THƯ GIÃN CUỐI TUẦN

Ngày đăng: [Monday, March 01, 2010]
Nhịp sống ngày càng chảy siết, con người ngày càng giảm dần nhân tính, vì những mưu sinh. Nếu không có những khoảng lặng để nhìn lại mình. Cả đại gia đình chúng tôi trừ thế hệ bố mẹ, còn chúng tôi trở xuống, hầu như suốt tuần lúc nào máy cũng chạy hết công suất. Hai vợ chồng tôi thì dù có thân chủ hay không cũng phải dành cho clinic ít nhất 14-15/24h mỗi ngày. Trong đó có 1h30' là đi về. Mấy đứa em, hầu như không đứa nào dưới 16h/24h mỗi ngày. Nhưng chúng nó được nghỉ 2 ngày cuối tuần. Còn chúng tôi thì chịu. Mỗi năm chỉ nghỉ 8 ngày tết. Các ngày lễ chưa bao giờ có trong từ điển của chúng tôi từ ngày tự đi làm công cho mình. Đó là chưa kể nửa đêm gà gáy, bất kỳ lúc nào trong 24h đồng hồ mỗi ngày thân chủ gọi điện hỏi hay than phiền đều phải trả lời. Bạn bè nó không hiểu tại sao điện thoại tôi bất kỳ lúc nào cũng có thể liên lạc được? Đó là đặc thù cái nghiệp làm y.

Vì thế cho nên, hầu như mỗi cuối tuần đại gia đình tôi luôn họp mặt. Địa điểm có khi là nhà mấy đứa em, có khi là một quán café nhạc hoặc một quán ăn, để ngồi với nhau tâm sự chuyện bốn phương và chuyện của mình. Trước là để các ông bà già có thể gặp mặt con cháu, giải toả nỗi chán chường, khi cái điệp khúc ăn không ngồi rồi cứ diễn ra sáng- trưa-chiều- tối mỗi ngày. Hòng kéo dài những ngày tháng của các Cụ trên cõi nhân thế. Sau nữa là cho thế hệ con cháu của chúng tôi không mất văn hóa nền của dân tộc. Khi chúng mỗi tuần phải tiếp xúc thói ăn, nết ở của ông cha chúng. Và cuối cùng là để thế hệ chúng tôi xả những căng thẳng trong công việc suốt một tuần vật lộn.

Cứ luân phiên nhau, mỗi tuần một đứa lo toan chuyện gặp nhau của đại gia đình. Đối với gia đình tôi thì bây giờ hầu như ông Táo chỉ biết ăn chơi. Ba trăm sáu mươi lăm ngày trong năm, chỉ vài ngày đỏ lửa. Cơm hàng cháo chợ đã quen. Nên đến lượt là ra quán. Thế nhưng mấy đứa em ít khi nào để 2 ông anh-bà chị của chúng phải lo toan việc này. Vì chúng nó biết làm nghề y ở Việt nam phải nghèo thì mới giữ được cái tâm sáng. Café Piano, 17 Hồ Xuân Hương là nơi mà cả gia đình chúng tôi thích đến để lắng đọng mọi điều khi có dịp. Hôm qua, dì Út nó thết đãi ông anh rể bài viết ngày thầy thuốc Việt Nam cũng tại đây. Cái mà chúng tôi thích quán này là ban nhạc với những bản nhạc cổ điển. Ban nhạc 3 người gồm 1 pianist, 1 violonist, và 1 guitarist. Cách của họ phục vụ đầy tự trọng và trách nhiệm. Cách họ chơi nhạc thính phòng cũng thật đam mê, làm khách không thể không lắng nghe và tôn trọng họ. Dù đã nhiều lần đến nghe và nhâm nhi nước uống, nhưng những bản thính phòng lặp đi, lặp lại này chưa bao giờ làm chúng tôi nhàm chán. Hôm qua, xúc động đậy với tấm thịnh tình Dì Út nó, tôi bèn làm một ảnh cho khí thế năm mới. Không ngờ là bức ảnh mà dí Út nó ưng bụng và mình cũng không ngờ lấy được khoảnh khắc tự nhiên đến thế. Tôi cũng nhờ bà xã làm cho mình một tấm để làm avatar cho cái blog già nua này. Tính ra đã hơn 15 năm rồi chưa chụp lấy một tấm hình riêng.

Được cái là cả nhà chúng tôi 3 thế hệ đều có khả năng cảm nhận và thẩm định âm nhạc một cách tự nhiên. Trong đó tôi là đứa tồi nhất về lĩnh vực này. Chưa trường lớp, chưa một giờ bị mắng chữi, gò nắn bởi các vị thầy, cô dạy nhạc. Còn lại, dù các Cụ Ông đã gần 90 cũng từng làm nhạc trưởng cho một đội văn nghệ nơi ông làm việc từ thời trai trẻ. Không biết năm nay có gì khác biệt, nhưng mới đầu năm đã có nhiều sự kiện vui rôm rả. Song cuối tuần ngồi lắng đọng với nhạc thính phòng chợt nghĩ: Đời người có bao lâu mà ta cứ mải lo toan? Có lẽ con người đã sai lầm khi đưa ra trong ngôn ngữ cái sở hữu chủ để khẳng định lại bản chất của mình là tư hữu và quyền lực? Và cũng có lẽ vì nó mà trên trái đất, từ lúc tôi sinh ra đến giờ, chưa một ngày ngưng tiếng đạn bom? Tự dưng nhớ lại hai tác phẩm của học giả Thu Giang Nguyễn Duy Cần, và thấy mình nhỏ bé. Suy nghĩ lung tung rồi thư giãn lại trở thành nặng óc. Con người là loài động vật hữu nhũ bậc cao. Lý trí đôi khi là cái tốt cho tư duy kiếm tìm hạnh phúc. Nhưng lý trí cũng là vật chất vô hình làm cho con người phải khổ. Khổ vì cơ bắp, dù quá tải vẫn có thể tan biến sau một cái duỗi lưng trên chiếu. Nhưng quá tải về lý trí, nếu chưa ngộ được bản chất của cuộc đời nằm ở con số nhiều ý nghĩa nhất là zero. Khi ta đứng ở vị trí cân bằng, không âm, không dương, là lúc ta sáng suốt nhất. Khi ta rời xa vị trí cân bằng là lúc ta bất định và tối dạ.

Có lẽ phải như cụ BSTY Đình Văn Thao nói là đúng: "Con chim sẻ nó không dự trữ bao giờ, nhưng giống nòi vẫn cứ trường tồn. Tại sao ta cứ mãi lo toan dự trữ cho cuộc mưu sinh của một kiếp người?". "Ngày mai rồi sẽ khác", câu nói của nhân vật Scarlet trong "Gone with the wind" mà lại hay, mỗi khi tôi thấy mình quá tải. Không biết người khác giải quyết quá tải như thế nào? Nhưng với tôi, phong cách sống của Cụ Thinh, người đại diện cho tư duy mở cõi của thời Nam tiến, đã giúp tôi quẳng gánh lo toan vui mà sống từ ngày bước đến mảnh đất này. 

Chúc mọi người đầu tuần hạnh phúc,

Asia Clinic, 14h30' ngày 01/3/2010

Đăng nhận xét

0 Nhận xét