Ngày đăng: [Friday, October 23, 2015]
Nhiều năm qua, trên phương tiện truyền thông đại chúng, và sự hiểu biết của dân ngoài ngành Y, cùng 1 số dân trong ngành Y vì thiếu hiểu biết, nên tin rằng có di họa sau chiến tranh do chất độc màu da cam của Hoa Kỳ để lại, đã được chứng minh gây ra dị tật, quái thai ở Việt Nam. Thực tế nó như thế nào, tôi xin hầu cộng đồng bài này, như là một lần viết để rồi không nên nhắc nó lại.
Hình 1: Thùng phuy chứa chất Dioxin - thuốc diệt cỏ - cung cấp vào Việt Nam năm 1968 do các công ty hóa chất của Hoa Kỳ cung cấp
Gọi là chất độc màu da cam là vì, chất Dioxin đựng trong những thùng phuy có sơn màu da cam các công ty sản xuất hóa chất Hoa Kỳ cung cấp, phải đựng trong thùng sơn màu cam là màu quy định đánh dấu độc chất. Nó là thuốc diệt cỏ, bột màu trắng làm rụng lá cây được quân đội Hoa Kỳ dùng trong chiến tranh Việt Nam, nhằm phá những tán rừng có du kích và quân đội Bắc Việt ẩn trú.
Hình 2: Agent Orange là tên của một hóa chất làm rụng lá do Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam. Lực lượng quân đội Mỹ rải chất độc da cam và chất làm rụng lá khác trên các bộ phận của miền Nam Việt Nam và Campuchia bắt đầu vào năm 1962.
Năm 1984, nhân sự kiện phiên tòa của quan tòa Jack Weinstein, một số công ty sản xuất hoá chất đã chi khoảng 180 triệu Mỹ kim cho các gia đình nguyên cáo, mặc dù không thừa nhận có hành động sai trái. Hàng năm, chính phủ Hoa Kỳ chi khoảng 1,5 tỷ USD cho các cựu binh Mỹ tham chiến trong chiến tranh Việt Nam bị ảnh hưởng của chất độc da cam. Từ đó phía chính quyền Việt Nam bắt đầu có ý tưởng thành lập một hồ sơ đi kiện các công ty sản xuất Dioxin đã dùng ở chiến tranh Việt Nam.
Sau đó là một số vụ kiện khác ở Úc, ở Hàn Quốc, Canada về dioxin đã để lại di họa cho các lính viễn chinh của các quốc gia này đã thyam gia chiến tranh ở Việt Nam, nhưng đã không nhận được mối quan hệ giữa chất độc này đối với 11 căn bệnh, bao gồm cả ung thư phổi, ung thư thanh quản cũng như ung thư tiền liệt tuyến, v.v... mà họ đã đưa ra.
Hình 3: BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng và những nhân chứng của mình bị cho là di họa Dioxin
Ở Việt Nam, năm 1990, chủ trì đề tài khoa học ở phía Nam về di họa chất độc màu da cam là BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng - nguyên giám đốc BV Từ Dũ, kiêm đại biểu quốc hội nước CHXHCN Việt Nam. Tôi còn nhớ ngày ấy, theo yêu cầu của bên chủ nhiệm đề tài là mỗi phẫu thuật viên ở BV Chợ Rẫy khi phẫu thuật bệnh nhân, thì lấy khoảng 20gram mỡ để làm nghiên cứu nồng độ chất Dioxin ở người Việt Nam.
Tuy ai cũng phải thực hiện công việc lấy 20gram mỡ trên người bệnh, nhưng đứng về mặt khoa học thuần túy thì, khi phản biện đề tài có khoa học hay không thì ban chủ nhiệm đề tài không chứng minh được những vấn đề đặt ra sau đây:
1. Không chứng minh rằng Dioxin đã rải trong chiến tranh Việt Nam có tác động gây dị tật trên phôi, thai.
2. Không chứng minh được rằng, với nồng độ nào của Dioxin đã được rải trong chiến tranh Việt Nam thì gây ra dị tật hay quái thai.
3. Không chứng minh được những quái thai hay dị tật do chất này đã được dùng trong những năm từ 1961 đến 1971, các cơ quan y tế ở Việt Nam ước tính khoảng 400.000 người đã bị giết hoặc tàn tật, khoảng 500.000 trẻ em sinh ra bị dị dạng, mà trước đó những nạn nhân bị nhiễm hôm nay là chưa bị nhiễm.
4. Không chứng minh được không có bất kỳ nguyên nhân nào khác như: nhiễm siêu vi, uống thuốc không kê toa, nhiễm những thuốc trừ sâu rầy, v.v... khác đã gây ra dị tật hoặc quái thai trên những nạn nhân được cơ quan y tế Việt Nam đem ra kiện trước tòa.
Ông luật sư tường thuật lại việc thưa kiện
Với 4 vấn đề lớn còn tồn đọng đó, mọi hồ sơ pháp y của Việt Nam không có bằng chứng thuyết phục trước tòa, mà chỉ có hình người bị bệnh bại liệt, não úng thủy, hay các dị tật bẩm sinh. Và phái đoàn Việt Nam gồm có 3 người là: Bà Dương Quỳnh Hoa, bà Phan Thị Phi Phi, và ông Nguyễn Văn Quý đã thất bại trong vụ kiện kéo dài trong hơn 15 năm với kết luận như sau:
Ngày 10 tháng 3 năm 2005, cũng chính quan tòa Jack Weinstein thuộc Tòa án liên bang tại quận Brooklyn đã bác đơn kiện, quyết định rằng những đòi hỏi của đơn kiện không có cơ sở pháp luật. Quan tòa kết luận rằng chất độc da cam đã không được xem là một chất độc dưới bị cấm theo luật quốc tế vào lúc Hoa Kỳ dùng nó, ngay cả khi ảnh hưởng không cố ý của những chất này có thể gây ra độc tố đối với đời sống của con người và môi trường họ sống; và rằng Hoa Kỳ không bị cấm dùng nó để diệt cỏ; và những công ty sản xuất chất này không có trách nhiệm về cách sử dụng của chính quyền. Chính phủ Hoa Kỳ, vốn có quyền miễn tố (sovereign immunity), không phải là một bị cáo trong đơn kiện.
Jack Weinstein cho rằng: "Đơn kiện của phía nguyên đơn không dựa trên bất cứ cơ sở nào của luật nội địa của một bang, một quốc gia hay dưới bất cứ hình thức gì của luật quốc tế". Ông cũng cho rằng nguyên đơn Việt Nam đã không không chứng minh được chính chất độc da cam đã gây ra các loại bệnh tật như liệt kê trong đơn kiện của họ, vì cho đến thời điểm đệ đơn kiện, họ vẫn thiếu các nghiên cứu sâu rộng về ảnh hưởng của chất làm phát quang cây cối có tác động xấu đối với sức khỏe con người.
Sau đó ngày 07/4/2005, đoàn luật sư đại diện cho các nạn nhân Việt Nam nộp đơn yêu cầu Tòa kháng án liên bang khu vực 2 ở New York xét xử lại và phủ quyết phán quyết trước đây của chánh án Jack Weinstein. Nhưng, Tòa phúc thẩm Liên bang Mỹ tại New York đã ra phán quyết bác đơn kiện của các công dân Việt Nam, nạn nhân chất độc da cam/dioxin chống các công ty hóa chất Mỹ về việc sử dụng chất độc da cam/dioxin trong chiến tranh Việt Nam. Tòa này đã y án sơ thẩm.
Vì dư luận quốc tế có nhiều ý kiến phê phán phán quyết này của Tòa phúc thẩm Liên bang Mỹ. Nên ngày 18 tháng 3 năm 2008, Đoàn Luật sư Hoa Kỳ và Hội Luật gia Dân chủ quốc tế gồm 10 người đã đến Việt Nam để hỗ trợ về mặt pháp lý cho các nạn nhân trong vụ kiện sắp tới lên Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ.
Nên ngày 6 tháng 10 năm 2008 nguyên đơn tiếp tục nộp đơn thỉnh cầu lên Tòa án Tối cao Mỹ nhưng đã bị tòa án Tối cao Mỹ bác đơn thỉnh cầu của nguyên đơn vào ngày 2 tháng 3 năm 2009.
Sau phiên tòa ngày 02/3/2009 bị bác đơn, Phó chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam, ông Vũ Trọng Kim cho là "Việc tòa án Mỹ từ chối lời thỉnh cầu của các nạn nhân Việt Nam là đã bỏ lỡ cơ hội thể hiện sự công minh của pháp luật và tinh thần yêu chuộng công lý, tôn trọng nhân quyền của nhân dân Mỹ".
Mọi vấn đề kiện cáo chất độc da cam/Dioxin gây ra di họa cho trẻ em và người lớn trong chiến tranh Việt Nam xem như chấm dứt, và không có bằng chứng khoa học nào để chứng minh rằng dioxin gây ra di họa ở Việt Nam.
Thiết nghĩ vấn đề này, những ai chưa hiểu thì cần phải hiểu đúng để đừng nên nhắc tới nó như là một sự “thông thái” thiếu hiểu biết.
Asia Clinic, 17h06’ ngày thứ Sáu, 23/10/2015
0 Nhận xét