Ngày đăng: [Thursday, July 22, 2010]
Bài viết này tôi viết ngày 08/7/2010 với cái tựa: Tư duy giáo dục phổ thông. Tôi đã gửi đi 2 nơi, nhưng báo Pháp Luật TP đã có một biên tập quá tốt để nó được đăng. Cảm ơn các bạn.Trường chuyên: Dạy lệch, học nhồi
Nhiều nhà khoa học băn khoăn việc phát triển trường chuyên không tạo kết quả tốt, không phát triển năng khiếu, làm thui chột tư duy sáng tạo và kỹ năng sống của học sinh.- Phát triển trường chuyên: Tạo bất công và học lệch
- Phát triển trường chuyên: Sức ép học hành sẽ tăng chóng mặt
- Trường chuyên: Phản sư phạm, không cần thiết
- Trường chuyên: Đầu tư nguồn nhân lực chất lượng cao
- Luyện "gà" hay đào tạo nhân tài?
- Người giỏi là người biết hợp tác, chia sẻ
- Cần nghiên cứu trước khi đánh giá đầu tư
- Cần xác định lại mục tiêu, chương trình, cách tuyển chọn...
- Cần lắng nghe dư luận xã hội
Theo tôi nghĩ, giáo dục phổ thông là không nên áp đặt, mà là nơi cung cấp cho thế hệ trẻ kiến thức tổng quát, tư duy độc lập và những kỹ năng sống phù hợp với thời đại. Giáo dục phổ thông không cần phải nhồi nhét quá nhiều, quá nặng về kiến thức, sự nhồi nhét kiến thức ấy không làm trẻ tự tư duy sáng tạo mà chỉ là những vật thể sống chỉ biết sao chép.
Không áp đặt. Bất kỳ công dân đất nước nào trên thế giới đều được sinh ra và lớn lên trong một nền văn hóa đặc thù. Sự thấm đẫm tình yêu quê hương, dân tộc lớn dần theo năm tháng một cách tự nhiên. Giáo dục phổ thông cung cấp cho thế hệ trẻ kiến thức tổng quát về khoa học tự nhiên và xã hội, tự nó sẽ cho trẻ tầm nhìn, nhân sinh quan, thế giới quan và ý thức về tình yêu trách nhiệm với đất nước và dân tộc. Từ kiến thức tổng quát, nhân sinh quan và thế giới quan ấy, mỗi cá nhân sẽ tự quyết định con đường đi có tính sáng tạo trên mọi lĩnh vực.
Tư duy độc lập. Phát minh và sáng tạo phục vụ nhu cầu bản năng là thuộc tính của loài người. Để phát triển tính sáng tạo và hiệu quả của sự sáng tạo không gì khác hơn là đặt mục tiêu giáo dục phổ thông phải tạo được những thế hệ trẻ mang trong trí tuệ một tư duy độc lập.
Giáo dục phổ thông không cần phải nhồi nhét quá nhiều mà là nơi cung cấp cho thế hệ trẻ kiến thức tổng quát và tư duy độc lập. Ảnh: HTD
Mỗi cấp lớp trẻ có một nấc tư duy khác nhau. Trẻ tiểu học có tư duy chân thật, một bước, chỉ biết ghi nhận. Trẻ học cấp hai có tư duy hai bước, hay còn gọi là tư duy suy diễn. Sau khi ghi nhận trẻ bắt đầu suy luận đúng sai. Trẻ bắt đầu nhận biết đúng sai. Lên đến trung học, sau khi suy luận đúng sai một sự vật, hiện tượng, trẻ chuyển sang tư duy tới hạn, hay còn gọi là tư duy phản biện. Lúc đó trẻ bắt đầu đưa ra chính kiến để phản biện và hướng giải quyết một vấn đề. Nếu giáo dục phổ thông không trao cho trẻ một tư duy độc lập mà là áp đặt theo ý chí của người lớn, chúng ta sẽ tạo ra những thế hệ thui chột tư duy suy luận và tư duy phản biện để làm nên sáng tạo.
Cung cấp kỹ năng sống. Trẻ ra đời chưa tiếp cận cuộc sống sinh động thông qua thiên nhiên và cuộc sống. Giáo dục phổ thông là cung cấp kiến thức vào đời. Là làm sao cho thế hệ trẻ biết làm việc tập thể, biết đồng thuận và biết nhìn bản chất của vấn đề một cách độc lập. Hay nói một cách cụ thể là giáo dục phổ thông tạo ra những thế hệ có chỉ số đồng thuận (còn gọi là chỉ số cảm xúc cao: EQ: Emotional Quotient) và chắt lọc ra những trẻ có chỉ số thông minh cao (Intelligence Quotient) để đưa vào những trường dành cho thần đồng.
Nếu chúng ta thực hiện đề án trường chuyên với hơn 2.300 tỉ đồng để thực hiện những mục tiêu nói trên thì vô tình chúng ta đã làm sai lệch tư duy giáo dục phổ thông chuyên. Hậu quả của việc này sẽ rất nghiêm trọng khi chúng ta sẽ có những thế hệ bị thui chột tư duy độc lập, thiếu khả năng phản biện và khủng hoảng con người cho tương lai đất nước là không tránh khỏi.
Những con số của Đề án phát triển hệ thống trường THPT chuyên giai đoạn 2010-2020 tiêu tốn khoảng 2.300 tỉ đồng để đến năm 2015, 50% học sinh THPT chuyên đạt học lực giỏi, 70% đạt giỏi về khả năng tin học và 30% đạt khả năng bậc ba về trình độ ngoại ngữ… Không có gì không thể thực hiện được nếu mọi quyết tâm là chính đáng từ xã hội, nhà trường, gia đình và bản thân các học sinh. Nhưng vấn đề đặt ra cho giáo dục phổ thông Việt Nam không phải là những con số muốn đạt được mà là tư duy giáo dục phổ thông như thế nào và sẽ đưa các thế hệ đi về đâu. Hệ quả giáo dục sẽ có tác động gì đến đất nước và con người Việt Nam trong tương lai. Đó là tất cả những vấn đề lớn mà bất kỳ ai cũng trăn trở. |
Ở các nước tiên tiến, đặc biệt Mỹ có ba chương trình đào tạo trong hầu hết các trường phổ thông. Ba chương trình đó là: chương trình thông thường (regular program), AP (Advanced Placement), hay IB (International Baccalaureate: Tú tài quốc tế). Nhưng chung nhất vẫn là cung cấp kiến thức tổng quát, tư duy độc lập và kỹ năng sống bằng những hoạt động có tính cộng đồng. Chương trình IB nhận những trẻ có thiên hướng xuất sắc về xã hội học, có chỉ số EQ (Emotional Quotient) cao sẽ được hướng dẫn đến học những chuyên ngành đào tạo ra những lãnh đạo tương lai. Chương trình AP đào tạo trẻ có thiên bẩm về khoa học tự nhiên có chỉ số IQ cao được hướng dẫn vào những trường đào tạo chuyên ngành khoa học tự nhiên để sau này trở thành khoa học gia xuất chúng. Chương trình này trẻ được đào tạo chương trình khoa học tự nhiên của bậc đại học ngay khi còn là học sinh phổ thông. Sự tiếp nhận học sinh vào các trường là như nhau, chỉ khác nhau là trong quá trình học tùy theo thiên hướng của trẻ, các cố vấn học tập và tâm lý sẽ phát hiện ra năng khiếu và thiên hướng của trẻ để hướng dẫn cho gia đình và trẻ cho trẻ học chương trình AP hay IB cho phù hợp. Các cố vấn phải quan sát, tìm hiểu thiên bẩm của trẻ khi còn là học sinh tiểu học. |
HỒ HẢI
Tư gia, 01h26', ngày thứ tư, 22/7/2010 - Đăng trên báo PLTP
0 Nhận xét