Ngày đăng: [Thursday, March 27, 2014]
Tôi còn nhớ, năm 2001, khi con tôi vào lớp 6, lớp mà trẻ bắt đầu chuyển từ tư duy chân thật sang tư duy phân tích. Cô giáo dạy văn cho đề tả cây chuối vườn nhà em. Tôi và vợ kêu trời, vì ở Sài Gòn làm sao có đất mà làm vườn, và có cây chuối cho con tôi biết mà tả?
Tháng sau, cô giáo một lần nữa thách đố cả gia đình tôi bằng cho đề bài văn, tả con heo mà em yêu thích trong đàn heo nhà em. Tôi phải gặp cô giáo và trình bày, và sau đó con tôi không còn bị những bài văn như thế này hành hạ nữa. Vì cả 2 lần, tôi phải đưa con tôi lên Long An - đoạn đường hơn 50km - đến nhà ba mẹ của một bác sỹ cùng khoa để con tôi xem đàn heo, xem cây chuối, thì con tôi mới biết nó như thế nào mà mô tả.
Bài văn đã viết đúng với tư duy lứa tuổi và có óc tưởng tượng phong phú của một học sinh rất thông minh, phải đáng được điểm cao.
Hôm nay đọc trên mạng - không biết thực giả thế nào - có bài văn cô giáo ra đề cũng học sinh lớp 6: "Em hãy tả hình ảnh vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc là Bác Hồ Chí Minh". Tôi thấy tội cho cô giáo và cả học sinh bây giờ. Vì dù ba mẹ các cháu có dư tiền, thừa gia tài đưa cháu đến lăng, và bảo tàng của Hồ Chí Minh về, thì các cháu cũng không thể tả được cụ Hồ một cách đúng nhất.
Nhưng cách cho điểm bài văn của học sinh thời tôi học - nền Đệ Nhị Cộng Hòa - là cho theo điểm văn phạm, điểm chính tả, điểm của tư duy và diễn đạt tư duy theo bậc học. Như tôi đã viết trên báo ngày 11/4/2010 về 3 bước tư duy của học sinh phổ thông như sau:
Những nhà giáo dục và tâm lý thế giới đã đúc kết: Lứa tuổi cấp một là lứa tuổi mà trí não trẻ chỉ tư duy một bước: ghi nhận, học hỏi hay còn gọi là tư duy chân thật; lứa tuổi cấp hai là tư duy hai bước hay còn gọi là tư duy phân tích: ghi nhận và phân tích đúng sai; lứa tuổi cấp ba: tư duy phản biện (còn gọi là tư duy tới hạn, hay tư duy nhiều bước): ghi nhận, phân tích đúng sai và đưa ra giải pháp để giải quyết những sự kiện. Nếu nắm và hiểu được một cách rõ ràng như thế, thiết nghĩ biện pháp giáo dục cho các trẻ không còn khó khăn khi gia đình, nhà trường và xã hội luôn quan tâm và chăm sóc trẻ trong từng giai đoạn phát triển tư duy và hành động.
Một cháu lớp 6, bắt tả về cụ Hồ mà cháu chưa bao giờ thấy mặt, tiếp xúc thì ngay cả thần đồng cũng phải bó tay. Nhưng đọc qua bài văn thì ngay cả cô giáo cũng phải thán phục bằng lời phê rất đúng, nhưng cô giáo không dám cho điểm cao. Mặc dù, những gì cháu tả về cụ Hồ như cháu biết và cháu hiểu là rất đúng với tư duy lứa tuổi - chân thật và tưởng tượng có phân tích.
Đọc bài văn, đọc lời phê cô giáo và xem điểm cháu bị cho thấp, nhớ lại chuyện con tôi học văn năm 2001, mà phải đau lòng. Vì thực sự bài văn đã viết đúng với tư duy lứa tuổi và có óc tưởng tượng phong phú của một học sinh rất thông minh, phải đáng được điểm cao. Với cách ra đề và cho điểm như thế này thì làm sao phát huy tài năng của trẻ?
Đạo cộng sản đã phá nát đến 8 thế hệ Việt Nam rồi. Đất nước hôm nay tan đàn xẻ nghé, đạo đức suy đồi, văn hóa loạn lạc, con người không có phương hướng để sống chưa đủ hay sao, mà ngành giáo dục còn có những đề văn không thực tế, kiềm hãm tư duy trẻ đến như thế này? Liệu đảng cầm quyền còn muốn hãm hiếp cả xác lần hồn dân Việt đến bao giờ nữa?
Asia Clinic, 17h19' ngày thứ Năm, 27/3/2014
0 Nhận xét