NƯỚC VIỆT HẰNG TUẦN 7

Ngày đăng: [Saturday, May 29, 2010]
Những cơn mưa đầu mùa bắt đầu xua tan không khí oi bức của tiết trời cả nước. Tuần này Sài gòn cũng bắt đầu có vài cơn mưa rào vội đến và vội đi. Những cơn mưa rào tuy ngắn ngủi từ 15-30 phút, nhưng cũng làm Sài gòn trở thành một biển nước, vì cái tầm quá cao của những con người lo qui hoạch cho Sài gòn đã để lại hậu quả của nó. Như một bài viết của tớ cách nay hơn nữa năm, VNE đã có một bài viết đau lòng cho những tư duy thời đại vì hám tiền đã đưa ra những sai lầm trong qui hoạch khiến TPHCM ngày càng ngập. Sau những ngập lụt là nạn kẹt xe như niêm cho giao thông đô thị. Đã vậy, không chỉ TPHCM mà cả thủ đô nghìn năm văn vật cũng bị lăng trì tùng xẻo, cơi nới theo kiểu nông dân, để hôm nay thảm cảnh ngập nước sau những cơn mưa ngắn là thảm cảnh chung cho những vùng đất vàng của đất nước.

Vấn đề môi trường và đất đai lại nổi lên là vấn đề bức thiết nhất trong tuần. Hậu quả của hủy hoại môi sinh không chỉ đe dọa nguồn nước sống của con người thông qua các công ty xả thẳng nước thải vào các dòng sông, mà nó đang còn đe dọa những cánh rừng còn lại bị cháy không chữa được làm đe dọa đến nhà dân. Câu chuyện môi sinh không chỉ có ở Việt Nam, mà mấy năm gần đây đe dọa toàn cầu, nạn cháy rừng diễn ra hằng năm và nạn động đất xảy ra liên tục ở khắp nơi trên thế giới. Con người được sinh ra từ vũ trụ, và con người đã tự mãn với những phát minh, sáng chế của mình bằng vào những hành động phá hoại sự sống của chính mình trong tương lai không xa. Dù đã được cảnh tỉnh, nhưng con người vẫn thích sống cho hôm nay nhiều hơn nghĩ đến ngày mai. Liệu sự sống con người trên hành tinh xanh sẽ còn bao lâu nữa?

Câu chuyện đất cát thời hội nhập của thủ đô lớn nhất thế giới cũng là câu chuyện nóng trong tuần qua. Vì tiền người ta có thể làm tất cả, ngay cả bức tử cả sự sống còn trong tương lai của một vùng đất. Căn bệnh hoành tráng đã trở thành một nét văn hóa mới của dân tộc Việt. Ngày xưa có cuộc chiến hoành tráng, dài nhất lịch sử nhân loại, bây giờ người ta kháo nhau trên hội trường Quốc hội, ở Việt Nam bây giờ cái gì cũng thích to nhất, lớn nhất, dài nhất. Người ta có thể tiêu tiền đóng thuế của người dân một cách thản nhiên cho những cái nhất, và người ta cũng thản nhiên không quan tâm những đau khổ của người dân vì cuộc mưu sinh phải bán sức lao động  cho ngoại bang cực khổ như thế nào? Có lẽ, phải nhờ ủy ban ghi nhận kỷ lục Guiness đến nước mình ghi vào sổ sách những cái nhất. Những vòng xoắn bệnh lý cứ liên tục diễn ra, những căn bệnh mạn tính đã không còn thuốc chữa và trở thành quốc nạn lúc nào không hay biết, khi chúng trở thành một nét văn hóa đặc thù của dân tộc: văn hóa không trung thực, văn hóa chạy theo thành tích, chỉ tiêu, văn hóa hoành tráng nhất, văn hóa tham nhũng, etc... Rồi cuối cùng có lẽ bất lực với nạn hủy hoại môi sinh và đồng lõa với nó nên trong kế hoạch 5 năm tới người ta có thể giảm chỉ tiêu chốt cứng 100% khu công nghiệp, khu chế xuất có trung tâm xử lý môi trường xuống còn 70%.
Hình ảnh hòa thượng Thích Tâm Mẫn thực hiện chí nguyện nhất bộ nhất bái cho quốc thái dân an

Không biết có phải vì những căn bệnh trầm kha của xã hội như đã nói ở trên hay không, mà từ mấy tháng nay hòa thượng Thích Tâm Mẫn của chùa Hoằng Pháp TPHCM đã phát nguyện nhất bộ, nhất bái ra đi đến Yêu Tử Quãng Ninh, đoạn đường dài 1800km. Ông đã đến Bình Định vào tuần qua. Tâm nguyện của ông là cầu cho Quốc thái Dân an. Mong ông hoàn thành tâm nguyện và dân Việt cũng được an thái như ông mong muốn.

Câu chuyện tớ tính lỗ lãi xăng dầu tuần trước không biết có tác động gì, nhưng tuần này bộ tài chính đã ra lệnh giảm giá xăng 500 đồng mỗi líl. Nhưng bộ tài chính vẫn không tin doanh nghiệp xăng dầu. Tin làm sao được khi văn hóa không trung thực đã không chỉ có trong nhà trường, mà từ xã hội lan vào giáo dục lúc nào không ai hay biết, để hôm nay người ta không còn sợ mất tiền của, mà mất lòng tin mới là cái đáng để suy nghĩ. Mất tiền của có thể làm lại được. Nhưng mất niềm tin là mất tất cả. Xăng dầu vẫn còn lãi nhiều lắm ai ơi.

Làm sao tin được khi bất kỳ một quan thượng thư nào vừa nhậm chức cũng cố trang điểm cho mình bộ mặt diễn viên, rồi cố diễn tuồng để lấy thành tích che mắt cộng đồng, xong việc diễn tuồng là đánh trống bỏ dùi và sinh con bỏ chợ. Hậu quả chỉ có người dân, trí thức chân chính lảnh đủ, khi những ông thầy luôn đạo mạo rao giảng đạo đức nghề nghiệp bằng cả hình thức đến câu chữ hôm trước, thì hôm nay cháy nhà lòi mặt chuột của những con buôn chính trị trong giáo dục nước nhà. Thử hỏi với những đạo đức của những thầy "đạo cao, đức trọng" như thế này thì làm sao làm chuyện trăm năm trồng người?

Y tế buông lỏng quản lý, từ ngày có chuyện cho phép đấu thầu thuốc vào bệnh viện. Câu chuyện giá thuốc lại nóng lên trong tuần khi có chuyện một loại thuốc nhưng mỗi bệnh viện một giá khác nhau. Chỉ cần đọc là đã hiểu ý nghĩa đằng sau của giá thuốc là bệnh mạn tính tham nhũng không bao giờ dứt ở xứ sở này. Bệnh viện là từ thay thế cái từ cổ lổ sĩ ông bà mình đặt tên ngày xưa là: Nhà Thương. Nhà Thương Từ Dũ, Nhà Thương Chợ Rẫy, etc... là nơi ban phát tình thương cho đồng loại ngộ cảnh ốm đau. Nhưng với cái từ nghe sang trọng hơn thì giá thuốc trong bệnh viện vẫn cao hơn giá thuốc bên ngoài bệnh viện! Có nên xem lại chức năng bệnh viện và có nên đổi tên bệnh viện thành Nhà Ác không nhỉ?
Các cháu ở một làng cách mạng ngày xưa Pô Kô, Kon Tum, đã có tên trong bài hát cách mạng,  phải vượt sông theo kiểu làm xiếc đến trường vì thủy điện làm trôi mất cầu treo hồi mùa xả lũ đập A Vương năm 2009 vừa qua. Nhưng chưa ai quan tâm làm cầu, trong khi người ta vẫn dư tiền để làm đường sắt cao tốc với giá 56 tỷ usd

Mời bà con nghe bài ca cách mạng: Người lái đò trên sông PôKô

Quốc hội tuần qua nóng lên vấn đề phản biện về tính toán nợ nần cho các dự án. Nhưng hầu như bất kỳ đại biểu hay nhà khoa học nào cũng quan liêu mà không nắm bắt đườc thực chất tình hình nợ quốc gia và dự trữ quốc gia như thế nào? Có lẽ ông thượng thư bộ tài là người hiểu nhất vấn đề này, ông đã phát biểu, mà theo tôi, là đúng với tình hình tài chính nước nhà: Việt Nam không nằm trong nhóm nước có gánh nặng về nợ. Vì thế nên World bank tuần qua đã duyệt cho Việt Nam vay tiếp 682 triệu đô la cho các dự án về y tế và đói nghèo, mà không cần nghĩ ngợi. Không biết trong 682 triệu này có xây lại con cầu cho dân Pô Kô? Hỡi các nhà khoa học và dân biểu hãy nhớ một điều rằng tiền không dễ gì được vay. Muốn vay thì người cho vay cũng phải ngắm giò cẳng có đủ sức trả hay không? Hiệu quả của cái vay đó như thế nào? Không ai điên lại cho vay kẻ chỉ biết ăn bám. Khi ta còn vay được thì cứ vay để làm. Người biết làm ăn không bao giờ bỏ vốn đi buôn, mà chỉ biết dùng vốn kẻ khác để làm giàu. Yên tâm đi, khi nào còn vay được cứ vay, bao nhiêu tiền dân đóng thuế từ điện, nước, xăng dầu, etc... không thiếu để trả nợ. Các vị nên kiểm soát số tiền này bao nhiêu? đi về đâu? hơn là làm những chuyện phản biện không khoa học, thiếu khách quan và không chứng cứ.

Cuối cùng chuyện trong tuần là câu chuyện ngoại giao. Với phương châm "dĩ bất biến ứng vạn biến" và Việt Nam muốn là bạn với thế giới. Tuần qua có 2 sự kiện quan hệ ngoại giao đáng xem là tốt khi ngài tổng bí thư tiếp ông chủ nhiệm tổng cục chính trị quân đội Trung quốc. Và chủ tịch quốc hội tiếp ngài tổng thống Palestine. Những dấu hiệu trên cho thấy sự vững vàng trong chiến lược ngoại giao trong thời kỳ mới. Quan hệ đa phương là điều nên làm và là điều đáng khích lệ. Vì chẳng có ai thương mình hơn chính mình phải thương bản thân mình.

Chuyện nóng nghị trường Quốc hội tuy là sôi nổi, nhưng đã quen rồi các ông dân biểu chỉ làm tốn tiền họp, tiền ăn ở khách sạn hạng sang, đi lại bằng phương tiện cao cấp, tốn kém, nhưng hiệu quả chẳng bao nhiêu. Nên bây giờ ít ai quan tâm đến lời hứa của họ. Nên tuần này tớ chỉ tổng kết những điểm nổi bật nhất, hy vọng bà con có được món ăn tinh thần cho ngày nghĩ cuối tuần.

Asia Clinic, 17h48' ngày 29/5/2010

Đăng nhận xét

0 Nhận xét