VẤN ĐỀ NGOẠI GIAO

Ngày đăng: [Thursday, July 14, 2011]
Trong thời đại hiện nay, trong tất cả các ban ngành của một tổ chức doanh nghiệp hoặc của một đất nước vấn đề ngoại giao, có lẽ là vấn đề cốt tử nhất. Vì ngoại giao không là một ngành nghề mà, ngoại giao là một khoa học và nghệ thuật. Cho nên, không dễ để đưa ra một cách hiểu thật đơn giản và chính xác về lĩnh vực này.

Có rất nhiều định nghĩa khác nhau về ngoại giao, nhưng chưa có một định nghĩa nào là trọn vẹn, mà chỉ có thể hiểu chung nhất ngoại giao là cách mà một tổ chức hoặc một đất nước phấn đấu để sinh tồn trên thế giới. Thông qua đó, các tổ chức hoặc các nước muốn có sự hiện diện của mình, để đàm phán, phát triển mối quan hệ, tạo ra ảnh hưởng, bảo vệ quyền lợi về mọi lĩnh vực - an ninh, quốc phòng, kinh tế, chính trị, v.v...- của mình.

Vì ngoại giao quan trọng như thế, nên mới có chuyện các nhà ngoại giao được miễn trừ mọi kiểm soát về an ninh khi đang công cán. Họ được các quy chế miễn trừ theo luật quốc tế dù 2 nước đang là kẻ thù.

Vì ngoại giao quan trọng như thế nên, các nhà ngoại giao hầu như đồng thời là những tình báo viên cho đất nước. Thỉnh thoảng chúng ta vẫn nghe thông tin các nước trục xuất hoặc bắt giam các nhà ngoại giao vì vai trò tình báo của họ.

Vì ngoại giao quan trọng như thế nên, ông chủ Wikileaks mới lao đao với toàn cầu khi ông đưa ra thông tin bí mật ngoại giao của Hoa Kỳ và các nước khác ra thanh thiên bạch nhật.

Vì ngoại giao quan trọng như thế nên, các vấn đề họp bàn của các quan chức ngoại giao được xem là bí mật quốc gia. Và mới có câu chuyện quan trọng chỉ được bạch hóa nhiều năm sau đó, khi thấy vấn đề đó không còn có giá trị ảnh hưởng đến ban giao giữa hai nước và toàn cầu.

Vì ngoại giao quan trọng như thế nên, nước ta đã xong đại hội XI hồi tháng 01/2011, mà vẫn khuyết một vị trí trong bộ chính trị của đảng cộng sản Việt Nam đang nắm quyền. Trong khi đó, ông bộ trưởng ngoại giao đương nhiệm đã không còn chân trong bộ chính trị trong cuộc bầu bán của đại hội. Và với 14 vị tinh hoa này vẫn còn để ngõ một vị trí cho bộ ngoại giao, cho đến kỳ bầu cử quốc hội đầu tiên khóa 13 này mới bổ sung. Mặc dù, tình hình trong 6 tháng qua ngoại giao cực kỳ nhạy cảm với tình hình biển Đông và suy thoái kinh tế trong nước.

Nhìn rộng hơn ra thế giới, nước Mỹ, vị trí bộ trưởng ngoại giao có tiếng nói và quyền hành chỉ đứng sau tổng thống nước Mỹ.

Như vậy bản chất của ngoại giao là gì nếu không là hai mặt? Mặt sáng luôn đưa ra cho cộng đồng, mặt tối luôn giữ bí mật, dù mặt tối đó là có thể hai đối tác đang tư thế kề dao vào cổ nhau. Và mặt tối ấy là cái chỉ có những nhân vật quan trọng quyết định vận mệnh quốc gia biết để có phương sách với đối phương, mà chưa thể đưa cho cộng đồng biết được.

Nói thế để nhìn lại câu chuyện các trí thức nhân sĩ Việt Nam vừa qua đòi hỏi bộ ngoại giao Việt phải bạch hóa cuộc đàm phán của ông thứ trưởng bộ ngoại giao với bên Trung Hoa về tình hình biển Đông bị thất bại là lẽ thường tình. Chỉ có những người không hiểu biết về ngoại giao mới nghĩ rằng cuộc gặp giữa các trí thức nhân sĩ vào ngày 13/7/2011 là sẽ có kết quả thỏa lòng cả 2 phía.

Một đất nước, dù là đất nước có nền cộng hòa dân chủ thông thoáng như Hoa Kỳ, có những chuyện bí mật ngoại giao cũng là chuyện của các nhà ngoại giao sống để dạ chết mang theo.

Một đất nước có hình thái chính trị xã hội đơn nguyên như Việt Nam thì, chuyện ngoại giao càng thuộc về lĩnh vực mà người không có trách nhiệm càng không được biết dù là chuyện buôn lậu của các nhân viên ngoại giao. Huống hồ là chuyện quan trọng bậc nhất trong lúc này: biển Đông và độc lập tự chủ của quốc gia trước một nước lớn bá quyền.

Vì ngoại giao liên quan đến chuyện nước mất nhà tan, nên quyền và lợi của đảng cộng sản Việt Nam vẫn đủ to lớn để họ hiểu rằng khi nước còn thì vị trí lãnh đạo của họ còn. Họ có muốn mất nước không, để giữ vững những cái ghế của mình khi phải đương đầu với toàn dân và lịch sử? Hay là trong lúc họ đã tự làm yếu mình vì tham nhũng, vì đầu tư công bất hợp lý làm cho kinh tế suy sụp, họ cần phải có chính sách ngoại giao để tránh căng thẳng để còn giữ chiếc ghế lãnh đạo của mình giữa hai thế lực nội xâm tham nhũng và ngoại xâm bá quyền nước lớn.

Thế thì có lẽ cũng nên đặt lại vấn đề rằng, liệu các nhân sĩ trí thức đã xác định đúng việc mình làm chưa? Và sao họ không đòi hỏi đảng và nhà nước mạnh tay thay đổi hình thái xã hội cho phù hợp với lòng dân và thời đại để đưa dân giàu nước mạnh? Sao họ không đòi hỏi đảng và nhà nước công khai nợ chìm, nợ nổi quốc gia? Sao họ không đòi hỏi đảng và nhà nước công khai tiền dân đóng thuế nó đi về đâu? Sao các nhân sĩ trí thức không đòi hỏi đảng và nhà nước công khai những đầu tư công trước khi thực hiện để bàn luận với những người có chuyên môn? v.v... và v.v...

Thiết nghĩ đó là những việc làm thiết thực và có vai trò quan trọng hơn chuyện đòi hỏi công khai hồ sơ bí mật bên ngoại giao về biển Đông trong lúc rất căng thẳng này.

Hãy cứ đặt vị trí mình vào bản thân những người đang cầm lái quốc gia sẽ hiểu họ cư xử đúng mực hay sai trái trước khi đả kích và đòi hỏi họ. Đó mới là trí thức và nhân sĩ của thời đại vậy.

Asia Clinic, 16h13' ngày thứ Năm, 14/7/2011

Update lúc 10h50' ngày 15/7/2011

Đăng nhận xét

0 Nhận xét