Ngày đăng: [Saturday, February 23, 2013]
"Vận nước' đang đặt trách nhiệm vào các vị dân biểu (đại biểu Quốc hội, Hội đồng Nhân dân các cấp) những người thay mặt Đảng và toàn thể quốc dân đồng bào cả nước trong việc minh định và lượng hóa về Tâm và Tầm của đội ngũ cán bộ trong bộ máy chính quyền.
Chữ Tâm xưa và nay
Vượt qua giá trị tự nhiên là những ký tự của ngôn ngữ diễn đạt, chữ Tâm đã trở thành một phạm trù cơ bản trong đạo lý truyền thống của dân tộc. Chữ Tâm luôn gắn với một con người, không chỉ là tình thương yêu, xuất phát từ bản chất thuần lương vốn có của con người, mà còn là sự căm ghét cái xấu, biết xả thân vì nghĩa lớn, vì quốc gia, dân tộc.
Trong sự thăng trầm, hưng thịnh và diệt vong của các triều đại phong kiến, Việt Nam ta đã trải qua nhiều giai đoạn dưới sự cai trị của những nhà vua u tối cùng chế độ chính trị quan lại tham nhũng.
Nhiều sĩ phu tự biết mình không thể thay đổi được thế sự, nên đã chọn cho mình một con đường khác giúp dân, giúp nước - là treo ấn từ quan trở về đời thường, hoặc sống thanh bạch với nghề dạy học. Hình ảnh những người thầy như Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Nguyễn Khuyến... mà tài năng, đạo đức của các vị đã trở thành niềm tự hào của nền giáo dục của đất nước có lịch sử ngàn năm văn hiến.
Học trò - những môn sinh của ho ở khắp nơi, không chỉ học kiến thức uyên bác, mà còn học ở thầy khí phách của chữ Tâm, sống trọn đạo một con dân đất Việt.
Bởi vậy trong lịch sử chống giặc ngoại xâm, khi bị giặc Nguyên bắt và dụ hàng, Trần Bình Trọng đã khảng khái "Ta thà làm quỷ nước Nam, còn hơn làm vương đất Bắc" . Còn khi giặc Pháp xâm lược nước ta, Triều đình nhà Nguyễn yêu cầu Trương Công Định thu binh nghị hòa, nhưng ông đã thẳng thắn trả lời: "Triều đình hòa nghị, cứ hòa nghị, còn Định đây thì không hòa nghị, Định không nỡ ngồi nhìn giang sơn chìm đắm"....
Còn rất nhiều con dân đất Việt tuổi đời còn rất trẻ, đã ngã xuống nơi biên giới, biển đảo xa xôi, để bảo vệ từng tấc đất hương hỏa của cha ông.
Chữ Tâm trong đạo lí truyền thống, của người dân Việt vẫn luôn tỏa sáng; không chỉ là tình thương yêu, mà còn là xả thân vì nghĩa lớn, vì quốc gia, dân tộc - "Quốc gia hưng vong, sĩ phu hữu trách".
Phong trào (cách mạng) dân chủ đã (xóa bỏ chế độ quân chủ), làm thay đổi cơ bản đời sống chính trị trên phạm vi toàn thế giới. Chính quyền nhà nước được thành lập, thông qua vận động tranh cử của các đảng phái chính trị, và bầu cử dân chủ, nhưng hình thức thì mỗi nền văn minh vẫn còn nhiều khác biệt.
Trong bất kỳ thể chế chính trị nào, chữ Tâm luôn là một tiêu chuẩn lựa chọn con người, gánh vác việc nước. Nhưng công chúng (lịch sử) luôn là người đánh giá đúng thực chất của chữ Tâm, dù đó là của cá nhân hay của một tổ chức đảng phái chính trị.
Chữ Tâm được dân chúng sử dụng một cách công bằng, bình đẳng, để đánh giá về nhân phẩm (tốt, xấu) của một chủ thể (con người, hay một tổ chức đảng phái), mà không phụ thuộc vào địa vị, giai cấp mà chủ thể đó. Nhân phẩm của chủ thể, được dân chúng xác định thông qua bản chất, động cơ của hành động, trong những sự việc do chính chủ thể đó làm ra.
Cùng một sự việc, nhưng ở những chủ thể khác nhau, thì động cơ lại hoàn toàn khác nhau, có khi còn đối ngược nhau, tùy thuộc vào mục tiêu cần đạt được của chủ thể đó.
Những việc làm xuất phát từ những tâm địa đen tối, thường bị dân chúng lên án, chê cười, bị lịch sử "lưu danh". Lịch sử cũng minh chứng; có rất nhiều kẻ hại dân, hại nước, rút cục đã bị nhân dân trừng phạt.
Chữ Tầm thời hiện đại
Chữ Tầm chưa bao giờ có được vị trí là một phạm trù cơ bản, trong đạo lý truyền thống của dân tộc như chữ Tâm, chữ Đức, chữ Nhân ... . Nhưng trong khoảng gần mười năm gần đây, chữ Tầm lại được sử dụng rất phổ biến cùng với chữ Tâm, đã trở thành ngôn ngữ diễn đạt về tiêu chuẩn, lựa chọn cán bộ lãnh đạo của các cấp chính quyền cũng như các ngành.
Khi đề cập đến chữ Tầm của một người, là nói đến khả năng, năng lực phán đoán sự phát sinh, phát triển của một sự việc, một vấn đề liên quan tới đời sống của nhân dân, tới vận mệnh quốc gia, dân tộc. Từ đó mà người ta đưa ra phương hướng, và tổ chức giải quyết khoa học cho một, hoặc nhiều vấn đề khó, mang lại kết quả tốt đẹp cho đời sống xã hội của một cộng đồng, một quốc gia.
Chữ Tầm còn bao gồm cả lòng tự trọng (liêm sỉ) của một con người, khi tự đánh giá về năng lực thực hiện lời hứa (cam kết), của bản thân mình.
Như vậy; về ý nghĩa của chữ Tầm, nó giống với ý nghĩa của chữ Tài. Nhưng khi đánh giá về chữ Tầm của một con người, thì người đưa ra đánh giá đã có sự áp đặt - định lượng về mức độ nhìn xa trông rộng của cái tài thuộc người đó.
Ngay từ chế độ quân chủ, người làm vua cũng là 'kiến trúc sư' của bộ máy quan lại cai trị. Các "minh quân" là người tận tâm vì đất nước, vì hạnh phúc của người dân. Là người biết tôn trọng nhân tài, thường biết lựa chọn, sử dụng nhân tài làm 'giường cột' của chế độ, cùng triều đình giải quyết việc nước - "hiền tài là nguyên khí của quốc gia"
Ngày nay, việc xây dựng tiêu chuẩn về cái Tầm để lựa chọn người, đảm nhiệm các chức vụ trong bộ máy chính quyền, nhất là đối với người đứng đầu đất nước ở các nước khác nhau, cũng có rất nhiều khác biệt, phụ thuộc vào nền văn hóa, cũng như vào giai cấp, đảng phái chính trị, nắm quyền lãnh đạo đất nước đó.
Có người lấy số năm, tháng đi theo Đảng, cùng thành tích, công lao làm cái... Tầm của cán bộ. Có ý kiến lại lấy các văn bằng, danh hiệu cao quí đã đạt được làm cái Tầm... Chính từ cách đánh giá thiếu tính khoa học này, đã dẫn tới những tệ nạn khác, như bệnh thành tích, nạn bằng cấp giả hoặc học giả bằng thật, làm tiền đề cho nạn chạy cấp, chạy chức... |
'Nguyên thủ quốc gia' ở một số nước, được xác định bằng kết quả phổ thông đầu phiếu trong bầu cử. Tại các nước này họ đã tổ chức rất nhiều cách, kể cả hình thức tranh luận đối thoại trực tiếp, qua hệ thống truyền thông đại chúng, nhằm cung cấp cho công chúng đầy đủ thông tin về tài năng, phẩm chất, năng lực thực hiện những cam kết của các ứng cử viên. Qua đó người dân đánh giá chữ Tầm của mỗi một ứng cử viên.
Khi không còn được người dân tín nhiệm, người lãnh đạo đó sẽ phải ra đi, cùng với sự thay đổi của chính quyền. Các nền văn hóa khác nhau, cách thức thay đổi của một chính quyền cũng có sự khác biệt rất lớn.
Có đất nước người lãnh đạo biết đề cao lòng tự trọng của mình, khi không thực hiện được lời hứa trước dân chúng, không thực hiện được mục tiêu mà họ đã nêu lên trong khi tranh cử, thì đã từ chức, nhường bước cho người khác, có đủ Tầm lãnh đạo đất nước hơn mình.
Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng dân tộc, dân chủ các bậc tiền bối lão thành của Đảng luôn chăm lo tới công tác cán bộ, lựa chọn người vừa có đức vừa có tài cho vào các cấp chính quyền. Bác Hồ đã nói 'có đức không có tài thì làm việc gì cũng khó, có tài mà không có đức là người bỏ đi'. Cố Tổng Bí thư Trường Chinh cũng đã nói " nhiệt tình cộng với ngu dốt bằng phá hoại'.
Có một sự thực trong phân cấp quản lý Nhà nước. Có những vị trí chức vụ đòi hỏi người nắm cương vị đó phải có đủ Tầm, khi đưa ra những quyết sách nhằm giải quyết những vấn đề phát sinh, nếu không đủ hoặc không có tầm, sẽ không bao giờ giải quyết được.
Ví dụ như, mới đây khi trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, một vị Bộ trưởng đã nói trước Quốc hội rằng: "Ai chụp ảnh được cán bộ nhận phong bì thì gửi cho tôi". Cách giải quyết vấn đề, như thách đố tất cả mọi người như thế là... không đủ Tầm tư duy của người đứng đầu một ngành.
Nhưng ở cấp thừa hành, có những việc mới chỉ cần đến cái Tâm là đủ. Ví dụ như, việc tổ chức đấu thầu thuốc sử dụng tại các bệnh viện công lập chẳng hạn. Chỉ cần nhìn vào kết quả giá thuốc trúng thầu cao hơn giá thị trường, có thể nói ngay rằng, đó là kết quả của việc làm xuất phát từ cái Tâm không trong sáng. Người chịu trách nhiệm làm ra việc này đã thiếu chữ Tâm, không có đạo đức (thất đức).
Ngày nay việc quy hoạch, giáo dục bồi dưỡng cán bộ có đầy đủ Tâm và Tầm để bổ nhiệm vào chức vụ là trách nhiệm của cấp ủy Đảng các cấp. Nhưng việc minh định về cái Tầm của cán bộ, trong những năm qua cũng có nhiều vấn đề.
Có người lấy số năm, tháng đi theo Đảng, cùng thành tích, công lao làm cái... Tầm của cán bộ. Có ý kiến lại lấy các văn bằng, danh hiệu cao quí đã đạt được làm cái Tầm... Chính từ cách đánh giá thiếu tính khoa học này, đã dẫn tới những tệ nạn khác, như bệnh thành tích, nạn bằng cấp giả hoặc học giả bằng thật, làm tiền đề cho nạn chạy cấp, chạy chức...
Hệ lụy tất yếu của các tệ nạn trên là: Đảng đang đứng trước thách thức rất lớn đó là yếu kém về quản lý của các cấp, các ngành, cùng đó là tình trạng suy thoái đạo đức của một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên, dẫn tới tham nhũng đã trở thành quốc nạn, mất lòng tin của nhân dân, đe dọa sự tồn vong của chế độ.
Lịch sử của dân tộc đang đứng trước những thách thức, cũng như vận hội mới. "Vận nước' đang đặt trách nhiệm vào các vị dân biểu (đại biểu Quốc hội, Hội đồng Nhân dân các cấp) những người thay mặt Đảng và toàn thể quốc dân đồng bào cả nước trong việc minh định và lượng hóa về Tâm và Tầm của đội ngũ cán bộ trong bộ máy chính quyền.
Để các vị có những lựa chọn, quyết định hợp lòng dân. Để dân tộc luôn vững vàng trước mọi thách thức, trên hành trình hội nhập thế giới hiện đại.
Nguyễn Văn Soạn
Tư gia, 23h20' ngày thứ Bảy, 23/02/2013
0 Nhận xét