ĐỊNH MỆNH VIỆT NAM 3

Ngày đăng: [Tuesday, April 15, 2014]
Người dịch Trà Điêu từ Blog Xuyên Sơn

Bài đọc liên quan:

Trên thực tế, sự tồn tại tiếp tục của chính thể cộng sản trên bề mặt của một Việt Nam đang ở triền dốc của chủ nghĩa tư bản một phần nào có thể được giải thích là bởi lòng tin nơi tính quốc gia của đảng, một đảng từng lãnh đạo đất nước trong các cuộc kháng chiến chống lại Pháp, Mỹ và Trung Quốc. Hơn nữa, như là trường hợp của Tito đối với Nam Tư hay Enver Hoxha đối với Albania, Hồ Chí Minh là một lãnh tụ đi lên từ trong nước chứ không phải được đặt ngồi cai trị xứ sở bởi một đội quân xâm chiếm, như tại nhiều các quốc gia cộng sản còn lại. Hơn nữa, những người cộng sản Việt Nam luôn thể hiện sự tương đồng giữa tư tưởng Hồ Chí Minh với triết lý Khổng giáo, điều được xem trọng bởi gia đình và chính quyền. “Chủ nghĩa dân tộc được xây trên nền tảng Khổng giáo,” Lê Chí Dũng từ Bộ Ngoại giao nói. Neil Jamieson viết rằng “cái đặc tính “chuyên chế” chung ấy của người Việt Nam” mang dáng vẻ của một vài “trật tự đạo đức” cơ bản, đã được xác định trên thế giới.” Điều đó đến phiên nó, liên quan đến tinh thần chính nghĩa [chinh nghia, được tác giả viết trong nguyên bản tiếng Anh], có thể tạm dịch như là một nghĩa vụ xã hội, đối với gia đình của mỗi người và đối với một nhóm liên kết rộng hơn.

Một lý do khác khiến chủ nghĩa cộng sản bền vững ở đây chính là do bản chất thực sự của nó đã không còn, và một cuộc nổi dậy hiện nay là không cần thiết, dĩ nhiên sẽ phải trả giá cho một sự cải cách không đầy đủ. Việt Nam ở trong hoàn cảnh tương tự Trung Quốc: lãnh đạo bởi một Đảng Cộng sản có tất cả mọi thứ nhưng đã từ bỏ chủ nghĩa cộng sản, và có một khế ước xã hội áp đặt lên dân chúng, qua đó đảng đảm bảo mức thu nhập đời sống cao hơn hoặc được giữ nguyên trong khi người dân đồng ý không phản kháng quá mức. (Việt Nam cuối cùng cũng không thể khác được Trung Quốc, do họ đã cùng dấn vào những trải nghiệm tương đồng: giải phóng cho giới tư bản giàu có trong một đất nước cai trị bởi đảng cộng sản.)

Hẵng nghĩ về điều này, ở đây đã có một xã hội đã đi từ chỗ phải đong đếm khẩu phần đến chỗ trở thành một trong những nơi có nguồn lương thực thặng dư lớn nhất thế giới trong vòng chỉ một phần tư thế kỷ. Việt Nam hiện nay về mặt thống kê thuộc nhóm các nước có thu nhập thấp hơn mức trung bình với GDP bình quân đầu người là 1.100 USD. Thay vì chỉ có một nhân vật lãnh đạo bị căm ghét với hình ảnh luôn xuất hiện mọi nơi, như trường hợp xảy ra tại Tunisia, Ai Cập, Syria và một số nước A rập khác, tại đây là hình thức tam đầu chế ít lộ diện của các lãnh đạo – Tổng bí thư đảng, Chủ tịch nước, và Thủ tướng – và dẫn dắt một sự tăng trưởng GDP bình quân hàng năm là 7% từ năm 2002 đến năm 2012. Ngay vào thời Đại suy thoái năm 2009, kinh tế nội địa có mức tăng trưởng 5.5%.  “Đó là một trong những kỷ lục ấn tượng nhất của các nước đang giảm nghèo trong lịch sử thế giới.” Một nhà ngoại giao Phương Tây phát biểu thế. “Họ đã chuyển từ đi xe đạp lên xe máy.” Điều đó đối với họ có thể là dân chủ. Và thậm chí nếu không phải thế, một người có thể nói nền độc tài của Việt Nam và Trung Quốc  không cướp bóc thành quả lao động của nhân dân như cái cách đã xảy ra tại Trung Đông. “Giới lãnh đạo Trung Đông ẩn mình trong tháp ngà quá lâu và để đất nước nằm trong tình trạng khẩn cấp hàng chụp thập kỷ, và điều đó không xảy ra ở đây,” một cựu viên chức cao cấp Việt Nam nói với tôi. “Nhưng vấn đề của tham nhũng, hố chênh lệch thu nhập sâu, thất nghiệp giới trẻ cao thì chúng tôi chung tình cảnh với Trung Đông.” Sự đe dọa đối với Đảng Cộng sản ở đây ít mang nguy cơ Mùa xuân A rập hơn cuộc nổi dậy của sinh viên xảy ra tại Trung Quốc năm 1989, thời gian mà lạm phát xảy ra tại Trung Quốc cũng cao như tại Việt Nam cho đến những năm gần đây, khi bệnh tham nhũng và thói con ông cháu cha được dân chúng nhận diện là không thể kiểm soát: trường hợp này lặp lại với Việt Nam. Và rồi, viên chức đảng cũng lo ngại rằng cải cách chính trị sẽ lái họ rơi vào lại con đường của Nam Việt Nam đã đi trước năm 1975, khi mà một chính phủ yếu, bị chia xẻ bởi nhiều phe cánh, đã dẫn đến việc đất nước sụp đổ; hoặc như Trung Hoa thời kỳ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, với một chính quyền trung ương yếu ớt đã dẫn đến việc bị ngoại bang đô hộ. Do vậy, các viên chức Việt Nam công khai bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với Singapore: một quốc gia-tập đoàn độc đảng thống trị đưa đến sự kỷ luật và một chính phủ trong sạch, là một cái gì mà một chính thể tham nhũng đang ngự trị như tại Việt Nam còn đang còn ở rất xa.

Mô hình Singapore đã thể hiện rõ ràng trước mắt  tôi qua Khu Công nghiệp Việt Nam-Singapore, cách Thành phố Hồ Chí Minh (hay còn gọi là Sài Gòn như tất cả những ai không liên quan đến các viên chức chính phủ) hai mươi dặm. Tôi chứng kiến hình ảnh một thế giới tương lai với những con đường quy hoạch chạy theo lề phải, được bảo trì và chăm sóc tốt, trong một môi trường được bảo vệ an ninh đầy đủ, tại đó 240 xí nghiệp sản xuất đến từ Singapore, Malaysia, Đài Loan, Hàn Quốc, Châu Âu, và từ Mỹ chế tạo ra dụng cụ golf cao cấp, vi mạch điện tử, y phẩm, giày cao cấp, điện máy không gian, và nhiều thứ khác. Trong giai đoạn mở rộng tiếp theo, các căn hộ cao cấp được lên kế hoạch xây tại chỗ cho lao động nước ngoài sống và làm việc. Một giám đốc sản xuất người Mỹ ở đây nói với tôi rằng công ty của ông ta chọn Việt Nam cho những vận hành kỹ thuật cao của họ qua một quá trình sàng lọc: chúng tôi cần hạ giá thành lao động. Chúng tôi không muốn đặt xưởng ở Đông Âu hay Châu Phi [nơi không có người lao động châu Á]. Tại Trung Quốc thì chi phí nhân công đã bắt đầu tăng cao. Indonesia và Malaysia theo đạo Hồi, và điều đó đã làm chúng tôi lo ngại mà tránh xa. Thái Lan gần đây trở nên bất ổn. Và Việt Nam hiện ra trước chúng tôi: nó giống như Trung Quốc hai thập kỷ trước, đang ở ngưỡng của sụ bùng nổ.” Ông ta nói thêm: “Chúng tôi đưa cho những nhân viên người Việt các bài test độ thông minh. Điểm của họ cao hơn các công nhân của chúng tôi ở Mỹ.”

Có ba Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore khác ở đất nước này, mà mục tiêu là đem các tập đoàn, đem sự sạch sẽ hoàn hảo, đem môi trường xanh, và mô hình quản lý phát triển kiểu Singapore đến cho Việt Nam. Nó nằm trong số bốn trăm Khu công nghiệp trên khắp Việt Nam, từ nam chí bắc, và tất cả chúng dù to hay nhỏ đều thể hiện việc thúc đẩy cùng một giá trị của mô hình quản lý theo kiểu Phương Tây và tính hiệu quả. Các siêu đô thị hiện tại là Sài Gòn và hành lang Hà Nội – Hải Phòng không thể tái sinh để mọi thứ có thể hoàn hảo hơn, những tồn tại của chúng không thể hoàn toàn loại bỏ: tương lai là các thành phố mới sẽ chia bớt sức ép dân số của các thành phố cũ. Sự hiện đại thực sự phải có nghĩa là phát triển nông thôn sao cho ít người muốn chuyển từ đó lên thành phố sinh sống hơn. Những Khu công nghiệp đó, với Singapore như hình mẫu chính, sẽ giúp thay đổi nông thôn Việt Nam. Do toàn bộ mong muốn của họ là có thể tự trang bị, nên họ đã đem theo với họ cả hạ tầng, như điện và nước, và cả một cửa hàng tiện ích cho các xí nghiệp nước ngoài đang tìm kiếm giấy phép từ chính phủ.

Trong khi Việt Nam thống nhất về mặt chính trị qua việc những người cộng sản Bắc Việt chiếm được Sài Gòn và đổi tên nó thành Thành phố Hồ Chí Minh vào năm 1975, thì chỉ bây giờ, qua các khu công nghiệp và các ý nghĩa khác của sự phát triển, Việt Nam mới trở nên thống nhất về kinh tế và văn hóa, qua một tiêu chuẩn toàn cầu về sản xuất đã liên kết Hà Nội và Sài Gòn. Bởi vì giai đoạn mới nhất này của phát triển liên quan đến đầu vào trực tiếp từ các con hổ kinh tế Châu Á khác, Việt Nam trở nên hội nhập ngày càng nhiều với phần còn lại của khu vực và qua đó trở nên dễ dãi hơn với sự mất mát một phần chủ quyền mà một ASEAN lớn mạnh hơn trong tương lai có thể dẫn tới.

“Tinh thần dân tộc của Việt Nam chỉ chĩa vào Trung Quốc, một kẻ thù lịch sử, chứ không về phía các quốc gia khác trong khu vực,” Đặng Thành Tâm, một nhà doanh nghiệp hàng đầu Sài Gòn, nói với tôi. Tâm ngồi trước một bàn làm việc trống trải, sử dụng hai smartphone gần như cùng lúc, là hiện thân của Sài Gòn mới, mà, do việc mất  đi vai trò thủ phủ chính trị vào năm 1975, đã từ đó trở về sau đã dành hết tiềm lực của mình hoàn toàn cho thương mại. Trong lúc Hà Nội là Ankara của Việt Nam, Sài Gòn chính là Istanbul. Saigon Invest Group của Tâm đại diện cho hơn tỷ đô la đầu tư vào các khu công nghiệp, lĩnh vực viễn thông, sản xuất, và hầm mỏ.  Ông ta vừa khởi công hai mươi lăm khu công nghiệp dọc suốt hành lang nam – bắc Việt Nam. Ông nói với tôi: “Tương lai thuộc về sự phi tập trung hóa đi đôi với một chính phủ có trách nhiệm hơn, và gắn liền với một tỷ lệ sinh đẻ còn cao đối chiếu với dân số già của Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.”

Trong khi ở Hà Nội bạn nghe nói đi nói lại là Việt Nam mong muốn trở thành một thế lực trong khu vực và một quốc gia quan yếu, tại Sài Gòn bạn sẽ nhìn thấy sự thể hiện của điều đó. Mọi thứ đều ở một quy mô to hơn ở Hà Nội, đường sá rộng rãi với cửa hiệu lập lòe đèn sáng, các salon bán ô tô đời mới, các nhà cao tầng được bao phủ bởi kính và thép. Những quán bar đầy phô trương, những tiệm ăn quy mô to lớn thể hiện hơi hướng Pháp, với chút gì đó cáu kỉnh tinh quái của một thành phố cựu thuộc địa Pháp. Khách sạn Continental, khung cảnh chính của tác phẩm Một người Mỹ trầm lặng năm 1955 của Graham Greene, và là nơi trú đóng của các ký giả ngoại quốc trong cuộc chiến tranh Việt Nam, - với sự hiện hữu của một sảnh cưới trắng toát và những chiếc cột kiểu tân cổ điển đang thì thầm nhỏ nhẹ và cười nhạo quá khứ - đơn giản là đã khuất lấp giữa những cám dỗ mới và những biển hiệu khách sạn mới mọc lên.

Thống kê của Mỹ nửa thế kỷ trước cho thấy Sài Gòn có 2,5 triệu dân và GDP đầu người là 180 USD; bây giờ có dân số tám triệu người, và GDP đầu người là 2,900 USD. Sài Gòn chiếm một phần ba GDP cả nước, mặc dù dân số chỉ chiếm một phần chín. Một trăm tỷ đô la sẽ được đổ vào đây cho một trung tâm thành phố mới quy hoạch bởi một công ty từ Boston, với một tòa nhà trăm tầng và năm cây cầu cùng đường hầm mới. Một công ty Nhật đang xây dựng hệ thống tàu điện ngầm với sáu tuyến. Các viên chức từ Viện Nghiên cứu Phát triển Sài Gòn nói với tôi rằng họ nhấn mạnh yếu tố phát triển “phù hợp”: một mô hình “xanh” với một hệ thống “toàn cầu – khu vực.” Những khu vực hạn chế sẽ ra đời, cũng như sẽ không cho sử dụng xe gắn máy và ô tô tư nhân tại nhiều nơi thuộc trung tâm thành phố mới và cũ. Lại một lần nữa mô hình Tập đoàn Singapore  lại được dẫn chiếu, để nói về một thành phố “đẳng cấp thế giới” nhưng già cằn về mặt thẩm mỹ học, với một sân bay mới và trung tâm trung chuyển hàng hóa đường không cho Đông Nam Á, và một hải cảng với công suất lớn hơn.

Hà Nội là kỳ vọng về địa chính trị và quân sự, Sài Gòn thịnh vượng kiểu tư bản sẽ không bao giờ thành hiện thực nếu thiếu đi kỳ vọng đó. Một Sài Gòn Mở rộng [hay Sài Gòn To lớn hơn, người dịch thêm vào]  sẽ là một mô phỏng của Singapore  giúp cho Việt Nam đối chọi lại với Trung Quốc, đối thủ và kẻ bắt nạt lịch sử. Đó chính là thông điệp ở đây.

Dĩ nhiên, Sài Gòn Mở rộng còn là một điều mất rất lâu để đạt được. Việt Nam hiện nay còn đang ở giữa cơn khủng hoảng kinh tế tương tự như trường hợp của Trung Quốc: trong khi cả hai đảng cộng sản đã đem đến cho nhân dân những gặt hái ấn tượng về mức sống trong những thập kỷ gần đây, những tiến bộ tiếp theo đòi hỏi những cải cách sâu sắc và tự do hóa chính trị, điều đó sẽ tạo nên những thách thức lớn hơn bao giờ hết.

Trong khi ấy, những lãnh đạo cộng sản Việt Nam đang cố gắng dựa vào cái chất Phổ của họ, những chính sách kinh tế tư bản chủ nghĩa hà khắc của họ, và sự kiểm soát chính trị gắt gao để bảo toàn nền độc lập hằng khao khát của họ trước Trung Quốc. Họ biết rằng không giống với các nước của Mùa Xuân A rập, đất nước họ đối mặt với một kẻ thù bên ngoài đã xác định rõ (tuy rằng gần gũi về mặt ý thức hệ), và có thể làm dâng lên cao trào phản kháng chính trị của nhân dân họ. Nhưng giống như Ấn Độ, họ thận trọng trước mọi hình thức hiệp ước chính thức với Hoa Kỳ. Thật ra mà nói, sự cần thiết của một hiệp ước quốc phòng với Hoa Kỳ một khi nảy sinh ra, điều đó có thể chỉ ra rằng tình hình an ninh tại vùng Biển Đông khi ấy đã trở nên bất ổn so với hiện tại. Trong bất cứ trường hợp nào, định mệnh của Việt Nam, và khả năng của họ để không trở thành bị Phần Lan hóa [thuật ngữ Phần Lan hóa hình thành từ mối quan hệ của Liên Xô và Phần Lan trước đây, xem thêm Wiki – lời người dịch] bởi Trung Hoa, sẽ nói lên rất nhiều về khả năng để Hoa Kỳ có thể lại hướng sức mạnh của mình vào khu vực Thái Bình Dương trong thế kỷ XXI như định mệnh của Việt Nam đã dẫn dắt trong thế kỷ XX.

Asia Clinic, 9h10' Ngày thứ Ba, 15/4/2014

Đăng nhận xét

0 Nhận xét