Bài viết của Bác sỹ - Thạc sỹ Hàn Tiểu Sảo
Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy các biểu hiện ngoài da có thể xảy ra ở một số bệnh nhân COVID-19. Theo các báo cáo, chúng có thể chiếm tỉ lệ 0.2- 20.4 % trường hợp.
Viện Da liễu Hoa Kỳ và Hiệp hội Da liễu Quốc tế đã thống kê các biểu hiện ở da trên bệnh nhân COVID-19. Các triệu chứng trên da này có thể xuất hiện trước khi có các dấu hiệu điển hình của COVID-19 - và có thể có giá trị chẩn đoán sớm, hoặc có khi là ở giai đoạn lui bệnh, hay sau khi điều trị. Sốt và ho chiếm 60 % trong các trường hợp này.
1. Phát ban dạng sởi (morbilliform rash) chiếm 22% và là biểu hiện trên da phổ biến nhất của COVID-19. Nó xuất hiện dưới dạng các mụn nhỏ màu hồng và các chấm rải rác lan tỏa khắp cơ thể, nhất là ở các trường hợp nặng. Trong nhóm 18 bệnh nhân mắc COVID-19 phát triển các bất thường trên da ở Ý, thì có đến 14 người trong số họ (77,8%) bị phát ban dạng sởi. Phát ban này được ghi nhận khi khởi phát bệnh hoặc thường gặp hơn lúc hồi phục, khi xuất viện. Tuy nhiên, đây là một dạng phát ban không đặc hiệu, có thể xuất hiện do bất kỳ trường hợp nhiễm virus nào hoặc là dấu hiệu của phản ứng dị ứng với một số loại thuốc. Vì vậy, việc khẳng định tổn thương này do COVID cũng gặp khó khăn.
2. Tổn thương cước ở ngọn chi (pernio-like acral lesions) chiếm 18% - hình 1. Trong số tất cả các biểu hiện da liên quan đến COVID, cước là triệu chứng thu hút nhiều sự chú ý nhất cho đến nay vì khả năng là hậu quả của tình trạng tăng đông máu ở bệnh nhân COVID. "Ngón chân COVID" lần đầu tiên được mô tả ở Trung Quốc và sau đó ở Châu Âu. Thường gặp ở trẻ em và tuổi thanh thiếu niên. Các tổn thương này có thể xuất hiện trong quá trình khởi phát bệnh hoặc trễ hơn sau đó (sau khi xuất hiện các triệu chứng COVID-19 khác). Biểu hiện là những mảng xuất huyết đỏ hoặc tím xu hướng chỉ ở ngón chân (đôi khi có thể gặp ở gót chân, lòng bàn tay và / hoặc ngón tay, khuỷu tay). Khác với cước cổ điển do lạnh là một tình trạng lành tính, kèm theo sưng tấy, và tự giới hạn . Ngược lại, ngón chân COVID thường gặp ở vùng khí hậu ấm, có xu hướng trầm trọng hơn và ngứa, rát, đau, dễ bị loét và mất nhiều thời gian mới hết (sau 2-8 tuần).
3. Nổi mày đay (urticarial, hives) chiếm 16% - hình 2: Mày đay cấp tính có hoặc không kèm theo sốt đồng thời đã được báo cáo là dấu hiệu của nhiễm COVID-19. Mày đay có thể rất ngứa và có xu hướng di chuyển khắp nơi trên cơ thể trong 24 giờ. Thương tổn mày đay và sau đó là mụn rộp bóng nước có thể là dấu hiệu hiện diện của COVID-19.
Nhưng, nổi mề đay là một vấn đề về da nói chung rất phổ biến. Vì chúng có thể do bất kỳ nguyên nhân nào, bao gồm nhiễm Virus, thuốc men và dị ứng môi trường, nên việc xác định COVID là nguyên nhân gây phát ban ở một người nào đó có thể rất khó khăn. Cũng có BN nổi mày đay sau vài ngày sử dụng hydroxychloroquine và azithromycin và có đáp ứng với điều trị kháng histamine.
Hình ảnh mày đay ở BN nữ 39 tuổi: mày đay trên thân mình (A), (B) đùi và các khu vực khác. Mày đay của cô này bắt đầu 1 ngày sau khi bị mất khứu giác (anosmia) và 1 ngày trước khi sốt. Ngay sau đó, cô được chẩn đoán mắc bệnh COVID-19 nhưng tương đối nhẹ.
4. Ban đỏ chiếm 13%.
5. Mụn nước(vesicular eruption, Chickenpox-Like Rash)- hình 3 - chiếm 11 %: Các sẩn nhỏ, mụn nước và mụn mủ giống thủy đậu, có xu hướng lan rộng trên toàn thân, thường xuất hiện 3 – 4 ngày sau khi có các triệu chứng COVID và biến mất trong 8-10 ngày. Nhóm nghiên cứu người Ý đã mô tả 22 bệnh nhân bị nổi mụn nước rải rác hoặc lan tỏa, và cho rằng triệu chứng mụn nước này là đặc trưng cho COVID-19. Không bệnh nhân nào trong số họ đã tiếp xúc với thuốc mới trong 15 ngày trước khi bắt đầu phát ban. Không có mối liên hệ đáng kể nào với mức độ nghiêm trọng của bệnh COVID-19 và sự phát ban trên da.
6. Ban xuất huyết dạng lưới/Viêm mạch dạng mạng lưới (retiform purpura/livedo reticularis-like eruptions) - hình 4: Tổn thương này chiếm 6,4 %, có thể đơn độc; nhưng nếu có xuất hiện ở bệnh nhân bị tắc mạch, thì được cho là thứ phát do thuyên tắc huyết khối trong bệnh cảnh COVID-19, và chúng có thể có giá trị tiên lượng.
Hình 4
7. Hội chứng viêm đa cơ quan ở trẻ em (Multisystem inflammatory syndrome in children) – ban đỏ đa hình, ban đỏ và / hoặc cứng khớp tay và chân, viêm niêm mạc miệng và viêm kết mạc, hình ảnh của bệnh Kawasaki không điển hình, và các biểu hiện toàn thân nghiêm trọng, đã được mô tả trong các bệnh nhân trẻ em.
8. Các biểu hiện trên da ít gặp hơn: Tổn thương sẩn có vảy (papasmquamous) chiếm 9,9 %, phát ban giống sốt xuất huyết, phát ban dạng chấm, hoại thư.
Đáng lưu ý là trên một BN có thể biểu hiện đồng thời nhiều hình thái bất thường trên da khác nhau. Sau đây là hình ảnh tổn thương da của một bệnh nhân nam 68 tuổi bị COVID-19 nặng: vừa có biểu hiện phát ban dạng sởi trên thân mình (Hình A), cước ngọn chi (Hình B) và trên mông có tổn thương ban xuất huyết dạng lưới bị loét (Hình C).
Hình 5
Tóm lại: Các biểu hiện trên da liên quan đến SARS-Covi-2 rất nhiều và đa dạng, với thông tin mới hầu như hàng ngày. Và vẫn cần nhiều nghiên cứu thêm về cơ chế của các biểu hiện trên da ở bệnh nhân COVID-19.
1. Liệu nó có thể là dấu hiệu ban đầu cho thấy bệnh nhân đã bị nhiễm SARS-CoV-2 không?
2. Những biểu hiện ngoài da nào thì có thể dự đoán được diễn biến nặng hơn để khuyến khích can thiệp tích cực sớm?
Thái độ của chúng ta: Nếu có các biểu hiện trên da, điều quan trọng là phải xác định xem có biểu hiện nào có giá trị lâm sàng hay không. Ví dụ, nó có thể là dấu hiệu ban đầu cho thấy bệnh nhân đã bị nhiễm SARS-CoV-2 không?
Tình trạng các tổn thương da mà không có các triệu chứng khác của COVID-19 (ho, sốt, khó thở, mất vị giác,...) nên được đánh giá cẩn thận để người bệnh không hoang mang, nhưng cũng phải quản lý chặt chẽ để không bỏ sót ngõ hầu ngừa lây lan Covid trong cộng đồng – bằng cách:
1. Hướng dẫn người bệnh tự cách ly theo hướng dẫn của CDC /Bộ Y tế.
2. Có thể cần sớm xét nghiệm sàng lọc COVID-19 bằng PCR và/hoặc huyết thanh học.
0 Nhận xét