Ngày đăng: [Saturday, March 20, 2010]
Khác với Đông Y, một nền y học lấy lý thuyết nền tảng là triết học Đông phương làm lý thuyết, thực hành là thực hiện việc khám chữa bệnh từ lý thuyết có sẵn, chỉ lấy diễn tiến lâm sàng để làm thước đo chẩn đoán, điều trị và tiên lượng bệnh. Tây y là khoa học thực nghiệm. Tây y là kết quả của một phương pháp luận khoa học khách quan đi từ quan sát, đúc kết, thực nghiệm kiểm chứng rồi mới đúc kết thành lý thuyết khách quan để áp dụng việc khám và chữa bệnh. Vì vậy, xét nghiệm y học là một chứng cứ khoa học làm bằng chứng khoa học chứng minh bệnh tật cho người bệnh trước, trong và sau khi điều trị.
Bất cứ sinh viên trường Tây y nào cũng biết rất rõ rằng: với việc thăm khám bằng cách: hỏi, nhìn, sờ, gõ, nghe và lấy các dấu hiệu sinh tồn(nhiệt độ, mạch, huyết áp, nhịp thở) trong Tây y là đủ 80% kết luận về hầu hết các bệnh tật. Thậm chí những bệnh lý đơn giản thông thường chỉ cần thăm khám cũng đủ để chẩn đoán hầu như 100% xác định được bệnh. Đối với 20% còn lại là xét nghiệm để có bằng chứng khoa học chứng minh điều đã khám là chính xác, trước khi điều trị.
Người thầy thuốc giỏi không chỉ đơn thuần là người điều trị giỏi. Người thầy thuốc giỏi là người giỏi về chẩn đoán và tiên lượng bệnh. Vì nếu không chẩn đoán đúng bệnh thì dù có chất lên hàng ngàn trang sách về điều trị cũng không hết bệnh mà còn gây hại cho bệnh nhân. Nếu không giỏi về tiên lượng sau khi đã chẩn đoán thì cũng chỉ làm thợ thuốc, thợ mổ mà không hiểu hết phương pháp điều trị của mình có tốt và hiệu quả cho bệnh nhân hay không? Vì thế để chẩn đoán được hoàn hảo, hòng chắc chắn 100% cái bệnh mà mình khám thì phải cần xét nghiệm y học.
Trong chẩn đoán có 3 loại chẩn đoán: chẩn đoán sơ bộ, chẩn đoán xác định và chẩn đoán phân biệt. Trong đó, chẩn đoán sơ bộ là chẩn đoán phân biệt được đưa ra sau khi thăm khám bệnh mà chưa có xét nghiệm cận lâm sàng. Từ 2 chẩn đoán sơ bộ và chần đoán phân biệt, người thầy thuốc mới đưa ra những xét nghiệm cận lâm sàng để làm chẩn đoán xác định và loại trừ hay thay đổi chẩn đoán có tên trong chẩn đoán phân biệt. Cho nên trong xét nghiệm y học cũng có 2 loại xét nghiệm: xét nghiệm phục vụ cho chẩn đoán xác định và xét nghiệm cho loại trừ chẩn đoán.
Xét nghiệm chẩn đoán xác định là xác tín lại chẩn đoán sơ bộ trên lâm sàng mà người thầy thuốc đã nghi ngờ là bệnh nhân có cái bệnh X,Y,Z nào đó đang tồn tại, trước khi điều trị.
Song trong biểu hiện bệnh tật của nhiều bệnh lý khác nhau lại có cùng triệu chứng giống nhau. Ví dụ, đau bụng vùng trên rốn (trong Y khoa gọi là đau thượng vị) có thể do các bệnh lý về dạ dày, tụy, túi mật, rối loạn tiêu hóa đơn thuần, hay giai đoạn đầu của viêm ruột thừa,… Cho nên sau khi thăm khám, ngoài bệnh được đưa vào chẩn đoán sơ bộ, người thầy thuốc giỏi luôn đưa ra những bệnh giống với bệnh chẩn đoán sơ bộ là những bệnh cần chẩn đoán phân biệt, để không bị sai sót trong chẩn đoán và điều trị. Chính điều này, cần phải có những xét nghiệm loại suy cho những bệnh nằm trong danh sách phải chẩn đoán phân biệt.
Để đánh giá người thầy thuốc giỏi chẩn đoán là chỉ cần nhìn vào danh sánh cho xét nghiệm trên một bệnh lý cụ thể. Cho vừa đủ xét nghiệm, nhưng đưa được chẩn đoán sơ bộ và chẩn đoán phân biệt thành chẩn đoán xác định và tiên lượng được bệnh là ngưới rất giỏi. Người thầy thuốc khá là người thầy thuốc biết cho đủ xét nghiệm để chẩn đoán xác định bệnh tật cho người bệnh, nhưng chưa thể hiện được tiên lượng rõ ràng.
Ngược lại, người thầy thuốc Tây y tồi là người cho thừa xét nghiệm, nhưng không xác định được chẩn đoán. Và người thầy thuốc kém là người thầy thuốc cho thừa xét nghiệm mà cũng chỉ xác định được chẩn đoán.
Nói ra những khái niệm cơ bản trên là để nói lên những điều đã và đang tồn tại trong ngành y chúng ta về chuyên môn trong về mảng chẩn đoán, điều trị và tiên lượng bệnh. Thế nhưng, sự tồn tại ấy không chỉ dừng ở giỏi, khá, kém và tồi trong chuyên môn. Trong chuyên môn y khoa còn tồn tại thêm một vấn đề lớn là dù đã biết là cho xét nghiệm A, B, C đó là thừa, là lạm dụng nhưng có một số thầy thuốc vẫn cho. Họ cho để làm gì? Cho để kiếm tiền tỷ lệ phần trăm ăn chia với nơi làm xét nghiệm, nếu họ không có phòng xét nghiệm. Họ cho để kiếm lãi, nếu phòng khám hay bệnh viện của họ có đầy đủ xét nghiệm.
Đồng ý rằng, có một số bệnh lý chưa có thể quyết định điều trị đặc hiệu dù đã có chẩn đoán xác định. Ví dụ như xuất huyết não diễn tiến đang cần theo dõi để quyết định lựa chọn giữa điều trị nội khoa(điều trị bằng thuốc) hay cần phẫu thuật? Hoặc sốt xuất huyết đang trong giai đoạn diễn tiến thì cần phải xét nghiệm theo dõi nhiều lần trong quá trình điều trị và tiên lượng là cần thiết v.v… Đối với những bệnh lý ấy, việc làm xét nghiệm lại là điều cần thiết. Không ai và không nên vì sợ tốn tiền người bệnh mà không dám đưa ra xét nghiệm lặp lại, khi cần.
Nhưng đau nhức hơn trong hiện tại là trên cùng người bệnh đó ở tuyến dưới đã làm hết tất cả các xét nghiệm và chẩn đoán xác định bệnh, rồi tiên lượng dùm bệnh là quá khả năng điều trị, họ chuyển lên tuyến trên. Nhưng ở một số bệnh viện tuyến trên lại bắt người bệnh phải làm lại xét nghiệm một lần nữa, trước khi đi đến quyết định điều trị cho người bệnh, trong khi đối với bệnh lý đó không cần phải làm thêm bất kỳ xét nghiệm nào nữa. Hành động ấy chỉ làm để kiếm lợi nhuận cho bệnh viện tuyến trên. Đó là hành động thiếu đạo đức nghề nghiệp, lạm dụng xét nghiệm để móc tiền người bệnh vốn đã nghèo, đang vật vã với bệnh tật.
Xã hội hóa y tế và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh là một chiến lược rất tốt của các nhà làm chiến lược của ngành y nước ta. Nhưng bên cạnh việc xã hội hóa và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh ấy cần phải có chuyên môn vững của thầy thuốc với một đạo đức tốt vì người bệnh, đi đôi với sự kiểm tra nghiêm ngặt của các tổ chức thầy thuốc lương thiện. Nhà nước không thể một mình vừa đưa ra chiến lược vĩ mô và vừa tham gia vào những kiểm soát vi mô trong khám chữa bệnh mà không bị mắc phải bệnh quan liêu và tha hóa.
Việc lạm dụng xét nghiệm vì các mục đích khác nhau ở các nơi có chức năng làm công tác y tế có cần xem lại về quản lý và về khả năng chuyên môn, đạo đức ngành y trong thời kỳ mới hay không là điều phải làm. Tất cả không thể mong chờ vào sự ý thức trách nhiệm đơn thuần của một số rất ít người thầy thuốc có lương tâm và tay nghề giỏi.
Mong bài viết ngắn này có người thấu hiểu, đồng cảm và lắng nghe.
Bài đăng trên Tạp Chí Tia Sáng số ra ngày 20/3/2010. Đây là bài viết gốc, có thể bài viết trên báo giấy của Tạp chí Tia Sáng văn chương tốt hơn nhờ biên tập. Cảm ơn bà con đã ủng hộ. Tôi quyết định đăng nó lên blog sau khi cho lính đi tìm mua thì đã được bán hết, không còn tờ nào.
Mời bà con đón đọc số tới ngày 05/4/2010 với những bài viết của tôi trên báo Tia Sáng về:
1. Khi cả nước đều là bác sĩ và dược sĩ.
2. Bóng đen bảo hiểm y tế. Phần I: Nỗi khổ người dân và chính phủ Mỹ(bài viết 4 kỳ)
3. Một bài viết về tư duy lãnh đạo mọi thời đại.
Mời bà con đón đọc số tới ngày 05/4/2010 với những bài viết của tôi trên báo Tia Sáng về:
1. Khi cả nước đều là bác sĩ và dược sĩ.
2. Bóng đen bảo hiểm y tế. Phần I: Nỗi khổ người dân và chính phủ Mỹ(bài viết 4 kỳ)
3. Một bài viết về tư duy lãnh đạo mọi thời đại.
Asia Clinic, 17h00 ngày 11/3/2010
0 Nhận xét