TƯ DUY VÀ CUỘC SỐNG

Ngày đăng: [Friday, December 04, 2009]

Ở các trường từ phổ thông đến đai học của các nước tiên tiến, trong đào tạo rất chú trọng đến một loại tư duy cao cấp, tư duy ấy được gọi một từ tiếng Anh là Critical Thinking. Từ Critical Thinking có người dịch ra là: tư duy phê phán hay tư duy phản biện. Song, nếu dịch đúng tận cùng theo nghĩa tiếng Việt, theo tôi nên dùng từ: tư duy tới hạn hoặc là tư duy then chốt. Vì với loại tư duy này sẽ làm nảy sinh nhiều vấn đề có tính đột phá và đưa ra phần cốt lõi, cái nguyên nhân, nội dung, bản chất đến tối giản nhất để tìm ra cái then chốt và cái tận cùng của vấn đề tại sao cần giải quyết, giải quyết ở đâu? giải quyết cái gì? Và phương pháp giải quyết như thế nào? ...

Thời gian qua tôi bắt đầu viết blog, mặc dù tôi cũng đã từng dùng blog trước đây khi còn Yahoo 360, nhưng chủ yếu là để lang thang đi bàn luận với cộng đồng. Bây giờ viết, tôi không phải nhà văn, cũng chẳng phải nhà thơ. Dù thời sinh viên cũng gắng làm thơ, vì yêu thơ, một loại hình văn học mà ở đó chỉ cần 1 câu ngắn đã có thể nói lên 1 ý tưởng có thể phải cần vài trăm trang để kiến giải. Biết mình yếu về lĩnh vực dùng từ, nên khi viết cũng cố để lý giải sao cho có một tư duy tới hạn. Cả một đời thơ của tôi cũng chỉ rặn ra được 2 câu từ thời sinh viên, mà tôi cho là tôi tâm đắc nhất: "Hãy là Ta đi lại từ đầu, đừng nên là Người bước vội về sau". Sau đó tắc tị. Cũng lắm người chê, và không hiếm người khen.

Tôi xin nói phần khen trước, vì ai chả thích mình được khen. Nhưng khen đúng thì mới là bạn. Có người khen vì họ tìm thấy bóng dáng mình trong những bài viết của tôi. Có người khen vì họ tìm thấy tư duy mình trong những bài viết ấy. Nhưng tôi thích những người khen bài viết của tôi vì họ tìm thấy tư duy của họ ở những trăn trở của tôi hơn là loại kia. Vì đó là thể hiện cái mà người ta gọi là Critical Thinking của mỗi bộ óc. Có bạn viết thư cho tôi và khi kết thúc cuối thư luôn để thêm từ Produtive và dấu chấm than. Thiết nghĩ, để có tư duy tới hạn hay tư duy then chốt cái cần thiết và quan trọng trong tư duy là 2 vấn đề cơ bản:
1. Nắm vững triết học đúng nghĩa là một khoa học thực thụ mà không là chính trị học.
2. Phải có tư duy độc lập trong mọi vấn đề.

Phần chê, tôi rất quí. Càng chê đúng thì mới là thầy của mình. Và càng đáng quí lắm, lắm. Nhưng tôi hơi buồn là đa phần tôi nhìn thấy theo hiểu biết của mình là chê chưa chuẩn. Tôi hiểu ra vấn đề chê chưa chuẩn ở đây là vì tư duy chưa tới hạn. Tôi không trách họ vì 2 điều cơ bản mà tôi đã đưa ra ở trên, trong họ chưa được quan tâm, hoặc chưa đủ để nhìn vấn đề tôi viết.

Theo hiểu biết của tôi thì có 2 cách viết:
1. Viết theo kiểu của một nhà khoa học tự nhiên (hay còn gọi là viết theo kiểu học thuật) khô khan, ngắn gọn, khách quan, duy lý mà đủ ý. Cách viết này dành cho kiểu tư duy tới hạn. Đọc nó rất chán vì nó là một mâm tiệc, nhưng hiếm có bạn hiền. Dùng để đánh giá dân trí theo cách tư duy tới hạn. Và trong hầu hết các tác giả nỗi tiếng trên thế giới, tôi thích nhất nhà văn Pháp, Honoré de Balzac, ông này có cách viết mà theo hiểu biết của tôi thuộc loại tư duy tới hạn. Đọc ông tôi rất mệt và đọc rất chậm, đọc mà như nuốt từng chữ, từng câu cho thấm dần, vì văn ông khô nhưng sắc như dao.
2. Viết theo kiểu art (hay còn gọi là cách viết theo kiểu khoa học xã hội), rất văn chương, đầy cảm tính và suy diễn dễ đi vào lòng người, nhưng không thiếu sự duy lý. Cách này cũng có tư duy tới hạn, nhưng thiếu một chút duy lý để minh chứng về mặt biện chứng. Cách viết này làm người đọc rất thích thú và đi vào một vấn đề mà Gustave Le Bon đã đề cập.
Dĩ nhiên, trong mỗi cách viết luôn nằm trong những nhóm khác nhau. Có người viết theo dạng Close Writing, tức viết và kết một vấn đề. Có người viết theo kiểu Open Writing, cách này là mở ra một vấn đề để mọi người cùng có Critical Thinking với nhau. Tôi thích cách Open Writing hơn.

Cuối cùng, qua 9 tháng ngồi viết những vấn đề tôi rút ra được những đúc kết có giá trị cho mình như sau:
1. Triết học chưa có vai trò tốt ở Việt Nam.
2. Dân trí Việt chưa được đánh thức đúng với tầm hiểu biết ở dân Việt.
3. Trí tuệ đám đông theo kiểu Gustave Le Bon đóng một vai trò lớn với dân mình.
4. Dân mình ít người quan tâm đến sở hữu trí tuệ của một cá nhân.
5. Khi tư duy tới hạn thì vấn đề phản biện sẽ là then chốt của tư duy. Và dĩ nhiên sẽ dễ đụng chạm đến nhiều con người và lĩnh vực của cuộc sống.

Ai tìm ra được những kết luận khác hay ho hơn xin góp thêm hương vị cho bài này. Xin cảm ơn.

Đăng nhận xét

1 Nhận xét