AI CẬP: TẠI SAO VẬY?

Ngày đăng: [Saturday, January 29, 2011]
Cuộc đời tôi trải qua nhiều giai đoạn, trong những giai đoạn đó, làm thuê có, làm chủ có. Bây giờ ngồi lại suy niệm về những gì đã qua, thấy có nhiều việc để viết ra như một tổng kết về xã hội học.

Ở giai đoạn làm thuê, tôi đã từng chứng kiến có những vị làm sếp cả cuộc đời. Họ làm sếp ngay từ lúc mới xong tấm bằng đại học đến lúc về hưu. Nhưng họ không bao giờ chịu về hưu. Muốn họ về hưu phải có sự đổi chát. Nhưng dù sau "nỗi đau đổi chát", họ vẫn còn hoài niệm họ vẫn là sếp. Mỗi sáng đến giờ làm việc, họ vẫn đi làm, vẫn vào cơ quan và ngồi vào một phòng - được gọi là phòng của chủ tịch cố vấn. Không ai quan tâm đến họ, không ai chào hỏi, không còn ai nhìn họ bằng sự nễ sợ, mà chỉ còn ánh mắt thương hai. Nhưng họ vẫn tiếp tục sống kiểu sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về dưới ánh mắt thương hại của nhân viên cũ của mình và dưới cái nhìn: "ông/bà ấy tâm thần rồi"!

Một nền văn minh nhân loại cũng vậy, phát triển rực rỡ rồi cũng lụi tàn. Song sự phát triển ấy trường tồn hay lụi tàn là do đâu? Có phải vì quy luật của vạn vật là vậy - không tránh khỏi? Hay là vì con người làm ra sự phát triển rực rỡ và, cũng chính con người làm nên sự lụi tàn? Đó là vấn đề đặt ra làm ta phải suy nghĩ.

Ai dám bảo nền văn minh Ai Cập cổ đại cách đây hơn 5.000 năm không phải là nền văn minh thuộc vào vĩ đại của loài người với những Kim Tự Tháp vĩnh hằng? Thế mà hôm nay, nếu ai quan tâm đến thế sự toàn cầu đều thấy Ai cập đang đứng bên bờ nội loạn và suy tàn, dù vị tổng thống Hosni Mubarak có dẹp bỏ thông tin internet!

Câu chuyện Ai Cập thời hiện đại bắt đầu từ ngày 18 tháng 6 năm 1953. Ông tướng Muhammad Naguib lên làm tổng thống nước Cộng Hoà Ai Cập ra đời. Nhưng vẫn giữ lề thói cai trị đất nước kiểu một Quân Vương, - của dòng tộc Muhammad Ali thân phương Tây - nên bị buộc phải từ chức 1 năm sau đó. Đến lược tướng Gamal Abdel Nasser lên làm quyền tổng thống và sau đó 2 năm được bầu làm tổng thống lãnh đạo Ai Cập đến ngày từ trần -  1970 - bằng con đường đưa đất nước Ai Cập đi theo chủ nghĩa xã hội - với cái gọi là chủ Nghĩa Nasser theo Liên Xô cũ. 

Sau khi ông Nasser qua đời thì Anwar Sadat kế vị, ông này bỏ đường lối xã hội chủ nghĩa và Liên Xô cũ để theo Hoa Kỳ, nhưng rồi ông Sadat cũng bị ám sát sau 11 năm nắm chính quyền  - 1981 - Vì lý do  dân Ai Cập cho rằng ông Sadat ký thỏa ước hoà bình với Israel để chuộc lại bán đảo Sinai từ cuộc chiến Yom Kippur vào năm 1973, và tăng cường đàn áp thế giới hồi giáo, một hành động bị cho là phản bội lại thế giới Hồi giáo. Người kế vị ông Sadat là tổng thống hiện thời của Ai Cập: Mohammad Hosni Mubarak - một phó tổng thống xuất thân từ tướng không quân. 

Kể từ ngày thành lập nước Cộng Hoà Ai Cập hiện đại đến nay, ông Hosni Mubarak là vị tổng thống ngự trên ngai vàng lâu nhất - 06/10/1981 đến nay - Ông trải qua chiến thắng 5 kỳ bầu cử. Ông là người đưa ra hiến pháp Ai Cập về việc tranh cử đa đảng và đa ứng cử viên cho chiếc ghế tổng thống Ai Cập và chế độ bán Tổng thống - tức là quyền hành cai trị đất nước được chia đôi giữa tổng thống và thủ tướng.

Nhìn bề ngoài, về hiến pháp của Ai Cập là dân chủ, nhưng kèm theo hiến pháp ấy, cũng chính ông Hosni Mubarak lại soạn ra một luật lệ nghiêm ngặt để hòng loại trừ các thành viên đứng ra ứng cử để tranh cử với mình. Nên suốt 5 kỳ tranh cử tổng thống, chỉ có một mình ông là ứng viên độc diễn. Dù là, chế độ bán tổng thống, nhưng hầu như quyền hành từ quân đội đến chính trường do ông nắm giữ. Nên Ai cập dù tuyên bố là một nước Cộng Hoà đa nguyên, song chỉ có đảng Dân chủ Quốc gia của ông nắm quyền trong gần 31 năm qua. Và chế độ Ai cập hiện nay được xem là một chế độ quân phiệt.  Cả quân đội và an ninh đều đứng về ông Mubarak.

Một trong những ứng viên nổi tiếng bị mất quyền tranh cử với ông Mubarak là ông Ayman Nour (Ayman Abd El Aziz Nour), năm 2005 ông nổi lên như một tài năng ở tuổi 40, nhưng rồi cũng bị loại  vì một lý do đơn giản là tham nhũng và vào tù, trong cuộc chạy đua tranh cử tổng thống lần thứ năm của ông Mubarak bị xem là gian lận.

Sự thể Ai Cập tại sao đang đi theo một hình thái đa nguyên, thân Mỹ, và có địa chính trị quan trọng giao thương của các lục địa Phi-Âu và Á, nhưng xa các cường quốc,. Với dân số khoảng 79 triệu, sống trên diện tích hơn 3 lần diện tích nước ta. Dân Ai Cập có thu nhập bình quân đầu người là 3570usd/năm, mà lại rơi vào tình cảnh hiện nay?

Câu chuyện không chỉ đơn thuần chính quyền quân phiệt của Ai Cập hiện nay đã tạo ra những bất đồng. Mà vì gần đây ông Mubarak muốn truyền ngôi cho con trai của mình khi tuổi của ông đã vượt qua thượng thọ bát tuần. Như bài viết gần đây của tôi - Công hữu, tư hữu và hình thái xã hội loài người - Mọi chuyện bắt đầu từ bản chất của loài người. 

Khi sự tư hữu quyền lực đã được toàn quyền và quyền lực ấy chuyển từ hình thái những nhóm quyền lợi sang hình thái quyền lợi nhóm thì mọi việc bắt đầu đi vào suy thoái. Hãy ngẫm mà xem. Đây chính là nguyên nhân của mọi vấn đề không chỉ của Ai Cập, mà còn cho bất kỳ nơi đâu trên quả đất này. Vì không riêng gì Ai Cập, mà cả một loạt nước vùng Trung Đông đang ở trong tình trạng giống như Ai Cập gồm: Tunisia, Jordan, Lybia và có thể cả Algeria. Ngay cả Hoa Kỳ cũng không thoát khỏi suy thoái khi quyền lợi nhóm thay thế cho những nhóm quyền lợi!

Độc lập tự chủ cũng là một khái niệm cần quan tâm, mặc dù khái niệm này bây giờ ranh giới rất mong manh. Dù hùng cường, nhưng không độc lập và tự chủ như Ai Cập đã từng theo Liên Xô, bây giờ theo Hoa Kỳ cũng không thể giải quyết được vấn đề nội chiến, khi quyền lợi nhóm đã xâm phạm đến quyền lợi của quốc gia dân tộc.

Câu chuyện này mới làm chúng ta thấy cái vĩ đại của ngài tổng thống đầu tiên của nước Mỹ - George Washington - ông cũng xuất thân từ một nhà quân sự, nhưng sau khi lập nên nước Mỹ và nắm giữ ngai vàng, ông đã biết thoái vị và đưa vào hiến pháp của nước Mỹ số nhiệm kỳ được tranh cử và tại vị của người cầm đầu nước Hoa Kỳ.

Asia Clinic, 14h44', ngày thứ Bảy, 29/01/2010

Đăng nhận xét

0 Nhận xét