AI XÂY MÓNG CHO GIÁO DỤC VIỆT XUỐNG DỐC HÔM NAY?

Ngày đăng: [Friday, September 10, 2010]
Có nhiều người khi nói đến giáo dục Việt Nam, chỉ nhìn vào sự xuống dốc trong hiện tại, mà không nhìn rõ nền móng của sự sụp đổ của ngày hôm nay nó bắt đầu từ khi nào? Nếu cứ nhìn sự xuống dốc trong hiện tại và đổ thừa cho các vị chức sắc nền giáo dục trong hiện tại gây ra thì đó là cảm tính và không khách quan. Vì theo lý thuyết vận hành của triết học, một sự sụp đổ trong hiện tại đều tiềm ẩn trong quá khứ một tư tưởng và hành động sai với lý luận và thiết kế. Đặc biệt, một nền giáo dục của một quốc gia không thể nói sự suy đồi trong hiện tại chỉ trong chốc lát được. 

Về mặt chủ thể nền giáo dục Việt Nam suy đồi hôm nay vì nó đã phải bắt nguồn từ những thiết kế giáo dục sai lầm do thiếu hiểu biết trước đây. Còn đối với người thực hiện thiết kế ấy sai đường, và người học cũng tham gia vào để đẩy nền giáo dục vào chỗ tối tăm.

Về mặt khách thể, chúng ta đã để cho các đối tác giáo dục không vì tâm huyết mà vì lợi nhuận tham gia là đối tác liên kết. Trong đó, những đối tác này họ không sống được với ngay trên quê hương họ, và ở nước ta nó là mãnh đất màu mỡ để sinh sôi nẩy nở. Ngòai ra việc xã hội hóa giáo dục đã quá vội vàng để cho các thành phần trục lợi xen chân vào hơn là những người tâm huyết với giáo dục nước nhà thực tâm làm giáo dục.

Thế thì thời điểm nào? Ai là người phải chịu trách nhiệm với những suy đồi giáo dục hôm nay? Đặc biệt giáo dục đại học.

Ngược dòng thời gian từ lúc chúng ta bắt tay vào đổi mới. Chính phủ lúc đó, đứng đầu ngành giáo dục là ai? Như một bài viết của tôi về E-learning và trò hề của các nhà khoa học Việt, thời điểm bắt đầu đặt nền móng cho giáo dục bậc đại học trực tuyến là năm 1996! Nếu tôi nhớ không nhầm và thông tin không sai thì người cầm con lái ngành giáo dục nước nhà lúc ấy là bộ trưởng Trần Hồng Quân nhiệm kỳ 01/3/1990 đến 29/9/1997. Hiện ông là chủ tịch hiệp hội các trường đại học ngòai công lập.

Sau đó là ông bộ trưởng đã về hưu nhưng còn muốn xin tiền ngân sách để đi tu bổ tiếng Anh ở Anh quốc: Nguyễn Minh Hiển, thêm một nhiệm kỳ 9 năm 12/6/1997 - 23/6/2006. Mười sáu năm với hai vị thượng thư ngành giáo đủ để xây móng, đắp thành, dựng cầu bắt cho con dường giáo dục đổ dốc.

Thời kỳ ấy là thời kỳ giai đọan đầu của đổi mới, tranh tối, tranh sáng. Sau một thời kỳ dài đóng cửa bảo nhau, ngành giáo dục Việt chói lòa với ánh sáng giáo dục các nước tiên tiến. Các giáo sư, tiến sĩ trong nước, một số lớn tuổi được đào tạo thời Pháp, chủ yếu biết tiếng Pháp, và họ cũng có tuổi, tiếng nói của họ không còn có trọng lượng sau đổi mới. Tôi còn nhớ ngày ấy một vị cố giáo sư đáng kính của trường Y, hiệu trưởng Trương Công Trung đi họp về cải cách giáo dục về ông chỉ biết lắc đầu than thở: "Hai mươi năm nữa giáo dục nước nhà sẽ vào cơn bỉ cực". Lời người quá cố nay thành sự thật, mới thấy hết cái tiên tri của những con người nặng lòng với đất nước. Người thì bây giờ đã thành thiên cổ, nhưng sự việc hiện thực như câu nói ấy chỉ mới hôm qua.

Bài viết ngắn này chỉ để có cái nhìn khách quan và đúng với thực trạng giáo dục nước nhà. Nếu trách hôm nay thì nên nghĩ đến những gì đã xây dựng ngày hôm qua. Đây không phải là phát súng bắn và quá khứ để mai sau con cháu bắn vào hiện tại bằng đại bác. Mà là để có cái nhìn khách quan cho những khó khăn cho các vị đương nhiệm ngành giáo dục vài năm gần đây, dù họ đã rất cố gắng làm hết mình để giáo dục tốt hơn. Nhưng lực bất tòng tâm, vì móng, tường và con đường đổ dốc đã quá kiên cố. Muốn nó thay đổi tốt hơn lại phải có người đủ tâm, đủ tầm lại xây móng, dựng tường, xây đường, bắt cầu và phải mất ít nhất vài thập kỷ thì mới trở lại trạng thái bình an của trước 1990, chưa thể nói tốt hơn thời đó.

Xây dựng giáo dục là sự nghiệp trăm năm, nhưng để đập đổ nó chỉ cần vài chục năm. Ai biết bổ sung thêm danh sách.

Asia Clinic, 12h58' ngày thứ Sáu, 10/9/2010

Đăng nhận xét

0 Nhận xét