CHUYỆN THẦY TÔI VÀ CHUYỆN NHÂN VĂN

Ngày đăng: [Friday, November 20, 2009]
Khi ta bước đến giai đoạn xế bóng, ta thường muốn tìm về tuổi thơ. Vì tuổi thơ, ở đó có sự vô tư không vụ lợi. Vì ở đó cũng có những người thầy, cô thật đáng kính. Vì ở đó có những người thầy, cô nắn cho ta từng nền móng để bước đi trên con đường công danh, không thể nào quên.

Hồi đó ở miền Nam, muốn thành sĩ quan thì ít nhất phải tốt nghiệp tú tài I(lớp 11 bây giờ). Còn nếu không được tú tài I thì muôn đời là anh thượng sĩ già. Ngẫm lại cái tiêu chuẩn này cũng là một cái tốt, nên hầu hết sĩ quan ở miền Nam thời đó trông rất uy nghi và đàng hoàng. Dĩ nhiên ở đâu cũng có người xấu, người tốt. Sĩ quan chế độ VNCH cũng có những người tha hóa. Nhưng đa phần các sĩ quan quân đội VNCH ngày ấy đều trọng danh dự vì họ có học, mà thời đó có học thì hầu hết xuất thân từ gia đình danh gia vọng tộc.

Ngày tôi còn học tiểu học, đất nước trong khói lửa chiến tranh. Hầu hết các thầy ở miền Nam phải vào quân dịch vì lệnh tổng động viên. Hồi đó, người ta gọi những thầy giáo vào quân dịch là "Sĩ quan biệt phái". Nghe chữ biệt phái ai cũng thấy nó là cái gì đó ghê gớm lắm. Nhưng thực ra nó chỉ nói lên là những người làm nghề khác, có trình độ, không phải trong quân đội, nhưng vì lệnh tổng động viên, nên phải vào quân đội. Nhưng vẫn phải làm thầy giáo và khi lên lớp có thể mặc đồ quân đội.

Nếu nhìn đúng về các sĩ quan biệt phái thời đó thì cũng giống như sĩ quan dự bị của thời bây giờ. Sĩ quan dự bị bây giờ chỉ là tấm giấy cấp của hiệu trưởng của một trường quân đội thuộc một quân khu trao cho những học viên tốt nghiệp một đại học khác, nhưng được chọn vào học khóa sĩ quan dự bị, để nếu đất nước có chiến tranh thì sẽ tham gia. Còn không thì vẫn làm dân sự. Chỉ có sự khác nhau giữa sĩ quan dự bị bây giờ và sĩ quan biệt phái hồi xưa ở miền Nam là khi đi làm một bên không mặc đồ lính và một bên là phải mặc đồ lính để hun đúc tinh thần học trò.

Thế nhưng, sau 1975 thầy tôi bị đi học tập cải tạo cũng chỉ vì cái từ "biệt phái". Nhưng khi tra từ thì tôi thấy nó không có gì là ghê gớm như những gì người ta áp dụng với thầy tôi. Cuộc đời tôi, người tôi khắc ghi mãi trong tâm khảm là thầy. Hồi đó thi đệ thất (lớp 6 bây giờ) là một cuộc thi quan trọng của đời một học sinh. Thầy không chỉ dạy chúng tôi tư duy độc lập và logic mà thầy còn uốn nắn chúng tôi từng nét chữ. Chỉ vì chữ tôi viết ngày ấy rất xấu. Ngay cả tôi đọc lại những gì mình đã viết còn không đọc được! Sau khi qua học thầy chỉ 1 năm chữ tôi trỡ thành chữ để viết báo tường.

Bi kịch gia đình thầy bắt đầu từ sĩ quan biệt phái. Trong hoàn cảnh học tập cải tạo thầy hay làm thơ để nhớ về gia đình. Trong số những bài thơ ấy, có một bài có tên là: "Dép ngược". Lâu quá tôi không còn nhớ rõ hết các khổ thơ. Tôi chỉ còn láng máng nhớ khổ thơ cuối cùng:
"...Bố nhớ con nhiều lắm bé ơi
Con mang dép ngược, bố la hoài
Bên này chân phải thành chân trái
Chân lý! Trời ơi! Cũng thế thôi!"
Từ bài thơ này thầy tôi đã bị kết án đến tử hình rồi hạ xuống còn chung thân và bị tịch thu toàn bộ gia sản, trong đó có một ngôi trường tư thục mà thầy đã mở trước năm 1975. Nhưng sau khi dự vụ án thầy ở mức tử hình là tôi xa quê lo chuyện công danh. Trong thâm tâm tôi là thầy đã mất, vì không biết tin thầy đã được giảm án chung thân cho lần phúc thẩm sau. Thời ấy, tất cả đều tranh tối tranh sáng, chuyện của thầy là chuyện thường ngày. Có khi là chuyện ân oán cá nhân. Khác với bây giờ mọi việc rõ ràng hơn và chuyện thầy tôi, nếu xảy ra bây giờ chắc không trầm trọng như thế.

Năm rồi về quê, gặp lại thầy vừa mới ra tù, vừa mừng, vừa tủi. Hỏi chuyện gia đình thầy, thì 5 người con của thầy đều tan đàn lẻ nghé, học hành không đến nơi, đến chốn. Thậm chí có đứa phải làm nghề bị xem là không tốt (dù biết rằng chỉ có người hèn chứ nghề không hèn). Thầy nhờ tôi nếu có thể xin chính quyền lấy lại dùm ngôi trường tư thục mà thời trước 1975 thầy xây dựng để thầy có chỗ kiếm sống. Tôi cố gắng hỏi han bạn bè và tìm hiểu, nhưng mọi cách đều bất khả thi. Vì trường của thầy ngày xưa đã được quốc hữu hóa và trở thành một trường mầm non công lập.

Tôi chỉ biết an ủi thầy tất cả là định mệnh. Định mệnh của một cá thể lồng trong định mệnh của một dân tộc. Thôi thì ráng sống cho xong một kiếp người. Khi con người ta không còn tin vào khả năng của mình, người ta giao niềm tin vào một chỗ khác mơ hồ và không căn cứ, để tự an ủi mình. Đó là điều tất nhiên, để con người ta còn đủ nghị lực sống và hy vọng có ngày mai tốt đẹp.

Câu chuyện thế mà ngót mãi hơn 30 năm. Ba mươi năm chỉ là một quãng thời gian rất ngắn so với lịch sử một dân tộc. Nhưng ba mươi năm là 1/3 đời một con người. Cũng chỉ vì một danh xưng bị hiểu nhầm và sự ra đời của một bài thơ.

Dân tộc chúng ta đã trải qua những giai đoạn bi kịch, nhưng có lẽ bi kịch nhất là cuộc Nam Bắc phân tranh của thế kỷ XX. Chưa ở đâu trên trái đất này có cuộc tang thương tốn kém về con người, nhân văn, tiền bạc, chất độc hóa học và bom đạn như cuộc tang thương này.

Kể cả 2 cuộc chiến tranh thế giới cộng lại cũng không thể bằng. Vậy thì tại sao sau cuộc tang thương đó chúng ta không biết yêu thương nhau hơn? Ngược lại, sau cuộc tang thương đó, chưa bao giờ trong lịch sử dân tộc ta lại có một cuộc di dân bỏ nước ra đi nhiều như vậy. Và cho đến hôm nay vết thương của cuộc tang thương này vẫn chưa lành miệng, khi chúng ta vẫn còn tan đàn lẻ nghé với những chiều tư tưởng khác nhau. Dù nhà nước đã nhiều lần kêu gọi sự đồng thuận. Có lẽ đó cũng là định mệnh?

Thế kỷ XXI là thế kỷ của sự tranh giành lương thực và năng lượng. Tại sao dân tộc ta vẫn còn mãi ngồi để tranh giành nhau về ý thức hệ? Sao chúng ta không biết ngồi lại với nhau bằng tình thương và sự đồng thuận?

Có nên chăng nhà nước phải nhìn lại mình và những người con tha phương có ý thức hệ khác cũng cần nhìn lại mình, để cùng ngồi lại với nhau bên bóng của lịch sử ngàn năm thương đau mà gầy dựng lại tổ quốc đau thương này?

Nhân chuyện thầy tôi viết cho ngày nhà giáo Việt Nam, miên man suy nghĩ chuyện thầy và chuyện nước nhà. Chỉ mong tư duy của dân tộc cùng một hướng, hòng Việt Nam đủ sức đứng vũng và hùng cường trong giai đoạn khó khăn. 

Viết bài này xong, tôi hỏi ý kiến 2 người bạn. Một là nhà kinh tế. Một là nhà giáo và nhà khoa học. Nhà giáo thì bảo nên đăng cho thế hệ trẻ học điều ngay lẽ phải và sự trung thực. Nhà kinh tế thì bảo chuyện "nhạy cảm". Tôi nghĩ mình tới giờ này vẫn là nhà khoa học, dù đã bỏ nghiên cứu những 8 năm rồi. Đã là nhà khoa học thì 3 đức tính: trung thực, óc quan sát và tư duy độc lập logic là cần thiết để đưa vấn đề tốt cho xã hội. Nên tôi phải đăng. Xin cảm ơn hai bạn.

Đăng nhận xét

0 Nhận xét