ĐỌC THƠ NGUYỄN DUY ĐỂ NGẪM NGÀY THỐNG NHẤT

Ngày đăng: [Friday, April 30, 2010]
Không hiểu tại sao cứ đến ngày thống nhất tôi lại không thể nặn ra được một con chữ, mặc dù có rất nhiều ý tưởng trong đầu. Và cũng không hiểu sao cứ đến ngày thống nhất tôi lại nhớ đến những bài thơ của Nguyễn Duy? Với ai không biết, nhưng với tôi, thơ của những người lính cụ Hồ thời nội chiến, thì tôi cho rằng chỉ duy nhất có Nguyễn Duy là nhân bản và không vẩn đục hơi hám cùng thời. Thôi thì không nặn ra được con chữ của mình thì mượn thơ Nguyễn Duy nói hộ. Tôi xin trích 2 bài thơ của Nguyễn Duy mà tôi tâm đắc cho ngày thống nhất. Hai bài 2 giai đoạn của đất nước, nhưng rất nhân bản và rất thật với quê hương, con người Việt Nam muôn thưở.

NGHE TẮC KÈ KÊU TRONG THÀNH PHỐ

Tắc kè... 
tắc kè... 
tôi giật mình 
nghe 
trên cành me góc đường Công Lý cũ 
cái âm thanh của rừng lạc về thành phố 
con tắc kè 
sao mày ở đây? 

Sáng ra nhìn soi mói mỗi cành cây 
chả thấy con tắc kè đâu cả 
khi chùm đèn thuỷ ngân xanh lên trong vòm lá 
tắc kè kêu như tiếng vọng về 

Chợt hiện về, thăm thẳm núi non kia 
dưới lá là hầm, là tăng, là võng 
là cơn sốt rét rừng vàng bủng 
là muỗi, vắt, bom, mìn, vực sâu, đèo trơn... 

Những đoàn quân đi xuyên Trường Sơn 
ngủ ôm súng suốt một thời tuổi trẻ 
đêm trăn trở đố nhau: 
bao giờ về thành phố? 
con tắc kè nhanh nhảu nói: sắp về! 

Sắp về!... 
sắp về!... 
người bạn tôi rung võng cười khoái trá 
ấy là lúc những cánh rừng trút lá 
mùa khô năm một nghìn chín trăm bảy tư 

Ăn tết rừng xong 
từ giã chú tắc kè 
chúng tôi xuôi - ào ào cơn lũ đổ 
các binh đoàn tràn vào thành phố 
đang mùa thay lá những hàng me 

Lá me vàng lăn tăn trải thảm phố hè 
chồi xanh lăn tăn nơi đầu cành run rẩy 
cơn gió thoảng chút hương rừng đâu đấy 
hạt mưa đầu mùa trong suốt giữa lòng tay 

Người bạn tôi không về tới nơi này 
anh gục ngã bên kia cầu xa lộ 
anh nằm lại trước cửa vào thành phố 
giây phút cuối cùng chấm dứt cuộc chiến tranh 

Đồng đội, bao người không "về tới" như anh 
nằm lại Cầu Bông, Đồng Dù, và xa nữa... 
tất cả họ, suốt một thời máu lửa 
đều ước ao thật giản dị: 
sắp về! 

Qua hai mùa thay lá những hàng me 
cái tết hoà bình thứ ba đã tới 
chao ôi nhớ tết rừng không hương khói 
đốt nhang lên 
chợt hiện tiếng tắc kè 

Tôi giật mình 
nghe 
có ai nói ở cành me: 
sắp về!...


tp. Hồ Chí Minh, Tết Mậu Ngọ, 1978 


VỀ LÀNG
Làng ta ở tận làng ta
Mấy năm một bận con xa về làng
Gốc cây, hòn đá cũ càng,
Trâu bò đủng đỉnh như ngàn năm nay
Cha ta cầm cuốc trên tay,
Nhà ta xơ xác hơn ngày xa xưa
Lưng trần bạc nắng thâm mưa
Bụng nhăn lép kẹp như chưa có gì 

Không răng*! cha vẫn cười khì
Rượu tăm vẫn để dành khi con về
Ngọt ngào một chút men quê
Cay tê cả lưỡi, đắng tê cả lòng
Gian ngoài thông thống gian trong
Một đời làm lụng sao không có gì

Không răng! cha vẫn cười khì
Người còn là quí kể chi bạc vàng
Chiến tranh như trận cháy làng
Bà con ta trắng khăn tang trên đầu
Vẫn đồng cạn, vẫn đồng sâu
Chồng cày vợ cấy con trâu đi bừa
Đường làng cây cỏ lưa thưa
Thanh bình từ ấy sao chưa có gì

Không răng! cha lại cười khì
Đời là thế, kể làm chi cho buồn
Mẹ ta vo gạo thổi cơm
Ba ông táo sứt lửa rơm khói mù
Nhà bên xay lúa ù ù
Vẫn chày cối thậm thịch như thuở nào
Các em ta vác cuốc cào,
Rủ nhau bước thấp bước cao ra đồng
Mồ hôi đã chảy ròng ròng
Máu và nước mắt sao không có gì

Không răng! cha vẫn cười khì
Đời là thế, kể làm chi cho rầu
Cha con xa cách bấy lâu
Mấy năm mới uống với nhau một lần
Bụng ta thắt, mặt ta nhăn
Cha ta thì vẫn không răng cười cười

Ta đi mơ mộng trên đời
Để cha cuốc đất một đời chưa xong

Nguyễn Duy, 1997
*Không răng: tiếng địa phương có nghĩa là không sao.

Có lẽ không cần nói gì thêm nữa, mà nên lắng đọng với những dòng thơ của Nguyễn Duy mà nghĩ về tổ quốc, dân tộc, quá khứ và thực tại của sự kiện trọng đại này. Hôm trước tôi có tập thơ của Nguyễn Duy, trong đó có bài Về làng, nhưng bây giờ tìm không ra. Ai nhớ Nguyễn Duy làm bài này năm 199?.

Asia Clinic, 18h14' ngày 30/4/2010

Đăng nhận xét

0 Nhận xét