Ngày đăng: [Sunday, October 25, 2015]
Chúng ta đang đi theo kịch bản của Trung Hoa về biển Đông?
Bài đọc liên quan:
Gần đây có 6 sự kiện đang diễn ra trong khu vực rất đáng chú ý.
Thứ nhất, sáng nay 25/10/2015, báo điện tử Giáo dục Việt Nam lại đưa tin, Mỹ sẽ chỉ tuần tra 12 hải lý đảo nhân tạo phi pháp ở Trường Sa vài ngày lấy lệ? là thông tin mà báo này lấy từ hãng tin Reuter với cái tựa: U.S. patrols to raise stakes with Beijing in disputed South China Sea - Tuần tra của Hoa Kỳ làm gia tăng căng thẳng tranh chấp ở biển Đông.
Thứ hai, tối qua 24/10/2015 trên VTV1, ông chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành có trả lời về TPP hoàn toàn khác những gì ông trả lời trên BBC cách đây 1 tháng. Tôi không hiểu ông Bùi Kiến Thành dựa vào thông tin gì về chuyện trả lời tối qua? Nhưng những gì ông trả lời phỏng vấn tối qua là những gam hồng cho Việt Nam khi gia nhập TPP.
Trên VTV1 tối qua ông trả lời rằng, TPP thì Việt Nam là trung tâm của nó, vì đó là ý muốn của Hoa Kỳ, Nhật Bản, Canada và Úc cùng 7 nước khác muốn giúp Việt Nam trở thành một nền kinh tế mạnh ở khu vực. Vì địa chính trị của Việt Nam quá quan trọng cho việc giao thương làm ăn và an ninh khu vực. Một khi Mỹ đồng ý với Thái để cho Thái làm kênh đào Kra thì lúc đó eo biển Mallaca không còn quan trọng nữa, mà Đà Nẵng, Sài Gòn, Cam Ranh, Phú Quốc, và các cảng nước sâu của Việt Nam mới là nơi quan trọng số 1 khu vực.
Thứ ba, cách đây 15 hôm, 10/10/2015, ông bộ trưởng quốc phòng Việt Nam đi họp ở Trung Hoa với các đồng cấp trong khối Asean và Trung Hoa, thì ông bộ trưởng quốc phòng Trung Hoa tuyên bố, Trung Hoa dù lớn mạnh đến đâu cũng không xâm lược láng giềng. Quan điểm của bộ trưởng quốc phòng Việt Nam cũng là quan điểm của đảng cầm quyền: mọi vấn đề tranh chấp biển Đông phải được xử lý trên bàn đàm phán và theo luật định của quốc tế về biển, tránh chiến tranh.
Thứ tư, hôm 21/10/2015, sau cuộc họp với các bộ trưởng quốc phòng Asean và Trung Hoa tại Bắc Kinh, thông tấn xã Trung Hoa cảnh cáo "phản ứng quyết liệt đối với các cuộc tuần tra của Hoa Kỳ trên biển Đông.
Nhưng sự kiện thứ năm là, vấn đề này được Hoa Kỳ đáp trả ngay tức thì, thông tin Hải quân Hoa Kỳ sẽ tuần tra với nội dung như trên là có thật khi Đô đốc Hải quân Scott Swift, tư lệnh hạm đội Thái Bình Dương tuyên bố trên trang báo Hải quân Hoa Kỳ chỉ mới hôm thứ Bảy, 23/10/2015 vừa qua, Việc tuần tra trên biển Đông là quyết định của các nhà hoạch định chính sách của Hoa Kỳ - US admiral: Policymakers to decide South China Sea patrols.
Hoa Kỳ không tham gia ký kết vào Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982), vì cho rằng luật này không có lợi cho quyền tự do trên biển của Hoa Kỳ. Ngoài ra, hòn đảo nhân tạo của Trung Hoa xây dựng trên bãi đá ngầm về mặt luật quốc tế, nó không có giá trị về chủ quyền lãnh thổ của Trung Hoa.
Năm sự kiện trên, cùng với việc ông Tập Cận Bình đi thăm ông Obama cuối tháng 9/2015, bằng vào sự tiếp đón ở tầm long trọng của quan hệ thân thiết giữa 2 quốc gia, mà không ai biết ông Tập và ông Obama đã thỏa thuận gì với nhau, kể cả nhà cầm quyền Việt Nam!
Ông Tập Cận Bình sắp sang thăm Việt Nam trước khi Việt Nam chuẩn bị nhân sự lãnh đạo 5 năm tới. Đó là hành động mà 25 năm qua của Bắc Kinh vẫn đối xử với Việt Nam từ 1990 đến nay.
Ông Tập Cận Bình sắp sang thăm Việt Nam trước khi Việt Nam chuẩn bị nhân sự lãnh đạo 5 năm tới. Đó là hành động mà 25 năm qua của Bắc Kinh vẫn đối xử với Việt Nam từ 1990 đến nay.
Cũng giống như Hiệp định Thượng Hải giữa Hoa Kỳ với Trung Hoa năm 1972, tất cả các bên đều mơ hồ, cho đến khi Hoa Kỳ ép Việt Nam Cộng Hòa ký vào Hiệp định Paris 1973, và những yêu sách của Trung Hoa với chính quyền Bắc Việt trong những ngày cuối tháng 4/1975, thì Việt Nam mới hiểu rằng, cuộc chiến tranh Việt Nam là sự sắp đặt của Hoa Kỳ và Trung Hoa cho một thời kỳ mới.
Việc Hoa Kỳ sẽ tuần tra biển Đông như đã tuyên bố là có thật!
Việc Trung Hoa cảnh cáo Hoa Kỳ, nhưng có thực hiện được lời cảnh cáo hay không là việc của Trung Hoa và Hoa Kỳ mà không ai biết được!
Việc Việt Nam đã ký kết vào Hiệp định đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương cũng là việc có thật! Mặc dù, có nhiều ý kiến bàn ra về những thiệt hại cho Việt Nam, nhưng chắc chắn Việt Nam phải thực thi với những nới lỏng các điều khoản cho Việt Nam trong vòng 5 đến 10 năm tới là một ưu đãi chưa có tiền lệ. Nó cho thấy, các cường quốc như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc và Canada đã rất ủng hộ và muốn nâng Việt Nam có vị thế cả kinh tế, chính trị lẫn an ninh khu vực ngang tầm với vị trí địa chính trị của Việt Nam.
Việc Trung Hoa xâm lược biển Đông cũng là việc có thật! Còn việc các quốc gia trong khối Asean tin tưởng Trung Hoa không xâm lược láng giềng là một niềm tin viễn vông không nên có.
Những phát biểu của bộ trưởng kê hoạch đầu tư Bùi Quang Vinh về tình hình kinh tế chính trị Việt Nam đang đứng trước những khó khăn buộc phải thay đổi.
Liệu mọi cố gắng của Việt Nam để chung sống hòa bình với một Trung Hoa đang tiến hành xâm lược biển Đông là, sống hòa bình theo cái gọi là "luật pháp quốc tế" có nên không, trong bối cảnh chính trị và kinh tế Việt Nam đang ở lúc xấu nhất kể từ 30 năm qua, năm 1985 đến nay.
Việt Nam tiến về cánh hữu cũng khó khăn vì Trung Hoa ngáng đường, nhưng Việt Nam ngã về cánh tả cũng không xong, vì kinh tế chính trị đang suy sụp.
Nhưng có một phương án để Việt Nam có thể cứu vãn tình thế tiến thoái lưỡng nan này là, phải thay đổi thế chế chính trị để giải phóng sức dân, hạn chế cường quyền, tham nhũng, để tự lực tự cường trước thảm họa Trung Hoa, có thực hiện được không, quá dễ dàng, tại sao không?
Asia Clinic, 12h08' Chúa Nhựt, 25/10/2015
0 Nhận xét