CÁI GÌ KHÔNG QUẢN LÝ ĐƯỢC THÌ CẤM LÀ KHÔNG NÊN

Ngày đăng: [Tuesday, July 05, 2016]
Bí thư Đinh La Thăng yêu cầu chấm dứt ngay nạn dạy thêm học thêm - hình của Infonet

VÀI DÒNG VỀ QUẢN LÝ Y TẾ

Năm ngoái, tháng 6/2015, khi các báo đài và doanh nghiệp y tế tư nhân than phiền rằng: tại sao có sự phân biệt y tế tư nhân với công lập, và tại sao trong khi y tế tư nhân vắng bệnh thì y tế công quá tải? Tôi có đưa ra ý kiến hỏi bà Bộ trưởng Bộ Y Tế - Nguyễn Thị Kim Tiến là: Tại sao có cái Thông tư số 10/2009/TT-BYT bắt buộc các phòng khám đa khoa phải hội đủ 8 chuyên khoa mới được tham gia dịch vụ BHYT vẫn còn áp dụng, trong khi đã có Thông tư 37/2014/TT-BYT chỉ quy định còn 2 chuyên khoa? Nếu như thế thì làm sao giảm tải? Ở Mỹ, bác sĩ tổng quát gia đình vẫn tham gia khám bảo hiểm y tế, và nó là nơi giảm tải cho các bệnh viên.

Tôi thực sự vui khi bà bộ trưởng đã trả lời 2 ý:

1. Do tình hình có nhiều cơ sở y tế chưa đủ điều kiện lợi dụng khám chữa bệnh để tìm lợi nhuận trong BHYT, nên phải ra quy định này.

2. Bộ y tế sẽ xem xét ý kiến và sẽ điều chỉnh quy định này trong thời gian tới.

Đến ngày 16/11/2015 bộ y tế đã có Thông tư 40/2015/TT-BYT Về việc: QUY ĐỊNH ĐĂNG KÝ KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH BẢO HIỂM Y TẾ BAN ĐẦU VÀ CHUYỂN TUYẾN KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH BẢO HIỂM Y TẾ, thay cho Thông tư 37/2014/TT-BYT yêu cầu điều kiện cho cơ sở khám chữa bệnh muốn tham gia dịch vụ BHYT phải có ít nhất 2 chuyên khoa, bắt buộc phải có chuyên khoa Nhi, thậm chí trước đó còn đòi hỏi tới 8 chuyên khoa! 

Sự ra đời của thông tư 40/2015/TT-BYT là một sự tiếp thu ý kiến có tính cầu thị và có tìm hiểu của bộ y tế, vì đã cho phép phòng khám tư nhân tham gia dịch vụ BHYT trong khám chữa bệnh y tế ban đầu mà không còn quy định phải 2 chuyên khoa. Tôi rất hoan nghênh tinh thần trách nhiệm của BYT, và đặc biệt, cách làm việc có trách nhiệm của bà bộ trưởng. Mặc dù, Thông tư 40 đã ra đời được 7 tháng, nhưng vẫn chưa được triển khai ở các tỉnh thành, để đáp ứng được nhu cầu xã hội. Đây là sự trì trệ của các bộ phận quản lý hành chánh của chính quyền, và sự quan tâm của những thầy thuốc hành nghề khám chữa bệnh ở Việt Nam, nhưng không khó để nó hiện thực sớm khi cả 2 bên cùng quan tâm đến cái chung của xã hội, và cái riêng của người hành nghề.

KHÔNG CHỈ CÓ RIÊNG QUẢN LÝ Y TẾ VÀ GIÁO DỤC

Nói ra vấn đề này để thấy ông Đinh La Thăng tân bí thư thành ủy TPHCM khi đưa ra lệnh mồm rằng: Phải chấm dứt dạy thêm, học thêm ngay trong năm 2016. Cũng như các nghề lâu đời nhất khi con người có mặt trên trái đất này bắt đầu có ngành giáo dục, việc dạy thêm, học thêm phục vụ thi cử là việc hiển nhiên. Không nên nhìn sự việc dạy thêm, học thêm dưới cái nhìn cực đoan và cảm tính là cái gì quản lý không được là cấm, vì cả thế giới này không có quốc gia nào cấm việc dạy thêm học thêm!

Việc chính quyền quản lý không xuể là do lỗi của đảng và chính quyền không thể ôm đòm tất cả mọi việc để rồi mất khả năng quản lý, và đi đến đưa ra những quyết định cảm tính, duy ý chí đã hơn 40 năm nay là điều nên sửa chữa, và đổi mới tư duy của các nghề quản lý. Trong quản lý phức tạp nhất là quản lý con người. Việc một lãnh đạo của một thành phố đông dân nhất nước, thậm chí đông dân vào loại nhất thế giới thì cần phải có ban tham mưu để đưa ra quyết định đúng.

Tháng 11 Năm 2009, tôi có một loạt 7 bài viết về đề tài: "Ngành y Việt Nam cần thay đổi gì?". Trong đó, có bài số 3: "Quản lý" đòi hỏi phải có một cơ quan độc lập với đảng cầm quyền để kiểm tra, giám sát và đưa ra quyết định kỷ luật những sai phạm của những thầy thuốc làm nghề y cả công lẫn tư, thì sẽ giúp cho sự kiểm soát cả đạo đức và tay nghề của thầy thuốc. Việc này thời Việt Nam Cộng Hòa làm rất tốt. Không có tình trạng tràn lan Ai cũng có thể làm dược sĩ và bác sĩ như hiện nay. Khi hỏi bà bộ trưởng y tế vào tháng 6/2015, tôi đã gửi thư nhờ bà chịu khó bỏ thời gian đọc hết 7 bài này, và bà đã làm tốt nhiệm vụ của mình.

Tại sao ngành giáo dục nói riêng, và tất cả các ngành nghề khác trong xã hội nói chung không có những quy định về pháp luật dạy thêm học thêm và có những tổ chức độc lập ngoài chính quyền nhằm đánh giá khách quan hơn, mà các quan đầu triều lại đưa ra những quyết định rất cảm tính là cái gì không quản lý được thì cấm? Cấm là vi hiến.

Cho tới hôm nay, hầu hết các ngành nghề đều có hiệp hội hành nghề tư nhân, nhưng những cái hiệp hội ấy chỉ để có cho việc kinh doanh lỗ lãi, chưa có cái hiệp hội nào thực sự tham gia vào việc tham mưu cho lãnh đạo, hoạch định chính sách thuận lợi cho hành nghề phát triển kinh tế đất nước, và quản lý chuyên môn đúng nghĩa, trong khi đó, chính họ là những người am hiểu nhất về ngành nghề của mình!

Tôi biết, nếu ông Đinh La Thăng đọc bài này thì, ông sẽ phật lòng về tôi, nhưng nếu ông thực sự cầu thị về việc ông muốn TPHCM sẽ là hòn ngọc Đông Nam Á như ngày xưa, thì ông nên hỏi ý kiến của bà bộ trưởng y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, và nên lập ban tham mưu có tâm, có tầm, dù họ là những người có tư duy đối lập với ông - nhưng không có đối lập thì không phát triển được thưa ông - thì ông mới xứng tầm lãnh đạo cái thành phố Sài Gòn luôn năng động, sáng tạo, vị tha, chịu thương, chịu khó, chỉ có dân số chiếm 6.6% cả nước, nhưng có tổng thu nhập 22% GDP cả nước, và đóng góp đến 30% ngân sách quốc gia này.

Tôi vẫn thường nói với bạn bè là, Sài Gòn không cần ai chỉ đạo, chỉ cần để nó tự làm sẽ tốt hơn nhiều, vì nó có cơ sở hạ tầng và nhân lực rất tốt, mọi chỉ đạo của bất kỳ ai, nếu không khoa học sẽ kiềm hãm nó hơn là thúc đẩy nó phát triển.

KẾT

Không ai không muốn đóng góp điều tốt đẹp cho xã hội mình đang sống. Vấn đề là chính quyền cần phải làm cho tài năng chịu đóng góp hay không? Chính trị là nghệ thuật của sự có thể là ở chỗ đó, chứ không phải, hễ cứ nắm được quyền là làm thợ đụng!

Asia Clinic, 10h06' ngày thứ Ba, 05/7/2016

Đăng nhận xét

0 Nhận xét