KIẾN THỨC CƠ BẢN VỀ GIÁO DỤC BẬC ĐẠI HỌC

Ngày đăng: [Friday, February 19, 2010]
Như đã hứa, hôm nay tôi bắt đầu viết về giáo dục đại học của các nước tiên tiến. Tùy theo mỗi quốc gia, nhưng đa số (chứ không phải tất cả ví dụ như Úc hay Canada các trường college có cả dạy trung học) thì từ university và college là đồng nghĩa với nhau. 

Trước khi đi vào các khái niệm college và university, thiển nghĩ nên làm sáng tỏ một số khái niệm về khoa học xã hội và tự nhiên (art and natural science). Thế giới quan niệm những ngành thuần túy khoa học tự nhiên (natural science) như toán, lý, hóa, sinh etc... là những ngành có tính định lượng. Chúng cân, đo, đong đếm được khi nghiên cứu. Còn những ngành không thể định lượng được hoặc dù có định lượng được, nhưng vẫn không thể chính xác như: giáo dục, kinh tế, nghệ thuật etc... là thuộc về khoa học xã hội (art science).

Không những thế, trong giáo dục đại học còn chia ra làm hai nhóm: khoa học cơ bản và khoa học ứng dụng. Ta hãy cứ hình dung rằng các khoa học tự nhiên như toán, lý, hóa, sinh etc... là những khoa học tự nhiên cơ bản cho khoa học ứng dụng đào tạo ra kỹ sư (enngineer), bác sĩ (Medicine doctor). Còn kinh tế là khoa học xã hội cơ bản dành cho khoa học ứng dụng trong kinh doanh. Nhưng khi đem kinh tế để ứng dụng vào cuộc sống thì sẽ có kinh doanh (businees) là khoa học ứng dụng cho kinh tế. Hai khoa học khác nhau, nhưng cái này là nền tảng cho cái kia. Cái là lý thuyết, còn cái kia là thực hành.

Cả hai college và university đều được dịch là trường đại học. College là trường đại học nhỏ, ít chuyên ngành và cấp bậc đào tạo chủ yếu là cử nhân (bachelor), mặc dù một số trường vẫn đào tạo cấp cao hơn, ví dụ như cao học (master). 

Còn university là trường đại học lớn đào tạo nhiều chuyên ngành, hay còn gọi là đại học nghiên cứu. Cấp bậc đào tạo cũng cao hơn, từ cử nhân, cao học đến tiến sĩ (doctor) và sau tiến sĩ (post-doctor) có kèm theo các trường ứng dụng (professional schools or colleges). Về mặt sơ khai, từ university có mặt từ thời con người còn ở chế độ tăng lữ quí tộc. Lúc đó, nhà thờ gắn liền với trường học và cai trị một quốc gia. Và để được gọi là university thì trường đại học đó phải có đủ ít nhất là 4 ngành cơ bản: thần học và triết học (theology & philosophy), luật (law), y khoa (medicine) và giáo dục (education). Sau này các universities được mở rộng ra thêm những trường cho khoa học ứng dụng (professional schools or colleges) để phục vụ thực tế nhu cầu khoa học vào cuộc sống. 

Cái lợi của các universities so với các colleges ở chỗ là có nhiều professional colleges - ví dụ: college of engineer, college of medicine, etc... - cùng chung với các trường đào tạo khoa học cơ bản. Trong khi các khoa học cơ bản là để nghiên cứu ra lý thuyết cơ bản, còn các trường ứng dụng thì làm sao các lý thuyết cơ bản ấy được áp dụng vào thực tế. Ở các universities có sự kết hợp nhuần nhuyển giữa nhà khoa học cơ bản với nhà khoa học ứng dụng. Tôi xin ví dụ: một bác sĩ y khoa than phiền rằng cần có những phương tiện chẩn đoán hình ảnh khác với X quang, nhưng rõ ràng hơn và ít độc hại hơn X quang để khảo sát các cơ quan bệnh tật, thì mới có thể chẩn đoán chính xác các bệnh tật. Lúc đó, các nhà vật lý mới nghĩ ra việc đưa lý thuyết các sóng siêu âm và sóng truyền thanh (radio) vào để tạo năng lượng sóng thành năng lượng hình ảnh. Sau đó các kỹ sư, các nhà khoa học ứng dụng mới đưa vào chế tạo các máy siêu âm (ultasound), MRI (magnetic Resonance Imaging: chẩn đoán hình ảnh bằng cộng hưởng từ trường). Đây là một phát kiến trong đào tạo giáo dục bậc cao do nhu cầu thực tế cuộc sống đặt ra.

Từ đó, ta thấy các nước tiên tiến luôn có khuynh hướng tạo ra những universities để phục vụ cho việc nghiên cứu lý thuyết và ứng dụng lý thuyết đó vào nhu cầu thực tế cuộc sống. Và cũng chính từ đó, nhu cầu đào tạo ở các đại học sản sinh ra làm 2 loại cử nhân: BA (bachelor of art) chuyên cho nghiên cứu khoa học cơ bản và BS (bachelor of science) chuyên ứng dụng lý thuyết cơ bản để làm ra sản phẩm phục vụ nhu cầu cuộc sống. 

Các BA có thể tiếp tục học thêm thành MA (master of art) để nâng nghiên cứu lý thuyết và tiến đến tiến sĩ khoa học: PhD (Philosophy doctor) tìm ra những lý thuyết mới mà nhân loại chưa tìm thấy. Còn bên ngành ứng dụng, các BS(bachelor of science) sẽ tiếp tục học thêm để thành MS (master of science) để đưa lý thuyết đã có thành những thành quả ứng dnụg cho cuộc sống. Cả bốn BA, BS, MA và MS đều có thể "học" tiếp thành tiến sĩ khoa học (PhD) hoặc sau tiến sĩ khoa học (post doctor). Thực chất của các chương trình sau cử nhân là nghiên cứu hoặc ứng dụng thực hành. Nên nói là "học", nhưng không phải là học mà là tự học, tự nghiên cứu khoa học cơ bản hoặc khoa học ứng dụng. Giáo sư hướng dẫn chỉ là người chỉ hướng đi và kiểm tra tiến độ nghiên cứu hoặc ứng dụng mà thôi. Khi nghiên cứu xong một lý thuyết cơ bản hoặc một ứng dụng cơ bản vào cuộc sống người nghiên cứu đó mới là người giỏi nhất trong lĩnh vực của mình. Giáo sư hướng dẫn cũng không thể sánh bằng!

Hầu hết (chứ không phải tất cả) các trường ứng dụng (professional schools or colleges) đều là trường sau đại học (graduated schools) yêu cầu các thí sinh muốn vào học phải trải qua 4 năm ở một bằng cử nhân khoa học (bachelor of art or science). Ví dụ: trường luật muốn vào học phải có bachelor of art. Trường y muốn vào học phải có bachelor of science, etc... Và các trường này là đào tạo bậc sau đại học chứ không phải đại học. Bằng cấp của các trường này là hoặc là cao học hoặc là tiến sĩ tùy theo mục tiêu của người học và mục tiêu đào tạo của nhà trường.

Và cũng qua đó, chúng ta thấy trước thời kỳ đổi mới 1986, và hiện nay hầu hết các trường đại học của nước ta chỉ là những colleges, chưa phải là universities. Cho nên sức ỳ đưa lý thuyết đã được nghiên cứu đi và thực tế cuộc sống quá lớn. Hầu hết các nghiên cứu khoa học của các ngành khoa học ứng dụng làm xong rồi nằm trong thư viện hoặc trong một ngăn kéo nào đó đến mốc meo. Hoặc có nghiên cứu nhưng chỉ là nghiên cứu vì phong trào mà không đáp ứng cho nhu cầu thực tế cuộc sống. Và xã hội ta chỉ có những bác nông dân đồng thời là những kỹ sư cơ khí, đồng thời là nhà sinh học tạo ra những máy móc và giống vật nuôi cây trồng cho hiệu quả cuộc sống. Các nhà hàn lâm chỉ biết ngồi bàn giấy và mất thời gian vì chuyện phím ở các quán bia hơi.

Từ ngày đổi mới, cựu phó thủ tướng Nguyễn Khánh, sau khi tham quan các universities của các nước tiên tiến đã mang ý tưởng về thành lập các đại học quốc gia cho giáo dục bậc cao của Việt Nam. Đây là một ý tưởng tốt. Thế nhưng, vẫn còn nhiều sự hiểu nhầm các khái niệm về bằng cấp và các khái niệm mà tôi đã nhắc ở trên của bài viết này. Hậu quả là các bác sĩ phải đi học lại cao học. Ở các nước tiên tiến, khi đã tốt nghiệp BS y khoa, nếu muốn làm việc thêm ở các viện nghiên cứu hay trường đại học thì bác sĩ y khoa đó có thể đăng ký làm  MS hoặc PhD của một ngành khoa học cơ bản như sinh học, sinh hóa, sinh lý,  etc... Và chỉ có những BS(bachelor of science), MS  hoặc PhD các ngành khoa học cơ bản mới nộp hồ sơ vào học MD (Medicine Doctor) và ngược lại, các BA, BS, MA, MS và kể cả MD làm hồ sơ để bảo vệ PhD cho các ngành khoa học cơ sở cho y học và các chuyên ngành khác. Trong khi ở nước ta lại tréo ngoe là đã tốt nghiệp bác sĩ y khoa là nghiễm nhiên là tiến sĩ y khoa, nhưng phải đi học lại cao học y khoa (còn gọi là thạc sĩ y khoa) mà không phải là một cao học của khoa học cơ sở để phục vụ nghiên cứu và giảng dạy. Trong tất cả các bằng cấp về khoa học ứng dụng, chỉ duy nhất bằng bác sĩ là tiến sĩ. Tất cả các bằng tiến sĩ khoa học khác đều là tiến sĩ cho khoa học cơ bản, tìm ra nền tảng lý thuyết cho ứng dụng vào thực tế nhu cầu cuộc sống.

Tiến sĩ khoa học cơ bản (PhD) là chứng chỉ khoa học để dùng làm nghiên cứu và giảng dạy. Tiến sĩ không hoặc rất ít dùng để làm việc trong cuộc sống đời thường như ở ta. Vì PhD là tiến sĩ khoa học cơ bản tìm ra cái mới, nhưng nhiều khi cái mới chỉ rất nhỏ ít có giá trị thực tế cuộc sống. Có lẽ vì thiếu hiểu biết như thế nên ở ta lạm phát bằng cấp và có chuyện mua bán bằng tiến sĩ giấy khá phổ biến như lâu này?

Còn tiến sĩ khoa học ứng dụng (MD) là tấm bằng duy nhất tiến sĩ bên thực hành. Nó chủ yếu là chứng nhận trong lúc đi học y khoa người học đã phải trải qua một thời gian dài thực tế lâm sàng thăm khám và chữa bệnh trên thực tế lâm sàng. Nó có giá trị về mặt làm việc dưới một kho kiến thức đầy ắp của khoa học cơ bản y học đã được nhân loại đúc kết qua hàng nghìn năm. Và có lẽ không có một ngành đào tạo nào mà có thời gian thực hành nhiều bằng trong đào tạo y khoa. Không thể đem so sánh PhD với MD trong cương vị bằng cấp được. Và cũng không thể chối cãi là MD không giá trị rồi đi tạo ra cái bằng mới là cao học y khoa lớn hơn cái tiến sĩ y khoa như ở ta lâu nay.

Với bài viết này, mong các bạn có kiến thức tốt hơn đóng góp ý kiến để nó hoàn thiện, để góp phần soi sáng tầm nhìn vĩ mô cho ngành giáo dục bậc đại học nước nhà trong cơn bĩ cực vì thiếu hiểu biết. Tôi sẽ tiếp tục phần hai về giáo dục đại học Việt Nam và một số bất cập. Năm mới chúc mọi người tìm thấy những trăn trở về giáo dục của mình mà chưa có lời đáp trong thời gian qua.

Asia Clinic, 15h30' ngày 19/02/2010

Đăng nhận xét

0 Nhận xét