Ngày đăng: [Thursday, September 23, 2010]
Cả tháng nay, các bài lý luận xã hội, chính trị xoáy vào những vấn đề cốt lõi làm cho Việt Nam chậm tiến và đang trên đà suy sụp. Song dưới cái nhìn lý luận khoa học triết học thì các bài trên đều nằm ở mặt phân tích hậu quả, mà chưa đứng trên quan điểm của cặp phạm trù Nhân - Quả để giải quyết vấn đề.
Chúng ta vẫn thường nghe trong hệ thống chính trị học học Marx - Lê Nin, ở bộ phận "duy vật lịch sử" cho rằng: "mọi sự vật hiện tượng đi theo vòng tuần hòan, nhưng vòng sau tiến hóa hơn vòng trước theo đúng với 3 qui luật của duy vật luận". Cho nên hình thái xã hội lòai người bắt đầu từ Cộng sản nguyên thủy đến Chiếm hữu nộ lệ, rồi tiến lên chế độ phong kiến quân phiệt, rồi tiến lên chế độ tư bản để đi đến chỗ giãy chết bế tắt và cuối cùng quay về chế độ cộng sản, nhưng là của chủ nghĩa cộng sản khoa học. Chưa vội cho ông Marx đúng hay sai, hãy cứ "công nhận ông ấy đúng", mặc dù thực tiễn chứng minh ông ấy đã và đang sai. Nhưng khi tôi thử đi tìm ngữ, nghĩa của từ "chủ nghĩa phong kiến" như thế nào thì chưa thấy một văn bản hay sách vở nào trên mạng có giải thích hay định nghĩa của từ này. Tôi đành chịu sự giải thích theo kiểu chiết tự như sau, có ai biết giỏi hơn bổ sung dùm:
Phong là tập phong, phong tước. Kiến là kiến lập đất đai. Phong kiến có nghĩa là quyền lợi đất đai mà một dòng họ (vua) hay một tập đòan (giai cấp cầm quyền) chiếm lấy và hưởng thụ. Như vậy, tạm chấp nhận chủ nghĩa phong kiến là chủ nghĩa mà ở đó một hình thái kinh tế - xã hội với lý thuyết, luật lệ ban ra để phục vụ cho một dòng họ hay một tập đòan cai trị sử dụng quyền hành để xác lập quyền chiếm hữu ruộng đất về cho quyền lợi của giai cấp cầm quyền. Đặc trưng của phong kiến là chiếm hữu ruộng đất về cho giai cấp cầm quyền và cha truyền con nối. Lại có khái niệm chủ nghĩa phong kiến quân phiệt, nó có đặc trưng là một hình thái kinh tế xã hội dùng quân đội để chiếm hữu ruộng đất chia cho giai cấp cầm quyền theo kiểu cha truyền con nối. Nên ngày xưa dân gian có ca dao: "Con vua thì được làm vua/Con sãi ở chùa thì quét lá đa...". Hình thái kinh tế xã hội Việt Nam đang nằm trong lọai này.
Song trong thực tế, không phải lúc nào cũng giống như lý luận và lý thuyết, vì cuộc sống luôn sinh động để phù hợp với thực tế đòi hỏi. Cho nên, dù anh có đi theo chủ nghĩa nào để áp dụng cho xã hội đương thời thì cũng chỉ nằm một trong hai hình thái kinh tế xã hội trong một bài viết cũ của tôi: Hình thái xã hội và sự phát triển. Trong đó, hình thái kinh tế - xã hội Việt Nam đang nằm ở hình thái kinh tế - xã hội thời chiến, với sự tập trung quyền lực vào quân đội và quân đội an ninh tham chính.
Tóm lại, hình thái kinh tế xã hội Việt Nam đang nằm ở hình thái kinh tế - xã hội chế độ phong kiến quân chủ tập quyền. Bắt đầu chuyển sang hình thái kinh tế chế độ tư bản hoang sơ chưa thực sự là tư bản. Vì vẫn còn sở hữu đất đai là của nhà cầm quyền và, các tập đòan kinh tế tư bản nhà nước vừa sụp đổ hòan tòan, được hỗ trợ bằng tiền thuế của dân, thông qua tập đòan quân chủ chuyên chế nắm quyền.
Tuy vậy, những năm gần đây với cái gọi: "định hướng XHCN" là một cách chơi chữ như tôi đã viết trong bài: Chơi chữ. Chưa đi đến tư bản thực sự thì làm sao đến được xã hội chủ nghĩa, nếu như duy vật lịch sử của ông Marx là đúng? Mặc dù trong lọat bài triết học của người ngọai đạo về bất cập của lòai người ta thấy Marx chưa chắc đã đúng, khi ông bỏ quên một vế nhân bản trong triết học để hình thành nên duy vật lịch sử của mình.
Có phải đây chỉ là một hình thức chơi chữ, để chứa đựng một uyển ngữ, để che đậy một não trạng duy ý chí mới, thay vì "thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua giai đọan tư bản chủ nghĩa" trước đây đã thất bại hòan tòan, phải quay đầu về kinh tế tư bản tư doanh để cứu lấy sinh mạng chính trị. Sau khi sinh mạng chính trị "tạm gọi là ổn", thì lại quay đầu về cách tư duy duy ý chí cũ, nhưng lại uyển ngữ thành "định hướng xã hội chủ nghĩa" để che đậy tư duy sáo mòn, dập khuôn và thiếu sáng tạo?
Có lẽ những câu hỏi trên dành cho các nhà lý luận và, các ủy viên trung ương đảng trong đại hội đảng lần thứ XI trả lời dùm.
Asia Clinic, 17h58' ngày thứ Năm, 23/9/2010
0 Nhận xét