KHI LÃNH ĐẠO VÀ TRÍ THỨC CÙNG NHỊP ĐẬP

Ngày đăng: [Sunday, December 06, 2009]

Mấy hôm nay Seagame 25 đã được  khởi động ở Viêng Chăn và 2 thành phố Luang Prabang và Savannakhet cùng đăng cai. Do thiếu kinh phí nên nước bạn hiền hòa Lào chỉ chi ra 50 triệu USD để xây dựng và đăng cai tổ chức 25 môn thi đấu. Ít hơn 18 môn so với Seagame 24 tổ chức ở Nakhon Ratchasima, Thái Lan.

Qui mô nhỏ là thế, nhưng các nhà lãnh đạo Lào đã có một tầm nhìn chiến lược cho quốc gia dân tộc, khi họ cho xây một quần thể phức hợp quanh đại học Quốc Gia Lào tại Viêng Chăn. Phức hợp này gồm 6 khu liên hợp:Khu liên hợp thể thao Quốc gia, Đại học Quốc gia thuộc Trung tâm thể thao Lào, Trung tâm thể thao Chao Anuvong, Trung tâm thể thao Lao-ITECC, Trung tâm thể thao Beungkhangong tại khách sạn Cung điện Don Chan. Tất cả những công trình trên quần tụ quanh Đại học Quốc gia Lào. Công ty đở đầu và góp phần xây dựng cũng như viện trợ cho tất cả công trình trên là một tập đoàn tư nhân có tiếng của Việt Nam.


Tất cả những điều đó tuy không có gì là đình đám và qui mô hoành tráng như các kỳ Seagame khác, kể cả Seagame 22 của Việt Nam năm 2003. Nhưng có một điều cho thấy tầm chiến lược của các lãnh đạo Lào có cái nhìn xuyên thế kỷ. Một người bạn thân của tôi hiện đang sinh sống và làm việc ở đại học Quốc gia Lào nói trong tự hào và giải thích rằng, sau khi Seagame kết thúc toàn bộ phức hợp làng vận động viên Seagame tại Viêng Chăn sẽ được hợp thức hóa vào trường Đại học Quốc gia Lào. Đây là công sức của tập thể lãnh đạo nước Lào và ý tưởng của trí thức Lào. 

Tức là, nhờ Seagame mà nước Lào sẽ có một trường Đại học có thể xem là lớn nhất Đông Nam Châu Á với sức chứa  có thể lên đến khoảng 10.000 sinh viên, với đầy đủ tiện nghi hiện đại, theo tiêu chuẩn quốc tế, cho tất cả các chuyên ngành mà những Universities của khu vực có mơ cũng không có được. Họ dự trù sẽ thuê giáo sư trên thế giới về dạy và đào tạo nhân tài cho đất nước họ, cũng như sẽ đẩy giáo dục đại học của Lào đứng vào hàng đầu khu vực để thu hút du học sinh và tự kiếm tiền từ giáo dục đại học. Một ý tưởng mà theo hiểu biết nhỏ nhoi của tôi thì chưa có nước nào trong khối Asean làm. Một công đôi việc, vì nước, vì dân.


Như vậy, đâu cần phải tốn tiền hơn và đình đám hơn mới có được một trường Đại học Quốc gia với qui mô tầm cỡ Quốc tế? Một nước anh em, hiền hòa và còn nghèo hơn ta cũng biết tận dụng những đại hội thể thao khu vực để lo cho giáo dục nước nhà. Họ không hô hào cải cách như ta. Họ không phải tốn kinh phí như Việt Nam ta cũng sẽ có 4 trường đại học đẳng cấp Quốc tế với kinh phí ngang bằng người Lào xây dựng Seagame 25 cho mỗi trường. Thế nhưng, không biết về qui mô có bằng trường đại học Quốc gia Lào sau Seagame không?



Từ lý thuyết và tư duy của trí thức Lào đã góp ý với chính phủ Lào về ý tưởng sẽ làm gì cho những công trình sau Seagame; Chính phủ Lào đã biết lắng nghe và thực hiện cho tổng công trình khiêm tốn nhất trong các kỳ đại hội Đông Nam Á này đang và sẽ trỡ thành hiện thực. Một ước mơ mà có đến gần 1 thế kỷ qua trí thức Việt có mơ cũng không có được. Nhìn lại Seagame 22 của nước Việt thì "buồn hơn con chó ốm" (mượn lời thơ của cố GS Nguyên Sa, Trần Bích Lan, có sửa chữ "như" thành chữ "hơn"). Hãy nhìn lại các công trình Seagame 22 của ta tản mạn từ Nam-Bắc-Trung để làm gì để bây giờ tốn tiền bảo dưỡng, duy tu và phơi gan cùng tuế nguyệt, chưa biết dùng vào việc gì để sử dụng hết công suất của chúng? Chỉ thấy chúng ngày càng xuống cấp rất nhanh.



Thế mới thấy vị trí vai trò của người trí thức với xã hội quan trọng như thế nào? Và càng thấy một thế hệ lãnh tụ biết lắng nghe trí thức và vì dân, vì nước sẽ có lợi cho dân tộc biết bao? Viết tới đây bổng tôi nhớ đến người đoạt giải Nobel Hòa Bình năm 2006, Muhammad Yunus, người Bangladesh, sáng lập ra hệ thống Ngân hàng Grameen để giúp cho người nghèo thoát đói nghèo trên toàn thế giới. Ông có câu nói rất nổi tiếng khi phát biểu ở Oslo lúc nhận lãnh giải: "Chính trị hầu hết nó kiềm chế và đưa xã hội loài người đi đến chiến tranh và đói nghèo. Tôi chỉ làm công việc bình thường nhất là giúp con người sống ở tình trạng bớt nghèo trong mọi hoàn cảnh".


Còn tôi, tôi không đủ tài cao và đức độ như ông Muhammad Yunus . Nên tôi chỉ có ước mơ đơn giản của một công dân bình thường, là đất nước mình có những thế hệ lãnh đạo biết lắng nghe chỉ như nước Lào ngày nay, để trí thức và lãnh đạo cùng chung một nhịp đập của tư duy và hành động, hòng đưa đất nước đi lên.

Đăng nhận xét

0 Nhận xét