Sáng nay tôi lên Công an Quận 5 để hoàn tất thủ tục chuyển hộ khẩu về với Mẹ tôi ở Tháp Đôi, Quy Nhơn. Có lẽ, chỉ 1 tháng nữa tôi sẽ xa thành phố Sài Gòn - nơi mà tôi đã 37 năm sống, làm việc. 37 năm là hơn nửa đời người phiêu bạc.
Xa Sài Gòn là một niềm tiếc nhớ không nguôi, vì ở đây con người sống với nhau nồng ấm, và nhân văn, tuy có xô bồ, bon chen, chật chội theo cả nghĩa tinh thần lẫn vật chất. Song, bây giờ tôi phải làm tròn chữ hiếu với Mẹ già.
Ca sĩ Trúc Lai với Tiếng Hát Sông Quê; Lời thơ của Lê Huy Mậu; Nhạc của Nguyễn Trọng tạo
Trong cuộc đời chúng ta, khi trưởng thành làm một cánh chim bay xa vào bầu trời giông bão để đi tìm cái CÓ. Trong khi, khi sinh ra đời ta bắt đầu ở cái KHÔNG.
Gia đình, Nhà trường và Xã hội đã kéo chúng ta từ KHÔNG để thành CÓ. Bao năm CÓ, cứ ngỡ mình thành đạt: CÓ công danh, CÓ sự nghiệp, CÓ tiền tài, CÓ địa vị, CÓ hạnh phúc, CÓ khổ đau... CÓ cứ mãi làm ta u mê, quên đường về. Nhưng CÓ chỉ là cõi tạm, không vĩnh hằng. KHÔNG mới là vĩnh cửu, mới là cội rễ của mọi sự vật hiện tượng trên cõi đời hiện hữu này.
Khi ngộ được CÓ là nhờ KHÔNG mà ra. Tất cả đều bắt đầu từ nền tảng cái KHÔNG.
Trong Toán học cũng vậy. Con số 0 là con số tìm ra sau cùng, trong khi trước đó các con số khác đã ra đời, nhưng thiếu một con số mà nó đứng một mình thì rất cân bằng, vì 2 bên nó gồm có: bên trái là số âm đại diện cho hư hao, thiếu hụt, nợ nần; bên phải là số dương đại diện cho tăng trưởng, dư thừa, có cái để cho đi. Chỉ có số 0 là cân bằng, không chông chênh, không nợ ai, cũng không là chủ nợ của ai.
Năm 498, nhà toán học và thiên văn học Ấn Độ Aryabhata viết rằng "Stanam stanam dasa gunam" nghĩa là vị trí này có giá trị gấp 10 vị trí kia, đó có lẽ là nguồn gốc của hệ thập phân hiện đại; hệ thống số của ông có một số 0 trong cách ký hiệu chữ số bằng chữ cái của ông (hệ thống này cho phép ông biểu diễn các số bằng các từ). Lần xuất hiện rõ ràng đầu tiên của số 0 toán học là trong Brahmasphuta Siddhanta của Brahmagupta, cùng với các suy xét về các số âm và các quy tắc đại số.
Đặc tính của số không cũng rất đặc biệt trong Toán học:
* Là bội của tất cả các số: 0.n = 0 với mọi n
* Không thể là số chia
* Là phần tử trung tính trong phép cộng (0 + x = x)
* Tất cả mọi số khi làm phép nhân với 0 được kết quả là 0 (0 x n = 0).
* Tất cả các số, (trừ số 0) khi lũy thừa 0 thì bằng 1 - có nghĩa là CÓ.
* Tập hợp có số phần tử bằng 0 là tập hợp rỗng.
* Hàm số đơn giản nhất là hàm f(x) = 0 với mọi x. Khi biểu diễn hàm này trên hệ tọa độ vuông góc thì nó chính là trục hoành.
* Số không là phần tử số đầu tiên dùng để dựng hệ thống số tự nhiên theo tiên đề Peano
* Số 0 cùng với tập hợp rỗng tự nó là một không gian tô pô thô sơ và đơn giản nhất.
* 0! (giai thừa) bằng 1- có nghĩa là CÓ.
* sin(0)=0, cos(0)=1, tang(0)=0, cotang(0) không xác định.
* Trong tập hợp số phức, số 0 vừa là số thực, vừa là số thuần ảo.
* Trong tập hợp số thực, số hữu tỉ, số nguyên, số 0 không phải là số dương, cũng không là số âm.
Rồi giờ đây, chúng ta đã và đang tiến bước vào thời đại 4.0 cũng bắt đầu bằng Nhị Nguyên Luận: KHÔNG và CÓ: 0101010101.... Thế mới thấy cặp phạm trù KHÔNG - CÓ quan trọng biết nhường nào?
Hay nói KHÔNG là khởi nguồn của CÓ, nền tảng của CÓ, ĐƯỢC, MẤT, BẠI, THÀNH... Viết đến đây nhớ đến đoạn thơ trong bài thơ "Lâm Giang Tiên" của Dương Thận:
"Trường giang cuồn cuộn chảy về Đông
Bao lớp sóng xô, bấy lớp bạc đầu
Ngoảnh đầu lại nhân tình thế thái
Được, mất, bại, thành bỗng chốc hóa hư không..."
Rồi lại nhớ đoạn thơ của Lý Bạch trong bài: "Tuyên Châu Tạ Diễu lâu tiễn biệt hiệu thư thúc Vân" 宣州謝眺樓餞別校書叔雲 - Trên lầu Tạ Diễu ở Tuyên Châu tiễn đưa chú Vân làm hiệu thư lang:
"...Rút dao chém nước, nước càng chảy mạnh
Nâng chén tiêu sầu, càng sầu hơn
Người sống ở đời không được như ý,
Sớm mai rũ tóc xuôi thuyền bên sông."
Buông bỏ thôi. Về với cội nguồn thôi. Bó Chấp Ngã để về với Tánh Không thôi.
Khi chưa Ngộ nhìn núi thấy núi, nhìn sông thấy sông. Khi nửa ngộ, nửa mê nhìn núi thấy không phải là núi, nhìn sông không phải là sông. Khi ngộ rồi nhìn núi thấy núi, nhưng không phải là núi; nhìn sông thấy sông, nhưng không phải là sông. Ấy là KHÔNG mà CÓ, CÓ mà không vậy!
Ta phải về với Mẹ Ta thôi. Vì cứ nghĩ mà xem, mỗi năm Ta gặp bạn bè, đối tác làm ăn nhiều hơn Ta gặp Cha Mẹ ta. Thử hỏi, Cha Mẹ Ta sống được bao lâu nữa? Số thời gian ngồi với Mẹ Cha được bao lâu, trong khi Ta bận rộn với Đời mà quên mất Đạo làm con.
Sống ở trên Đời cần có Đạo, ở trong Đạo mà tránh né Đời là chưa liễu ngộ vậy.
Đa Khoa Phước Sơn, 13:27, 14 July, 2020
0 Nhận xét