LÝ THUYẾT VÀ THỰC HÀNH

Ngày đăng: [Thursday, April 14, 2016]

Bài đọc liên quan:

Hôm qua, cựu thành viên tư vấn kinh tế của cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng - ông TS Nguyễn Đức Thành  - một trong nhóm 15 người của cựu bộ trưởng Trương Đình Tuyển nắm đầu vừa mới nghỉ cùng ông thủ tướng đưa thông tin: thống kê đến quý 3/2015, sau khi lãi suất ngoại tệ gửi ngân hàng về 0% thì dân chuyển tiền gửi ra nước ngoài đến 7.3 tỷ đô la Mỹ

Sau đó, trong một bài báo khác, cũng chính ông TS Nguyễn Đức Thành đưa ra nhận định, phải tăng lãi suất ngân hàng, lạm phát và trả lại thị trường vàng tự do, sau khi chính phủ nhiệm kỳ trước đã cấm dân mua bán vàng miếng tự do từ ngày 10/01/2013, nếu muốn huyết mạch của nền kinh tế lưu thông tốt. Trong khi đó, một số ngân hàng đang chật vật huy động vốn của người gửi sau chỉ để trả lãi người gửi trước!

Chiến lượcc kinh tế giật gấu vá vai chữa cháy như thế này thì sẽ đem đến thảm họa cho dân, chưa loại trừ phá sản nền kinh tế, vì cứ loay hoay mở cửa rồi đóng cửa về bao cấp cộng sản thời bao cấp với thị trường, nhưng không thể chặt được bàn tay vô hình của quy luật kinh tế học.

Nên nhớ rằng, kinh tế học là art - nghệ thuật. Chính trị cũng là art. Cả 2 ngành kinh tế và chính trị là nghệ thuật của sự có thể, chúng liên quan mật thiết và quyết định cũng như ảnh hưởng nhau không thể thoát ra nhau được. Một nghị định, chính sách chính trị đưa ra sẽ làm cho kinh tế sẽ thay đổi. Khi đưa ra một quyết định chính trị có tính ý chí hoặc khoa học,  anh có thể đạt điều này, nhưng anh sẽ mất đi điều khác. 

Giải quyết kinh tế là giải quyết đồng bộ cả chính trị lẫn kinh tế, và nhìn xem cách giải quyết sẽ làm hệ lụy như thế nào, chứ không phải cứ là tiến sĩ kinh tế là làm tốt hơn một doanh nghiệp không trường lớp như ông tử tế Phạm Văn Bên Cỏ May!

Tiến sĩ là để dạy trong trường đại học những lý thuyết đã có, tiến sĩ không và chưa đủ khả năng để giải quyết thực tế khách quan. Tiến sĩ chỉ làm nghiên cứu từ thực tế khách quan để đúc kết thành kết luận, rồi đem ra áp dụng kết luận đó bằng thực tế khách quan, sau đó mới thành lý thuyết. Nhưng tiến sĩ ở nước Việt cứ tưởng là nhà thông thái đại tài, vừa hồng lý thuyết lại vừa chuyên thực hành. Nên cả nước có đến hàng chục ngàn tiến sĩ thạc sĩ làm cái không đúng chức trách của mình, chỉ làm cho nền kinh tế chính trị nước Việt lên cơn co giật như bị động kinh.

Tấm bằng tiến sĩ, như tôi đã từng viết trên blog này trong bài: Kiến thức cơ bản về giáo dục bậc đại học, là chỉ để chứng minh rằng người có tấm bằng này có 3 yếu tố:

1. Biết nghiên cứu khoa học.

2. Đã sử dụng nghiên cứu khoa học để tìm ra một cái mới cho nhân loại rất chuyên sâu, chứ không phải là tất cả kiến thức nhân loại đẻ ra từ cái mới này.

3. Cái mới của hàng chục ngàn đề tài tiến sĩ chỉ có 1 cái để ứng dụng được, còn lại chỉ để vào lịch sử hoặc người khác dùng làm bổ đề, hoặc tài liệu tham khảo, chứ không có tính thực tiễn.

Nó cho thấy, nền giáo dục, cả nền chính trị nước Việt không phải không có nhân tài, nhưng nhân tài không dùng đúng chỗ. Ngay cả người có học, có bằng cấp cũng không chọn đúng việc và trách nhiệm của mình để làm, mọt sách hầu như không thể làm thực hành. Có bao nhiêu tiến sĩ nói rất hay, nhưng thử hỏi họ đã nắm được 1 doanh nghiệp 10 nhân viên làm ăn có lãi chưa, thì số này đếm trên đầu ngón tay. Đó là bi kịch của nền kinh tế chính trị học của nước Việt.

Tôi viết bài này không có nghĩa là đả kích các tiến sĩ kinh tế hay tiến sĩ các ngành khác, mà chỉ để cảnh báo các tiến sĩ hãy nhìn lại mình, và phải biết làm gì, đưa ra chính sách gì, làm cái gì có tính vĩ mô dài hạn cho đất nước, đừng nên đưa ra chính sách, và hành động giật gấu vá vai, ngắn hạn để được danh cho mình, nhờ vào sự tin cậy của chính khách, mà đẩy đất nước và người dân vào thảm họa.

Được đời trao cho trách nhiệm đưa ra chính sách cho một quốc gia là một diễm phúc, và là một ân huệ của cuộc đời. Vậy, người có học cần phải biết tôn trọng, nâng niu và có trách nhiệm với diễm phúc và ân huệ này thì mới được gọi là trí thức, nếu không, kẻ có học chỉ là kẻ cơ hội đục nước béo cò, làm hại đến quốc gia dân tộc.

Sài Gòn, 9h18' ngày thứ Năm, 14/4/2016

Đăng nhận xét

0 Nhận xét