CHIẾN LƯỢC GIẢI QUYẾT VẤN NẠN MÔI TRƯỜNG Ở VIỆT NAM

Ngày đăng: [Friday, August 13, 2010]

Thế kỷ XX là thế kỷ của những phát minh khoa học được con người ứng dụng vào phục vụ cuộc sống thực tế một cách vượt bậc. Chúng đã giúp con người có đời sống vật chất và tinh thần cao hơn, nhưng cũng chính vì nó mà con người đang tự hủy hoại tương lai và sự sống trên hành tinh xanh. Khi ý thức được điều này, con người đã vạch ra thế kỷ XXI là thế kỷ của an ninh lương thực, nguồn nước, và năng lượng trong bối cảnh bảo vệ môi trường sống khi con người đang tự hủy hoại sự sống của mình. 

Việt Nam đang cố gắng phát triển kinh tế trong sự ổn định của chính trị và môi trường. Đó là chiến lược đúng đắn được vạch ra của các nhà làm chính sách, nhưng vì quá chú trọng đến kinh tế, nó đã tạo ra những tha hóa, nên gần đây bộc lộ nhiều vấn nạn môi trường bị xâm thực khó lòng cứu chữa. Bài viết xin trình bày ba vấn đề chiến lược bảo vệ môi trường của một nước đang phát triển như Việt Nam cần có là: giáo dục, xây dựng cơ sở hạ tầng tốt và phát triển nền kinh tế mạnh, bền vững. 

Giáo dục (Education): Khi nói đến giải quyết vấn nạn môi trường do phát triển kinh tế chệch hướng, không thể bỏ quên giáo dục. Giáo dục ở đây là giáo dục kiến thức căn bản về môi trường học (Enviromental science), sinh thái học (ecology), ý thức bảo vệ môi trường sống của cộng đồng cho cả dân trí và quan trí. Chúng ta không thể hô hào bảo vệ môi trường khi dân trí và quan trí thấp được. Không chỉ có ý thức người dân bảo vệ môi trường, mà quan cứ ký kết những hợp đồng đầu tư gây hiểm họa môi sinh. Và quan cũng không chỉ lo bảo vệ môi trường trên bàn giấy, mà quan phải hiểu biết rằng xây dựng cái gì, đầu tư cái gì để phục vụ phát triển kinh tế sẽ không làm hủy hoại môi sinh. Khi đã biết làm việc nào đó sẽ gây hủy hoại môi sinh thì, quan phải biết đòi hỏi nhà đầu tư khi xây dựng việc đó phải đi đôi với xử lý rác thải do việc ấy gây ra. Không những thế, quan cũng phải biết chọn lựa nhà đầu tư có tâm và có chuẩn quốc tế để bảo vệ môi sinh. Hãy cứ nhìn giữa 2 công ty sản xuất bột ngọt được đầu tư của nước ngoài tại Việt Nam: VedanAjinomoto là thấy tất cả mọi vấn đề: ý thức và chuẩn quốc tế của nhà đầu tư, quan trí trong ký kết, kiểm tra, đánh giá môi sinh của 2 nhà đầu tư, dân trí và ý thức khi làm đơn kiện Vedan, v.v...

Giáo dục ở đây phải bắt đầu từ tuổi cắp sách đến trường bằng những bài công dân giáo dục. Giáo dục ở đây là luật lệ từ Quốc hội phải được người dân và quan chấp hành nghiêm minh. Ai làm sai phải bị luật pháp nghiêm trị. Chúng ta không chỉ biết hô hào bảo vệ môi trường khi môi sinh đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng, trong khi người dân cứ thản nhiên phá rừng. Còn quan thì cứ cấp phép và làm ngơ. Giáo dục phải từ các phương tiện truyền thông đại chúng. Không thể vì đi tắt đón đầu trong mọi lĩnh vực, trong đó có giáo dục mà để lại thảm họa môi sinh. Giáo dục là sự nghiệp trăm năm, giáo dục không nên đi tắt đón đầu. Xây nhà cần có móng, thì giáo dục cần đi từ những kiến thức căn bản để làm nền tảng cho mọi việc. Trong đó môi trường và sinh thái học không thể thiếu để nâng dân trí và quan trí để tạo ra một dân tộc có thế giới quan và nhân sinh quan biết tự bảo vệ môi trường mà họ đang sống. Phải áp dụng luật nghiêm trị những ai có tắc trách với những dự án đầu tư hủy hoại môi sinh, để răn đe và giáo dục những quan công đường làm gương cho giáo dục môi sinh.

Những khu đô thị mới qui họach thiếu cây xanh, công viên

Xây dựng cơ sở hạ tầng tốt (Infrastructure): Một đất nước muốn phát triển bền vững và lâu dài về kinh tế, không thể không có một hệ thống giao thông, cầu cống tốt. Một thành phố được đánh giá là đẹp, xanh, sạch không phải vì những khối bê tông cao, to choáng hết không gian sống của cây xanh. Mà một thành phố được đánh giá chuẩn quốc tế là thành phố đó được đánh giá trên chuẩn giao thông, cống rảnh, cây xanh và không khí, tiếng ồn đúng chuẩn. Lâu nay chúng ta đã có một thời là anh nhà quê với mái tranh, vách đất, đóng cửa bảo nhau, dù nghèo nhưng môi trường sống lại còn tốt. Nhưng khi mở cửa giao lưu với thế giới văn minh, chúng ta đã choáng ngợp với những khối bê tông chọc trời, cửa rộng thênh thang. Chúng ta đã giống như anh nông dân được tiền giải phóng mặt bằng, không biết làm gì với số tiền ấy, chỉ biết sắm xe, sắm nhà mà quên đi làm cống thoát nước cho nhà mình, quên đi những lũy tre, bóng đa, bờ dậu một thời đã tạo nên môi sinh trong lành cho cuộc sống.

Một đất nước có môi trường sống tốt, nếu không có kênh rạch, hệ thống cấp thoát nước tốt. Một cộng đồng có môi sinh tốt không thể không có một hệ thống xử lý rác và chất thải đúng chuẩn. Phải có chiến lược xây dựng công trình làm sạch nước thải và tái sử dụng được nước thải, nạo vét kênh mương, giao thông đô thị không ùn tắc và trồng cây xanh cho đường phố, tạo nhiều công viên bằng cách dãn dân các vùng đô thị. Chứ không phải lấp đầm lầy và kênh mương để làm khu nhà ở, để rồi thành phố ngập sau những trận mưa, những đợt thủy triều bình thường mà chơi chữ là "triều cường".

Phát triển kinh tế mạnh và vững bền (Economy): Khi nói đến giữ gìn môi sinh tốt không thể được đặt trên một nước kém phát triển như Việt Nam được. Vì chúng ta sẽ không thể xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ cho môi trường sống, nếu không có tiền! Thế thì tiền từ đâu ra, và phải biết sử dụng đồng tiền ấy một cách hiệu quả mới là vấn đề cần bàn. Tiền từ đầu tư FDI, từ dân, từ kiều hối, từ kinh doanh, từ thuế và từ những khai thác tài nguyên trong những năm qua chúng ta đã huy động hết tiềm năng chưa? Đã được sử dụng cho phát triển kinh tế trên nền tảng giữ sạch môi sinh chưa? Rõ ràng với cái chết của những con sông Thị Vải, Trà Khúc, Tô Lịch, v.v... và những thành phố ngột ngạt với khói bụi, tiếng ồn, nạn kẹt xe, ngập úng triền miên trong những năm qua, như TPHCM, Hà Nội, v.v... Chúng ta đã góp phần vào hủy hoại môi sinh do đầu tư không đúng vì dân trí và quan trí chưa đủ để chuẩn bị cho hội nhập.

Nhưng tại sao Hàn Quốc cách đây 40 năm họ không có tiền sau nội chiến Bắc - Nam Hàn, mà ông Park Chung Hee, một chính khách được cho là độc tài, thoát thai từ quân đội như ở ta, ông đã làm nên một Hàn Quốc xanh, sạch, đẹp và có nền kinh tế đứng hàng thứ 13 thế giới như ngày nay? Nếu ông không là một nhà yêu nước chân chính, và ông không có những người giúp việc giỏi hơn ông thì có được một Hàn Quốc mạnh không? Đó là một câu hỏi lớn mà chúng ta cần suy nghĩ.

Và tiền vững mạnh và bền không có thể ngoài một nền kinh tế vững bền dựa trên một nền chính trị động nhưng chắc chắn để cho kinh tế phát triển, chứ không thể là một nền chính trị ổn định một cách ù lỳ không biết thay đổi để kinh tế suy yếu như hôm nay.

Tóm lại, để giải quyết vấn nạn môi trường ở một nước đang phát triển như Việt Nam hiện nay cần phải có một chiến lược song hành xem giáo dục là nền tảng, kinh tế là quyết định và xây dựng cơ sở hạ tầng là vấn đề chính cho chiến lược phát triển dưới sự lèo lái của một lãnh tụ yêu nước thương nòi chân chính. Ba vấn đề lớn này phải được hiểu đúng, chúng bổ sung và là những vấn đề tham gia vào giải quyết những cặp phạm trù nhân quả, ngẫu nhiên tất nhiên, chung riêng và vật chất ý thức với lòng yêu nước chân chính, cho công cuộc làm sạch không chỉ môi trường sống mà cho cả vệ sinh trí não dân tộc lâu dài.

Không nên vì phát triển kinh tế mà phải bán môi trường sự sống của dân tiộc bằng mọi giá.

Asia Clinic, 12h16' Chúa nhật, 08/8/2010

Đăng nhận xét

0 Nhận xét