Ngày đăng: [Tuesday, August 02, 2016]
Tối hôm qua, 19:00 01/8/2016, sau khi xong việc ở clinic, xách xe chạy ào đi thăm thằng em ở Escondido, San Diego, CA, USA nó vừa về Việt Nam để chờ chết sau khi từ chối hóa trị lần 2 cho hậu phẫu Whipple của ung thư đầu tụy.
Nhìn nó khỏe mạnh tóc đen nhánh, dù gầy đi nhiều, nhưng quằn quại với cơn đau do khối ung thư đã xâm lấn vào tủy sống mà xót xa quá.
Anh em ngồi tâm sự, nó bảo, bây giờ em có 2 chứng nằm trong thân xác này:
1. Cơn đau không gì tả nổi của ung thư xâm lấn tủy sống. Đau mà em phải đập đầu vào tường để lấy cái đau ở đầu để có thể quên đi cái đau ở bụng, em thực sự muốn ra đường đâm đầu vào xe tải hoặc nhảy lầu tự tử còn hơn là chịu cơn đau này. Em dùng thuốc giảm đau cấp độ 3 của dòng họ Morphine ban đầu liều thấp, đến giờ thành con nghiện, liều cao hơn thì thở ngáp cá, liều trung bình thì chỉ giảm đau chỉ được 30%!
2. Nghiện morphine. Từ nhỏ tới lớn xem phim, nghe tả nghiện thuốc phiện chứ có bao giờ biết nó như thế nào đâu? Giờ thành con nghiện mới biết nó kinh khủng mức nào? Nó ngứa, mà ngứa trong tủy xương như trăm ngàn con kiến nó cắn, ngứa mà có gãi được đâu anh. Các khớp xương nó nhức thấu trời, Các bắp cơ nó vừa mỏi, vừa nhột mà không thể nào tả được. Còn tóc thì nó như dựng ngược lên vì hầu hết các lỗ chân lông đều co thắt... Nên bây giờ mới hiểu ngày xưa anh bảo, 100 con nghiện ma túy sau khi cai nghiện trở về thì sẽ có 110 con nghiện!
Nó bảo, chết thì trước sau cũng sẽ chết. Giờ em mới hiểu vì sao các quốc gia tiên tiến họ tranh cãi nhau giữa bộ tư pháp và bộ y tế về ra điều luật bệnh nhân được quyền chọn cái chết cho mình. Anh có cách nào để em ra đi êm dịu không, giúp em với. Em đã sẵn sàng ra đi, mọi tài sản em đã chuyển cho vợ con, em về đây để được nằm ở nơi mình đã được sinh ra như anh đã viết. Cho người ta chọn cái chết khi cần mới là đạo đức.
Mình ứa nước mắt và nói với nó. Anh rất hiểu. Bản thân anh, mai sau nếu thấy mình cần phải ra đi anh cũng sẽ tự quyết em ạ. Nhưng với sự cứng nhắc trong y đức anh không thể. Em nên vào viện khi cần thiết. Lằn ranh đạo đức và vô đạo đức không có như người ta nghĩ. Rồi mình đưa những số phone, và liên hệ các đồng nghiệp, bạn bè cho số phone của nó cho họ để khi cần nó liên hệ.
Mình bảo, không ai biết sau khi chết chúng ta sẽ về đâu, nhưng nhiều người nói về cái chết và sau khi chết rất hay. Mỗi ngày ai cũng có những cái chết ngắn hạn qua giấc ngủ, nhưng ai cũng sợ chết. Anh thấy mừng khi em đối diện với cái chết rất bình thản.
Nó bảo, đúng anh ạ. Khi lên bàn mổ sau một liều thuốc em chả biết gì. 6 tiếng đồng hồ sau tỉnh dậy nhìn cơ thể banh chành, và em thấy cái chết rất đơn giản, không có gì đáng sợ nữa. Chỉ tiếc, mọi dự định làm từ thiện với anh chưa thực hiện được.
15 năm trước khi bỏ BVCR ra đi, mình gặp nó, thế mà bây giờ nó lại sắp ra đi ở cái tuổi vừa qua ngưỡng 50. Mình bảo, tao và mày chưa bao giờ có tấm hình cùng nhau, anh em chụp chung một tấm?
Nó bảo, thôi anh. Không có gì phải lưu lại, chủ yếu là anh em hiểu nhau là đủ. Đời tuy dài vì những biến động với cá nhân, nhưng thật ngắn ngủi, khi nhìn lại ta chưa làm được gì cho đời tốt đẹp hơn anh ạ, thôi thì hẹn ở kiếp sau, nếu có anh em mình lại gặp nhau. Nhưng tất cả chỉ là sự an ủi nhau thôi anh. Có lẽ, điều hạnh phúc nhất của mọi loài là được sinh ra trên cõi đời này. Và sự sinh ra ấy chỉ một lần duy nhất. Ra đi là mãi mãi không quay lại anh ạ. Nó nói với mình mà như một sự thức tỉnh cuối đời.
Mình bảo, để anh gọi mấy đứa bạn của em đến thăm em. Nó bảo, thôi đừng làm phiền tụi nó, cũng chẳng đứa nào hiểu em hơn anh, nên em về đây chỉ cho một mình anh biết là đủ.
21:00 mình thấy nó vật vã với cơn đau dù đã tộng 2 viên morphine, nên bảo, thôi em mệt rồi anh về nhé. Nó chỉ có thể gật đầu. Nên sống như thế nào để khi ra đi còn có ý nghĩa với đời? Có lẽ, đối với người Việt điều đầu tiên nên vứt bỏ là: chứng doublethink và sống thánh thiện như trẻ thơ.
Sài Gòn 9h33' ngày thứ Ba, 02/8/2016
0 Nhận xét