GIÁO DỤC BẬC ĐẠI HỌC: ĐẦU VÀO - ĐẦU RA

Ngày đăng: [Tuesday, March 09, 2010]
Tháng 9/2009, tôi có một bài viết ngắn về tuyển sinh đại học ở Mỹ. Hôm nay tình cờ đọc bài viết trên báo trong nước có nhiều ý kiến của các chuyên gia giáo dục: Tuyển sinh đại học, cao đẳng: thi tuyển hay xét tuyển?, mới giật mình là dường như các chuyên gia giáo dục của nước ta hiểu biết vấn đề tuyển sinh của các nước có nền giáo dục tiên tiến giống như các phát biểu của các lãnh đạo: chung chung, đại khái, tổng quát mà không nắm cụ thể tuyển sinh của người ta là xét tuyển như thế nào và thi tuyển để xét tuyển ra làm sao? Tôi thử lướt qua chế độ tuyển sinh vào đại học Mỹ, để có cái nhìn thấy người ta tuyển chọn đầu vào ra sao?

Ai cũng đồng ý với nhau đầu ra ở bậc đại học Mỹ rất quan trọng. Vì họ đào tạo ra lò là để dùng chứ không phải đào tạo ra lò để rồi thất nghiệp hoặc đi làm trái nghề, rồi có dịp sẽ học thêm sau đại học bằng nhiều cách để ngoi lên con đường công danh sự nghiệp như ta trong bài: Chữ tâm hay chữ cường quyền tôi đã viết trong tháng 10/2009 về một lãnh đạo bệnh viện của ngành y một tỉnh đã đi lên như thế nào, để rồi làm hại người bệnh ra sao?

Thế nhưng đầu vào của tuyển sinh bậc đại học của Mỹ khó hay dễ? Nói cho chính xác là không khó, nhưng cũng không dễ chút nào. Tôi xin nói cái không khó trước. Với mục tiêu giáo dục là của toàn dân và người học là trung tâm. Nền giáo dục Mỹ có 2 loại trường đại học: đại học 2 năm(two year college) là các trường mà ở ta thường dùng từ cao đẳng cộng đồng(community college) để ám chỉ, và đại học 4 năm(four year college). 

Đối với loại two year college đầu vào dành cho những đối tượng không có điều kiện để vào đại học 4 năm sau bậc phổ thông vì nhiều lý do: có người vì điều kiện xa nhà, có người vì điều kiện kinh tế, có người vì muốn đi làm kiếm tiền trước rồi quay lại học sau. Đặc biệt, đối với cộng đồng những công dân Mỹ di dân từ một nước khác đến Mỹ cần học, ví dụ như cộng đồng người Việt di tản sau 30/4/1975 đến Mỹ, hệ thống trường hai năm này rất hữu ích. Vì khi ra đi hầu như không ai có thể mang theo mình các bằng cấp đã có ở Việt Nam. Tất cả mọi vấn đề xác minh kiến thức nằm ở trình độ Anh ngữ và trải qua placement examination. Nó giống như cuộc thi kiểm tra chất lượng đầu năm học của ta. Thế nhưng đối với học sinh phổ thông lên thẳng thì đầu vào không khó khăn chút nào. Vấn đề còn lại là đầu ra mới khó.

Ở trường hai năm có 3 chương trình dạy:
1. Vocational training: dạy nghề 1 năm, chỉ cấp giấy chứng nhận(Certificate) chứ không có bằng(degree).
2. Academy training: dạy những chuyên viên lành nghề có bằng cao đẳng 2 năm ra đi làm như: Computer Technician, electronic technician, accounting, nurse, marketing, business, etc... Những người này được cấp bằng AAS: Associate Applied Science hay bằng AS: associate of Science. Muốn transfer lên four year college cả 2 bằng này không làm được. Tuy vậy, có 1 ít ngành cho transfer, nhưng đòi hỏi phải lấy thêm nhiều tín chỉ về khoa học cơ bản, rất mất thời gian. Nếu có ý định hoàn thành bachelor thì không nên học chương trình này.
3. Transfer program: đây là chương trình cho những ai muốn học xong bachelor, nhưng vì điều kiện không cho phép. Chương trình 2 năm, nhưng có người có thể chỉ học 1-1,5 năm. Chương trình thường chỉ dạy các môn khoa học cơ sở như: toán, lý, hóa, sinh, lịch sử, văn chương, etc... Tùy theo ngành mà các sinh viên đã chọn mà sẽ chọn học các tín chỉ phù hợp cho tương lai. Ví dụ: nếu muốn vào dược thì học về hóa, sinh, etc... Nếu muốn ra kỹ sư vi tính thì học toán, vật lý, etc... Học đủ chương trình theo yêu cầu thì làm hồ sơ chuyển sang(transfer) lên các đại học 4 năm mà sinh viên đã chọn.

Muốn transfer vào đại học 4 năm có khó không? Do tính lịch sử mà nước Mỹ, mỗi tiểu bang là một quốc gia riêng về luật giáo dục và các luật khác. Nhưng nói chung có sự đào tạo liên thông giữa các đại học 4 năm với 2 năm trong 1 tiểu bang. Một sinh viên muốn học trường 2 năm ở một tiểu bang A, nhưng muốn chuyển sang 1 trường tiểu bang B thì phải hỏi advisor và kiểm tra những tín chỉ đòi hỏi của trường 4 năm mà mình sẽ chuyển đến. Chuyện lấy học bổng vào trường 4 năm thì khó, còn chuyện để chuyển vào trường 4 năm chỉ cần đủ điều kiện họ yêu cầu là yếu tố quan trọng. Quan trọng nhất là những trường có đào tạo liên thông giữa 2 năm và 4 năm trong một tiểu bang. Tuy thế, không phải trường nào cũng dễ dàng nhận transfer students. Các trường danh giá chỉ nhận khoảng 5% trong tổng số các sinh viên chuyển tiếp.

Có quan niệm ở Việt Nam cho rằng đã đi du học Mỹ thì bằng mọi giá phải học trường 4 năm chứ ai lại đi học trường hai năm, chẳng ra gì. Đó là quan niệm sai lầm và háo danh. Không thiếu những nhân tài bắt đầu từ trường 2 năm ở Mỹ. Xin chỉ xin ví dụ một nhân vật nổi tiếng toàn thế giới ở trong nước là cụ Phạm Xuân Ẩn, ông chỉ học chương trình Academy training 2 năm cho nghề báo tại một trường 2 năm Orange Coast College!

Đối với loại four year college thì đầu vào quan trọng nhất là chiến lược tuyển sinh(Admission Policies and Factors) của từng trường. Những tiêu chuẩn chung để một trường 4 năm chọn lựa sinh viên từ phổ thông đã tốt nghiệp tú tài lên gồm có:
1. Bài luận (Essay)
2. Điểm của các cuộc thi chuẩn hóa quốc gia(SAT reasoning tests or ACT)
3. Điểm của các cuộc thi chuẩn hóa từng môn(SAT subject tests)
4. Xếp hạng toàn khối lớp 12(Class Rank)
5. Điểm khác biệt đặc thù của thí sinh(Character/Personal Quality)
6. Các hoạt động ngoại khóa(Extracurricular Activities)
7. Các thư giới thiệu của thầy/cô giáo(Letters of Recommendation )
8. Độ khó của chương trình học(Rigor of secondary school record)
9. Điểm trung bình của toàn các năm học cấp ba(Academic GPA: Grade Point Average)
10. Tài năng/Khả năng(Talent/Ability)
11. Làm việc thiện nguyện(Voluneer work)
12. Quan hệ với các cựu học sinh(Alumni relation)
13. Công dân thường trú theo vùng địa lý(Geographical resident)
14. Phỏng vấn(Interview)
15. Nguồn gốc chủng tộc(Racial/Ethnic status)
16. Thế hệ đầu tiên của gia đình thí sinh có phải là sinh viên của trường không(First general college student)
17. Các tín chỉ bắt buộc phải có học ở phổ thông(High school preparation)
18. Thư của bố mẹ(Letter of Parent)

Đối với du học sinh còn một tiêu chuẩn Toefl để được xét hồ sơ. Trường danh giá thì Toefl iBT luôn tối thiểu 100. Nhưng các trường ít hoặc không nổi tiếng thì tối thiểu phải 85.

Dĩ nhiên tiêu chuẩn cuối cùng nữa là tiền, ngoại trừ nghèo, giỏi thì có học bổng. Nhưng với 18 tiêu chuẩn trên tùy theo trường mà có những ưu tiên tiêu chuẩn nào rất quan trọng, tiêu chuẩn nào là quan trọng, tiêu chuẩn nào là bắt buộc phải có và cuối cùng là tiêu chuẩn nào là xem xét thêm để so sánh trong trường hợp có nhiều ứng viên cùng khả năng cạnh tranh. Qua đó, ta thấy rằng dù không thi tuyển, nhưng các cuộc thi chuẩn hóa quốc gia cũng là những cuộc thi không đơn giản cho thí sinh. Một thống kê năm 2006 của College Board cho thấy điểm số của thí sinh khi thi SAT reasoning test có tỷ lệ điểm hoàn hảo 2400/2400 không phải là cao. Và ngay cả các thí sinh có điểm SAT hay ACT và GPA hoàn hảo cũng vẫn bị từ chối nhận nhập học, chứ không đơn thuần chỉ đánh giá một cuộc thi trong 9 giờ đồng hồ của 3 môn thi tuyển như ta.

Các tiêu chuẩn cụ thể như thế nào thì trong cuốn sách Làm thế nào để nhận học bổng du học ở Mỹ của con tôi đã viết rất chi tiết và rõ ràng. Có một điều là các cuộc thi chuẩn hóa quốc gia không phải trường đại học hay bộ giáo dục ra đề mà là do các tổ chức kiểm tra chất lượng giáo dục độc lập với nhà nước và trường ra đề. Đa số trường của các tiểu bang phía Bắc thì chuộng SAT, các trường ở các tiểu bang phía Nam thì chuộng ACT. Nhưng cũng có một số trường xem SAT và ACT không là yếu tố quan trọng. Họ cho rằng các yếu tố khác đủ để tuyển chọn một sinh viên vào đại học. SAT và ATC chỉ là yếu tố tham khảo. Những trường này xếp vào loại trường không yêu cầu SAT hay ACT.

Có nhiều thí sinh dù điểm GPA, SAT tests rất hoàn hảo, nhưng hồ sơ vẫn bị loại như thường. Vì thí sinh đã có những ứng cử viên cạnh tranh khác tốt hơn ở kỹ năng mềm. Hoặc vì thí sinh không nhằm đúng vào chiến lược tuyển sinh của trường mà họ đã nộp đơn. Có nhiều người có đầy kinh nghiệm săn tìm học bổng ở đại học Mỹ cũng từng thốt lên rằng: "Có trời mới biết các thành viên của hội đồng tuyển sinh các trường mong muốn gì ở thí sinh". Nhưng tất cả đều đồng ý rằng, chiến lược tuyển sinh từng năm của các trường có thay đổi tùy theo nhu cầu thực tế. Ai nắm bắt được nó người ấy sẽ thành công. Chưa chắc một hồ sơ Harvard nhận mà một trường xếp hạng thấp lại đồng ý nhận. Đó là tính phức tạp và khó khăn khi làm hồ sơ nhập học vào đại học 4 năm của Mỹ.

Quay lại Việt Nam chúng ta, lâu nay có những luồng ý kiến khác nhau: thi tuyển hay xét tuyển? Trước năm 1975 ở miền Nam, nền giáo dục Việt Nam Cộng Hòa của bậc đại học vừa thi tuyển, vừa xét tuyển. Chỉ có 3 trường thuộc viện đại học Sài Gòn là xét tuyển: đại học khoa học(bây giờ gọi là đại học khoa học tự nhiên), đại học văn khoa(bây giờ là đại học xã hội nhân văn) và đại học luật. Nói là xét tuyển nhưng chỉ cần tốt nghiệp tú tài II là có thể nộp hồ sơ và nhập học. Nhưng đầu ra rất nghiêm ngặt. Năm thứ nhất có thể cả chục ngàn sinh viên, nhưng đến năm thứ hai có thể chỉ còn một ngàn. Đến năm cuối chỉ còn vài trăm! Các trường còn lại đều phải thi tuyển. Thi tuyển xong vào học, đầu ra cũng không phải dễ dàng. Nên chất lượng đầu ra rất cao.

Hiện nay, nếu muốn chuyển từ thi tuyển sang xét tuyển như ý kiến của bộ giáo dục là 2010 sẽ áp dụng, thì những vấn đề tồn tại không phải dễ dàng. Không dễ dàng vì nhiều lý do:
1. Chưa bỏ thi tuyển mà tình trạng chạy trường, lo lót vào đại học đã diễn ra như cơm bữa. Thế thì bỏ thi tuyển tình trạng tha hóa chạy chọt nhập học sẽ diễn ra như thế nào?
2. Với tình trạng tha hóa của đội ngũ giáo sư, giảng viên như hiện nay lấy đâu ra lực lượng công tâm để đủ tài, đức ngồi vào hội đồng tuyển sinh để cầm cân nẩy mực chọn đúng thí sinh có chất lượng cho trường?
3. Chúng ta có nên có những cuộc thi chuẩn hóa quốc gia như Mỹ không? Nếu không thì chuyện xét tuyển sẽ lấy những tiêu chuẩn nào để xét tuyển? Nếu có thì đội ngũ có đủ tầm cỡ để tạo ra những đề thi chuẩn quốc gia như Mỹ đã có chưa? Vì ngay cả cách ra đề thi viết như lâu nay chỉ có mấy câu, nhưng đề thi sai vẫn xảy ra. Thế thì với loại đề thi trắc nghiệm chúng ta đã có đủ khả năng để không sai, nhưng là những câu hỏi có khả năng đánh giá trí tuệ của thí sinh không?

Tất cả phần trên, tôi chỉ nói đến đầu vào, nhưng vẫn còn lắm gian nan. Chuyện giáo dục là chuyện vận mệnh quốc gia. Không thể một sớm. một chiều bổng như Thánh Gióng vươn mình đứng dậy. Khi nền giáo dục đã rối như canh hẹ trong 20 năm đổi mới vừa qua.

Nhưng để đầu ra tốt, dù đầu vào có yếu thì việc của mỗi đại học phải ý thức mà lo liệu hơn là bàn tay của bộ giáo dục xen vào. Nhiệm vụ đầu ra có chất lượng tốt hay không là nhiệm vụ của từng giảng viên, từng sinh viên và là nhiệm vụ của bộ phận kiểm định - đánh giá chất lượng đào tạo của mỗi đại học nói riêng và của các tổ chức kiểm định - đánh giá chất lượng nói chung. Vấn đề đặt ra là có sự khách quan, công tâm hay là một nhà bảo nhau như lâu nay? Không phải "Một câu hỏi lớn. Không lời đáp - Cho đến bây giờ mặt vẫn chau"(Huy Cận) mà là những câu hỏi lớn.

Từ Asia Clinic đến Tư gia, 22h32' ngày 09/3/2010

Đăng nhận xét

0 Nhận xét