NÓI MỘT LẦN CHO XONG (kỳ 1)

Loạt bài lấy từ Nguồn: Công Nghệ Giáo Dục

Sự ra đời của bộ sách giáo khoa lớp 1 năm học 2020-2021 làm dân chúng nổi đình đám nhiều hạt sạn. Đến nỗi báo chí cũng lên tiếng về giáo sư Nguyễn Minh Thuyết chủ biên bộ sách với tựa đề: "Chủ biên sách giáo khoa lớp 1 đừng bởn cợt dư luận", nên tôi xin phép đăng lại loạt bài nhiều kỳ của GS Phạm Toàn viết về ông GS Nguyễn Minh Thuyết để nhằm lưu lại lịch sử một thời kỳ mà giáo dục mất định hướng vì không có triết lý của nó. 

Cố GS Phạm Toàn

NÓI MỘT LẦN CHO XONG (kỳ 1)

"Năm 1995 khi Thuyết viết bài gọi Hồ Ngọc Đại là “thằng điên”, thì các cô giáo trường thực nghiệm có hỏi tôi “sao không đưa các bài báo trước đó vẫn khen “thằng điên” ra?” Tôi chỉ giữ im lặng."

- Phạm Toàn

**********

Kỳ 1: ĐÔI ĐIỀU SỰ THẬT VỀ TRƯỜNG THỰC NGHIỆM

Một cô phóng viên gọi cho tôi, gạ “bác không chịu trả lời chuyện xô đổ cổng trường thực nghiệm, hôm nay bác trả lời cho em chuyện nhà giáo ở Cà Mau …” Tôi nghe loáng thoáng chuyện ông giáo nào đó đòi ngủ nghê gì đó với học trò. Tôi quát to để chấm dứt chuyện nhì nhèo: “này nhé… cái ông giáo ấy, nếu là đảng viên, thì bảo đảng ông ấy xử, nếu là công chức, thì bảo nhà nước ông ấy xử nhé… phần tôi, tôi chỉ xử lý nội dung giáo dục định giở trò với trẻ em thôi nhé…”

Tưởng là yên thân, sáng nay tháng năm ngày mười chín, bật máy lên đã thấy chình ình một bài của hãng VTC chạy tít lớn “Trường Thực nghiệm: Từng bị phản đối ở cấp nhà nước”, liền kề bên dưới còn chạy thêm cho hấp dẫn: Cuối năm 1995, Hội đồng cấp nhà nước (gồm 9 hội đồng chuyên môn) do GS.TS Phạm Tất Dong làm Chủ tịch, đã không ủng hộ chương trình thực nghiệm - GS Nguyễn Minh Thuyết cho biết.

Tôi đành bớt chút thời giờ nói về mấy điều đó. Tôi tránh nhắc đến những người đã chết trừ phi vẫn còn người đang sống làm chứng và sẵn sàng trả lời những cú điện thoại kiểm chứng. Xin bắt đầu.

… Bắt đầu từ 1984 cho tới 1990

Cuối năm 1984, nhờ bà bộ trưởng Nguyễn Thị Bình có cái nhạy cảm của người mẹ với đàn con học sinh, nên chương trình Giáo dục thực nghiệm của Hồ Ngọc Đại (dù còn rất sơ sài) vẫn được triển khai thực nghiệm phạm vi hẹp.

Hồ Ngọc Đại sang nhà tôi (chiều nào cũng sang, đến độ vợ tôi đùa “hai ông đồng tính”) để bàn chuyện mở những đâu. Đại thường quen miệng dùng từ “thằng”, có “thằng Nga, thằng Mỹ”, có cả “thằng Hà Bắc, thằng Hải Phòng”… nói to và say sưa cho tới khi ông hàng xóm gõ nhẹ vào vách cót ép nhắc “ông tiến sĩ với ông giáo nói hơi to đấy” – ý ông nhắc chúng tôi gọi khẽ cái “thằng” thành phố sắp triển khai thực nghiệm khi đó.

Sau khi mọi việc ngã ngũ triển khai ra 12 tỉnh và thành phố, một mình tôi phải lên Đại học sư phạm Xuân Hoà huấn luyện cả một khoá Ngữ-Văn sắp tốt nghiệp để họ toả đi 12 địa phương theo dõi triển khai năm học đầu tiên. Vốn liếng “khoa học” chỉ đủ huấn luyện trong vài bốn ngày. Anh Lê Khanh đón lên, khi về anh thả ở bến xe. Ngày bận huấn luyện, đêm ở một minh, và Lê Khanh còn dặn “chú ý các cậu đặc công đói nó chui vào”, nên không ngủ, ngồi soạn cuốn Thiết kế dạy tiếng Việt lớp Một đầu tiên.

Sau khi triển khai ra các tỉnh được một năm thì ông Nguyễn Minh Thuyết được ông Đại nhận về làm việc – ông Đại giao ông Thuyết cho tôi hướng dẫn mọi việc. Một bữa cuối năm, tại nhà ông Đại, có Nguyễn Tài Cẩn, Lê Khanh, Nguyễn Minh Thuyết, và tôi, mọi người uống bia hơi trong cái can nhựa trắng và bàn chuyện triển khai tiếp giáo dục thực nghiệm. Anh Tài Cẩn sắp đi Nhật, tôi dặn anh khi về mang cho tôi tấm hình Kawabata… Rồi tôi và Thuyết ra về, chúng tôi ngồi nán ở vườn hoa, tôi dặn dò Thuyết nhiều điều… thân thiết, chân thành, nên sau đó Thuyết và vợ còn đến nhà tôi học tiếng Pháp nữa.

Thuyết khéo, nhưng vì khéo nên nhiều khi hiểu và diễn giải sai lệch khái niệm. Có lần Hồ Ngọc Đại tổ chức cho một số người thuyết trình nội dung cuốn Bài học là gì?, Thuyết dùng thí dụ để diễn giải khái niệm “công nghệ” như sau: ví dụ như tôi sắp tắm, thì tôi tiện thể mang theo thùng rác đi đổ… (😂😂😂 - admin). 

Nhưng Thuyết rất giỏi viết báo khen Hồ Ngọc Đại (không cần chính xác lắm về khoa học) tập trung vào điểm nào người ưa nịnh muốn đọc. 

Năm 1995 khi Thuyết viết bài gọi Hồ Ngọc Đại là “thằng điên”, thì các cô giáo trường thực nghiệm có hỏi tôi “sao không đưa các bài báo trước đó vẫn khen “thằng điên” ra?” Tôi chỉ giữ im lặng.

(Còn tiếp)

Phạm Toàn 05/2012

**********

Lời thưa:

Bài viết của nhà giáo Phạm Toàn phản bác lại ý kiến của GS Nguyễn Minh Thuyết ngày 18/5/2012 được đăng trên VTC News: 

"Cuối năm 1995, Hội đồng cấp nhà nước (gồm 9 hội đồng chuyên môn) do GS.TS Phạm Tất Dong làm Chủ tịch, đã không ủng hộ chương trình thực nghiệm - GS Nguyễn Minh Thuyết cho biết".

Trên đây là toàn văn bài viết của nhà giáo Phạm Toàn. Đây là tư liệu chân thực của một người trong cuộc, nên được phổ biến lúc này bởi những người khác trong cuộc hiện tại vẫn đang khoẻ mạnh và họ có thể lên tiếng, đồng thời cũng được xem là tư liệu cho những ai cần nghiên cứu về CGD Hồ Ngọc Đại.

Bài được lưu giữ tại Thư viện Phạm Toàn tại thôn Hội Phụ, Đông Hội, Đông Anh, Hà Nội và được đăng trên facebook của dịch giả Phạm Anh Tuấn.

*************

Xem thêm:

Kỳ 2: Về hội đồng thẩm định cấp nhà nước năm 1990

https://bit.ly/2XawTik

Kỳ 3: Cuộc đảo chính năm 1995

https://bit.ly/3eASjuZ

Kỳ 4: Tự do và dân chủ - xã hội sẽ có sản phẩm tốt hơn!

Tư Gia, 20:50 Monday, 12nd Oct, 2020

Đăng nhận xét

0 Nhận xét