KÝ SỰ HOA KỲ 4: VÌ DÂN, DO DÂN VÀ CỦA DÂN

Ngày đăng: [Saturday, March 01, 2014]
Bài đọc liên quan:
+ Ký sự Hoa Kỳ 1: Người Việt và Hoa Kỳ
+ Ký sự Hoa Kỳ 2: Sự khác biệt của Hoa Kỳ
+ Ký sự Hoa Kỳ 3: Giải quyết những bất cập

Để hiểu tại sao người dân Hoa Kỳ sẵn sàng làm việc điên cuồng, đóng thuế nhiều và ăn chơi hết mình tôi xin tiếp tục chuỗi ký sự phần 4 này. Quyền của người dân được sống và mưu cầu hạnh phúc như hiến định ở Hòa Kỳ được xem là tối thượng. Cái hiến pháp mà cụ Hồ đã sao y bản chính để làm tuyên ngôn độc lập cho nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, nhưng chưa bao giờ thực hiện được trong 69 năm qua ở Việt Nam.

Câu chuyện Tôn Dật Tiên đưa ra chủ nghĩa Tam Dân - dân tộc độc lập, dân quyền tự do, dân sinh hạnh phúc - để làm nên nền Cộng Hòa ở Trung Hoa, kết thúc chủ nghĩa Phong Kiến kéo dài hàng ngàn năm, cũng chỉ là một cách sao chép lại hiến pháp Hoa Kỳ theo một hệ quả của nền Cộng Hòa của dân, do dân và vì dân làm ra.

Bất kỳ ai đến Hoa Kỳ cũng thấy thể chế Hoa Kỳ đúng mực của dân, do dân và vì dân. Trẻ sinh ra đi học đến 18 tuổi - là tuổi trẻ có thể tự lập làm ra tiền - thì được xã hội lo ăn học không tốn tiền. Người già trên 65 tuổi thì được lãnh tiền trợ cấp xã hội đủ để sống riêng hoặc ở các Dưỡng Lão Viện, dù người đó chưa bao giờ phải đóng một đồng thuế nào cho xã hội hoặc không thu nhập - no income - suốt cả đời, nhưng con cái họ vẫn được học hành đến thành đạt.

Để minh chứng rõ ràng cho cái vì dân của thể chế ở Hoa Kỳ, tôi xin ví dụ cụ thể một trường hợp. Tôi có người bạn đồng nghiệp thân thiết, từ thời ở Việt Nam di cư sang Hoa Kỳ. Vì không chịu hội nhập, nên gia đình anh thuộc dạng không có thu nhập - no income - chứ không phải thu nhập thấp - low income - nhưng 5 đứa con anh đã có 2 đứa vào Harvard với học bổng toàn phần. Hiện một đứa con đầu đang là năm cuối dược sỹ, và đứa thứ hai là học năm đầu bác sỹ. Ba đứa còn lại học phổ thông không tốn tiền. Anh ta hằng ngày chỉ lo đưa đón con cái học hành, và chăm sóc chúng nhờ vào sự giúp đỡ của các em của anh ta. Đây là một bi kịch, nhưng cũng là một minh chứng cho thể chế Hoa Kỳ quá tốt đẹp. Có nằm mơ anh ta ở Việt Nam cũng không thể lo cho con cái như hiện tại, dù anh ta là bác sỹ có tài ngày ấy và cả bây giờ, anh ấy về Việt Nam cũng không thiếu chỗ mời mọc anh đi làm với mức lương không dưới 3.000USD/tháng. Tôi năn nỉ anh về, nhưng anh từ chối. Vì đã quen sống với một xã hội công bằng, minh bạch, và nhân bản, không thể về để sống ở nước Việt, nơi trăm nhớ, ngàn thương, chôn nhau cắt rốn của anh. Anh tâm sự: "Nước Việt mình là nơi đi để mà nhớ, chứ không phải nơi ở để mà thương!". Đứt ruột.

Hình 1: Nơi đánh dấu các hình xanh đỏ là nơi cần phải mở một con đường nối từ Freeway 210 ở phía Bắc đến freeway 710 ở phía Nam Los Angeles, nhằm giải quyết ách tắc giao thông lượng xe tải đi từ các bang trong đất liền chuyển hàng hóa sang Califonia để đi đến toàn cầu. Đoạn này khoảng hơn 20km. Chính phủ California đã đề nghị dân cư thuộc các thành phố Pasadena, Monterey Park đền bù giải tỏa để làm đường từ 2010 đến nay nhưng dân không đồng ý.

Còn của dân và do dân xin đơn cử trường hợp dân vùng Nam Los Angeles và Bắc Los Angeles có hai xa lộ liên Bang:  Freeway 10 xuyên bang Đông Tây. Freeway 5 xuyên bang Bắc Nam. Các bến cảng của Los Angeles như Long Beach, Hungtinton Beach, Seal Beach, San Pedro, Rancho Palos Verdes, Palos Verdes Estase, Newport Beach, v.v... ở phía Tây là trung tâm luân chuyển hàng hóa đi khắp toàn cầu. Nhưng sau chuyến di dân 30/4/1975, California trở thành nơi đất lành chim đậu của các cư dân toàn cầu. Mặc dù, diện tích Califonia hơn 2 lần lãnh thổ Việt Nam, và dân số chưa đến một nửa Việt Nam - 38 triệu. Nhưng với xa lộ như mạng nhện của Califonia cũng không thể giảm ách tắc giao thông theo kiểu Mỹ. Chính quyền Los Angeles đã đưa ra đề nghị mở một con đường nối thông từ Freeway 5 sang Freeway 10, qua 2 freeway 210 và 710 của tiểu bang để cho xe tải vận chuyển hàng hóa xuống bến cảng, mà không gây ách tắc giao thông. (xem hình 1)

Hình 2: Làm rõ đoàn đường màu xanh dương nối từ xa lộ 210 ở phía Bắc đến xa lộ 710 ở phía Nam Los Angeles, chỉ khoảng 20km, nhưng dân không đồng ý và chính phủ California đành ngậm bồ hoàn làm ngọt 4 năm qua. Dân chúng California phải đi đường vòng xa hơn 30km, và chịu cảnh tắc giao thông trên xa lộ được phép chạy 70miles/h, nhưng phải chịu còn chỉ 20 - 35miles/h vào giờ tan tầm.

Nhưng những đề đạt của chính phủ California đã 4 năm nay mà dân cư 2 thành phố Monterey Park và Pasadena không đồng ý, nên chuyện quy hoạch để giải quyết ách tắc giao thông, và rút ngắn đoạn đường đi từ Bắc Los Angeles xuống Tây Nam Los Angeles xuống ngắn hơn 30km đường đi vẫn chưa thực hiện được(xem hình 2). Nhà cửa ở khu vực cần giải phóng, đền bù của dân khu vực này trung bình nhà giá thấp khoảng vài trăm ngàn đô la, trung bình khoảng 1.8 - 2 triệu đô la Mỹ, cao thì đến hơn chục triệu đô la Mỹ. Dù chính phủ sẵn sàng đền bù, nhưng khó khăn nhất là khu vực Pasadena là dân trí thức có các trường đại học danh tiếng như UCLA - University of California, Los Angeles - và Caltech - California Institute of Technology đang xếp hạng số 1 toàn cầu năm 2014 này. Họ không muốn khu vực này nhiều xe đi qua, ồn ào làm ảnh hưởng đến việc học tập và nghiên cứu, và mất cảnh quang thiên nhiên quá đẹp đã có từ thập niên 1950 đến nay.

Người dân thành phố Pasadena của Hạt Los Angeles thuộc bang California không muốn ở gần con đường đi qua những căn nhà yên tỉnh và thơ mộng như thế này, mặc dù chính quyền California quy hoạch để giúp tránh kẹt xe và giảm ngắn đường đi cho dân chúng, và chính phủ thất bại trong dự án làm đường.

Những kẻ tuyên truyền xấu cứ lấy hình ảnh dân vô gia cư - homeless - ở Mỹ để tuyên truyền xứ Mẽo đầy rẫy bất công. Nhưng họ giấu thông tin rằng, dân homeless của Mẽo 70% là dân bị bệnh tâm thần, 30% là dân nghiện ngập. Chính phủ Mỹ đã xây dựng những  Dưỡng Trí Viện cho họ từ thập niên 1950, ban đầu họ được cảnh sát mang vào những viện này để nuôi nhờ vào các tổ chức từ thiện. Nhưng các tổ chức nhân quyền ở Mỹ lên án rằng, làm như thế là đi ngược với hiến pháp Mỹ - mọi người sinh ra đều có quyền sống và mưu cầu hạnh phúc. Nên họ muốn ở thì ở, muốn ra đường xin ăn thì ra tùy theo ý thích của họ. Và chúng ta không khó để tìm thấy homeless ở bất kỳ các thành phố của Hoa Kỳ. Thế mới là tự do, độc lập và hạnh phúc đến từng người dân, dù là người không còn trí não để nhận biết cuộc sống thế nào là hạnh phúc hay khổ đau.

Ở Hoa Kỳ, đơn vị hành chánh quan trọng nhất là thành phố. Giống như ở Việt Nam đơn vị hành chánh quan trọng nhất là cấp phường xã. Thành phố của Hoa Kỳ là cấp thấp nhất như phường xã ở ta, nhưng là nơi quyết định vận mệnh của từng quốc gia - tiểu bang - và lớn hơn là toàn liên bang. Nếu ở cấp thành phố Hoa Kỳ mà không đồng ý thì tổng thống Hoa Kỳ cũng chịu thua. Mà mọi nhân viên từ thấp đến cao của chính phủ tại thành phố là người làm công ăn lương của dân đóng thuế, nên mọi ý kiến của thành phố là ý của dân - hay nói cách khác, ý dân là ý trời bang ra.

Ở Hoa Kỳ, người dân tin yêu nhất là cảnh sát và lính cứu hỏa. Mọi người sống chả bao giờ thấy chính quyền đến thăm hỏi. Nhưng khi gặp nạn thì 911 là số điện thoại bất kỳ ai cũng biết phải gọi, và mọi việc bất an của dân thì, cảnh sát là nơi họ gửi trọn niềm tin yêu.

Nếu như ở Việt Nam thì làm sao có được những cái thật sự vì dân, của dân và do dân như thế. Chúng ta thấy nhan nhản cảnh chính quyền nhà nước Việt Nam ức hiếp dân lành chiếm đất, đến nỗi dân phải tự chế bom xăng để tự vệ và phải vào tù như trường hợp của Vi Văn Tùng, Vi Văn Thế, hay của anh em Đoàn Văn Vươn. Hình ảnh cướp giết hiếp này đang diễn ra ở nơi mà chúng ta tự sướng bằng cách tự thủ dâm tinh thần là, nước ta hạnh phúc gấp ngàn lần bọn "tư bổn giãy đành đạch" hoài mà chưa chết. Nhưng chúng ta lại đang thấy chỉ có các xứ hạnh phúc ngàn lần như chúng ta là, đang lo sợ cái chết đang đến như Liên Xô, Đông Âu trong quá khứ, và hiện tại của Ukraina trong những ngày qua.

Asia Clinic, 16h59' ngày thứ Bảy, 01/3/2014

Đăng nhận xét

0 Nhận xét