AI CŨNG CÓ THỂ LÀM BÁC SĨ, DƯỢC SĨ

Ngày đăng: [Tuesday, March 23, 2010]

Bác sĩ giành quyền bán thuốc cho người bệnh. Còn dược sĩ học lóm theo toa hướng dẫn để kiêm luôn nghề bác sĩ. Dân thì tự ý kê toa ra y lệnh dược sĩ bán thuốc cho mình tự điều trị.
Mấy hôm trước, báo chí có ghi nhận về cái chết của một cháu bé. Thấy cháu bé sốt và mệt, gia đình tự đi mua thuốc uống nhưng bệnh không hết mà có dấu hiệu xuất huyết sau vài giờ uống thuốc. Sau đó, nhà thuốc lại tự chỉ định truyền dịch cho cháu làm cháu tím tái, co giật và sau vài giờ không ổn mới chuyển vào bệnh viện. Sau năm ngày nhập viện thì cháu chết. Nhà thuốc đó không có giấy phép kinh doanh và ông chủ nhà thuốc chỉ có bằng y học cổ truyền.
Qua câu chuyện này, tôi thấy có hai vấn đề cần quan tâm liên quan đến ngành y tế Việt Nam.
1. Chưa có hiệp hội ngành y
Theo Quyết định số 11/2007 của Bộ Y tế, đến 31-12-2010, các nhà thuốc được bán thuốc mọi loại khi có ba điều kiện tối thiểu sau đây: 1. Phải có kho chẵn để dự trữ thuốc, kho lẻ để bán thuốc lẻ và phải có phòng lạnh để bảo toàn thuốc dưới sự hủy hoại của ánh sáng, nhiệt độ. 2. Chỉ được bán theo toa bác sĩ. Dược sĩ bậc đại học không được tự tiện bán theo ý mình hay ý của bệnh nhân khai bệnh. 3. Nhà thuốc phải có phòng tư vấn dược và có dược sĩ bậc đại học túc trực để giải thích và hướng dẫn người bệnh dùng thuốc theo toa bác sĩ.
Các nhà thuốc không đủ ba điều kiện trên chỉ được xem như một cửa hàng tạp hóa bán các loại thực phẩm chức năng.
Thế nhưng ở các tỉnh phía Nam, cho đến giờ chỉ có TP.HCM là bắt đầu thực hiện ngưng cấp lại giấy phép cho những nhà thuốc không đủ tiêu chuẩn quy định. Còn lại một số tỉnh, thành vẫn còn cấp giấy phép cho dược sĩ trung học đứng tên và đứng bán thuốc. Chính điều này đã tạo kẽ hở trong quản lý thuốc và sử dụng thuốc ở các nhà thuốc bán lẻ. Như nhà thuốc trong câu chuyện cháu bé bị chết đã nói ở trên, không có giấy phép mà chỉ có ông lương y Đông y nhưng muốn bán và muốn dùng gì thì dùng cho người bệnh.
Bệnh nhân sẽ an tâm hơn khi mua thuốc ở những hiệu thuốc có đủ chuẩn GPP  (ảnh minh họa) . Ảnh:HTD



Nguyên nhân của vấn đề này là do việc quản lý y tế của ta quá ôm đồm. Ở các nước tiên tiến, việc quản lý chuyên môn và đạo đức ngành y, dược do tổ chức độc lập nắm vững chuyên môn và y đức quản lý. Tổ chức này do hiệp hội các thầy thuốc và dược sĩ bầu chọn trong những người có tay nghề cao, có đạo đức bậc thầy, có kinh tế vững chắc nên khó bị tha hóa. Kết luận của họ về chuyên môn và đạo đức nghề sẽ được cơ quan tư pháp và hành pháp thực thi. Tổ chức này còn có quyền yêu cầu tước bằng bác sĩ, dược sĩ hay lương y.
Thiết nghĩ nhà nước ta cần nghiên cứu quản lý ngành y theo hướng này nhằm giảm tải quản lý cho nhà nước, giảm bộ máy cồng kềnh mà lại làm đúng chức năng quản lý vĩ mô.
2. Bất kỳ ai cũng làm bác sĩ được
Rất lạ là ở nước ta ai cũng muốn làm bác sĩ. Hầu hết những bệnh nhân hiểu biết càng kém càng muốn tự làm bác sĩ. Không nói đâu xa, tại phòng khám của tôi mỗi ngày có ít nhất vài người vào chỉ định tôi phải làm cái này để chẩn đoán họ đau bụng, nhức đầu; phải truyền dịch để trị họ bớt mệt mỏi.
Khi tôi không làm mà giải thích cho họ là phải khám bệnh mới biết làm xét nghiệm gì truyền dịch có cần thiết hay không thì họ quay ra mắng tôi là vô lương tâm.
Đáng lưu ý là ở miền Nam trước giải phóng, 100% nhà thuốc theo chuẩn GPP. Không có nhà thuốc nào không có dược sĩ đại học và họ chỉ bán theo toa bác sĩ.
Có lẽ giai đoạn bao cấp, không cho tư nhân hoạt động doanh thương và phân tuyến quá ngặt nghèo trong quản lý y tế đã tạo ra tình trạng này. Khi đó, bác sĩ phải mở  phòng mạch chui tại nhà, bán thuốc chui theo từng bọc; không lấy tiền khám mà chỉ tính tiền lời trong bán thuốc. Khi nhà nước cho mở nhà thuốc tư nhân, bác sĩ lại giành quyền bán thuốc cho người bệnh của dược sĩ theo thói quen. Do vậy, dược sĩ buộc lòng phải cạnh tranh sai đường là học lóm theo toa hướng dẫn để kiêm luôn nghề bác sĩ. Còn người dân nghèo thì cũng học lóm theo toa bác sĩ. Không cần biết bệnh gì, chỉ thấy bệnh của mình giống giống bệnh của bà hàng xóm thì đưa ngay cái toa của mình cho bà hàng xóm đi mua thuốc mà dùng. Một số người bệnh hiểu biết chút ít Internet thì vào kiểm tra trên mạng Google tự làm bác sĩ cho mình.
Bây giờ sửa cả hai vấn đề trên thì vô cùng khó nhưng nếu quyết tâm thì không có gì không làm được. Mỗi bác sĩ, dược sĩ, lương y làm đúng chức năng của mình ắt xã hội sẽ trở lại bình thường. Người dân lúc đó sẽ phải nghe lời thầy thuốc. Tiêu chuẩn GPP không phải không thực hiện tốt và quản lý y tế sẽ trở nên đơn giản hơn.
Asia Clinic, 8h08' ngày 23/3/2010

Đăng nhận xét

0 Nhận xét