MỤC TIÊU BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU BẤT KHẢ THI

Ngày đăng: [Wednesday, May 15, 2013]
Bài chép lại trên Google Cache



Trong bài phát biểu khai mạc hội nghị trung ương 7, khóa XI của ông tổng bí thư đảng cộng sản ở Việt Nam có mục tiêu cuối cùng là, về ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ tài nguyên, môi trường, khi tổ chức Global Witness ra thông báo về tình trạng phá rừng nguyên sinh của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai ở 3 quốc gia Việt, Miên và Lào để trồng lại rừng cao su.

Ngay lập tức ông chủ tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai lên tiếng phản bác cả ở truyền thông trong nước và nước ngoài, đây là việc của 3 chính phủ của 3 nước ký kết với nhau và HAGL chỉ là người thực hiện những ký kết về chiến lược kinh tế. HAGL không lấy, mua, bán bất kỳ một khối gỗ nào, trên thực tế và trên văn bản giấy tờ, ngay cả khi các chính phủ Lào và Cambodia đề nghị HAGL thu mau những khối gỗ từ hàng trăm ngàn hecta rừng ở Lào và Cambodia như Global Witness đã công bố(xem video clip kèm theo). Điều đáng nói là sau cáo buộc giá cổ phiếu HAG rớt và ông bầu Đức mất đến 430 tỷ đồng tương đương hơn 20 triệu đô la chỉ trong vòng vài giờ.

Video Clip mà tổ chức Global Witness cáo buộc tập đoàn HAGL đã làm mất hàng trăm ngàn hecta rừng ở Lào và Cambodia

Trái đất có 3/4 diện tích là biển, và chúng ta đang sống trên 1/4 diện tích đất đai còn lại. Trong đó, rừng là lá phổi giúp chúng ta có sự sống từ hàng triệu năm xưa đến hôm nay. Hầu hết hơn 3/4 diện tích rừng tập trung ở khu vực nhiệt đới và cận xích đạo nhờ lượng mưa và khí hậu thích hợp ở vùng này. Khu vực Amazon Nam Mỹ là lá phổi lớn nhất, sau đó là khu vực Đông Nam châu Á, trong đó có Đông Dương - Việt, Miên và Lào. Trong khi đó, rừng nhiệt đới lại tạo ra 30% lượng nước ngọt cho trái đất theo báo cáo vào ngày 08 tháng 10 năm 2010 của Frank Field.

Nguyên nhân tạo ra việc phá rừng có thể liệt kê ra sau đây:
1. Do nhận thức của con người, khai thác không đúng quy hoạch.
2. Do quy hoạch và kế hoạch không đúng đối với quá trình điều chế rừng, sắp xếp ngành nghề...
3. Hoạt động quản lý nhà nước về rừng yếu kém.
4. Do tập tục du canh du cư, đốt nương làm rẫy của một số cộng đồng thiểu số bà con dân tộc vùng cao.
5. Do quá trình chuyển hóa đất từ sản xuất lâm nghiệp sang sản xuất công, nông nghiệp.
6. Do xây dựng cơ bản: xây dựng đường giao thông, công trình thủy điện,...
7. Do hoạt động phá rừng của các lâm tặc nhằm để lấy lâm sản.

Gỗ ở Asean thì gỗ Việt Nam là tốt nhất, có giá nhất, rồi đến gỗ Lào và Cambodia sau cùng là gỗ Thái Lan là rẻ nhất. Gỗ Mã Lai và Indonesia cũng rẻ như Thái Lan. Tôi xin ví dụ, 1m3 gỗ trắc Việt Nam kích cỡ quy ước 17 x 25cm giá khoảng 15.500usd/m3 on board(giá FOB), của Lào và Cambod khoảng 14.600usd/m3 on board, của Thái Lan, Indo và Mã Lai chỉ khoảng 12.000usd/m3 on board mà thôi. Chỉ tính tạm thế để các bạn tưởng tượng ở 3 nước Lào, Việt và Cambod trữ lượng chỉ riêng gỗ trắc đã đến hàng chục triệu khối. Nếu cắt theo quy ước 26 x 35cm thì giá gỗ trắc Việt khoảng 26.000usd/m3 giá FOB. Còn nếu cắt theo quy cách 36 x 45cm thì giá gỗ trắc của Việt Nam giá khoảng 36.000usd/m3 on board, theo thời giá ngày hôm nay. Đắc lè lưỡi chưa các bạn? Chúng mình mà chỉ cần có 30m3 gỗ trắc là ăn cả đời không hết. Trong khi đó, trữ lượng chỉ riêng gỗ trắc ở 3 nước Đông Dương sau ngày 30/4/1975 là hàng triệu mét khối đã bay biến trong vòng chỉ 30 năm qua!

Việc phá rừng gây ra rất nhiều thảm họa thì ai cũng rõ. Nhưng để nhìn thấy những thảm họa ấy, cần có những con số cụ thể, mới thấy hết chúng ta đang tự kết liễu sự sống của mình vì lòng tham và sự thiếu hiểu biết mà tôi muốn trình bày sau đây.

Về không khí, thì theo báo cáo năm 2006 của Quỹ tài trợ Chirac, thì việc phá rừng nguyên sinh ở các nước trong khu vực nhiệt đới là tác nhân của 20% làm nóng lên của trái đất do hiệu ứng lượng khí nhà kính. Theo Ủy ban liên chính phủ về thay đổi khí hậu, việc phá rừng ở khu vực nhiệt đới đã góp 1/3 lượng khí thải carbonic(CO2) do con người gậy ra. Phá rừng làm lượng carbon trong đất thoát trở lại không khí. Ở các khu vực bị phá rừng, đất tăng nhiệt nhanh hơn và thời tiết trở nên nóng hơn, điều này kích thích quá trình bốc hơi nước của đất, từ đó hình thành các đám mây và dẫn đến lượng mưa sẽ gia tăng. Mặc dù vậy, hiện nay các nhà khoa học cho rằng phá rừng không có ảnh hưởng gì tới mức độ oxy của bầu khí quyển. Tuy nhiên việc đốt rừng thải ra một lượng lớn CO2, làm gia tăng sự ấm lên của trái đất. Các nhà khoa học cũng cho biết, phá rừng nhiệt đới làm 1,5 tỉ tấn carbon được thải vào không khí mỗi năm.

Về nước, theo báo cáo của United Nations - Liên Hiệp Quốc - thì vòng tuần hoàn nước cũng bị ảnh hưởng bởi phá rừng. Cây hút nước trong lòng đất và giải phóng vào không khí. Khi rừng bị phá bỏ, cây không còn làm bay hơi lượng nước này, điều này khiến khí hậu trở nên khô hạn hơn rất nhiều. Phá rừng làm giảm lượng nước trong đất, lượng nước ngầm và độ ẩm của không khí. Rừng làm tái bổ sung nước ở tầng ngậm nước ở vài nơi, nhưng rừng là nguồn hút nước chủ yếu của tầng ngậm nước.

Phá rừng làm giảm khả năng giữ và bay hơi nước mưa của đất. Thay vì giữ nước mưa được thấm xuống tầng nước ngầm, phá rừng làm tăng quá trình rửa trôi nước bề mặt, sự di chuyển của nước bề mặt có thể dẫn đến lũ quét và gây nhiều lũ lụt hơn khi có rừng bảo vệ. Quá trình làm giảm thoát hơi nước, từ đó làm giảm độ ẩm không khí, trong một vài trường hợp có thể làm giảm lượng mưa theo hướng gió từ khu vực bị phá rừng, vì nước không được tuần hoàn trở lại rừng do bị mất trong quá trình rửa trôi và đổ thẳng ra biển. Nó làm nước biển dâng cao.

Về đất, như đã nói qua trong phần về nước, phá rừng làm tăng độ xói mòn của đất khi nó làm tăng độ rửa trôi và giảm độ bảo vệ đất của lá khô, lá rụng trong rừng. Hoạt động lâm nghiệp cũng có thể làm tăng độ sói mòn đất do phát triển đường xá và sử dụng dụng cụ cơ khí.

Rễ cây liên kết đất với nhau, khi đất nông vừa đủ thì rễ cây có tác dụng kết dính đất với tầng đá gốc. Việc chặt phá cây trên các sườn núi dốc có nền đất nông do đó làm tăng nguy cơ lở đất, có thể ảnh hưởng tới những người dân gần khu vực đó. Phá rừng làm giảm độ kết dính của đất, từ đó dẫn tới xói mòn, lũ lụt, lở đất. Câu chuyện lở đất vùi lấp người dân ở Việt Nam xảy ra cả trongmùa hạn hán gần đây là không hiếm, chưa tính đến trong mùa mưa lũ.

Về sinh thái, phá rừng làm giảm sự đa dạng sinh thái và làm môi trường bị suy thoái. Rừng là nơi cung cấp nguồn sinh thái, còn là nơi sinh sống, trú ẩn của nhiều loài động vật. Rừng cũng còn là nơi cung cấp nhiều nguồn dược liệu quý cho con người, mà ngay cả trong các phòng thí nghiệm cũng không thể tổng hợp được.

80% đa dạng sinh thái là từ rừng nhiệt đới. Việc phá rừng nhiệt đới đã báo động vào tháng 02/2012 đã lên đến 50% diện tích. Các nhà khoa học ước tính chúng ta đang mất đi 137 loài thực vật, động vật và côn trùng mỗi ngày do phá rừng mưa, con số này tương đương với 50.000 loài mỗi năm. Nhiều dự đoán cho rằng 40% các loài động, thực vật ở Đông Nam Á có thể bị xóa sổ hoàn toàn vào thế kỷ XXI. Và các nhà khoa học dự đoán rằng, với tốc độ phá rừng như hiện nay,chỉ trong vòng 30 năm tới, toàn bộ rừng nhiệt đới sẽ bị phá sạch, nếu chúng ta không ngưng ngay hành động phá rừng ngay từ bây giờ!

Tác động về kinh tế, theo báo cáo tại Bonn vào tháng 5/2008, trong Hội nghị về Đa dạng Sinh học cho rằng, việc phá rừng và các yếu khác của tự nhiên có thể làm tồi tệ thêm mức sống của người nghèo trên thế giới và làm giảm 7% GDP của thế giới tới năm 2050.

Gỗ là một nhu cầu thiết yếu của cuộc sống, con người đã biết sử dụng gỗ từ thời ăn lông ở lổ. Cho đến hôm nay gỗ được xem là một vật phẩm thiết yếu ngang bằng với nước và đất trong cuộc sống hằng ngày. Người ta tính, hiện nay tại các quốc gia đang phát triển có khoảng một nửa dân số thế giới vẫn còn dùng gỗ để sưởi ấm, đun nấu thức ăn, và xây nhà. Đó là chưa tính đến nó còn là vật liệu làm ra giấy để viết cho toàn cầu.

Các sản phẩm từ rừng là một phần quan trọng của nền kinh tế ở cả các nước phát triển lẫn đang phát triển. Các lợi nhuận kinh tế ngắn hạn từ chuyển đổi đất rừng sang đất nông nghiệp, hay việc khai thác gỗ quá mức, thường dẫn đến những hậu quả kinh tế lâu dài, ảnh hưởng tới nguồn thu nhập lâu dài và sản lượng của rừng. Tây Phi, Madagascar, Đông Nam Á và nhiều vùng khác trên thế giới đã phải chịu những tổn thất thu nhập do suy giảm sản lượng gỗ. Sự khai khẩn trái phép làm nhiều nền kinh tế tổn thất hàng tỉ đô la mỗi năm.

Hầu hết các nền kinh tế tăng trưởng nhanh thường có ảnh hưởng tới sự phá rừng. Áp lực chủ yếu đến từ các quốc gia đang phát triển, những nơi mà cả dân số và kinh tế đều tăng trưởng nhanh chóng. Một báo cáo của Ngân hàng Thế giới năm 1999 cho biết, khi dân số gia tăng, nhà cửa, đường xá, dân số đô thị mở rộng, khi phát triển thì cần có sự kết nối bằng việc xây dựng đường xá. Việc xây dựng đường xá ở nông thôn không chỉ kích thích phát triển kinh tế mà còn tạo điều kiện cho sự tàn phá rừng. Khoảng 90% rừng bị phá ở khu vực Amazon diễn ra trong phạm vi 100 km so với đường giao thông.

Đoạn kết, có lẽ vì thế mà tháng 7/2009 Cambodia đã ra lệnh cấm xuất khẩu gỗ, nhưng mãi đến tháng 11/2011 Lào mới ban hành lệnh cấm xuất khẩu gỗ chưa chế biến để bảo vệ tài nguyên rừng. Và hôm nay có câu chuyện lùm xùm ở tập đoàn HAGL với Global Witness.

Tháng 8/2010, tôi có viết bài Chiến lược giải quyết vấn nạn môi trường ở Việt Nam, trong đó tôi đã đề ra 3 vấn đề cốt lõi là giáo dục, xây dựng cơ sở hạ tầng tốt, và phát triển kinh tế vững mạnh trên một nền chính trị động mà ổn định. Tất cả 3 yếu tố đó hầu như Việt Nam chưa đạt được yếu tố nào. Cho nên, mục tiêu thứ 6 của nghị quyết trung ương 7 khóa XI xem như chỉ là nói suông và gầy dựng theo kiểu phong trào.

Ngay cả Hoa Kỳ và nhiều quốc gia lớn trên thế giới hôm nay vẫn còn đau đầu nhức óc sau cái giải Nobel Hòa Bình 2006 của ông Al Gore - cựu phó tổng thống Hoa Kỳ thời ông tổng thống Bill Clinton - về biến đổi khí hậu và vấn nạn toàn cầu. Có lẽ, chính phủ và nhà nước cần phải xem lại mục tiêu bất khả thi này một cách nghiêm túc hơn, khi đưa nó ra trở thành nghị quyết của những tư duy duy ý chí hơn là thực tế khả thi.

Asia Clinic, 12h15' ngày thứ Tư, 15/5/2013

7 nhận xét:

  1. Tôi còn nhớ, khoảng 25 năm về trước, VN ta cũng từng đã chặt hết cây, đẵn hết gỗ trên rừng Tây nguyên để bán gỗ buy cho Liên Xô theo nghị định thư của chính phủ 2 nước. Tôi từng chứng kiến hằng đoàn xe móc hậu Maz, Kamaz chuyên dùng, "sản xuất tại Liên Xô", ngày đêm lũ lượt chở gỗ bán cho bạn. Nhưng sao không thấy tổ chức quốc tế nào có ý kiến!

    Thì ra, VN ta khôn hơn, tự chặt, tự bán, tự phá, chứ không phải do người ngoài!
    Trả lời
  2. Video clip còn có VRG nữa mà bác
    Trả lời

    Trả lời


    1. Ừ, có 2 cơ quan mà Global Witness cáo buộc phá rừng là HAGL và Tổng công ty cao su Việt Nam.

  3. Người dân không được chặt phá khai hoang là đúng ,vì người dân khai thác chỉ bỏ túi riêng .
    Còn cong ty HAGL,CAOSU VN ,VINA MÍT ,,.. ĐƯỢC đảng giao CHO KHAI THÁc RỪNG là có sự ăn chia
    Còn thiệt hại môi trường thì ai chịu mặc kệ ,hàng năm thiên tai lũ lục ,thiếu nước . thì có mấy cái loa rè vận động người hảo tâm ,tổ chức từ thiện lo cho rồi
    cũng là kê hội cán bộ tới thăm hỏi cho quà giúp đỡ
    bài ca con ó muông thuể CẢM ƠN ĐẢNG NHÀ NƯỚC QUANG TÂM GIÚP ĐỠ
    nhưng người dân đâu biết tại sao thiên tai lại ụp lên đầu họ
    như vụ xả hồ thủy điện năm 2011 vụ lũ cuống cả huyện Vĩnh Thạnh tỉnh Bình Địa ,mồ mả gia súc, hoa màu của người dân di cư xuống biển mà không thống baó trước
    Trả lời
  4. Một bạn trên facebook bình luận như sau:
    "Không thằng ăn cắp nào chịu thừa nhận nếu như chưa có đủ bằng chứng khiến nó phải làm như thế.

    Sau khi phía Global Witness đưa ra những chứng cớ không thể chối cãi là ảnh vệ tinh trước và sau khi có dự án, các cáo bạch trên thị trường chứng khoán nước ngoài thì nó, thằng ăn cướp đã phải hạ giọng xuống rồi.

    Bầu Đức cho biết rất muốn hợp tác và sẵn lòng gặp GW để xử lý vấn đề. “Chúng tôi không bao giờ muốn chống đối, mà chống đối cũng không có lợi cho HAGL. Nếu thực sự HAGL không đúng, chúng tôi sẽ chấp nhận và tìm cách cải thiện ngay. Nếu cần, chúng tôi sẽ mời thêm tổ chức lớn am hiểu về môi trường trên thế giới để cùng làm việc”, bầu Đức tâm sự.

    3 lý do bầu Đức bị cáo buộc 'phá rừng'"
    .
    Trả lời
  5. Phá rừng ở mình là do nhà nước có chính sách phá để kiếm tiền tạo ra tăng trưởng kinh tế ảo bằng bán tài nguyên. Nên tớ viết bài trên là để cảnh báo nhà nước chứ HAGL thì chỉ làm kinh tế cho đảng và chiến lược an ninh quốc gia cho đảng nhằm chặn Trung Hoa tràn sang Lào Cambod sai lầm khi phá rừng lấy cơm chấm cơm. Còn tụi Trung Hoa thì nó lấy tiền cho dân nó di dân mua đất, cất nhà và chuyển hàng hóa sang kinh doanh. Nên bây giờ dân Lào và Cambod ghét cay ghét đắng dân Việt mà lại kính nễn dân Trung Hoa.

    Đó là một chính sách sai lầm rất lớn của lòng tham và thiếu hiểu biết của đảng. Không bao giờ lấy lại được. Nếu các bạn có dịp sang Lào và Cambod ngồi nói chuyện với dân có học ở 2 nước này sẽ rõ cả. Buồn lắm. Ma ám nhà sản rồi. 
    Trả lời
  6. Hôm nay Global Witness từ chối lời mời đàm phán với HAGL rồi. Có nghĩa là có một cái gì đó sẽ rất khó khăn cho HAGL trong tương lai và uy tín của nước mình trong đầun tư ở nước ngoài về lĩnh vực khai thác tài nguyên.
    Trả lời

Đăng nhận xét

0 Nhận xét