MỘT VÀI SUY NGHĨ VỀ MỤC TIÊU GIÁO DỤC ĐẠI HỌC VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2020

Ngày đăng: [Friday, May 07, 2010]
Đây là bài viết riêng cho đơn đặt hàng của trường đại học và cho tạp chí lưu hành nội bộ. Nó dùng để phản biện nhằm có cái nhìn tổng quát về chiến lược giáo dục trong tương lai lâu dài. Nó đã được đăng trong tháng 5/2010. Nhưng khi đưa cho một số báo lá cải và báo có tính học thuật thì nó được xem là nhạy cảm hoặc quá dài, khó đăng. Bài này có phần viết đã có từ bài cũ trên blog của tớ. Tớ đưa lên những loạt bài có tính phản biện chiến lược quốc gia về giáo dục để mọi người cùng chia sẻ một cái nhìn cho giáo dục nước nhà, sau khi đã có sự đồng ý của nơi đặt hàng.


MỘT VÀI SUY NGHĨ VỀ MỤC TIÊU GIÁO DỤC ĐẠI HỌC VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2020


Tôi không rõ văn hóa chỉ tiêu và chạy theo thành tích đã có tự bao giờ, bắt nguồn từ đâu trên quả đất này? Nhưng đã nhiều thập niên qua ở nước ta hầu hết những nghị định, nghị quyết đã trở thành một nét văn hóa là đưa ra tỷ lệ, con số để có đích phấn đấu cho mọi ngành nghề. Đây là một điều tốt để chúng ta làm việc có phương hướng. Nhưng là một điều xấu khi nó là những con số ảo, không đúng với thực tế mà ta có được. Nó sẽ làm cho ta hình thành một nếp văn hóa không trung thực khi những % và con số đó không dựa trên một thực tế có thực.

Nói thế để cùng nhìn lại việc: bộ giáo dục đưa ra chỉ tiêu đến năm 2020 hệ thống giáo dục đại học của nước ta sẽ đạt con số có trường đại học lọt vào top 200 của bảng xếp hạng thế giới và số tiến sĩ khoa học sẽ đạt 20.000 người. Hai con số đó có nên là mục tiêu phấn đấu cho ngành giáo dục Việt Nam hay không, ta cần có cái nhìn đúng của nó về mặt duy lý một chút xem sao?

Hiện nay trên thế giới có khá nhiều bảng xếp hạng các trường đại học với những tiêu chí khác nhau. Nhìn chung, chủ yếu có 3 loại. Loại thứ nhất xếp theo đại học nghiên cứu (ví dụ: bảng xếp hạng của Đại học Giao Thông Thượng Hải của Trung Quốc). Loại thứ hai tập trung vào chất lượng giảng dạy và sản phẩm đầu ra của trường đáp ứng với nhu cầu thực tế (ví dụ bảng xếp hạng của THES: The Times Higher Education Supplement của Anh). Loại thứ ba đo lường sự hiện diện ngẫu nhiên số lượt truy cập trên toàn thế giới của các trường đại học trên các trang mạng điện tử như Google, Yahoo và Alexa (ví dụ: bảng xếp hạng 4International Colleges & Universities của một tổ chức phi lợi nhuận)

Tôi thử xem tiêu chuẩn xếp hạng của họ như thế nào? Đối với loại I, vấn đề đặt ra ở đây là liệu với những yếu tố trên có khách quan không? Thì ngay cả trang web cũng cho là chủ quan và cảm tính trong khi lấy số liệu. Ngoài ra, liệu những tiêu chuẩn 1 và 2 thì có mấy trường đại học trên thế giới này có được cựu sinh viên và giảng viên đã đạt giải Nobel. Hơn nữa các giải Nobel có chắc là khách quan như người ta tưởng, đặc biệt các giải Nobel về xã hội học. Ví dụ như giải Nobel trao cho ông Obama năm 2009 có khách quan không? Tôi giả sử như yếu tố đoạt giải Nobel là hoàn toàn khách quan thì liệu có bao nhiêu trường đại học trên thế giới có đủ kinh phí để thuê họ và thuê họ chắc gì họ đã đồng ý về dạy với biên chế.Còn đối với chung cho 6 yếu tố thì họ không cho biết họ đã dùng phương pháp nghiên cứu gì, sử dụng phương pháp thống kê nào để nghiên cứu và đưa ra kết luận xếp hạng của họ là khoa học hay chỉ là cảm tính?

Bây giờ nói đến bảng phân loại của Anh. Một cách khách quan, đây là một bảng đánh giá có tính tổng quát và khoa học hơn bảng đánh giá của trường đại học giao thông Thượng Hải, mặc dù còn bị ảnh hưởng vào yếu tố 1 có tính chủ quan. Vì những lý do sau đây:
  1. Trong giới khoa bảng đánh giá nhau là sát với thực tế hơn là đánh giá theo Nobel như tôi đã phân tích ở trên, ngày nay giải Nobel không còn tính khách quan, mà có tính chính trị xen vào.
  2. Sinh viên tốt nghiệp ra trường được công nhận làm việc ở các công ty toàn cầu là một xác tín về khả năng đào tạo của trường đáp ứng với nhu cầu thực tế hơn là vì bằng cấp, nhưng không có giá trị thực tế.
  3. Tỷ số sinh viên trên mỗi giáo sư cho thấy khả năng qui tụ các nhà khoa học của trường được đánh giá. Trường tốt thì tỷ số này nhỏ, và ngược lại. Dĩ nhiên, giáo sư đó là giáo sư thực thụ chứ không phải giáo sư được phong vì mục tiêu ngoài giáo dục, như vì chính trị chẳng hạn. Yếu tố thứ 4 cũng là yếu tố khách quan.
  4. Một nền giáo dục đại học tốt là nền giáo dục không chỉ cho kiến thức khoa học để làm việc theo yêu cầu thực tế, mà nền giáo dục ấy phải cho ra những sản phẩm có thể sử dụng được bất cứ nơi đâu, bất kỳ hoàn cảnh nào. Nên hai yếu tố 5 và 6 nói lên trường đại học tốt là trường không chỉ cung cấp cho người học kiến thức khoa học, mà còn cung cấp cho người học cách tư duy và hành động có thể hội nhập với bất kỳ một nơi nào, nền văn hóa nào trên thế giới. Hai yếu tố này bổ sung cho yếu tố thứ 2.
Còn đối với loại xếp hạng thứ III, theo họ, đây là một bảng xếp hạng không chủ quan. Nhưng họ chỉ thống kê số lần có mặt trên các trang tìm kiếm: Google, Yahoo và Alexa thì không có căn cứ khoa học để đánh giá trường tốt hay trường chưa tốt. Vì không loại trừ số lần vì hiếu kỳ mà người ta muốn tìm hiểu xem trường ấy có tốt hay không theo tên tuổi của nó trên toàn cầu.

Xếp hạng các trường đại học trên thế giới là một vấn đề mới mẻ, phức tạp và khó khăn. Người Trung Quốc sau khi ban giao với Mỹ,  đến năm 2003 họ đã thấy khiếm khuyết giáo dục của họ. Họ đã tự đưa ra những yếu tố để xếp hạng, hòng họ phấn đấu đến bằng giáo dục Mỹ đã đạt được. Sau đó người Anh đã làm ra một bảng xếp hạng dựa vào những tiêu chí có tính tổng quát và phù hợp với thực tế để xem lại mình.

Vấn đề đặt ra là dù bảng xếp hạng nào đi nữa thì trong 100 hạng đầu của các trường đại học trên thế giới, các đại học Mỹ chiếm xấp xỉ hơn hoặc bằng 40%. Điều này nói lên nhiều điều. Đầu tiên là tỷ lệ chiếm ½ trên tổng số hơn 8.000 trường đại học trên toàn thế giới là của Mỹ, nên Mỹ có con số hơn 40% trường đứng trong top 100 là hợp lý. Nhưng nếu làm một thống kê ta sẽ thấy rằng trong hơn 4.000 trường đại học của Mỹ thì có 3.864 trường được công nhận bởi tổ chức College Board. Trong số đó có 1.659 trường thuộc loại two year college(Cao đẳng cộng đồng). Còn lại chỉ 3.205 trường nằm trong diện để xét trong các bảng xếp hạng. Lúc này mới thấy hết chất lượng của đào tạo bậc đại học Mỹ.

Người Mỹ là thế, còn ta thì sao? Với gần 87 triệu dân và hơn 450 trường đại học trên tổng số 8.000 trường đại học của hơn 200 quốc gia và gần 6 tỷ dân trên toàn thế giới. Trong 8.000 trường đó Mỹ đã chiếm hơn 4.000. Con số gần 4.000 trường còn lại, nếu làm một con số so sánh thì số lượng trường đại học ở nước ta không phải là ít. Nhưng mỗi năm với hơn 220.000 sinh viên ra lò. Lại có đến khoảng 60% trong số đó không có việc làm, phải làm trái nghề (theo tin Tiêu Điểm lúc 21h đêm, thứ ba, ngày 02/3/2010 trên VTV1). Như vậy, chúng ta có cần xây thêm trường mới? Hay chúng ta phải làm tốt hơn cho các trường đã có sẵn, với một tư duy giáo dục mới, để chất lượng các trường đại học của ta từ là đại học từ chương như lâu nay trở thành là đại học nghiên cứu. Hay là cứ xây trường mới để rồi với tư duy giáo dục cũ, rồi trường mới vẫn là đại học từ chương. Rồi sinh viên ra trường vẫn không đáp ứng được nhu cầu thực tế, vẫn phải thất nghiệp, vẫn phải làm trái nghề. Và chất xám muôn đời vẫn hoang phí?

Nếu đem so sánh tư duy giáo dục bậc đại học Mỹ với tư duy giáo dục đại học Việt Nam và thành quả của nó, thì đó là một sự so sánh khập khiểng. Mục đích bài viết này không gì khác, ngoài việc nhìn người để tự hiểu, biết về ta. Hòng tìm ra đường đi cho ta minh triết hơn, đúng đắn hơn. Không nhất thiết phải copy và paste toàn bộ. Nhưng phải biết trả lại những cái gì là quy luật, là tự nhiên, để giáo dục nước nhà đứng thẳng, mà không phải lom khom mãi như hơn nữa thế kỷ qua.

Nước Việt có thiếu tài năng không? Tôi cho là không. Trí thức Việt và dân Việt có yêu nước không? Tôi cho là quá yêu nước nữa là đằng khác. Trí thức Việt cần gì để xây dựng nước Việt? Tôi cho rằng cần được lắng nghe, tôn trọng và một môi trường làm việc tốt. Nếu chúng ta biết tôn trọng và nâng niu tài năng thì chuyện Việt nam sẽ là nước dẫn đầu khu vực là chuyện chỉ trong thời gian ngắn. Nước Mỹ sinh sau đẻ muộn, chỉ cần 2 thế kỷ sau sinh, họ đã vươn mình đứng dậy thành cường quốc số 1 thế giới. Họ làm được sao ta không làm được? Câu hỏi này xin dành phần cho các vị đang lèo lái đất nước.


Đón đọc: Xếp hạng đại học: Chúng ta đang đi trên vết xe đổ?

BS Hồ Hải viết xong lúc 23h30 ngày 23/3/2010.
Tư gia, 22h02' ngày 07/5/2010

Đăng nhận xét

0 Nhận xét