Ngày đăng: [Sunday, February 28, 2010]
Hôm qua, ngày 27/02 năm nay là một ngày đầy ắp những kỷ niệm. Kỷ niệm sâu sắc nhất trong hơn 20 năm làm nghề y năm nay là tôi làm được tâm nguyện đền ơn đáp nghĩa với thầy tôi: BS Phan Tường Hưng. Điều mà 20 năm tôi đau đáu trong lòng, phải làm cái gì đó cho thầy và cho ngành y Việt Nam về một tư tưởng lớn trong y học.
Kỷ niệm thứ hai là dù đã nhiều lần đến ngày này tôi luôn được các bệnh nhân cũ gửi e-mail, điện thoại chúc mừng. Nhưng đây là lần đầu tiên kể từ ngày tôi rời bỏ nhà nước ra làm riêng cho mình, có một thân chủ và là bạn mang hoa và bánh bông lan đến tận clinic của mình để tặng ( Bình thường thỉnh thoảng BN sau khi điều trị vẫn mang quà tặng , nhưng ít khi trùng ngày 27/2). Mặc dù biết là thân quen, nhưng không ai có thể làm được điều đó vì cuộc sống quá tất bật trong cuộc mưu sinh của thời hiện đại. Nhà thân chủ cách xa clinic của tôi đến hơn 30km. Nhưng vẫn không quản ngại thời gian, đường xá kẹt xe, mang đến chúng tôi niềm vui rất ấm lòng. Tôi thành thật cảm ơn hai bạn và các cháu.
Lại nói về tặng quà và nhận quà trong ngành Y - đề tài muôn thuở của báo giới, và cũng là nỗi bức xúc của người bệnh. Bản thân là người thầy thuốc, thực lòng chúng tôi chỉ cảm thấy hạnh phúc khi mang lại sức khỏe cho bệnh nhân, đó cũng là lòng nhân của một con người bình thường- cộng thêm vào là hạnh phúc do tự hào về chuyên môn của mình đã chinh phục được con bệnh khó khăn phức tạp. Nhũng nhiễu yêu sách vòi tiền thực ra không phải là nhiều trong giới thầy thuốc chúng tôi. Đồng lương nhà nước không đủ sống, thì anh đi ra mở tư, thu tiền đúng với công sức bỏ ra của bản thân. Lợi dụng vị trí làm việc trong nhà nước, ca thán không đủ tiền để vòi tiền người bệnh là hành động đáng xấu hổ và cần phê phán. Do vậy sẵn đây nói luôn, mai sau các bạn đừng tặng quà làm gì cho khổ, chữa khỏi bệnh cho các bạn là niềm hạnh phúc vô biên của chúng tôi rồi. Cơ bản là tấm lòng nghĩ về nhau.
Lại nói về tặng quà và nhận quà trong ngành Y - đề tài muôn thuở của báo giới, và cũng là nỗi bức xúc của người bệnh. Bản thân là người thầy thuốc, thực lòng chúng tôi chỉ cảm thấy hạnh phúc khi mang lại sức khỏe cho bệnh nhân, đó cũng là lòng nhân của một con người bình thường- cộng thêm vào là hạnh phúc do tự hào về chuyên môn của mình đã chinh phục được con bệnh khó khăn phức tạp. Nhũng nhiễu yêu sách vòi tiền thực ra không phải là nhiều trong giới thầy thuốc chúng tôi. Đồng lương nhà nước không đủ sống, thì anh đi ra mở tư, thu tiền đúng với công sức bỏ ra của bản thân. Lợi dụng vị trí làm việc trong nhà nước, ca thán không đủ tiền để vòi tiền người bệnh là hành động đáng xấu hổ và cần phê phán. Do vậy sẵn đây nói luôn, mai sau các bạn đừng tặng quà làm gì cho khổ, chữa khỏi bệnh cho các bạn là niềm hạnh phúc vô biên của chúng tôi rồi. Cơ bản là tấm lòng nghĩ về nhau.
Kỷ niệm thứ ba, là cuộc hội ngộ giữa BS "người" và BS "chó"(như lời của BS thú y Đào Văn Thinh). Đời tôi có hai người Bố không sinh thành và dưỡng, nhưng có dục tôi thành người. Người thứ nhất là thầy tôi, người mà tôi đã viết trên báo ngày hôm qua. Người thứ hai là Bố BS "chó" Đào Văn Thinh.
Tôi không hiểu tại sao tôi lại có cái duyên với những con người sinh ra và lớn lên ở miền Nam? Bố Phan Tường Hưng được sinh ra và lớn lên ở Ba Tri, Bến Tre. Còn Bố Đào Văn Thinh thì sinh ra và lớn lên ở Gò Công, Tiền Giang. Một ông dạy nghề và văn hóa nghề và nghiệp. Một ông dạy cách ăn uống và phong cách sống của giới thượng lưu thời Pháp. Cụ "Đình Văn Thao"- Bố Thinh thường nói lái tên mình, hoặc là Michele Đình. Hôm qua mới hỏi ông thì ông không dạy trường Nông Lâm Súc mà ông cai quản sáu trại gia súc, gia cầm ngoài Thủ Đức sau khi ra trường. Ông chỉ hướng dẫn thực tập cho sinh viên. Ông cùng lớp BS Thú Y với ông Đỗ Cao Huệ, giám đốc nha súc sản của TT Nguyễn Văn Thiệu. Ngày ra trường ông quản lý 6 trại chăn nuôi ở Thủ Đức, mỗi tháng lãnh lương 1,2 triệu đồng thời thập niên 1960. Trong khi ông Huệ mời ông vào làm cho bộ Súc Sản của VNCH với mức lương chỉ 55 nghìn. Nên ông từ chối.
Thế nhưng, sau 1975 ông vẫn bị mời đi học tập cải tạo. Học được vài hôm thì một số nhân công ở trại gia súc, là những biệt động thành đứng ra chứng nhận ông trong sạch và nhờ các trại súc sản của ông mà họ đã hoàn thành nhiệm vụ hoạt động ngoại tuyến. Nên nhà nước cho ông không phải học tập cải tạo. Và cũng chính ông Huỳnh Tấn Phát, bạn cùng sinh hoạt hội trí thức yêu nước với cụ khi còn học ở Pháp, đích thân đến chứng nhận với chính quyền rằng ông là một trí thức yêu nước. Ông chỉ làm khoa học và kinh doanh, không tham gia chính trị. Nên ngày nay ông vẫn còn căn nhà ở Thủ Đức, đất đai rất rộng (ông đã chia cho các con). Bây giờ ông vẫn thường nói: "Moi làm đủ ăn và đi. Moi đã từng có rất nhiều tiền, nhưng rồi cũng mất hết. Con chim sẻ nó không biết để dành, nhưng nòi giống nó vẫn trường tồn. Nên mọi người đừng vì tiền thì thế giới sẽ không có chiến tranh".
Ông sinh năm 1928, nhưng lại học sớm, vì nhà ông ở Gò Công thời ấy ruộng cò bay thẳng cách, chó chạy ngay đuôi. Kỷ niệm về ông là cách nay 6 năm, vợ ông bị tiểu đường đã có biến chứng tim mạch, hầu hết các nơi đều thua. Lúc đó clinic tôi mới thành lập. Ông mang vợ đến để xem như là hú họa, phước chủ may thầy. Nhưng ông không ngờ bây giờ bà vẫn khỏe và không cần dùng thuốc tiểu đường nữa. Thực ra tiểu đường type II, ở người lớn tuổi. Nếu biết nghe lời bác sĩ và dùng thuốc đúng, chịu tái khám và làm xét nghiệm đều đặn, theo yêu cầu bác sĩ, thì để không dùng thuốc nữa không phải là khó. Khó với người bệnh là do họ không đủ kiên nhẫn và sợ tốn tiền khám để nghe lời bác sĩ. Cứ mỗi năm đến ngày 27/02 là ông rủ đến nhà bù khú. Các bạn thấy Bố Đình Văn Thao (nói lái của Đào Văn Thinh) giống Lucky Lucke trong truyện tranh dành cho trẻ em không?
Hôm qua tớ uống yếu quá. Mới chỉ 4 lon Heineken và 1 ly vang chát là đã quắc cần câu, ngủ ngồi. Ông và những người khác vẫn chiến đấu đến tối. Còn tớ thì 16 giờ chiều đã xin về ngủ vùi. Tuy thế, hôm qua là một kỷ niệm vui của ngày thầy thuốc Việt Nam. "Ông già gân" là từ mà tôi vẫn thường gọi cụ "Michelle Đình Văn Thao". Hình thứ 2 chụp ông khi chưa nhậu. Các bạn nhìn có tin rằng cụ đã 82 nhưng vẫn còn gân lắm. Tấm hình thứ 3, khi đã sần sần, cụ đòi chụp hình với cái mũ nỉ một thời trước 1975 cụ còn giữ lại, đang đốt xì gà. Tấm hình thứ 4, cụ muốn chụp hình với cá mũ nỉ của thập niên 1930, khi mà Luciano - trùm mafia Mỹ thường hay dùng kiểu mũ này - đang đốt xì gà. Cụ không bao giờ hút thuốc. Nhưng khi nhậu thì phải hút, nhưng chỉ hút xì gà, không hút thuốc thường. Đó là phong cách của cụ. Dù bây giờ đã già và nghèo, vẫn làm lò ấp trứng bán cho khắp trong Nam, ngoài Bắc, nhưng nói về chơi thì cụ ăn và chơi rất thượng lưu. Vang nào uống với thịt, vang nào uống với hải sản. Khai vị loại nào, vào tiệc loại nào? Món nào dùng với gia vị nào? Rót rượu phải đúng điệu ra sao? Đồ khui rượu của cụ là có thầy Tư Cương (người trong hình thứ 5, bên trái) cung cấp, đủ loại đồ khui.Cụ có nhiều kiểu đồ khui mà ở Việt Nam chỉ có cụ mới có, etc... Đặc biệt về món nịnh đầm, cư xử với vợ thì tôi phải bái phục ông. Theo lời Cụ: "Phong cách này có được là nhờ cả đời chỉ học trường Tây". Nhỏ thì học ở trường trung học Lasan Taberd(bây giờ là trường Trần Đại Nghĩa), lớn lên sang Paris học thú y. Rồi chán văn hóa sống của Tây, về Việt Nam sống. Bà xã tôi khen cụ nức nở, bảo rằng: "Làm đàn ông phải như cụ Thinh thì mới là đàn ông chân chính. Còn đàn ông Việt Nam bây giờ thiếu sự lịch lãm và sự tế nhị với phụ nữ như cụ."
Hình cuối cùng là bàn nhậu bình dân tại nhà cụ khi tiệc đã vào lúc cao trào. Chai rượu mà cụ Thinh cầm trên tay ở tấm hình này, đố các bạn nào tìm ra ở Việt Nam có nó thì tớ đi đầu xuống đất. Rất vui, rất hạnh phúc và rất sảng khoái từ tâm hồn đến thể xác trong ngày thầy thuốc Việt Nam năm nay. Dù hôm qua thu nhập ở clinic của tôi bị giảm nặng, không đủ để trả lương cho đồng nghiệp và tiền thuê nhà, điện, nước trong ngày. Nhưng thôi, đời phải có lúc này, lúc khác thì thế mới gọi là đời. Trong loạt hình này tôi không có mặt. Vì hình có mặt tôi thì Tư Cương giữ trong máy của anh ấy. Chờ Tư Cương làm ra sản phẩm và mail cho tôi, tôi sẽ update để mọi người diện kiến và ra đường không bị đánh nhầm nhen.
Xin cảm ơn vùng đất phương Nam đã chở che tôi và cảm ơn những con người và văn hóa phương Nam đã tạo nên tôi ngày hôm nay.
Asia Clinic, 9h45' ngày 28/02/2010
0 Nhận xét