ĐỘC LẬP NĂNG LƯỢNG TRONG MỘT THẾ GIỚI PHỤ THUỘC LẪN NHAU

Ngày đăng: [Saturday, July 28, 2012]

Bài dịch của Trang La và Nguyễn Ngọc Khánh

Bài viết cùng tác giả:

Bài viết của ông Joseph S. Nye, Jr. Ông là cha đẻ của lý thuyết “Quyền lực mềm”, cũng là một cựu trợ lý bộ trưởng quốc phòng, là một giáo sư tại Đại học Harvard và là tác giả của cuốn Tương lai của Quyền lực(The Future of Power).


CAMBRIDGE – Khi mà Tổng thống Richard Nixon tuyên bố vào đầu thập niên 1970 rằng ông ta muốn đảm bảo chiến lược độc lập về nguồn năng lượng cho quốc gia, Hoa Kỳ đã nhập khẩu 1/4 tổng lượng dầu hỏa nội địa. Đến cuối thập kỷ, sau lệnh cấm vận dầu hỏa Ả Rập và cách mạng Hồi giáo ở Ba Tư, tình hình sản xuất nội địa giảm sút, dân chúng Hoa Kỳ đã nhập khẩu một nửa nhu cầu lượng dầu hỏa nội địa với mức giá gấp 15 lần, và nhiều người dân đã tin rằng quốc gia đang dần cạn kiệt nguồn khí đốt tự nhiên.

Những cú sốc năng lượng đã góp phần vào sự kết hợp chí tử giữa tốc độ tăng trưởng kinh tế trì trệ lẫn lạm phát, và tất cả các đời tổng thống Hoa Kỳ sau thời Nixon đã tuyên bố tương tự rằng độc lập năng lượng như là một mục tiêu quốc gia. Song chỉ ít vị là đã giữ lời hứa của mình một cách nghiêm túc.

Ngày nay, các chuyên gia về năng lượng không còn đùa cợt được nữa. Đến cuối thập kỷ này, theo Cục Quản lý Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ, gần một nửa số dầu thô mà Hoa Kỳ tiêu thụ sẽ được sản xuất tại nội địa, trong khi 82% số đó sẽ đến từ các quốc gia đồng minh ở  bờ Đại Tây Dương của Hoa Kỳ. Philip Verleger, một phân tích gia về năng lượng đáng kính, lập luận rằng, tới năm 2023, kỷ niệm “Đề án Độc lập năng lượng” của tổng thống Nixon tròn 50 năm, Hoa Kỳ sẽ giữ được độc lập về năng lượng, với mục tiêu là quốc gia này sẽ xuất khẩu năng lượng nhiều hơn so với lượng nhập khẩu.

Verleger lập luận rằng sự độc lập về năng lượng “có thể làm nên một Thế kỷ Mới cho Hoa Kỳ bằng cách kiến tạo ra một môi trường hoạt động kinh tế nơi mà Hoa Kỳ tiếp cận với các nguồn cung năng lượng với chi phí thấp hơn nhiều so với những nơi còn lại trên thế giới”. Hiện tại thì, các công dân ở châu Âu và châu Á phải chi trả thêm gấp 4 - 6 lần chi phí khí đốt tự nhiên so với các công dân sinh sống ở Hoa Kỳ.

Điều gì đã xảy ra? Công nghệ khoan ngang và craking thủy lực, qua đó đá phiến(*) và các cấu trúc đá trầm tích ở tầng sâu bị khoan phá với nước và hóa chất, đã làm ra phần lớn nguồn cung khí và dầu hỏa tự nhiên. Ngành công nghiệp khí-đá phiến của Mỹ đã tăng trưởng 45%/năm kể từ 2005 tới 2010 và thị phần khí đốt từ đá phiến trong tổng sản xuất khí đốt của Mỹ nói chung đã tăng từ 4% lên 24%.

Người ta ước tính rằng Hoa Kỳ có đủ lượng khí đốt để tự duy trì tốc độ sản xuất hiện tại cho hơn một thế kỷ nữa. Trong khi nhiều quốc gia khác cũng có tiềm năng đáng kể về nguồn tài nguyên khí đá phiến, thì các vấn đề khó khăn cũng đầy rẫy, bao gồm khan hiếm nguồn nước ở Trung Hoa, an ninh về vốn đầu tư ở Argentina, và những hạn chế về môi trường ở một số nước châu Âu.

Nền kinh tế Hoa Kỳ sẽ được hưởng lợi theo vô số các cách từ việc thay đổi nguồn cung năng lượng. Hàng trăm ngàn công ăn việc làm đang được tạo ra ở một số khu vực xa xôi mà trước kia đang trong tình trạng trì trệ. Hoạt động kinh tế phụ trợ này sẽ thúc đẩy sự tăng trưởng GDP nói chung, mà nó cũng mang lại đáng kể các khoản thu ngân sách mới. Ngoài ra, nhập khẩu năng lượng với giá thành thấp sẽ có kết quả là làm thu hẹp thâm hụt mậu dịch của Hoa Kỳ và cải thiện tình hình cán cân thu chi quốc tế. Một số ngành công nghiệp Hoa Kỳ, chẳng hạn như sản xuất hoá chất và nhựa, sẽ giành được một lợi thế tương đối quan trọng về chi phí sản xuất.

Thực vậy, Cơ quan Năng lượng Quốc tế ước tính rằng các biện pháp phòng ngừa bổ sung là cần thiết để đảm bảo về sự an toàn về môi trường của các giếng đá phiến - bao gồm cả sự quan tâm cẩn trọng với tình trạng địa chấn, các hầm kín tiêu chuẩn, và quản lý nước thải thích hợp - mà chỉ tốn thêm khoảng 7% chi phí.

Tuy nhiên, về khía cạnh biến đổi khí hậu toàn cầu, các ảnh hưởng của sự phụ thuộc lớn hơn vào nguồn khí đá phiến sét bị hòa lẫn vào nhau. Bởi vì khi đốt cháy khí đốt tự nhiên nó sản sinh các loại khí gây hiệu ứng nhà kính ít hơn so với các loại năng lượng hydrocarbon khác, chẳng hạn như than đá hoặc dầu hỏa, điều này có thể mở ra một tương lai ít dùng năng lượng carbon hơn. Tuy nhiên, sử dụng khí gas với giá thành thấp sẽ cản trở sự phát triển các nguồn năng lượng tái sinh, trừ phi là đi kèm với các khoản trợ cấp hay các loại thuế đánh vào carbon.

Trong giai đoạn này, người ta chỉ có thể suy đoán về những ảnh hưởng về phương diện địa chính trị. Rõ ràng là, việc củng cố nền kinh tế của Hoa Kỳ sẽ tăng cường sức mạnh kinh tế của Hoa Kỳ - một viễn cảnh đi ngược với kiểu cách hiện tại trong việc mô tả Hoa Kỳ như là đang trong tình trạng sa sút.

Song ta không nên kết luận vội. Một sự cân bằng về nhập khẩu và xuất khẩu năng lượng mới chỉ là một ý gần đúng đầu tiên của chính sách độc lập. Như tôi đã lập luận trong cuốn sách của tôi “Tương Lai Của Quyền Lực”, sự phụ thuộc lẫn nhau trên toàn cầu liên quan đến cả hai tính chất là sư nhạy cảm và tính dễ bị tổn thương. Hoa Kỳ có thể ít bị tổn thương trong dài hạn nếu nhập khẩu ít năng lượng hơn, nhưng dầu hỏa là một mặt hàng có thể thay thế được, và nền kinh tế Hoa Kỳ sẽ vẫn nhạy cảm với những cú sốc từ những thay đổi đột ngột về giá cả trên thị trường thế giới.

Nói cách khác, một cuộc cách mạng ở Ả -rập Xê- út hoặc việc phong tỏa eo biển Hormuz vẫn có thể gây thiệt hại cho Hoa Kỳ và các đồng minh của mình. Vì thế, ngay cả khi Mỹ đã không còn có các lợi ích khác ở Trung Đông, như Do Thái hoặc phổ biến phi hạt nhân, sự cân bằng về nhập khẩu và xuất khẩu năng lượng dường như sẽ không thể giải phóng Hoa Kỳ khỏi vấn đề chi tiêu quân sự - mà một số chuyên gia ước tính tốn kém 50 tỉ Mỹ kim hằng năm - nhằm bảo vệ các tuyến đường vận chuyển dầu hỏa trong khu vực này.

Đồng thời, vị trí mặc cả của Hoa Kỳ trong nền chính trị thế giới cần được tăng cường. Quyền lực phát sinh từ sự phi đối xứng trong quan hệ phụ thuộc lẫn nhau. Anh  và tôi có thể phụ thuộc vào nhau đó, nhưng nếu tôi phụ thuộc vào anh ít hơn là anh phụ thuộc vào tôi, thì quyền cò kè mặc cả của tôi được tăng lên.

Trong nhiều thập kỷ qua, Hoa Kỳ và Ả- rập Xê- út đã có một sự cân bằng phi đối xứng trong đó Hoa Kỳ phụ thuộc vào Ả- rập Xê- út như là nhà sản xuất dầu hỏa đỏng đảnh, ngược lại Ả- rập Xê- út phụ thuộc vào Hoa Kỳ về việc bảo đảm an ninh quân sự tối đa. Bây giờ sự cò kè sẽ được đề ra dựa trên các điều khoản tốt hơn từ quan điểm của phía Hoa Kỳ.

Tương tự như thế, Nga đã phô bày sự ảnh hưởng quyền lực trên khắp châu Âu và các nước láng giềng nhược tiểu của mình thông qua kiểm soát các nguồn cung và đường ống dẫn khí đốt tự nhiên. Vì vậy khi mà Bắc Mỹ trở nên tự cung tự cấp nguồn khí đốt, nhiều nơi từ các khu vực khác sẽ được thông thoáng trong việc cung cấp các nguồn năng lượng thay thế cho châu Âu, do đó làm giảm dần ảnh hưởng của Nga.

Ở Đông Á, nơi mà đã trở thành trọng tâm của chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ, Trung Hoa sẽ tự thấy mình ngày càng phụ thuộc vào các nguồn dầu mỏ từ Trung Đông. Những nỗ lực của Hoa Kỳ nhằm thuyết phục Trung Hoa đóng một vai trò lớn hơn trong các thỏa thuận an ninh trong khu vực có thể được tăng cường, và nâng cao nhận thức của Trung Hoa về các lổ hổng trên tuyến đường cung cấp năng lượng cho chính Trung Hoa do sự có mặt của Hải quân Mỹ, thậm chí ngay cả trong trường hợp không có xung đột cũng có thể có ảnh hưởng tế nhị đến quyền cò kè mặc cả của mỗi bên.

Một phép cân bằng nhập khẩu và xuất khẩu năng lượng không tạo nên một sự độc lập thuần túy, song nó không làm thay đổi các mối quan hệ quyền lực liên quan đến sự phụ thuộc lẫn nhau về năng lượng. Ông Nixon đã đúng.

@Project Syndicate 2012

Ghi chú:
* Đá phiến: là loại đá được trầm tích những hạt mịn có cả những hydrocarbon và kerogen, là một hỗn hợp của các chất hữu cơ rắn. Từ đầu những năm 1820s, Hoa Kỳ đã là nước đi đầu trong việc nghiên cứu dùng thủy lực và hóa chất để tạo ra khí gas và dầu hỏa từ loại đá phiến này. Có 2 loại đá phiến là, đá phiến dầu và đá phiến sét.

Đá phiến dầu thì chủ yếu trầm tích hydrocarbon còn đá phiến sét chủ yếu trầm tích hợp chất hữu cơ rắn kerogen. Cả 2 đều có thể dùng khoan bằng thủy lực để cracking hóa tạo ra khí gas và dầu hỏa. Hoa Kỳ đã đi tiên phong trong công nghệ này. Nhưng vấn đề ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng nhà kính do sản xuất và sử dụng là vấn đề được đặt ra nặng nề hơn.

BS Hồ Hải hiệu đính và ghi chú – Tư Gia – 0h06' ngày thứ Bảy, 28/7/2012

Đăng nhận xét

0 Nhận xét