HAI MƯƠI BẢY TỶ ĐÔ LA VÀ GIẤC MƠ CỦA BÌNH ĐỊNH

Ngày đăng: [Wednesday, April 24, 2013]
Bài đọc liên quan:
+ Bình Định kêu gọi đầu tư
+ Bình Định kêu gọi đầu tư du lịch
+ Tại sao Bình Định mãi chưa Bình Định?

Bốn tỷ đô la là tổng số tiền viện trợ của Hoa Kỳ cho chính quyền Việt Nam Cộng Hòa trong cả chi phí chiến tranh và đời sống của 16 triệu dân miền Nam trong 20 năm từ 1955 đến 1975.

Bốn tỷ đô la cũng là số tiền mà Liên Xô và Trung Hoa viện trợ kinh tế cho chính quyền Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ở miến Bắc Việt Nam từ năm 1970 đến 1975 để dồn lực thành bên thắng cuộc trong chiến tranh Việt Nam.

Bốn tỷ đô la cũng là số tiền mà nắm đấm thép Vinashin tiêu tốn xài hoang phí, tham nhũng, thất thoát cho hàng chục tổng công ty con đóng tàu, hàng hải khắp cả nước kéo dài gần chục năm mới hết.

Tạm thống kê như trên để thấy rằng, sáu lần và ba phần tư của Bốn tỷ đô la là Hai mươi bảy tỷ đô la là con số vô cùng lớn cho bất kỳ quốc gia nào, kể cả Hoa Kỳ. Hai mươi bảy tỷ đô la là tổng số tiền mà cả 90 triệu dân Việt tiêu dùng trong 365 ngày của năm 2012 - nó chiếm 20% của Tổng GDP của Việt Nam năm 2012  - và cũng bằng một nửa số tiền tổng đầu tư của cả nước Việt trong năm 2012 cho tất cả các ban ngành đoàn thể.

Mấy hôm nay, chính phủ, tập đoàn PetroVietnam và tỉnh Bình Định đang tranh luận nhau cái dự án khu công nghiệp hóa dầu Nhơn Hội có tổng đầu tư lên đến 27 tỷ đô la. Có nhiều ý kiến, PetroVietnam thì cho rằng  “siêu dự án” 27 tỉ USD Nhơn Hội lại rất gần các điểm như Vũng Rô, Vân Phong, Dung Quất - nơi đã được quy hoạch xây dựng nhà máy lọc dầu. Nó sẽ làm cho thừa nguồn cung nội địa, ảnh hưởng đến khả năng bao tiêu của PetroVietnam, và giảm khả năng sử dụng vốn của nhà nước tại các nhà máy lọc dầu Dung Quất, Nghi Sơn, v.v... là không thuyết phục, có lẽ vì lo sợ có đối thủ cạnh tranh mất sự độc quyền bao tiêu xăng dầu trong nước.

Với các chuyên gia kinh tế thì, vấn đề khả năng tài chính nhà thầu Thái Lan - cụ thể là tập đoàn hóa dầu PTT public Company Limited của Hoàng Gia lớn nhất của Thái Lan - một công ty duy nhất của Thái Lan được tạp chí Fortune Global đưa vào danh sách top 500, mà nằm trong top 100 của danh sách 500 công ty được xếp hạng hằng năm của tạp chí Fortune Global năm 2012, cụ thể là PTT xếp hạng thứ 95. Với tổng doanh thu năm 2012 là 79 tỷ 690 triệu đô la Mỹ, trong đó lợi nhuận 3 tỷ 456 triệu đô la.

Trong top 500 của Fortune Global 2012, thì Ngân Hàng Trung Hoa - Bank of China - cũng chỉ đứng thứ 93, Peugeot của Pháp 85, Sony của Nhật 87, Tập đoàn hóa dầu Petronas của Malaysia 68, trong khi tập đoàn hóa dầu của Ấn là 83. Dĩ nhiên không có bất kỳ nắm đấm thép hay tập đoàn công, tư nào của Việt Nam được vinh dự đứng trong top 500 của năm 2012 này.

Theo thông tin mới nhất mà tôi nhận được, tháng 5/2013, lãnh đạo Bình Định sẽ có chuyến công du Thái Lan để trình bày dự án với một đối tác liên kết với PTT là, Tập đoàn Hoàng Gia Siam Cement Group Thái Lan - một tập đoàn của Hoàng Gia Thái đã có 100 năm tuổi - để cùng nhau chung lo dự án.

Song thiết nghĩ, với khả năng của một mình tập đoàn hóa dầu PTT Thailand cũng đủ để lo cho dự án 27 tỷ đô la ở Bình Định, nếu họ có một lộ trình thực hiện dự án tốt. Và khi PTT thực lòng làm dự án.

Cho nên, dù 27 tỷ đô la Mỹ là con số rất lớn, nhưng việc khả thi của dự án không phải là không thể.

Những vấn đề còn lại theo tôi là, đầu tiên vấn đề sự ảnh hưởng môi trường Đầm Thị Nại và sự sống của mấy trăm ngàn dân ở các huyện Tuy Phước, Phù Cát, và thành phố Quy Nhơn.

Thứ hai vấn đề quan trọng nhất là công kỹ nghệ hóa dầu của PTT có chỉ số sản phẩm ra lò là bao nhiêu - chỉ số công kỹ nghệ hóa dầu nói nôm na là số lượng sản phẩm chiết xuất được từ dầu thô. Ví dụ, theo một người có thâm niên trong ngành dầu khí, mà tôi quen biết là công kỹ nghệ hóa dầu của Liên Xô là 40, thì của Nhật là 4.000.

Đây chỉ là một bài viết có tính khái quát và rất đơn giản về một số vấn đề quanh dự án 27 tỷ đô la của khu công nghiệp hóa dầu Nhơn Hội thuộc tỉnh Bình Định. Có một số thông tin tham khảo từ nhiều nguồn có chứng cứ và không chứng cứ như chỉ số công kỹ nghệ hòa dầu. Có thể có sai sót, song nó cho thấy một niềm hy vọng, một giấc mơ cho tỉnh Bình Định không phải là không có cơ sở, dù là rất khó thành hiện thực.

Dù là ước mơ quá lớn, nhưng, nếu nó thành hiện thực thì dự án này giải quyết rất nhiều cái lợi cho Việt Nam nói chung và cho Bình Định nói riêng. Cái tốt đầu tiên là giải quyết công ăn việc làm cho dân. Cái tốt thứ hai là làm đòn bẩy kinh tế và khoa học kỹ thuật đi kèm cho một tỉnh miền Trung với cái văn hóa cần kiệm và chân thực như đất, nên mãi nghèo. Cái tốt quan trọng nhất là, giá xăng dầu trong nước sẽ giảm, vì nó giúp cho nguồn cung trong nước mà lâu nay chúng ta vẫn phải nhập từ Singapore. Quá tốt cho một dự án nên làm mà không nên cản trở vì những lý do mà PetroVietnam đã đưa ra.

Tư Gia, 0h19' ngày thứ Tư, 24/4/2013

Đăng nhận xét

0 Nhận xét