BÀN VỀ MỘT NỀN CHÍNH TRỊ CỦA DÂN, DO DÂN VÀ VÌ DÂN

Ngày đăng: [Friday, April 01, 2016]

Bài đọc liên quan:

MỞ ĐẦU

Kỳ họp quốc hội cuối cùng của khóa XIII nhằm mục đích bãi nhiệm 3 chức vị chủ chốt: chủ tịch nước, thủ tướng và chủ tịch quốc hội khóa XIII và bầu lại 3 nhân vật mới để thay thế. Sau đó là cuộc bầu cử quốc hội trong toàn quốc cho khóa XIV, và sau nữa là vào 22/5/2016 sẽ tiến hành cuộc họp quốc hội đầu tiên cho khóa XIV để các đại biểu mới của khóa XIV sẽ bầu lại 3 chức vụ này lại một lần nữa. Đây là một kiểu làm việc rất mất công sức, tiền bạc, và thời gian của một thể chế chính trị đơn nguyên độc quyền, thậm chí cả vi hiến như nhiều ý kiến đã đưa ra.

Song, có một điều của kỳ họp quốc hội cuối cùng khóa XIII cho thấy mới mẻ là việc 3 vị trí chủ chốt đứng ra tuyên thệ trước quốc dân đồng bào. Việc tuyên thệ, về mặt hình thức cũng như một lời hứa trước quốc dân đồng bào, nhưng từ 70 năm qua, khi có quốc hội khóa đầu tiên 1946 đến nay, việc tuyên thệ chưa được làm. Một điểm nhấn quan trọng cho cuộc họp này đáng chú ý. 

Lời tuyên thệ của tân chủ tịch quốc hội khóa XIV Nguyễn Thị Kim Ngân ngày 31/3/2016.

Trong lời tuyên thệ ấy của bà chủ tịch quốc hội ngày hôm qua, 31/3/2016, toàn bộ nội dung như sau: "Trước cờ đỏ sao vàng thiêng liêng của Tổ quốc, trước Quốc hội, trước đồng bào cử tri cả nước, tôi xin tuyên thệ tuyệt đối trung thành với tổ quốc, với nhân dân, với Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Tôi nguyện nỗ lực rèn luyện, phấn đấu để hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó”. Có nhiều ý kiến cho rằng, nếu bà tân chủ tịch đừng thêm câu thứ 2 trong tuyên thệ "Tôi nguyện...giao phó" thì rất hay.

HIẾN PHÁP LÀ GÌ?

Trong bài Thoát Trung Luận 3 tôi đã viết rất rõ ràng: "Hiến pháp không chỉ là luật cơ bản, mà còn là hợp đồng khế ước giữa chính trị gia với tổ quốc và dân tộc". Chứ hiến pháp không phải của đảng phái chính trị hay quyền lợi của bất kỳ một nhóm người nào!

Như vậy, để có một hiến pháp đúng nghĩa cho một quốc gia thì cần phải có một tầng lớp chính trị chuyên nghiệp, chứ không phải một tầng lớp chính trị nghiệp dư đi theo vì quyền lợi riêng tư của đảng phái của mình. Thế nào là tầng lớp chính trị chuyên nghiệp?

TẦNG LỚP TRÍ THỨC VIỆT ĐÃ CÓ CHƯA?

Trước tiên ta hãy nói về tầng lớp trí thức, sau đó sẽ bàn về tầng lớp chính trị gia chuyên nghiệp. Vì chính trị gia quyết định vận mệnh quốc gia, nhưng trứ thức cũng góp phần to lớn đến những quyết định của chịnh trị gia.

Sự xuất hiện của từ "trí thức" khi một văn bản kháng nghị công bố năm 1906 - do nhà văn Émile Zola ký tên đầu - lại được thủ tướng Pháp Clemenceau (tiến sĩ, nhà báo) gọi là Tuyên ngôn của Trí thức (Manifeste Des Intellectuels). Thế là một tính từ trở thành danh từ mới, chưa hề có trong các từ điển lớn trước đó như Larousse 1866-1878 hay Đại từ điển Bách khoa 1885-1902. Ngay sau đó, thế giới đã chấp nhận một từ ngữ mới.

Sau 30/4/1975 hầu như ở Việt Nam không có bất kỳ một tầng lớp nào trong xã hội mang tính chuyên nghiệp, ngoại trừ tầng lớp lao động nghèo và tầng lớp đảng viên đảng cộng sản. Vì định nghĩa của chữ tầng lớp là: "Lớp người sống cùng thời có địa vị và lợi ích như nhau". 

Có người cho rằng, ở Việt Nam có tầng lớp trí thức. Nhưng với chính sách chia rẻ để trị, đảng cộng sản ở Việt Nam đã làm cho nước Việt không có một tầng lớp trí thức thực sự. Cho nên trên khái niệm tầng lớp thì ở Việt Nam không có tầng lớp trí thức, mà chỉ có những nhóm người nhỏ lẻ có học khác nhau về địa vị và lợi ích khác nhau, trong đó, những người có học trong đảng cộng sản có lẽ là đông nhất. Họ không phải trí thức vì theo định nghĩa và vai trò của trí thức với xã hội, thì những người có học trong đảng cộng sản không đủ 3 tiêu chuẩn trí thức sau đây:

1. Trí thức là người có kiến thức sâu xa về một hay nhiều lĩnh vực hơn sự hiểu biết của mặt bằng chung của xã hội vào từng thời kỳ.

2. "Trí thức" có thể được dùng để chỉ ba loại người sau đây:

Một trí thức là một người sử dụng tư tưởng và suy luận, trí thông minh và các suy luận có tính phản biện và phân tích, trong một ngành nghề nào đó hay là trong tư cách cá nhân và là

2.1. Một người có liên hệ với các ý tưởng và các lý thuyết trừu tượng;
2.2. Một người mà với ngành của mình (ví dụ triết học, phê bình văn học, xã hội học, luật, phân tích chính trị, khoa học lý thuyết v.v.) tạo ra và truyền bá các ý tưởng mới;
2.3. một người với kiến thức sâu rộng về văn hóa nghệ thuật đã làm cho tiếng nói của họ có ảnh hưởng trong công chúng.

3. Trí thức phải biết dấn thân vì cộng đồng. Có học mà chỉ biết ngủ yên trong cái vỏ bọc kiến thức của mình thì không được gọi là trí thức.

Nhà trí thức nghiên cứu, phân tích, và chỉ trích trong các cuộc tranh luận cũng như các hoạt động công cộng, để gây ảnh hưởng đến sự phát triển của xã hội. Điều này có thể đưa tới những xung đột với các chính trị gia, cũng như những người cầm quyền. Đối với chính phủ của một nước thái độ của họ có thể là ra mặt ủng hộ những dự định cải tổ hay chống đối lại chúng. 

Giới trí thức như vậy cũng là những người tạo ra các ý thức hệ hoặc là những người chỉ trích. Khi nào mà quan điểm của họ đồng tình với những người nắm quyền, họ có thể là những người giúp đỡ rất hiệu lực, ngược lại khi họ không đồng ý, họ trở thành những nhà bất đồng chính kiến và có thể bị trù dập. Những nhà bất đồng chính kiến thành công có thể được tham dự vào chính quyền. 

Vì vậy đối với chính quyền giới trí thức là những thành phần khó đối phó cũng như là những phương tiện đắc lực trong việc phát triển xã hội. Triết gia Pháp Julien Benda (1867-1956) từ năm 1927 đã nhấn mạnh trong tác phẩm nổi tiếng của ông "Sự phản bội của giới trí thức". Tác phẩm này nói lên cái khuynh hướng của các nhà trí thức, trở thành những người góp phần thực hiện những quyền lợi cũng như ý thức hệ của xã hội, nhưng có cả 2 mặt tốt và xấu.

Ở miền Nam trước 30/4/1975 và cả nước trước 1954 đã từng có một tầng lớp trí thức và  chính trị gia đúng nghĩa của dân, do dân và vâ dân. Trong số đó, vì lầm đường lạc lối, mà họ đã bán rẻ lý tưởng này thành lý tưởng của phe nhóm và đảng phái, để rồi ăn năng như những gì triết gia Julien Benda đã viết về sự phản bội của giới trí thức. Ví dụ như BS Dương Quỳnh Hoa, GS Lý Chánh Trung, LS Lê Hiếu Đằng, v.v...

Giới trí thức phát triển những quan hệ bán chính thức với nhau, ra ngoài khuôn khổ làm việc và gia đình. Nhờ vậy nhóm trí thức có thể giúp đỡ cho giới cầm quyền trong chính phủ thường có nhiều tin tức hơn họ, hay những người cùng hoạt động chính trị với mình, bởi vậy họ thường được trọng nể, mặc dù cũng bị nghi ngờ vì có quan hệ với các đối thủ chính trị. 

Còn nhóm trí thức đối lập thì thường hiểu biết hơn là dân chúng trung bình, ngay cả khi hệ thống chính quyền giới hạn chặt chẽ quyền tự do báo chí. Sự hiểu biết về những chi tiết trong chính quyền thường làm cho họ trở thành mục tiêu để các nước khác dò hỏi.

TẦNG LỚP CHÍNH TRỊ GIA VIỆT NAM SAU 30/4/1975 ĐẾN 2016

Đại biểu Lê Văn Lai của đoàn tỉnh Quảng Nam phát biểu trước khi về hưu vào ngày cá tháng 4 2016, trong khi có đại biểu khác ngủ gật

Khi nào một quốc gia có tầng lớp chính khách thực sự thì xã hội mới có một nền chính trị của dân, do dân và vì dân. 

Thế nào là tầng lớp chính khách thực sự? Một chính khách thự sự đòi hỏi 3 yếu tố sau:

1. Phải có một cộng đồng chính khách bình đẳng nhau về hiểu biết, quan điểm và hành động vì hiến pháp của dân, do dân và vì dân thì mới có một tầng lớp chính khách chuyên nghiệp.

2. Những chính khách trong tầng lớp chính khách này phải hiểu làm chính trị là một nghề chuyên nghiệp như bao nghề khác. Nghề chính trị được xã hội công nhận, hưởng lương và làm nhiệm vụ của dân tộc và đất nước giao phó, chứ không phải đảng phái của mình giao phó.

3. Những chính khách thực sự phải hiểu biết để soạn thảo ra một hiến pháp của dân, do dân và vì dân. Và họ phải hiểu rằng họ làm lãnh đạo chỉ là thực hiện hợp đồng khế ước với dân là hiến pháp, chứ không phải họ làm vua muốn làm gì thì làm. Làm không tốt thì phải từ chức, làm tốt thì dân sẽ ủng hộ và bầu họ tiếp tục hợp đồng.

Phát biểu của đại biểu Trương Trọng Nghĩa tại kỳ họp cuối cùng khóa quốc hội XIII, ngày 01/4/2016.

Nhìn lại đã 71 năm khai sinh ra nước Việt hiện nay, và từ Quốc hội khóa I đến nay Việt Nam chưa có một tầng lớp chính khách thực sự chuyên nghiệp. Vì họ đặt quyền lợi cuả đảng họ đang theo lên trên quyền lợi quốc gia dân tộc, khi họ tuyên bố rằng: Nghị quyết của đảng đứng trên hiến pháp!

KẾT

Kỳ họp quốc hội cuối cùng của khóa XIII đang diễn ra ở Việt Nam hiện nay là kỳ họp mà các chính khách nghiệp dư lâu nay của Việt Nam đang học làm chính khách chuyên nghiệp.

Kỳ bầu cử quốc hội sắp tới đây cũng là kỳ bầu cử mà có nhiều ứng cử viên tự ứng cử nhất sau 1946. Họ cũng đang học cách làm chính khách chuyên nghiệp.

Cũng vậy, sau thoát đô hộ người Pháp cho đến nay, Việt Nam mới bắt đầu le lói hình thành một tầng lớp trí thức thực sự.

Rõ ràng, để một quốc gia có được những thế hệ với những tầng lớp trí thức thực sự và tầng lớp chính khách chuyên nghiệp, nhằm hình thành một nền chính trị của dân, do dân và vì dân, đòi hỏi không chỉ xương máu của dân, thời gian bằng thế kỷ, mà còn cả đòi hỏi một sự thay đổi tư duy rộng mở của một dân tộc, mà trong đó có cả mọi tầng lớp trong xã hội góp sức vào.

Sài Gòn, 13h07' ngày thứ Sáu, 01/4/2016

Cập nhật:

Đại tướng công an, kiêm bộ trưởng công an Trần Đại Quang tuyên thệ nhậm chức chủ tịch nước ngày 02/4/2016

Đăng nhận xét

0 Nhận xét