Ngày đăng: [Saturday, August 01, 2015]
Mở đầu
Chỉ huy một gia đình cũng như một tập đoàn hàng ngàn công nhân cũng chỉ là quyết định của một số ít người nắm quyền và quyết định kinh tế.
Chỉ huy một quốc gia đơn nguyên tập quyền cũng vậy, chỉ một số ít người quyết định. Ví dụ, ở Trung cộng có 1 tỷ 4 dân, nhưng chỉ 7 người trong thường trực ban bí thư của bộ chính trị. Ở Việt Nam cũng chỉ 16 người trong bộ chính trị quyết định.
Việc nội bộ của những nhóm nắm quyền này bị tạm thời mất đoàn kết vì chưa thỏa hiệp được các vấn đề quan điểm và quyền lợi của các nhóm. Việt Nam hay Trung cộng đang trong tình trạng này. Nhưng họ thừa hiểu biết rằng, nếu trẫm chết thì trạng cũng băng hà. Nên sau khi đấu đá nhau dữ dội là sự thỏa hiệp để cùng tiếp tục ăn chia là chuyện xưa bày nay vẽ, vẫn thế.
Quân bài ngoại giao
Do tính đặc thù về địa chính trị và lịch sử, nên đảng cầm quyền hiện nay ở Việt Nam luôn phân công nhiệm vụ những người chủ chốt có mối quan hệ thân cận với 3 cường quốc trên thế giới đã và đang chia thị phần thế giới ra để ăn chia.
Vì thế, khi chuyển trục ngoai giao với 3 cường quốc này, bắt buộc một số nhân vật được xem là đối nghịch phải biết hy sinh và câm lặng vì đại cục của đảng cầm quyền.
Điều này đã từng diễn ra thời ông Lê Duẫn với Hoàng Văn Hoan, Võ Nguyên Giáp bị truất phế để chuyển trục ngoại giao từ Trung Hoa sang Liên Xô cũ. Và thời ông Nguyễn Văn Linh làm tổng bí thư đã có Trần Xuân Bách, Trần Độ, Nguyễn Hộ đã bị hạ tầng cơ sở để chuyển trục ngoại giao từ Nga sang Trung Hoa. Khi mà đảng cộng sản cần chuyển trục để tự cứu cái ghế quyền lợi của mình nhằm tiếp tục ăn chia, vì cái giá của một quốc gia là vô giá không thể để vào tay người khác được.
Hiện nay, sự kiện chuyển trục ngoại giao từ Hoa sang Mỹ cũng vậy. Nó đòi hỏi phải có những con cờ đã đến lúc phải chấp nhận hy sinh vì đảng cầm quyền. Ông Phùng Quang Thanh và có thể thêm vài nhân vật nữa sẽ phải mất vai trò chính trị của họ vì quyền lợi chung của đảng cầm quyền. Không có nghĩa là ông Phùng Quang Thanh phải bị thủ tiêu như cộng đồng vẫn bàn tán lâu nay.
Nên nhớ một điều rằng, chưa bao giờ, kể cả hôm nay, đảng cộng sản xem Hoa Kỳ và đồng minh của Hoa Kỳ là bạn, mà chỉ là đối tác. Và cũng chưa bao giờ kể từ 1990, đảng cộng sản cầm quyền ở Việt Nam xem Trung cộng là đối tác, mà là bạn, đồng minh chiến lược. Và trong các nhóm lãnh đạo chóp bu của Việt Nam từ xưa đến nay chỉ có nhóm theo Trung cộng và nhóm không hài lòng với Trung cộng, chứ không có nhóm nào chống lại Trung cộng cũng như theo Mỹ và hài lòng với Mỹ. Vì hầu hết họ được đào tạo tại Trung cộng, và kinh tế chính trị Việt đang sao chép Trung cộng hầu như 100%.
Khác với Trung cộng đông dân và cái văn hóa hủy diệt tàn khốc của nó, nên việc hạ bệ một nhân vật chủ chốt thường đi đến thủ tiêu. Nhưng đó là trong quá khứ. Hiện nay Trung cộng cũng đã nhẹ nhàng hơn trong xử thế đối thủ. Ví dụ, Bạc Lai Hy cũng chỉ chung thân khi Tập Cận Bình hạ bệ ông ta.
Ở Việt Nam cũng thế, ngoại trừ, những cái chết thật hay giả vờ diễn ra trong quá khứ đều là do quyết định của một tập thể nắm quyền lực bắt buộc phải làm. Ví dụ, chuyện ông cố chủ tịch hội đồng bộ trưởng - nay là thủ tướng - Phạm Hùng đã đột tử theo như lời ông Đỗ Mười kể lại là: "Anh ấy đang bình thường khỏe mạnh, ăn cơm xong nằm nghỉ trưa nghe vọng cổ rồi bị sặc cơm mà mất." Chính bản thân tôi là sinh viên năm cuối y khoa lúc đó, và trong đêm trực tại BV Chợ Rẫy ngày 10/3/1988 ấy đã chứng kiến những GS, BS của BVCR đi cấp cứu ông Phạm Hùng tại nhà khách chính phủ - tòa nhà chú Hỏa cũ ở ngã 7 Cộng Hòa Sài Gòn. Hoặc một số người khác mất đột ngột như ông tướng công an Phạm Quý Ngọ gần đây, v.v... Nhưng khi họ mất là thông báo ngay, và có người thay thế ngay lập tức về mặt chính thức, chứ không có chuyện lập lờ, vì vị trí của họ là rất quan trọng đến vận mệnh của đảng cầm quyền.
Câu chuyện Việt Nam đang chuyển trục ngoại giao cho kịp tình hình hiện nay của đất nước, khu vực và thế giới là việc cấp kỳ mà đảng cầm quyền bắt buộc phải làm, vì chính trị thói nát, kinh tế sụp đổ, văn hóa suy đồi, tài nguyên cạn kiệt, con người tha hóa, etc... Thay đổi hay là chết đã là mệnh lệnh.
Vấn đề thỏa hiệp
Chuyện thỏa hiệp nội bộ các nhóm quyết định đất nước để một hay hai nhân vật phải hy sinh vai trò chính trị của mình để đạt được sự sống còn của đảng cầm quyền là có thật. Nhưng bảo rằng ông Phùng Quang Thanh đã chết vì ám sát ở Pháp là không khách quan và là không đúng tính chân thật của sự kiện vì 2 yếu tố sau đây:
1. Nếu ông Phùng Quang Thanh bị ám sát ở Pháp tại sao hãng thông tấn xã nổi tiếng nhất thế giới của Hoa Kỳ như AP - Associated Press; hay hãng thông tấn xã lâu đới nhất thế giới của Pháp AFP - Agence France-Presse - không đưa tin?
2. Nếu ông Phùng Quang Thanh đã chết tại sao nhà nước Việt Nam không tuyên bố thay thế bộ trưởng quốc phòng, mà phải làm một buổi ra mắt cho ông trong đêm kỷ niệm ngày thương binh tử sĩ 27/7/2015 vừa qua. Và còn thông báo là ông ấy phải "được" ở tại cơ quan của bộ quốc phòng, mà không ở tại gia?
Vấn đề quan trọng ở đây là, khi xoay trục ngoại giao thì như ông Ted Osius - đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam - đã nói: 3 nhân vật thân Trung cộng nhất là: tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, bộ trưởng quốc phòng Phùng Quang Thanh và bộ trưởng bộ công an Trần Đại Quang đã thay đổi suy nghĩ và đã chấp nhận đi thăm Hoa Kỳ. Và 3 ông này đã đồng ý quan hệ với Hoa Kỳ là tốt cho đảng cộng sản Việt Nam. Từ đó, cho thấy 5 vấn đề sau:
1. Ông Phùng Quang Thanh còn sống hay đã chết không phải là vấn đề quan trọng vì sự nghiệp chính trị của ông xem như đã hết. Vì nguyên tắc là, bệnh tha già thải, nên nhiệm kỳ tới ông sẽ không còn làm việc cho chính quyền là có thật.
2. Ông Phùng Quang Thanh vẫn còn sống, vẫn còn là bộ trưởng quốc phòng chính danh chưa ai thay thế, nhưng quyền lực của ông với bộ quốc phòng có còn như xưa nữa hay không thì không ai biết.
3. Truyền thông của đảng cầm quyền đã không còn đảm nhiệm được vai trò độc tôn thông tin của những sự kiện quan trọng, mặc dù, nó bị đảng cầm quyền độc quyền thao túng. Việc truyền thông xã hội phát hiện ông Phùng Quang Thanh bị "đổ bệnh" trước truyền thông đảng cầm quyền là cho thấy quyền lực thứ 4 đã thuộc về nhân dân, dù đảng cầm quyền có độc quyền thông tin.
Nhạc thiều buổi kỷ niệm ngày thương binh tử sỹ là nhạc phẩm "Ca ngợi Tổ quốc- 歌唱祖國" của "nước bạn" - Nhạc phẩm được sáng tác vào tháng Chín năm 1950, tác giả Vương Tân - 王莘 - ở Trung Hoa là một nhạc phẩm hay đến xuất thần cả về nhạc lý và ca từ.
4. Truyền thông độc quyền của đảng cầm quyền ở Việt Nam đã mất uy tín trong sự kiện này, khi để chậm thông tin. Mất uy tín khi để bài "Ca ngợi tổ quốc" của Trung Hoa thành nhạc thiều cho buổi lễ đêm 27/7/2015 trước và sau khi chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu. Và mất uy tín khi clip họp chính phủ ngày 30/7/2015 lại có 2 ông thủ tướng tóc chải ngược và buông thả, có mặc áo mayo lót trong và không, có máng kiếng lão và không. Một ông thủ tướng ngồi với ông Phùng Quang Thanh và một ông thủ tướng nữa ngồi với ông Đỗ Bá Tỵ.
Clip thời sự 19:00 ngày 31/7/2015 có 2 ông thủ tướng và 2 ông tướng Phùng Thanh Quang và Đỗ Bá Tỵ được lắp ghép khó hiểu của VTV trong phần "Chính phủ họp thường kỳ tháng 7 từ 3'17" đến 8'35" trong clip 42' của VTV.
Clip phiên họp thường kỳ chính phủ tháng 7 trong 5'17" của VTV
Clip phiên họp thường kỳ chính phủ tháng 7 trong 5'17" của VTV
5. Vấn đề quan trọng nhất cho truyền thông dân sự ngoài đảng cần giữ lấy uy tín của mình khi đưa thông tin không nên đưa quá sự thật và không nên suy diễn ngoài những thông tin mình có. Sau sự kiện truyền thông dân sự xác định ông Nguyễn Bá Thanh đang chữa bệnh tại Hoa Kỳ là chính xác, giờ sự kiện ông bộ trưởng quốc phòng "đổ bệnh" cũng là chính xác, nhưng không vì thế mà nó thành "bị ám sát". Truyền thông dân sự thời nay chỉ mới manh nha và còn non trẻ, nên cần giữ tính khách quan, trung thực để giữ uy tín của mình.
Uy tín truyền thông
Sau vụ ám sát Hitler cuối cùng thất bại do không chiếm lấy cơ quan thông tin truyền thông của đại tá một mắt, một tay Claus von Stauffenberg vào ngày 20/7/1944, tất cả các sách giáo khoa dạy ở các đại học báo chí truyền thông thế giới đều có bài giáo khoa về việc chiếm lĩnh truyền thông là nhiệm vụ hàng đầu khi đảo chính một nguyên thủ quốc gia.
Và từ cuộc đảo chính do Claus von Stauffenberg thất bại đó, truyền thông được xem là quyền lực thứ 4 của xã hội sau lập pháp, hành pháp, và tư pháp. Vì thế uy tín truyền thông vô cùng quan trọng. Truyền thông muốn có uy tín phải thực hiện đúng chức năng của nó: trung thực và có chứng cứ và khách quan, mà không suy diễn hoặc đặt điều bóp méo sự kiện.
Việc thẩm định thông tin là của người đọc, truyền thông không nên định hướng người đọc. Vì mọi sự định hướng đều không khách quan, và nền truyền thông định hướng không bao giờ có uy tín như nền truyền thông thiếu trung thực, và khách quan hiện nay của đảng cầm quyền đã làm người dân không còn tin cậy.
Asia Clinic, 18h32' ngày thứ Bảy, 01/8/2015
0 Nhận xét