúng ta, dù bên này hay bên kia chiến tuyến không thể quên những sai lầm của chính khách đã dẫn dắt dân tộc vào nội chiến từ 1954 đến 1975. Đó là việc của lịch sử sẽ phải ghi lại đúng cho thế hệ mai sau hiểu, mà biết yêu dân tộc và đất nước đúng nghĩa. Nhưng cũng là để cần phải bao dung, tha thứ cho những con vật bị giảo nghiệm chỉ vì dân trí Việt còn quá thấp nên bị chính khách lôi đi sền sệch như tác phẩm Đèn Cù của cụ Trần Đĩnh đã mô tả.
Văn hóa Việt, ngày giỗ có câu tục ngữ: "Nữ tụt 2, Nam tụt 1". Có nghĩa là làm giỗ thì phải làm ngày còn sống, nhưng với nam thì lùi lại 1 ngày, nữ thì lùi 2 ngày. Ba mất mùng 8 tháng Giêng năm Mậu Thân, nên phải giỗ ngày mùng 7. Năm nay vì "đại dịch Covid ảo" bùng phát do chính trị nhiễu nhương, các em và cháu ở xa không về. Nhà chỉ có con và Má lo mâm cơm chay giỗ Ba.
Con vẫn thường nói với Má, việc cúng giỗ cũng nên đơn giản dần, vì hơn nửa thế kỷ, biết đâu Ba đã đầu thai ở đâu đó, đừng làm tưng bừng như níu kéo lại không hay. Năm nay nhờ dịch bệnh ảo, thế mà lại hay. Có lẽ, chỉ một số cô, cậu, chú, dì, dượng và các em trong dòng tộc ở Quy Nhơn đến xem như ngày đoàn tụ để dạy cháu con chuyện uống nước nhớ nguồn, ăn quả phải nhớ người trồng cây.
Nói chuyện đã qua hơn nửa thế kỷ cũng để nói chuyện xưa tích cũ của cái riêng trong cái chung của đất nước và dân tộc. Qua đó, nói chuyện văn hóa giỗ quảy của dân tộc cho thế hệ mai hậu hiểu và làm theo. Cũng đã đến lúc cần phải quên đi thù hận để chăm lo cho đất nước và dân tộc nhục nhằn qua bao cuộc chiến.
Bạn tôi, nhà thơ Phạm Sỹ Sáu có 2 câu thơ rất hay trong bài thơ: "Mai mày về - Gửi bạn bè làm xong nghĩa vụ", mà chúng ta cần suy nghĩ: "...Hãy mở mắt ra nhìn đời trong đục/Nhìn thật bao dung và cũng thật ra Người..."
Thế đấy, văn hóa ông cha để lại cho chúng ta là văn hóa bao dung, biết tha thứ. Thử hỏi có ai đã bị cộng sản vùi dập hơn tôi? Cha bị giết, Mẹ bị học tập cải tạo năm 1963 cùng tôi khi mới 6 tháng tuổi, sau 1975 phải lên bờ xuống ruộng mới vào được đại học chỉ vì lý lịch, bây giờ tôi phải tù đày chỉ vì vấn đề nói thật, nhưng với tôi, tư duy và hành động tích cực luôn giúp ta Người hơn, được nhiều hơn mất so với tư duy tiêu cực.
Khi con người ta đi đến cực điểm của sự đày đọa thì tâm hồn họ sẽ thánh thiện như thiên thần!
Chúng ta cần bao dung tha thứ tất cả những gì đã qua, và để chính chúng ta lớn hơn với thời đại. Cảm ơn Đời đã dạy tôi như thế, vì tôi đã hiểu rõ rằng, đó là định nghiệp của tôi, gia đình tôi, và của dân tộc, đất nước này. Cầu mong cho Quốc thái, Dân an. Cảm ơn các bạn đã chịu khó đọc những dòng tâm sự này./. 💝🥰🙏
Hồ Huỳnh Gia Trang, 18:31' Wed, 17th Feb, 2021 nhằm Mùng 6 tết Tân Sửu
1 Nhận xét
Tư duy của BS đáng khâm phục thể hiện một phẩm chất cao hơn và khác hơn đa số. Thank you!
Trả lờiXóa