XẾP HẠNG ĐẠI HỌC: CÓ PHẢI CHÚNG TA ĐANG ĐI THEO VẾT XE ĐỔ?

Ngày đăng: [Monday, May 10, 2010]
Đây cũng là một trong những bài nằm trong loạt bài phản biện về mục tiêu giáo dục đến năm 2020. Chúng tôi, những trí thức chân chính trong nước viết ra để đăng lưu hành nội bộ các trường đại học, nhằm cải thiện tình hình tốt hơn cho giáo dục nước nhà. 


Nó cũng được xem nhạy cảm, chưa đăng báo được. Vì nó nhìn ra nguyên nhân của bao nhiêu vấn nạn giáo dục Việt Nam trong những năm gần đây., mà chưa có ai nhìn thấy. Thiết nghĩ, chúng ta cần nhìn thẳng vào sự thật của bao nhiêu mục tiêu ngoài sức mình đã được đề ra một cách cảm tính, thiếu khoa học, để rồi hậu quả ngày hôm nay rất cụ thể, rất đau xót đang diễn ra từng ngày, từng giờ trên đất nước đầy khổ đau và gian khó này. 


Tôi xin đưa ra đây xem như một góp ý chân thành cho đại hội đảng lần thứ XI về hiện trạng những kế hoạch không đi ra từ thực tiễn cuộc sống sinh động mà chỉ đi ra từ những tư duy ảo tưởng và không sáng tạo mà chỉ bắt chước của người khác không giống ai trong thời đại tri thức toàn cầu. Rất mong lắng nghe và thấu hiểu để dân tộc và đất nước mình đủ sức để vươn dậy như Thánh Gióng.


XẾP HẠNG ĐẠI HỌC: CÓ PHẢI CHÚNG TA ĐANG ĐI THEO VẾT XE ĐỔ?


Chúng ta đang hướng tới mục tiêu năm 2020 có trường đại học nằm trong top 200 và có hai vạn tiến sĩ, một mục tiêu mà bất kỳ một nước thế giới thứ ba nào cũng mong ước. Liệu chúng ta có khả năng đạt được điều đó không, hay sẽ đi theo vết xe đổ của người bạn láng giềng Trung Quốc khi theo đuổi một ước mơ ngoài tầm với?

Hãy nhìn sang Trung Quốc, một nước với nền kinh tế phát triển nhanh đến chóng mặt trong suốt hơn hai thập. kỷ. Từ giữa thập kỷ 1970, họ bẻ lái đi theo kinh tế thị trường sau thất bại hoàn toàn của kinh tế bao cấp và hai chính sách “Đại Nhảy Vọt” và “Cách Mạng Văn Hóa”. Chính sách đưa giáo dục đến toàn dân là của thế hệ thứ tư của nhà cầm quyền Bắc Kinh. Hơn ai hết họ hiểu rằng trí thức đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế. Họ đã quá sốt sắng khi biến nền giáo dục được nhà nước bao cấp hoàn toàn sang một nền giáo dục được thị trường hóa. Một nền giáo dục tinh hoa thành nền giáo dục đại trà, dưới áp lực của những mục tiêu kế hoạch đầy tham vọng trong bối cảnh giáo dục chưa đáp ứng với nhu cầu phát triển kinh tế.

Việc xếp hạng đại học ở Mỹ ra đời từ thập niên 1920(1) nhằm đánh giá chất lượng các trường sau đại học. Đến năm 1983, US News and World Report bắt đầu công bố các bảng xếp hạng đại học ở Mỹ  không ngoài mục đích quảng bá hình ảnh giáo dục nước Mỹ ở các nước khác, nhất là khi Mỹ đã góp phần đào tạo nhiều nguyên thủ quốc gia cho các nước và dẫn đầu về số lượng các nhà khoa học đạt giải Nobel về khoa học. Sau sự kiện ông Mao Trạch Đông bắt tay với ông Nixon năm 1972, Trung Quốc áp dụng các mô hình của Mỹ nhiều hơn. Trong xu hướng đó, Đại học Giao thông Thượng Hải bắt đầu công bố một bảng xếp hạng đại học thế giới, gọi tắt là ARWU (Academic Ranking of World Universities, từ năm 2003. Bảng xếp hạng đặc biệt chú trọng đến các tiêu chí về nghiên cứu khoa học.

Ngày 24/12/1998, Bộ Giáo dục và Ủy ban Kế hoạch Nhà nước đưa ra Kế hoạch Phát triển Giáo dục cho Thế kỷ 21. Theo bản kế hoạch này, chậm nhất là vào năm 2010, số lượng sinh viên phải lên đến 15% số người trong độ tuổi vào đại học(2).

Tuy nhiên, kết quả thực tế còn vượt xa mong đợi, vì vậy Trung Quốc đã đổi thời hạn hoàn thành mục tiêu nói trên thành 2001-2005. Tỉ lệ sinh viên so với số người trong độ tuổi vào đại học lên đến 21% (số liệu cập nhật cho đến năm 2007, khi bài báo (2) của Rui Yang được công bố). Nhờ đó, Trung Quốc đã trở thành nước có hệ thống giáo dục đại học lớn nhất thế giới và chuyển từ mô hình đại học tinh hoa qua mô hình đại học đại trà(3). Rui Yang (2007) cũng cho biết tỉ lệ học sinh tốt nghiệp phổ thông được vào đại học ở Trung Quốc đã tăng từ 2,4% năm 1981 lên đến 40% năm 1998 và 65,5% năm 2001.

Mục tiêu tham vọng đó dẫn đến việc cần có thêm nhiều đại học và giảng viên. Tình trạng khan hiếm giảng viên đã thúc đấy nạn đạo văn và sính bằng cấp, một căn bệnh khó chữa đối với nền giáo dục Trung Quốc(4).

Sự nóng vội và thiếu tâm thế cũng như tư thế cho một chiến lược lâu dài của giáo dục Trung Quốc đã để lại những nhược điểm chết người như đã viết ở trên. Mãi đến hôm nay, sau gần  12 năm tăng tốc với mục tiêu ảo tưởng, giáo dục Trung Quốc vẫn ì ạch ở top 300-400 thế giới, ngay trên bảng xếp hạng ARWU do chính một trường đại học Trung Quốc công bố. Trong khi đó, một số đại học từ các nước nhỏ quanh vùng đã có mặt trong top 200 như NTU (National Taiwan University) hay NUS (National University of Singapore).

Ngày nay, Trung Quốc đang gánh chịu hậu quả của việc chạy theo thành tích và sự can thiệp quá sâu của nhà nước vào giáo dục. Tình trạng tham nhũng học thuật ở quốc gia này cũng tương tự với những gì đang hoành hành ở nước ta. Trước tình trạng đó, liệu Việt Nam có nên chạy theo cái gọi là chiến lược giáo dục đến năm 2020, như Trung Quốc đã làm cách nay gần 12 năm? Có lẽ, câu hỏi lớn này xin dành cho các nhà lãnh đạo quốc gia.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Rangking Methodology for Universities offerring Islamic Economics and Finance Programme: A Proposal, Miranti Kartika Dewi, University of Indonesia and Ilham Reza Ferdian, International Islamic University, Malaysia: http://staff.ui.ac.id/internal/060603200/publikasi/200906PaperforIBF_KUIN_formatted.pdf
  2. Incorporation and University Governance: The Chinese Experience, Using University Enrolment Expansion Policy as an Example. Yang R, Faculty of Education, Monash University:
  3. The Transition from Elite to Mass Higher  Education: A Chinese Perspective. Prospect: http://www.springerlink.com/content/m8862k3646632139/fulltext.pdf
  4. Khủng hoảng giáo dục đại học tại Trung Quốc?, Vũ Thị Phương Anh, Giám đốc trung tâm khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục đại học quốc gia TPHCM, báo Tia Sáng số ra ngày 05/5/2010, trang 45-47

BS Hồ Hải, viết xong lúc 17h30’ 18/4/2010 và sửa lại ngày 06/5/2010 - Asia Clinic, 8h32' ngày 10/5/2010

Đăng nhận xét

0 Nhận xét