Ngày đăng: [Friday, December 24, 2010]
Cứ mỗi lần mùa giáng sinh đến tôi luôn nhớ bản nhạc Bài Thánh Ca Buồn của Nguyễn Vũ. Đời người hiếm ai không có ít nhất một lần tay trong tay đưa người yêu vào thánh đường đêm Chúa giáng sinh. Những kỷ niệm ấy cứ trỗi dậy trong điệu nhạc du dương của bản nhạc. Người ta bảo: người Âu hay nghĩ đến tương lai xa vời, Người Mỹ chỉ nghĩ đến hiện tại và người Á hay quay lại ngắm mình, quả là rất đúng. Đúng nhất khi đã bắt đầu bước qua phía bên kia cái dốc cuộc đời.
Bài Thánh Ca Buồn với Elvis Phương
Nói đúng hơn là người Việt thường ngoái lại sau lưng, mà làm sao không ngoái lại với những thương đau mất mát của lịch sử quá tàn khốc đã qua? Cho nên tôi rất không quan tâm đến những nhà cách mạng. Vì với tôi ở đất nước này chưa có nhà cách mạng nào để xem là đáng khắc ghi. Khi họ chỉ mang đau thương đến dân tộc hơn là làm cho dân tộc lớn lên. Và cứ mỗi mùa giáng sinh đến, không hiểu tại sao, quá khứ cứ trào dâng, một bản nhạc khác của Phạm Duy luôn làm tôi ray rứt trong lòng:
1954-1975 của Phạm Duy do Khánh Ly trình bày
Chiến tranh không bao giờ là chính nghĩa dù đó là kẻ thắng người thua. Nó là nỗi nhục của một dân tộc khi lại là nội chiến. Cả thế giới này đâu cũng thế, ngay cả nước Mỹ, nội chiến là bài học đắc giá để họ nhìn lại, lớn lên và vươn mình thành cường quốc số một thế giới. Thế nhưng với đất nước này đến nay vẫn còn nhiều nỗi đau chưa biến thành động lực cho sự kết đoàn, tại sao?
Ấy thế, nhưng tình trạng con người ngày càng tệ hơn, khi những lạm dụng chiến tranh cho trò buôn danh lợi. Hôm qua, là ngày tiễn đưa cho một người có tuổi đảng cộng sản già nhất Việt nam còn sót lại - Trần Văn Giàu - một nhân chứng lịch sử mà cả tuần nay báo chí tốn không ít giấy mực. vậy mà, có người đã vội thấy "người sang" bắt quàng làm họ để bắt đầu cuộc đua tranh kiếm chát. Mặc dù, đã có thư của thân quyến của ông lên tiếng, nhưng mọi việc vẫn rơi vào quên lãng.
Những câu chuyện buồn của riêng và chung cứ quay quắt trong lòng mỗi mùa giáng sinh đến. Thôi thì buồn thì cứ buồn, nhưng ta hãy cứ vui với hiện tại. Vui vì đời đã cho ta có mặt và đời vẫn tuyệt đẹp dù có khổ đau hay hạnh phúc. Vì suy cho cùng nếu không có cái mốc khổ đau thì làm sao hiểu được hạnh phúc. Thôi thì nghe lại Bài Thánh Ca Buồn do thế hệ sau cuộc chiến một lần nữa để có cái nhìn sự thay đổi về thẩm mỹ và thị hiếu âm nhạc của 2 thời khác nhau, qua đó có sự hiểu biết về những thay đổi văn hoá Việt qua hơn 1/3 thế kỷ.
Bài Thánh Ca Buồn do 2 ca sĩ thế hệ sau chiến tranh trình bày
Dù có khổ đau hay hạnh phúc, dù ở bất kỳ nơi đâu trên quả địa cầu, tôi vẫn mong người Việt có một ngày biết kết đoàn để dựng xây tổ quốc. Vì để giành lấy độc lập đã khó, nhưng để nuốt được 2 chữ độc lập còn khó hơn vạn lần.
Chúc giáng sinh an lành đến với mọi nhà,
Asia clinic, 10h55', ngày thứ Sáu, 24/12/2010
Update lúc 10h08' AM, ngày 25/12/2010 cho entry rõ nghĩa hơn về một triều đại đã tàn tạo ra một triều đại mới nhưng 2 chữ độc lập mãi còn khoắc khoải
0 Nhận xét