Ngày đăng: [Thursday, March 04, 2010]
Giữa tháng 3/2009 tôi có viết một bài ngắn: Việt Nam muốn đi lên cần định hướng phát triển văn hóa đồng bằng sông Cửu Long. Hôm nay tình cờ đọc trên Vietnamnet có bài: TPHCM: "Live Show vui vẻ" của một đám tang. Nên có ý tưởng để viết một số nét văn hóa Việt Nam. Tôi còn nhớ mấy câu thơ của ai đó như sau:
"...Mỗi vùng đất có một thói quen,
Mỗi con người trong tim có một quá khứ.
Điều đã qua anh không bao giờ nhắc lại,
Dẫu cay đắng hay êm đềm, há dễ quên đâu?..."
Nét văn hóa đầu tiên tuy cũ, nhưng mới về tư duy của những con người mở cõi 300 năm trước khác với tư duy của thế hệ Nam tiến ngày nay. Hồi đó, ông cha ta, những người mở cõi vào Nam có 3 loại người: Loại quan triều đình thì bị trù dập, nên đưa vào vùng rừng thiên nước độc, giặc giã liên miên để cho nó chết. Loại dân đen đôn lính hầu hết là những tên tù khổ sai, để dùng cho việc khó khăn gian khổ những ngày cắm đất. Loại dân thường thì chán cảnh o ép thống khổ của chế độ Phong kiến hà khắc của đất kinh kỳ. Cả ba loại đều có tâm trạng của kẻ bị xã hội ruồng bỏ hoặc tha phương cầu thực, đi kiếm tìm tự do nơi phương trời mới.
Tôi tìm kiếm khắp nơi về tập tục ma chay, nhưng không có nơi đâu giải thích điều này. Thời Cụ học giả Thu Giang Nguyễn Duy Cần còn sống. Tôi có đặt vấn đề này để hỏi thì cụ giải thích rằng: "Hơn ai hết, họ thấu hiểu đời là bể khổ, nên trong tư tưởng họ có những ý niệm: sống là ở, thác là về. Ở, ở đây là ở trọ. Thác ở đây là chết để về với nơi cội nguồn, nơi sung sướng. Hơn ai hết, những người mở cõi 300 năm trước hiểu được cảnh thống khổ cuộc đời, không chỉ là lo chén cơm manh áo cho sự mưu sinh. Bên cạnh đó, họ còn hiểu nỗi thống khổ khi sống trong tù đày, trù dập hay o ép của một hệ thống xã hội theo nho giáo Khổng Khâu với tam cương, ngũ thường. Nên họ xem: đời là quán trọ, mà ta là khách bộ hành".
Mặc dù có những giải thích khác đi, là người miền Nam tổ chức vui vẻ linh đình, vui vẻ là để níu kéo người thân ở lại trần gian vui lắm. Còn tập tục ở miền Bắc và Trung là khóc than, có chỗ còn thuê người khóc là cũng để tỏ lòng thương tiếc người đã khuất. Tôi đồng ý với tập tục ma chay ở miền Bắc và Trung là tỏ lòng thương tiếc. Nhưng ở miền Nam theo cách giải thích ở trên của Cụ Thu Giang là đúng và logic nhất.
Chính vì lý do ấy, cái văn hóa ma chay ở vùng đất mới là cái biểu hiện mừng vui khi có người thân về chốn vĩnh hằng, thoát khỏi cảnh đau khổ trần gian.
Vài thập niên gần đây, từ ngày đổi mới, có một nét văn hóa mới gần ngày tết ở công sở mà hầu hết ai cũng ghi nhận được. Đó là gần ngày tết cổ truyền hầu như các vị có chức sắc đều đi làm việc đúng 8h mỗi ngày. Điện thoại các vị trong những ngày này luôn luôn được bắt máy và trả lời. Còn ngày thường đến văn phòng tìm gặp là chuyện khó. Càng không thể liên lạc bằng điện thoại. Nếu liên lạc được bằng điện thoại, thường người nhấc máy là thư ký hoặc cấp phó. Hỏi sếp thì tùy nghi câu chuyện, lúc có lúc không.
Không biết cái nào hay, cái nào dở. Nhưng rõ ràng, nếu cả hai nét văn hóa tập tục ma chay của người mở cõi và nét văn hóa công sở tận tình của các quan chức quanh những ngày tết mà được duy trì thì rất tốt.
Asia Clinic, 13h45' ngày 04/3/2010
0 Nhận xét