Ngày đăng: [Thursday, January 20, 2011]
Ngày 01/01/2011 là ngày mà Luật khám bệnh, chữa bệnh Việt nam bắt đầu có hiệu lực. Tôi viết một bài tổng quát về những vấn đề còn chưa hoàn hảo của luật này cho báo PLTP, để thấy khi áp dụng vào thực tiễn xã hội Việt nam còn những bất cập gì? Luật này được ông cựu chủ tịch quốc hội Việt nam ký. Và nay ông là tân tổng chỉ huy con tàu Việt Nam thời kỳ 2011-2015. Mong rằng ông và các phụ tá của ông đọc bài này để có hướng giải quyết cho y tế Việt nam.
Quản lý khám chữa bệnh: Tách quản lý với kiểm tra
Sau bài “Ngành y xử nhau, liệu có hiệu quả?” đăng trên số báo hôm qua, có thêm một ý kiến về cơ chế quản lý việc khám, chữa bệnh.
Dẫu chưa đầy đủ nhưng các quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh đều rất đúng và nhân văn. Tuy nhiên, việc thực thi luật là một quá trình gian nan, không thể không có những bất cập. Ở bài viết này, tôi chỉ bàn đến một số bất cập đặc trưng nhằm đưa ra một phương án khả dĩ để việc thi hành luật tốt hơn trong hoàn cảnh y tế Việt Nam hiện thời.
Phạm luật tràn lan
Trên thực tế, tình trạng vi phạm Luật Khám bệnh, chữa bệnh đã và đang xảy ra trên diện rộng.
Khoản 1 Điều 3 luật này nêu nguyên tắc: “Bình đẳng, công bằng và không kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người bệnh”. Nhưng hiện nay giá khám, chữa bệnh giữa các cơ sở khám, chữa bệnh không bằng nhau. Giá khám, chữa bệnh cho người nước ngoài khác với giá khám, chữa bệnh cho người trong nước ở cùng một cơ sở y tế. Chỉ một số cơ sở được quyền khám và chữa bệnh cho người nước ngoài.
Tình trạng nằm chung giường cũng đang là vấn nạn của ngành y tế. Ảnh: HTD
Khoản 3 Điều 6 nói về hành vi bị cấm của người khám, chữa bệnh: “Người hành nghề bán thuốc cho người bệnh dưới mọi hình thức, trừ bác sĩ Đông y, y sĩ Đông y, lương y và người có bài thuốc gia truyền”. Nhưng hiện nay không hiếm các bác sĩ kiêm nghề dược sĩ và trên thực tế thì ai cũng có thể là bác sĩ và dược sĩ.
Cũng theo Điều 6 (khoản 14), pháp luật nghiêm cấm hành vi “đưa, nhận, môi giới hối lộ trong khám bệnh, chữa bệnh”. Ngặt nỗi, việc này diễn ra hằng ngày ở các cơ sở khám, chữa bệnh công lập mà báo chí đã từng nêu.
Tiếp nữa, khoản 10 điều luật này không cho phép người khám, chữa bệnh “… lạm dụng nghề nghiệp để xâm phạm danh dự, nhân phẩm, thân thể người bệnh…”. Trên thực tế, việc này không phải không có và đã được ghi nhận trên báo chí.
Ngoài ra, với tình trạng các giường bệnh bị quá tải như lâu nay, các quyền của người bệnh được quy định ở chương II e là chuyện khoa học viễn tưởng ngày nay ở ngành y của chúng ta.
Vừa đá bóng vừa thổi còi
Việc quản lý sẽ tốt khi các tổ chức quản lý nhà nước về y tế, cơ sở dịch vụ y tế, các hội đoàn nghề nghiệp và các hội đoàn bảo vệ quyền lợi người khám, chữa bệnh phải độc lập và kiểm soát lẫn nhau. Cơ quan quản lý phải độc lập với cơ quan kiểm tra thi hành luật. Không thể để người quản lý việc thực hiện luật chính là người cấp phép và ra luật. Vì khi anh vừa đá bóng vừa thổi còi trong việc thi hành luật thì mọi tha hóa sẽ xảy ra do quyền hành chỉ một mình anh nắm trọn.
Ở các nước có chế độ an sinh xã hội cao, hầu như cơ quan thanh tra, kiểm tra đều độc lập với cơ quan quản lý vĩ mô về y tế. Sự độc lập này sẽ giúp cho Bộ Y tế và ngành dọc của bộ không ôm đồm công việc, mà có một cơ quan độc lập có tính đối trọng với bộ trong việc thực thi luật. Cả hai cùng đối lập và thống nhất, kiểm tra nhau để đi đến đồng thuận trong việc điều hành ngành y tế của một quốc gia. Lúc đó, ngành y tế mới giải quyết được những bất cập trong việc thực thi luật.
Nguồn: BS HỒ HẢI -PLTP
Asia Clinic, 8h32', ngày thứ Năm, 20/01/2011
0 Nhận xét