Ngày đăng: [Sunday, June 27, 2010]
Chiều hôm qua đang bận việc, bạn hiền là lãnh đạo tờ báo PLTP gọi xin phép lấy một đoạn ngắn ở phần kết hồi ký Một chút quá khứ và một chút hiện tại phần 2: Thời tuổi thơ cắp sách. Qua đó, anh ta cũng muốn xin cảm ơn với các bạn Bloggers của tôi đã rất lịch sự và không quá cay cú khi bàn luận. Anh ấy có xin lời bình của một bloogers' friend để đăng báo về vấn đề giáo dục trẻ mùa hè. Bạn blogger với nickname là My cũng làm tôi thơm lây. Xin cảm ơn bạn.
Nhưng gần đây có một số bạn Nặc Danh hay không Nặc Danh đã có những bình luận khá nặng nề. Lời nói không mất tiền mua/Liệu lời mà nói cho vừa lòng nhau. Ca dao dân mình rất hay, vừa lòng nhau không có nghĩa là cho qua, không tranh luận và phản biện. Phản biện cũng có 3 loại: trí thức nói nhẹ nhàng thâm thúy và nghe lọt tai như con ong trút mật cho đời, và làm thay đổi được định hướng của đối tượng cần nghe. Loại trí thức nhưng vì cái riêng của mình bị xâm phạm, nên nói có nhiều cay cú, có thể nói có ý hay, nhưng làm người nghe phản cảm, đôi khi làm phản tác dụng. Loại còn lại, hầu hết là nói nặng lời đả kích nhiều hơn là góp ý, loại này chỉ gây ra tại hại và không ai muốn nghe, thậm chí còn làm cho hư sự. Mong rằng các bạn đến với blog của tôi nên bình luận thâm thúy và nhẹ nhàng dễ nghe hơn.
Tôi xin đăng lại bài báo nói về giáo dục mùa hè cho trẻ đã đăng trên báo PLTP chủ nhật, ngày 27/6/2010 này để mọi người cùng đọc.
Họ đã nghỉ hè như thế nào?
Phải chăng những người thành đạt đã học hành cật lực suốt mùa hè như trẻ em hiện nay?
Liệu có cần phải tốn kém hàng chục triệu đồng để rèn kỹ năng, khám phá cuộc sống? Liệu có nên bao bọc mùa hè của trẻ trong cuộc sống nhung lụa, tiện nghi, khu nghỉ mát sang trọng, đắt tiền?...
Những nhà thơ, nhạc sĩ, nhà khoa học chia sẻ ký ức về những khám phá, trải nghiệm trong thời gian nghỉ hè đã vun bồi tâm hồn, trí tuệ và cả kiến thức định hướng sống cho họ.
Gian khổ vẫn tươi vui, hồn nhiên
Vừa qua, tôi được đọc một bài thi của một học sinh gốc Việt đang học tại Úc, một bài thi được giải cao tại nước này. Em viết về chuyến về thăm đất nước. Em kể những điều đáng học tập của học sinh Việt Nam nhưng bày tỏ hai điều ái ngại cho học sinh trong nước. Đó là không được tranh luận bất kỳ điều gì với thầy (!) và sân trường không một cọng cỏ, không có gì để vui chơi ngoài tiết học (!). Thật là hai chuyện đáng suy nghĩ hơn cả những phong trào đang được phát động rầm rộ hiện nay. Mỗi thế hệ một hoàn cảnh nhưng tuổi trẻ thì ai cũng như ai. Cần tạo điều kiện cho trẻ em được sống trong những năm tháng vui tươi, trẻ trung, hồn nhiên và phát huy được mọi năng lực nội tại của tuổi trẻ.
GS-TS NGUYỄN LÂN DŨNG, Đại biểu Quốc hội khóa X, XI, XII, chuyên gia cao cấp Viện Vi sinh vật và Công nghệ sinh học ĐHQG Hà Nội
Trẻ em huyện Côn Đảo (Vũng Tàu) vui chơi hè. Ảnh: TRÀ GIANG
“Lêu lổng” với bà mẹ thiên nhiên
“Lêu lổng” là một từ chẳng đẹp nhưng thiên nhiên mang lại cho tâm hồn đứa trẻ nhiều điều không có trong trường học. Mùi cỏ dại sau cơn mưa dễ gì mô tả được nếu khứu giác không chạm vào nó trong một buổi chiều sau mưa nằm dài trên bờ ruộng với chiến lợi phẩm vài củ khoai non đào trộm. Bầu trời bảy sắc cầu vồng hay ánh bạc chói lòa làm bạc cả cây lá trong vườn chỉ trong khoảnh khắc vài giây của cơn mưa kỳ lạ làm sao mô tả nếu ta đóng cửa kín mít trong nhà. Và tiếng quẫy mình đành đạch của những chú cá rô theo cơn mưa tràn vào sân nhỏ… Không nghịch ngợm, tò mò, lêu lổng, tay chân lấm lem đất cát thì làm sao thấy được những hạt bắp vùi xuống trong vỉa đất ven hàng rào nhà mình đã thành những thân bắp xanh non. Làm sao thấy được trái bắp lớn dần trong nách lá sắc như dao cạo và cuối hè ôm dăm mười trái đưa mẹ: “Mẹ nấu chè đi. Con tự trồng đấy!”.
Thiên nhiên bình đẳng với mọi đứa trẻ. Đứa có quê thì về chạy nhảy trên đường làng, đứa ở thành phố thì tìm ra ao hồ, sông ruộng, rừng cao su, cổ treo lủng lẳng chiếc ná thun làm bằng chạc ổi, bắn vu vơ vài chú chim vô tội. Để khi lớn lên bỗng ân hận vì trò tai ác của mình khi nhìn thấy chiếc tổ chim có đủ một gia đình. Thiên nhiên dạy lòng ăn năn, lòng khoan dung.
Tôi - đứa trẻ ngày xưa ngồi nhớ lại cái học của mình để tự hỏi trẻ con hôm nay vì sao cặp nặng, vì sao mắt kiếng dày, vì sao đi chơi nhiều nơi sang trọng vẫn không được gọi là nghỉ hè. Dăm ba ngày trong resort, dăm hôm ngâm mình trong hồ bơi sang trọng rồi trở về đốt cháy những ngày hè còn lại trong những lớp Anh văn, toán…
Mùa hè đi qua như chưa từng đến.
Con cái chúng ta hôm nay xem ra khổ thật!
Nhà thơ ĐỖ TRUNG QUÂN
Trò chơi hè định hướng tương lai
Thời của chúng tôi, trọn vẹn ba tháng nghỉ hè là ba tháng nghỉ ngơi, đi chơi. Mùa hè là mùa khô ráo ở miền Trung, các gánh hát bội cũng thường về diễn ở làng. Bọn trẻ chúng tôi lại háo hức say sưa với những tuồng tích: San Hậu, Ngũ Hổ Bình Liêu, Phúc Lộc Thọ… tưới đẫm vào tâm hồn những đứa trẻ và chúng tôi thẩm thấu nghệ thuật từ những gánh hát ấy.
Nhạc sĩ VŨ ĐỨC SAO BIỂN
“Hè ngày ấy của chúng tôi thật đúng là hè với những vần thơ còn âm vang mãi trong tâm trí tôi cho đến giờ này nhưng không rõ tác giả là ai. Sung sướng quá, giờ cuối cùng đã điểm, Đàn chim non hớn hở dắt tay về. Chín mươi ngày nhảy nhót ở đồng quê, Ôi tất cả mùa xuân trong mùa hạ. Bây giờ, hè trẻ phải đi học cật lực, trẻ bây giờ kiến thức có thể giỏi hơn chúng tôi thời đó. Nhưng tôi vẫn thấy thế hệ trẻ bây giờ vẫn thiếu một cái gì đó mà tôi chưa thể nghĩ ra. Một khoảng trời bình yên trong ánh mắt, một tâm hồn ngây thơ hay một trời mộng mơ của tuổi thơ đúng nghĩa. Ai biết trả lời giùm!”. My: “Tôi ở Sài Gòn. Thật ra là Thị Nghè, ngay nhà thờ. Sau bốn câu thơ cuối trong bài bác là hè thiệt là hè. Là tụ tập với đám bạn “xóm nhà lá”, nghèo nhưng chơi được nhất. Là vô Sở Thú (Thảo Cầm Viên) leo cây bắt chim non, hái trâm và nhớ những cây nào trái gần chín để dành lần sau. Là vô Canh Nông tắm sông với không dưới hai lần bị ông già Ba Tri (?) giấu quần áo (hồi đó rủ nhau đi tắm sông dùng mật mã là “đâm chuột”. Đâm chuột là đâm tí, lái lại là đi tấm, là đi tắm. Sau này má giải mã được bị đòn quá trời). Là biết hết đường Hùng Vương (giờ là Xô Viết Nghệ Tĩnh) có bao nhiêu cây me cũng như trong viện dưỡng lão giờ nào mấy soeur đọc kinh để bắn me chua và me tây (trái, ăn hột thôi). Bị đòn hoài nhưng giờ thấy lành và nhớ quá.” (Trích blog bác sĩ Hồ Hải) |
Asia Clinic, 8h56', chúa nhật, ngày 27/6/2010
0 Nhận xét