MỘT THỜI ĐỂ NHỚ

Ngày đăng: [Saturday, March 06, 2010]
Mấy hôm nay nhà sách Fahasa Thủ Đức vừa hòan thiện sau đợt tân trang. Tôi là người khách thuộc diện ít đi, nhưng mỗi lần đi thì mang về cả vài chục đến cả trăm kg sách. Nên cũng được mời ghé thăm. Có đi nhà sách thời nay mới thấy thời sau 1975 là cả một thời trung cổ của thế giới sách.

Còn nhớ thời ấy học y khoa, nhưng sách của nhà nước in để cấp cho sinh viên bằng giấy hẩm cũng thiếu trầm trọng. Năm thứ nhất học giải phẫu học(Anatomy: cơ thể học) cứ mỗi tổ 10 sinh viên chỉ được mượn 3 bộ bằng tiếng Việt của giáo sư Đỗ Xuân Hợp. Vì tình thế khó khăn phải bắt thăm để người nào được chính thức giữ sách, những người khác chỉ có thể mượn lại, khi cần. Nên mỗi tiết học giải phẫu là một cái chợ xếp hàng từ tờ mờ sáng. Nhất là các cô sinh viên y khoa chăm học. Chuyên đi sớm, xếp hàng trước cửa đại giảng đường trường Y từ 5-6h AM để hy vọng được vào trước, giành những chỗ ngồi ở hàng ghế đầu để được xem hình vẽ của giảng viên, vì thiếu sách.

Tình trạng thiếu sách không chỉ ở một bộ môn. Dân tỉnh lẻ như chúng tôi, nhất là nhà lại nghèo lấy tiền đâu mua sách? May mà thời ấy, xã hội hiếu học vẫn còn. Chỉ có cách đi dạy kèm để kiếm sống bổ sung qua ngày cho cái chế độ tem phiếu với canh toàn quốc và nước mắm đại dương, và kiếm tiền mua sách.

Muốn dạy kèm có miếng ăn và có thể có thêm tiền mua sách chỉ còn cách dạy kèm con cháu của các cán bộ cỡ to. Lớp tôi thời đó có một anh đã từng đi bộ đội về. Anh ấy quen nhiều ông cán bộ cộm cán của thành phố. Vì hầu hết các ông/bà là người hoạt động nằm vùng, nên bản thân ông/bà cũng ít học. Họ muốn con mình phải học bù cho mình qua tấm gương của các anh/chị sinh viên. Bản chất các ông, bà cán bộ thời ấy cũng chân chất và đầy tình người. Chúng tôi không dạy bằng lương, ngoại trừ lúc cần mua sách, mà cứ mỗi bữa dạy các bà vợ của các ông mua nào bánh tét nhân chuối, đường, hột vịt lộn thành một bịch treo lên ghi đông chiếc xe đạp cà tàng. Xong buổi dạy, cứ ra lấy xe và chạy một mạch về đại học xá Minh Mạng. Cả phòng xúm nhau chia ra ăn. 

Thời ấy đói, thiếu đường, cảm giác thèm đường, thèm ngọt là một cảm giác như thèm đến được niếc bàn. Một bịch đường nữa kg đem về cả phòng 12 đứa chỉ loáng 30 giây là hết. Đứa cẩn thận chắt chiu, thì nấu sẳn bình trà pha đường để húp từng ngụm qua đêm đói khát. Đứa thì lười, chỉ cần lấy muổng vốc đường đổ vào miệng chờ nó tan dần rồi chạy ra hục nước phông tên. Bánh tét nhân chuối thì chia nhau. Còn hột vịt lộn thì chia nhau mỗi đứa nữa cái, chỉ chủ nhân đi dạy thì được một cái. Tôi còn nhớ, cứ mỗi lần hè về, tết đến thì phải về quê. Dù ăn có đầy bụng trước khi lên xe vào lại Sài gòn thì đến bến xe là cảm giác đói giả tạo nó lại tràn về.

Đến học kỳ II năm thứ hai y khoa hầu như tôi không còn đủ sức lên giảng đường.  Hầu như tôi đến trường để lãnh tiền, mua nhu yếu phẩm và vào lab cho các môn khoa học cơ sở. Bà xã tôi bây giờ, ngày ấy là chuyên gia điểm danh dùm tôi những tiết học được gọi là "triết học" bị kinh tế chính trị hóa. Các môn học khác không giảng viên nào thèm điểm danh. Tôi chỉ có thể đi thực tập lâm sàng buổi sáng. Buổi chiều ngủ vùi để tối đến đi dạy kèm, về thức khuya đọc sách. Có người mới 4h sáng AM đã thức dậy đạp xe lên tận Gò Vấp để lấy sữa tươi đi bỏ quán cà phê, mỗi chai được 2 đồng tiền lời.

Không có sách học, phải kiếm tiền để ra chợ trời Calmet mua lại sách cũ của các anh chị đi trước bán lại, mà học. Muốn mua được 1 cuốn sách phải chắc chiu vài tháng dạy kèm. Có cuốn sách vừa mua về chỉ kịp đọc để ôn thi. Có những cuốn sách mà người chủ cũ ghi lại cảm giác tiếc rẻ phải bán nó để gom tiền đi vượt biển. Thời sinh viên ngày ấy với chúng tôi là một chuỗi thời gian dài vô tận. Nó vô tận vì cảm giác đói. Vì cảm giác sức lực của mình không thể còn đủ để kéo thêm bất kỳ một năm tháng nào nữa. Và vì quá ngán với chế độ ăn không thấy gì ngoài gạo với nước muối và rau. Trong ảnh mà tôi đưa lên đây có dòng của một anh/chị nào đó viết:"Phải xa mày thôi. Vì hết tiền. Sang được bên kia tao sẽ tìm lại mày phiên bản khác. SG 7/7/76". Với chữ ký kèm bên của cuốn:"Major's Physical Diagnosis" tác giả Delp and Manning, sevent Edition, 1968. Không biết chủ nhân cũ của nó có đến được vùng đất hứa? hay vẫn còn ở lại Việt Nam? hay là đã bỏ thân ngoài biển cả?

Có lẽ nhờ thời thiếu thốn ấy mà cách học của mình nó có vẻ ra dáng đúng với tự học, đúng với tác phong học đại học. Vì học đại học là để khi nào bí một vấn đề chúng ta biết chỗ tìm để đọc, chứ học xong đại học không có nghĩa là cái nào bí phải đi tìm thầy. Bây giờ vào nhà sách thì đúng là chết ngộp, không thiếu thứ gì. Kể cả sách luyện thi vào đại học và sau đại học của Mỹ. Thấy giới trẻ bây giờ sướng thật vì sách không thiếu khi cần. Nhưng cũng nghĩ lại bây giờ lắm cám dổ. Không biết mình được sinh ra thời bây giờ mình có đủ khả năng để trở thành sinh viên y khoa như ngày ấy, vì những cám dổ đời thường như bây giờ hay không?

Asia Clinic, 18h07' ngày 06/3/2010

Đăng nhận xét

0 Nhận xét