THẤY GÌ QUA CUỘC HỌP QUỐC HỒI LẦN THỨ 8 KHÓA XII NĂM 2010 (tt)

Ngày đăng: [Friday, November 05, 2010]
Mấy hôm nay theo dõi dân cư mạng và báo chí người ta đòi hỏi quá nhiều về sự minh bạch và qui trách nhiệm cá nhân cho chính phủ về câu chuyện Bô xít và Vinashin. Đòi hỏi thì cũng đúng thôi, nhưng đòi hỏi như thế là không đúng khi chúng ta đứng về mặt lý luận để đi đến một cái nhìn có tính cương lĩnh cho một cơ cấu xã hội của một quốc gia.

Như tôi đã viết bài Thấy gì qua cuộc họp Quốc hội lần thứ 8 khóa XII năm 2010 cách đây 2 ngày, những lỗi hiện tại của nhà nước Việt Nam không nằm ở từng công việc cụ thể và con người cụ thể mà là do lỗi từ lý luận để đưa ra một cương lĩnh cho hệ thống chính trị kinh tế xã hội Việt Nam bị lỗi thời. Ngày nào còn với tư duy duy ý chí là nhất nhất đi theo con đường "định hướng xã hội chủ nghĩa" như các nhà lý luận ở ban tư tưởng trung ương hiện thời là ngày ấy còn đi ngược lại với duy vật luận của chủ nghĩa Marx, và ngày ấy vẫn còn nhiều Vinashin tiếp tục ra đời và sụp đổ.

Dù có mời bất kỳ vĩ nhân nào trên thế giới vào ngồi những chiếc ghế nóng, mà cụ thể là ngôi vị thủ tướng hay các bộ trưởng của Việt Nam thì họ cũng sẽ phải dẫm lên con đường sai sót như hiện nay mà thôi. Một xã hội mà không có sự diễn ra các cặp phạm trù và 3 qui luật của duy vật luận thì xã hội ấy chỉ có một con đường đi vào chỗ khốn cùng và bế tắc.

Tôi có cảm giác rằng người ta lợi dụng các cuộc họp quốc hội và họp các ủy viên trung ương gần ngày đại hội đảng cộng sản Việt Nam để phục vụ cho các chu kỳ văn hóa, mà tôi đã viết vào tháng 7/2010, dùng cho việc tranh danh đọat lợi hơn là cho việc vì quốc gia dân tộc.

Tôi không bênh vực ông thủ tướng và bộ sậu của ông đương nhiệm, nhưng nếu nhìn lại trong 20 năm đổi mới vừa qua thì không phải là đổi mới mà là cỡi trói, thì mới đúng về mặt ngữ và nghĩa. Vì từ cái gọi là "thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội" đến "định hướng xã hội chủ nghĩa" thì không có gì khác nhau về mặt bản chất và hiện tượng của cương lĩnh của đảng cộng sản Việt nam. Nếu có chăng sự khác biệt thì chỉ khác về cách chơi chữ không hơn không kém.

Để hiểu rõ hơn về vấn đề này là tại sao không khác nhau về bản chất và hiện tượng, có lẽ các think tanks của đảng cần phải học lại bộ phận duy vật biện chứng của ông Engels đã đúc kết rồi tặng lại cho ông Marx, để ông Marx làm nền tảng cho mình mà viết tiếp hai bộ phận kinh tế chính trị học và duy vật lịch sử.

Ấy thế mà có rất nhiều báo chí và các bloggers đình đám cũng chỉ nhìn vào hiện tượng và chạy theo cuộc đua trước kỳ đại hội lần thứ XI diễn ra đầu năm 2011. Nghĩ mà buồn cho trí tuệ dân mình.

Asia Clinic, 12h12', ngày thứ Sáu, 05/11/2010

Đăng nhận xét

0 Nhận xét