Ngày đăng: [Sunday, April 04, 2010]
KỲ I: NỖI ĐAU KHỔ CỦA CHÍNH PHỦ VÀ NHÂN DÂN MỸ
Ai cũng dễ dàng thấy rằng trong hơn 60 năm qua, mỗi khi đảng Dân chủ lên ngôi ở nước Mỹ, thì vấn đề quan trọng và bức thiết đầu tiên là việc chấn chỉnh hệ thống bảo hiểm y tế nước Mỹ. Thời ông Bill Clinton hay thời bây giờ ông Obama cũng thế. Thế nhưng tại sao đảng Cộng Hòa không quan tâm đến chuyện này? Tại sao ông Clinton đắc cử 2 nhiệm kỳ nhưng không thực hiện được? Và tại sao ông Obama phải liên tục 2 lần hoãn chuyến thăm các nước Đông Nam Á trong tháng 3/2010 như đã vạch định để ở lại nước Mỹ lo cho xong cuộc vận động 2 viện thượng hạ hoàn tất cho xong kế hoạch cải tổ y tế nước Mỹ? Mặc dù chuyến đi đến 2 nước Indonesia và Australia rất quan trọng trong vấn đề hợp tác an ninh, quốc phòng, thương mại quốc tế đối với nước Mỹ và khu vực cũng như toàn cầu.
Lướt qua một chút về chủ trương của hai đảng đối lập Mỹ trong chiến lược quốc gia và toàn cầu. Ở Mỹ, nói đúng hơn là 2 trường phái(đây là từ mà tôi sẽ dùng xuyên suốt bài viết) Cộng Hòa và Dân Chủ. Vì đảng ở Mỹ là niềm tin chứ không cần ai phải làm đơn xin vô, đóng đảng phí và họp hành chi bộ liên tu bất tận như các đảng thuộc của thế giới cánh tả. Chúng ta hãy tưởng tượng đảng ở Mỹ như đạo Phật. Ăn chay, ở chùa, tụng kinh, niệm Phật hay ở nhà ăn mặn, tu tâm, không đi chùa cũng là đạo Phật, miễn sao có niềm tin vào Phật tánh là theo đạo Phật. Các đảng của Mỹ cũng thế, có đi họp cũng được, không họp cũng được, miễn sao tin là được.
Ở Mỹ có 3 trường phái: Trường phái Dân Chủ còn được gọi là trường phái cấp tiến(liberal). Trường phái Cộng Hòa được gọi là trường phái bảo thủ(conservative). Trường phái thứ ba là trường phái độc lập(independent). Trường phái độc lập rất quan trọng, khi có sự cam go trong tranh cử, nếu ai kéo được trường phái độc lập về phía mình thì trường phái đó sẽ thắng.
Thế giới bên ngoài nhìn vào nước Mỹ cứ nghĩ rằng nước Mỹ là nơi tội phạm, ăn chơi, trác táng. Nhưng không phải thế. Nếu ai đã từng đi Mỹ, đã từng quan sát một cách thấu đáo thì sẽ thấy truyền hình Mỹ không bao giờ cho phép quảng cáo thuốc – dược phẩm, ngay cả quảng cáo bia cũng chỉ được phép cầm ly bia đưa qua, đưa lại mà không được uống. Thế mới thấy hết nước Mỹ rất còn bảo thủ, nhưng điều bảo thủ này là đúng, nó đã giúp nước Mỹ có một trật tự tốt của một xã hội cho dùng súng tự do.
Cái bảo thủ của Mỹ là tư duy bảo thủ của trường phái Cộng Hòa áp đặt từ các tư tưởng của các ông trùm tài phiệt. Ngay cả cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2008, giữa bà Hillary Clinton và ông Barack Obama trong cùng một trường phái Dân Chủ đến hồi gay cấn, thì trường phái Dân Chủ buộc phải mời bà Hillary để thương lượng rút lui. Vì họ biết lần này chắc chắn Dân Chủ sẽ lên ngôi, sau khi Cộng Hòa đã phá nát kinh tế Mỹ và toàn cầu làm mất lòng dân Mỹ và thế giới còn lại. Nhưng quan niệm Mỹ vẫn còn bảo thủ 2 điều quan trọng: Người Mỹ chưa quen với một nữ thủ lĩnh và người Mỹ luôn đổi mới, họ khó chấp nhận chồng đã là tổng thống thì vợ sẽ là tổng thống. Dù gia đình Clinton là gia đình kiệt xuất và vì nước Mỹ trong nữa cuối thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI, khi họ luôn là đầu tàu kéo lê sự ù lỳ và tự mãn của các thế hệ Mỹ sau khi Mỹ là cường quốc số một thế giới. Trong khi đó, các châu lục khác việc một nữ thủ lĩnh là chuyện đã và đang có từ hơn nhiều thập niên qua. Điều bảo thù này là sai, nhưng sai trong một chừng mực cho phép.
Trường phái Dân Chủ, chủ trương một bộ sậu lãnh đạo tài năng xuất chúng. Nếu tổng kết tất cả 44 đời tổng thống Mỹ, trong đó có các đời tổng thống thuộc trường phái Dân Chủ thì xuất thân nghèo và tài năng đi lên. Họ có tư duy phóng khoáng trong các vấn đề về xã hội, ví dụ như cho phép phá thai, nhà nước phải tách ra khỏi tôn giáo, bình đẳng các chủng tộc, chăm lo giáo dục toàn dân, tăng tiền học bổng cho giáo dục, etc… Họ chủ trương đối nội bằng cách đưa kinh tế đi lên hùng mạnh qua việc tạo công ăn, việc làm cho người trung lưu và tầng lớp lao động. Nâng cao trợ cấp xã hội, dịch vụ y tế cho người già và người neo đơn. Giảm chi phí quốc phòng, tránh hao tốn tiền bạc vì sử dụng quốc phòng trong ngoại giao. Ngoại giao của trường phái Dân Chủ là chiến lược “bàn tay sắt bọc nhung”. Mọi vấn đề ngoại giao họ trao cho Liên hiệp quốc. Vũ lực chỉ là biện pháp cuối cùng khi đàm phán không có lối thoát. Nên hầu hết các tổng thống đi lên từ trường phái Dân Chủ rất có tài hùng biện. Các tổng thống Dân Chủ có thể uốn ba tấc lưỡi làm thay đổi một quan niệm của một cộng đồng. Tôi còn nhớ các sinh viên học viện an ninh Việt Nam đã từng vỗ tay liên tục khi ông Bill Clinton thăm Việt Nam năm 1994 và phát biểu tại hội trường Ba Đình, nhưng không cần giấy cầm tay. Ông còn lẩy Kiều trong dạ tiệc với các nguyên thủ Việt Nam mừng xóa cấm vận kinh tế của Mỹ áp đặt đới với Việt Nam .
Ngược lại, trường phái Cộng Hòa chủ trương một chính quyền có bộ sậu chỉ huy yếu. Mọi quyền hành dồn hết sự quyết định của từng tiểu bang. Chính quyền chỉ giữ quốc phòng, an ninh, tình báo phục vụ cho ngoại giao bằng vũ lực, nước Mỹ phải lãnh đạo Liên hiệp quốc. Tôn sùng tôn giáo, đại diện rõ nhất là các nhóm tài phiệt theo trường phái Cộng Hòa nắm giữ FED(Federal Reserve System) còn cho in câu: “In God, We trust” trên đồng Mỹ kim. Họ khắt khe hơn trong các việc cấm phá thai, cấm phim giải trí không lành mạnh, không chấp nhận người đồng tính luyến ái, v.v… Giáo dục thì nền tảng là mỗi gia đình, chính phủ không chi tiêu cho giáo dục. Họ ủng hộ người giàu trong việc giảm thuế để người giàu tạo công ăn việc làm cho xã hội.
Đó là cái nhìn chung cho 2 trường phái lớn thay nhau nắm quyền hầu hết các nhiệm kỳ tổng thống Mỹ. Thực ra, trong mỗi trường phái còn chia ra nhóm bảo thủ, trung dung và phái tả. Ví dụ như phái bảo thủ của Dân Chủ thì ngoại giao hơi giống Cộng Hòa. Nhóm trung dung của Dân Chủ thì rất uyển chuyển trong đối ngoại, nếu thương thuyết không thành sẳn sàng dùng vũ lực, đại diện như Bill Clinton. Nhóm tả khuynh của Dân Chủ thì chống chiến tranh, chống các công ty Mỹ mở chi nhánh ở nước ngoài, v.v…chỉ lo đối nội. Ngược lại bên Cộng Hòa cũng chia 3 nhóm: nhóm bảo thủ, nhóm hữu, nhóm cấp tiến. Đại diện nhóm bảo thủ của Cộng Hòa là hai cha con ông Bush. Đối ngoại bằng vũ lực để đập phá thế giới. Nhưng chung qui: Cộng Hòa đập phá thế giới, Dân Chủ xây dựng nước Mỹ bằng những hợp đồng và chiến lợi phẩm đập phá thế giới của Cộng Hòa. Cộng Hòa và Dân Chủ của Mỹ như cặp vợ chồng đồng sàng, đồng mộng, nhưng khác cách làm cho một mục tiêu nước Mỹ phú cường và số 1 thế giới.
Nói như thế để thấy rằng tuy có 3 trường phái, nhưng đến nay Cộng Hòa vẫn là trường phái chiếm ưu thế ở nước Mỹ. Vì hầu hết các ông trùm tài phiệt Mỹ đều là người theo trường phái Cộng Hòa. Họ quyết định sự cường thịnh về mọi mặt của nước Mỹ và thế giới còn lại. Qua đó họ cũng không ít tham nhũng trong các hệ thống công ích xã hội Mỹ. Trong đó có hệ thống bảo hiểm y tế Mỹ. Năm 2009, tổng GDP toàn nước Mỹ có 14.260 tỷ USD, nhưng chỉ riêng bảo hiểm y tế đã chiếm mất chi phí công của chính phủ Mỹ hết 17%. Trường phái Dân Chủ cho rằng chính các hãng bảo hiểm y tế tư nhân của các tập đoàn tài phiệt của các gia đình JP Morgan, Rockfellers, v.v… những người nắm giữ 53% cổ phần của FED, đã duy trì một hệ thống quản lý bảo hiểm y tế kém hiệu quả để kiếm phần tham nhũng hàng trăm tỷ USD mỗi năm, góp phần vào sự thâm thủng ngân sách quốc gia Mỹ. Chỉ phần thâm thủng ngân quỹ của bảo hiểm y tế thôi, nó đã chiếm 50% thâm thủng chính sách công của nước Mỹ. Thế mới biết tại sao các tổng thống Dân Chủ luôn canh cánh trong lòng chính sách cải tổ y tế Mỹ, trong đó chính sách bảo hiểm y tế là ưu tiên số một.
Và sự đấu tranh không khoan nhượng của một số tổng thống thuộc trường phái Dân Chủ và Cộng Hòa cấp tiến trong hơn hai trăm năm qua đã để lại những vết nhơ không rửa được khi các đời tổng thống có quan điểm cấp tiến phải nhận cái chết vì những cải tổ của mình làm ảnh hưởng đến quyền lợi của các nhóm tài phiệt nắm thị trường tài chính và toàn cầu. Ví dụ như: Andrew Jackson(TT thứ 7, thuộc Dân Chủ, 1829-1837, bị ám sát hụt), Abraham Lincoln(TT thứ 16, thuộc Cộng Hòa, 1861-1865, bị ám sát), John F. Kenedy(TT thứ 35, thuộc Dân Chủ, bị ám sát).
Còn nhớ đời tổng thống Clinton , ông là người mang lại sự cường thịnh cho nước Mỹ với tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất mọi thời đại. Ông đã cố gắng uyển chuyển để được lòng các phe cánh tài phiệt nước Mỹ để ở lại 2 nhiệm kỳ(1992-2000), bà Hillary vợ ông lèo lái quá trình cải cách hệ thống y tế giảm bớt thâm hụt ngân sách quốc gia. Nhưng cũng không làm được. mặc dù bộ sậu của ông Clinton không thiếu người có tâm và có tầm như phó tổng thống Al Gore, người vừa nhận giải Nobel Hòa bình năm 2007, nhờ vào công trình về bảo vệ sự hủy hoại môi sinh.
Đến ông Barack Obama, đã 2 năm vận động cải tổ y tế Mỹ, nhưng đã hai lần báo chí đưa tin là hạ và thượng viện Mỹ đồng ý cải tổ, nhưng vẫn ách lại giờ chót. Lần này, ông phải hoãn chuyến đi củng cố niềm tin thế giới hồi giáo và Châu Á để lo cho xong cuộc vận động quốc hội Mỹ thông qua cải cách y tế. Ông còn lên truyền hình ABC tuyên bố rằng: “Ông thà làm tốt chỉ một nhiệm kỳ thôi, hơn là phải làm 2 nhiệm kỳ, nhưng tầm thường” trước ngày ông đọc thông điệp liên bang hồi cuối tháng 01/2010. Theo tin mới nhận được tối nay, ngày chúa nhật, giờ Washington, hạ viện Mỹ vừa mới thông qua dự luật cải cách y tế của ông với tỷ số sít sao: 219 phiếu thuận trên 212 phiếu chống, trong khi ở ngoài tòa nhà hạ viện với hàng tít “Kill the Bill” và “Health Care Bill” biểu tình chống lại dự luật cải tổ y tế của dân chúng đe dọa chỗ ngồi của các vị nghị sĩ. Obama đã nhận lỗi với các vị nghị sĩ nước Mỹ là ông đã không giải thích rõ cho dân chúng biết đây là một dự luật có lợi cho người dân nghèo nói riêng và toàn dân Mỹ nói chung. Và ông cũng nói rằng lịch sử cải tổ ngành y nước Mỹ hơn 100 năm qua không có lúc nào thuận lợi hơn lúc này, vì các nghị sĩ Dân Chủ chiếm đa số. Nhưng còn cửa ải thượng viện, không biết có bị ách lại như hồi cuối tháng 12/2009 hay không? Hãy chờ xem.
BS Hồ Hải, viết xong 15h45’ ngày 22/3/2010. Đăng trên Tạp chí Tia Sáng số ngày 05/4/2010
0 Nhận xét