THẦY TRƯƠNG THAM

Ngày đăng: [Wednesday, April 18, 2012]
Thời phổ thông trung học của thế hệ mình là thời mà được học cả hai luồng giáo dục từ những người thầy/cô từ ở miền Bắc du nhập vào, và những thầy/cô còn lại ở miền Nam. Tuy vậy, ở họ, là những người thầy/cô đa phần rất giỏi và thánh thiện trong nghề nghiệp. Một trong những người đó là thầy Trương Tham. Ông trở lại quê nhà từ là một học sinh miền Nam tập kết ra Bắc với nghiệp dạy văn ở phổ thông.

Mình chỉ học với thầy có đúng 2 tiết giảng văn lớp 12, khi thầy thay cô giáo chủ nhiệm, đồng thời là cô dạy văn cho lớp mình bị ốm. Nhưng là cựu học sinh trung học Trưng Vương sau 30/4/1975, nên mỗi ngày đến trường đều thấy thầy dắt con chó kiểng đi làm vệ sinh cá nhân buổi sáng, với cái dáng gầy nhỏ thó, và trên môi điếu thuốc rê thè ra với chiếc lưỡi, để khói không xông vào mắt dưới lớp kiếng lão dày trể xuống, và mắt nhướng lên để nhìn. Hình ảnh hút thuốc rê của thầy làm thế hệ học trò bọn mình ngày ấy gọi thầy với cái biệt danh trại đi là thầy "Ngó Thèm" chứ không gọi là thầy Trương Tham.


Thầy có 4 cái đặt biệt, cái đặc biệt đầu tiên là vốn quý như ngàn vàng, là suốt đời vì sự nghiệp giáo dục vô vụ lợi, nên về hưu rồi, nhưng thầy vẫn trắng tay và ở nhờ căn phòng cuối dãy mặt tiền trường, ở tầng 3, bên tay trái. Sau này thầy được xuống đất do một số thầy cô ở nhờ đất nhà trướng chuyển đi ra ngoài. Sau khi về Trưng Vương đến nay thầy chỉ sống nhờ đất của nhà trường.

Cái đặt biệt thứ hai của thầy là đời thầy cô độc, không vợ, không con. Bạn của thầy là những con vật gần gủi với con người, chó, mèo. Bao thế hệ học trò và thầy giáo cứ đi qua ngôi trường nhìn ra biển Quy Nhơn này, nhưng chỉ còn lại những con vật này là bạn của thầy.

Cái đặc biệt thứ ba, mà cả nước ai cũng biết từ cái ngày trước 30/4/1975 ở miền Bắc, đến sau này về trường Trưng Vương, Quy Nhơn, thầy là một người dạy văn hay đến hốt hồn học trò. Nhưng cũng lắm những lời mỉa mai chua cay cho những học sinh nào học thầy mà không viết nổi câu văn ra hồn.

Cuối cùng là, nghiện thuốc lá hạng nặng, nghe bảo mỗi ngày phải 3 gói. Chính cái đặc biệt này mà hôm nay có lý do để viết.

Bệnh lý phổi tắc nghẽn mạn tính (Chronic Obstructive Pulmonary Disease:COPD) là hậu quả của nhiều nguyên nhân mà, nguyên nhân hàng đầu là do thuốc lá. Thuốc lá sẽ làm xơ chai các túi khí trong phổi - phế nang - nơi là hàng rào trao đổi oxy cho máu. Hậu quả của xơ chai này làm cho các túi khí giảm tính đàn hồi, và đi đến mất tính đàn hồi.

Khi ta thở vào không khí vào khí quản rồi đến phế quản và vào đầy phế nang. Nó làm cho phế nang nở ra cũng là lúc 2 lá phổi nở căng, làm khung sườn dãn ra và nhô lên, 2 cơ hoành hạ xuống khoang bụng. Lúc đó là lúc oxy từ không khí đi qua lớp tế bào nội mạc của phế nang và mao mạch để gắn với Hemoglobin của hồng cầu và thải ra khí carbonic, biến máu đen thành máu đỏ.

Hết nửa chu kỳ thở vào là đến nửa chu kỳ thở ra. Lúc ấy, không khí mang khí carbonic đi ngược dòng từ phế nang ra ngoài. Cũng là lúc phế nang co lại, và 2 lá phổi xẹp xuống, lồng ngực hạ xuống, và 2 cơ hoành nâng lên khoang ngực.

Nhịp thở cứ đều đều, nhanh hay chậm tùy thuộc vào nhu cầu oxy của cơ thể dưới sự chỉ huy của một trung tâm hô hấp nằm ở hành tủy của hệ thần kinh trung ương đảm nhiệm, bằng một áp lực âm mà không gắng sức.

Nhưng khi bị bệnh lý phổi tắc nghẽn mạn tính thì, khi người bệnh hít vào mà phế nang không chịu nở ra do mất tính đàn hồi. Cũng vậy, khi người bệnh thở ra thì phế nang lại không chịu co lại. Nên có phổi mà cũng như không. Thế là người bệnh buộc phải gắng sức để hít vào, và thở ra. Công việc hít thở bình thường lâu nay là một việc làm cho con người ta khoan khoái, thì đối với người bệnh loại này, lại trở thành như việc phải thở mà có 1 bao tải năng đè lên ngực. Nhưng không phải đè ở bên ngoài ngực, mà là đè ở bên trong lồng ngực, vì hít vào hay thở ra lồng ngực cứ trơ ra không dãn nở hay co lại. Lúc ấy buộc phải nhờ máy thở dùm bằng áp lực dương.

Có nghĩa là người bệnh này sẽ bị chết ngộp ở trên cạn, nếu không được trợ lực cho việc thở bằng máy cơ học. Không có cái chết nào kinh khủng hơn cái chết do COPD, vì người bệnh chết mà vẫn tỉnh táo, do mọi cơ quan trong cơ thể vẫn hoạt động tốt, nhưng vì không tự thở được. Thầy Trương Tham đang bị mắc phải chứng bệnh này nhiều năm nay do thuốc lá. Nhưng khoảng 1 tháng nay thầy bị vào những cơn cấp tính.

16h chiều nay có một giảng viên ở trường đại học Quy Nhơn gọi khẩn vào để hỏi mình cho ý kiến có nên chuyển thầy vào Sài Gòn điều trị không? Vì hiện thầy đang phải mở khí quản và thở máy. Thầy vẫn tỉnh táo, hồng hào, nhưng từ khi nhập viện cách nay 1 tháng đến giờ từ lúc tự thở được, đến bây giờ phải thở nhờ máy đã 3 hôm. Tức tình hình ngày càng xấu đi.

Học trò và đồng nghiệp đang lo lắng cho thầy, và họ hy vọng đem vào Sài Gòn sẽ tốt hơn. Mình chỉ trả lời là, vấn đề của thầy chủ yếu là điều trị cái nguyên nhân đẩy một bệnh lý mạn tính đi vào cấp tính và trợ giúp máy thở. Dù có đem qua Mỹ cũng thế thôi. Ở đâu có máy thở và có người chăm sóc tốt thì ở đó tốt hơn. Nhưng vấn đề quan trọng là, làm sao tránh tình trạng nghiện máy thở do dùng thời gian dài, mà chưa cắt được nguyên nhân thúc đẩy vào cơn cấp. Nếu không thì tiên lượng ngặt nghèo vì bội nhiễm và vì nghiện máy thở như nghiện xì ke. Nên cuối cùng mọi người cũng yên tâm để thầy ở lại điều trị.

Viết bài này chỉ cốt để thông báo cho những ai đã từng là học trò của thầy được biết, hòng đến thăm thầy, kẻ ít lòng nhiều trợ giúp thầy trong lúc neo đơn. Dù hiện nay có 3 học trò theo nghiệp văn đã thay nhau mỗi người 2 ngày túc trực bên thầy. cũng rất chu đáo và đầy tình nghĩa.

Asia Clinic, 19h00' ngày thứ Tư, 18/4/2012

Đăng nhận xét

0 Nhận xét